Bà bầu bị cảm lạnh khi mang thai thường rất khó chịu, đôi khi lại hoang mang lo lắng rằng liệu điều này có ảnh hưởng đến thai nhi hay không.
Khi bạn mang thai, hệ miễn dịch thay đổi nhằm mục đích bảo vệ thai nhi đang phát triển. Điều này đồng thời cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ bị nhiễm bệnh cảm lạnh hơn. Để hiểu rõ hơn về vấn về này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mách bà bầu cách hạn chế nguy cơ cảm lạnh
Bạn không thể tự bảo vệ mình khỏi mọi loại virus gây bệnh cảm lạnh. Thế nhưng, nâng cao sức đề kháng là một trong những cách hạn chế nguy cơ bị cảm lạnh trong thai kỳ. Cụ thể, mẹ có thể tăng cường miễn dịch bằng những cách sau:
1. Ăn uống hợp lý
Bạn nên ăn thực phẩm lành mạnh như trái cây tươi, rau và thực phẩm không qua tinh chế. Việc ăn thức ăn đa dạng sẽ cung cấp các khoáng chất và vitamin có tác dụng chống oxy hóa, giúp bạn chống lại nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, việc uống nhiều nước lọc, trà thảo dược hoặc nước trái cây cũng rất có ích cho cơ thể bạn. Những thức uống này sẽ giúp môi trường bên trong cơ thể luôn trong trạng thái tốt, đồng thời tăng lượng vitamin và khoáng chất. Bạn nên cố gắng hạn chế các loại thức uống có chứa caffeine hoặc chứa nhiều đường.
Trường hợp bạn dự định uống viên vitamin bổ sung trong thời kỳ mang thai, tốt nhất là nên trao đổi với bác sĩ vì nếu bạn ăn nhiều loại thức ăn lành mạnh thì cơ thể bạn hầu như đã được cung cấp đầy đủ các loại vitamin.
2. Nghỉ ngơi đầy đủ, đúng cách
Trong trường hợp bà bầu bị cảm lạnh, hãy cố gắng nghỉ ngơi cho đến khi thấy khá hơn và hạn chế stress ở mức tối thiểu. Bạn nên tập một số bài tập cải thiện khả năng tuần hoàn máu để giúp cơ thể bạn chống lại các bệnh nhiễm trùng.
3. Không hút thuốc
Bạn hãy bỏ thói quen không tốt này vì thuốc lá không chỉ cản trở hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể bạn mà còn rất có hại cho thai nhi. Do đó, bạn nên tìm mọi cách để từ bỏ thuốc lá ngay nhé!
Bà bầu bị cảm lạnh nên làm gì? Cách chữa cảm lạnh cho bà bầu
Bà bầu bị cảm lạnh sẽ cảm thấy rất khó chịu với các triệu chứng sau:
- Đau họng
- Ho
- Nghẹt mũi
- Đau đầu
- Sốt nhẹ.
Cách điều trị bệnh cảm lạnh tốt nhất là để cho cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ mỗi khi mệt mỏi và uống nhiều nước để giữ cho cơ thể luôn đủ nước. Bạn cũng có thể thử các bài thuốc thảo dược an toàn để làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh, ví dụ như:
- Nếu bạn bị nghẹt mũi, hãy xông với hơi nước nóng. Bạn chỉ cần cho 2–3 giọt tinh dầu khuynh diệp vào một bát nước nóng rồi xông hơi là giảm tình trạng tắc nghẽn. Ngoài ra, bạn có thể bật vòi hoa sen nóng và ngồi trong phòng tắm khoảng 10 phút cũng là một phương pháp vô cùng hiệu quả
- Để làm thông mũi bị nghẹt vào ban đêm hoặc khi không thể xông hơi, bạn hãy hít dầu khuynh diệp. Bạn cũng có thể thử sử dụng kẹo ngậm có chứa menthol (bạc hà)
- Nếu bị đau họng hoặc ho, bạn có thể pha mật ong và chanh với nước ấm để uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua thuốc ho hoặc siro có chứa glycerin và mật ong. Thuốc viên ngậm giảm đau họng cũng rất hiệu quả.
Bà bầu bị cảm lạnh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
Bị cảm lạnh khi mang thai thường sẽ không ảnh hưởng đến em bé. Cảm lạnh nằm trong danh sách những bệnh nhẹ được xử lý bởi hệ thống miễn dịch tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, nhiệt độ và nhiễm trùng của người mẹ có thể ảnh hưởng đến em bé. Nếu một phụ nữ mang thai đang bị sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khác, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức để được điều trị một cách an toàn.
Khi nào mẹ cần đi khám bác sĩ?
Cơ thể đối phó với cảm lạnh trong khi mang thai theo cách tương tự như đối phó với cảm lạnh bất cứ lúc nào. Các triệu chứng là tạm thời, và trong hầu hết các trường hợp, cảm lạnh sẽ hết trong vòng 2 tuần.
Nếu một phụ nữ mang thai gặp các triệu chứng như sốt trên 39 ° C, ho ra chất nhầy màu vàng hoặc xanh hoặc các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Với những phương pháp đơn giản mà vô cùng hiệu quả, mong rằng các mẹ bầu có thể dễ dàng tự chữa bệnh cho mình và cảm thấy thoải mái hơn trong những tháng thai kỳ nhé!
Có thể bạn quan tâm
[embed-health-tool-due-date]