backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tử cung ngả sau: 8 điều chị em nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 09/11/2020

    Tử cung ngả sau: 8 điều chị em nên biết

    Hiện tượng tử cung ngả sau tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu kèm theo viêm nhiễm vùng chậu, khả năng sinh sản hoặc quá trình mang thai của bạn có thể gặp nhiều vấn đề.

    Có rất nhiều điều có thể xảy đến với cơ quan sinh sản của bạn, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát. Nhiều chị em đôi khi nắm rất rõ các dấu hiệu khó chịu của hội chứng buồng trứng đa nang hoặc lạc nội mạc tử cung nhưng một vài tình trạng lại cần chú ý nhiều hơn bởi sẽ không dễ để phân biệt, chẳng hạn như tử cung ngả về phía sau.

    1. Tử cung ngả sau là gì?

    Tử cung ngả về phía sau là tình trạng tử cung (dạ con) thay vì nghiêng về phía trước và dựa vào bàng quang thì lại nghiêng về phía sau và dựa vào trực tràng. Có khoảng 25% phụ nữ mắc phải tình trạng này. Việc dạ con ngả về phía sau có thể chỉ là hiện tượng tự nhiên và không cần điều trị gì nếu không gây đau đớn hay biểu hiện gì khác.

    2. Triệu chứng của tử cung ngả sau

    Một số phụ nữ có dạ con ngả về phía sau không biểu hiện triệu chứng gì nên không biết mình gặp phải tình trang này. Trường hợp có những triệu chứng dưới đây, bạn có thể đang có tử cung ngả sau:

    • Đau ở âm đạo hay lưng dưới khi quan hệ tình dục
    • Đau khi hành kinh
    • Khó khăn khi sử dụng tampon
    • Tiểu lắt nhắt hay cảm giác căng tức bàng quang
    • Nhiễm trùng tiểu
    • Tiêu tiểu khó tự chủ
    • Bụng dưới phình lên.

    3. Nguyên nhân của tử cung ngả sau

    Một vài nguyên nhân của hiện tượng tử cung ngả về phía sau gồm:

    • Hiện tượng tự nhiên: Thông thường, tử cung sẽ nghiêng dần về phía trước khi bạn trưởng thành, nhưng thỉnh thoảng điều này không xảy ra và dạ con nghiêng về phía sau.
    • Dính: Hiện tượng dính xảy ra khi một mô sẹo làm kết dính bề mặt hai cơ quan với nhau. Phẫu thuật vùng bụng, chậu có thể khiến dạ con dính với trực tràng phía sau, dẫn đến tử cung ngả về phía sau dựa vào trực tràng.
    • Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là sự phát triển của các tế bào nội mạc nằm ngoài tử cung. Những tế bào này có thể dẫn đến hiện tượng tử cung ngả về phía sau bằng cách kết dính bộ phận này với những cấu trúc khác trong khung chậu.
    • U xơ: Những khối u nhỏ nhưng không phải ung thư có thể khiến bộ phận sinh sản này dễ bị ngả về phía sau hơn.
    • Mang thai: Dạ con được giữ đúng vị trí bởi các dây chằng. Quá trình mang thai có thể khiến các dây chằng này căng giãn quá mức và khiến tử cung ngả dần về sau. Trong nhiều trường hợp, tử cung sẽ trở về vị trí bình thường sau khi sinh em bé, nhưng thỉnh thoảng hiện tượng này không xảy ra.

    4. Bất thường khi quan hệ tình dục

    Trong đa số trường hợp tử cung ngả sau, buồng trứng và vòi trứng cũng ngả sau theo. Điều này khiến các cấu trúc trên dễ bị thúc hơn khi “cậu nhỏ’ đưa vào âm đạo trong quá trình giao hợp và có thể gây đau cho phụ nữ, đặc biệt là khi người nữ ở tư thế phía trên. Một số trường hợp giao hợp mạnh sẽ gây tổn thương và rách nhiều dây chằng quanh tử cung.

    5. Tử cung ngả sau có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai không?

    Việc tử cung của bạn ở tư thế ngả sau sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Thông thường khả năng sinh sản bị ảnh hưởng là do một số điều kiện kèm theo như:

  • Lạc nội mạc tử cung
  • Bệnh viêm nhiễm vùng bụng, chậu
  • U xơ tử cung.
  • Lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung có thể điều trị được bằng phương pháp mổ nội soi. Khi được chẩn đoán sớm, bệnh viêm nhiễm vùng bụng, chậu có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Nếu khả năng sinh sản bị ảnh hưởng, bạn có thể áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để có thể có thai.

    6. Tử cung ngả về phía sau ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ?

    tử cung ngả sau

    Hiện tượng tử cung ở vị trí ngả sau thường không ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Tình trạng này có thể tạo nhiều áp lực hơn lên bàng quang trong tam cá nguyệt đầu, khiến bạn khó tiểu hơn hay tiểu không kiểm soát trong khi mang thai.

    Tử cung sẽ mở rộng và thẳng đứng lại khi tam cá nguyệt đầu tiên kết thúc, thường trong tuần thai thứ 10 – 12. Việc này giúp tử cung vượt qua khung chậu và không ngả sau nữa. Thỉnh thoảng, tử cung lại không thể nâng lên được như trên, có thể do bộ phận này bị dính chặt vào khung chậu. Trường hợp vượt qua tam cá nguyệt đầu tiên và tử cung không ngả về phía trước, nguy cơ sẩy thai sẽ tăng lên, nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Khi được phát hiện sớm, tử cung bị dính này có thể được chữa trị sớm, giảm thiểu hay loại bỏ nguy cơ sẩy thai.

    Hãy đến bác sĩ khám ngay nếu khi mang thai, bạn có các biểu hiện sau:

    • Bí tiểu thường xuyên
    • Đau dạ dày hay đau gần trực tràng
    • Táo bón
    • Tiểu không tự chủ (đái dầm)

    Trong tam cá nguyệt thứ ba, tình trạng tử cung ngả về phía sau có thể sẽ không gây ảnh hưởng nhiều, một số người có tử cung ở vị trí này thường sẽ bị đau lưng khi lâm bồn.

    7. Chẩn đoán tử cung ngả sau

    Hiện tượng này của tử cung được chẩn đoán thông qua khám trong âm đạo và siêu âm. Thỉnh thoảng, bạn có thể phát hiện tử cung ngả về phía sau khi làm pap test. Nếu bạn có những triệu chứng như đau khi quan hệ, bác sĩ có thể nghi ngờ bạn đang gặp phải tình trạng tử cung ở tư thế ngã sau và kiểm tra những nguyên nhân thường gặp như u xơ hay lạc nội mạc tử cung.

    8. Điều trị tử cung ngả sau

    Nếu tử cung của bạn ở vị trí ngả sau và gây nên nhiều triệu chứng hay các dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể lựa chọn những biện pháp điều trị gồm:

    • Liệu pháp hormone: Nếu nguyên nhân gây tử cung ngả sau của bạn là do trạng lạc nội mạc tử cung gây ra, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc điều trị bằng liệu pháp hormone.
    • Vòng nâng pessary: Một dụng cụ bằng silicone hay nhựa sẽ được đặt tạm thời hay vĩnh viễn để giúp nâng tử cung về tư thế ngả trước. Tuy nhiên, việc đặt vòng nâng này có liên quan đến nguy cơ viêm nhiễm vùng chậu. Mặt khác, tình trạng đau khi quan hệ cũng không được cải thiện khi đặt vòng nâng, thậm chí gây khó chịu cho bạn tình.
    • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này có thể giúp đưa tử cung về lại vị trí dựa vào phía trước bàng quang. Phương pháp phẫu thuật khá đơn giản và đạt tỷ lệ thành công cao. Trong một vài trường hợp, việc phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể được cân nhắc nếu bạn không mong muốn mang thai nữa.

    Dù hiện tượng tử cung ngả sau thường không gây triệu chứng nguy hiểm gì khi thụ thai hay mang thai nhưng nếu kết hợp với những nguyên nhân như lạc nội mạc tử cung và viêm nhiễm vùng bụng, chậu lại có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Vì thế, hãy đến bác sĩ sản phụ khoa khám ngay nếu nghi ngờ gì nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 09/11/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo