backup og meta

Được chẩn đoán nguy cơ sinh non, mẹ cần biết gì để ngăn ngừa rủi ro?

Được chẩn đoán nguy cơ sinh non, mẹ cần biết gì để ngăn ngừa rủi ro?

Sinh non là một vấn đề rất thường gặp. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu mọi thông tin về tình trạng này bạn sẽ yên tâm và có giải pháp đề phòng, hạn chế rủi ro hiệu quả hơn.

Ngày nay, các bác sĩ sản khoa có thể dự đoán được tình trạng sinh non dựa vào các dấu hiệu và tư vấn cho bạn. Tình trạng này sẽ kiểm soát được nếu bạn phát hiện kịp thời. Trên thực tế, bạn có một thai kỳ khỏe mạnh nhưng vẫn có khả năng sinh non vào những tháng gần cuối. Khi một bà bầu biết có khả năng sinh non, điều đầu tiên có lẽ ai cũng nghĩ đến lý do tại sao và cảm thấy hoang mang. Đừng quá lo lắng và tự trách bởi việc đẻ non là điều có thể xảy ra ở bất kỳ ai và bác sĩ vẫn có thể giúp bạn sinh con an toàn.

Sinh non là gì?

Đây là thuật ngữ đề cập đến tình trạng bé chào đời quá sớm so với dự tính. Nếu chỉ là sớm hơn vài ngày hoặc vài tuần thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn chuyển dạ ở tháng thứ 7 hoặc 8 thì cả mẹ và bé đều sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Sinh non thường được phân loại như sau:

  • Sinh cực non tháng, sinh vào hoặc trước 25 tuần
  • Sinh rất non tháng, sinh khi thai dưới 32 tuần
  • Sinh non vừa phải, sinh từ tuần 32 đến 34
  • Sinh non muộn khi thai từ 33 – 36 tuần.

Nguyên nhân của việc sinh non

1. Bệnh nhiễm trùng vùng kín

Nếu thai phụ mắc bệnh nhiễm trùng vùng kín thì sẽ có nguy cơ sinh non rất cao. Do các vi khuẩn trong cơ thể phát triển làm lớp màng bao bọc thai nhi yếu đi, nên ảnh hưởng đến nước ối. Vì vậy, túi nước ối có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Một số nhiễm trùng thường khiến bạn sinh non gồm nhiễm khuẩn âm đạo (BV) (là một loại nhiễm trùng gây ra khi quá nhiều vi khuẩn nào đó làm thay đổi cân bằng vi khuẩn trong âm đạo). Một số triệu chứng bạn sẽ gặp nếu mắc phải nhiễm trùng này:

  • Cảm giác đau rát khi đi tiểu
  • Dịch âm đạo có màu trắng hoặc màu xám
  • Da ở vùng kín xuất hiện mẩn đỏ.

Một số nhiễm trùng khác mà bạn cũng có thể gặp như Chlamydia, trichomoniosis và bệnh lậu cũng có thể dẫn đến sinh non.

2. Có tiền sử sinh non

Nếu lần trước, bạn đã từng sinh non thì bạn sẽ có nguy cơ trải qua việc này một lần nữa. Bác sĩ sẽ cho bạn thuốc bổ và yêu cầu bạn nghỉ ngơi nhiều để giảm nguy cơ. Trong trường hợp này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn muốn có thêm một bé cưng nữa nhé.

3. Các biến chứng về sức khỏe

Những vấn đề về sức khỏe mà người mẹ gặp phải trong thai kỳ như tiểu đường, huyết áp cao, tiền sản giật hoặc tình trạng đông máu, các vấn đề về tim cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh non. Nếu có biến chứng về sức khỏe, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sinh mổ. Nếu bạn tiếp tục mang thai thêm một vài ngày nữa thì có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.

4. Lối sống ít vận động

Những phụ nữ có lối sống không lành mạnh, nhẹ cân, trước khi mang thai bị suy dinh dưỡng hoặc có các thói quen xấu như hút thuốc, nghiện rượu, bị căng thẳng hoặc lo lắng quá mức cũng có thể dẫn đến sinh non.

5. Mang đa thai

Các bà mẹ chọn phương pháp mang thai thụ tinh trong ống nghiệm hoặc mang thai đôi, thai ba có thể dẫn đến tình trạng này. Khi bạn mang đa thai, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết cách để chăm sóc tốt cho các bé.

de-phong-sinh-non-va-nguyen-nhan-hinh-anh

6. Khoảng cách giữa hai lần mang thai quá ngắn

Nếu bạn thụ thai trong vòng 6 – 9 tháng sau khi sinh thì rất dễ dẫn đến tình trạng sinh non. Phụ nữ cần phải nghỉ ngơi từ 11 – 12 tháng trước khi mang thai lần tiếp theo để tránh cho bé bị các dị tật bẩm sinh, nhẹ cân hoặc sinh non.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sinh non mà không xác định được nguyên nhân. Dù là nguyên nhân gì, các bé sinh non đều phải đối mặt với một số biến chứng về sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm: Dọa sinh non là gì? 5 dấu hiệu dọa sinh non cần nhập viện!

Các rủi ro của bé sinh non

Những đứa trẻ này sẽ có khả năng đối mặt với rủi ro như hô hấp, thính lực, thị lực, nhẹ cân… Ngoài ra, bé cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bại não, thậm chí nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.

1. Hô hấp khó khăn

Vấn đề lớn nhất mà đa số các bé sinh non gặp phải là hô hấp. Phổi là một trong những cơ quan cuối cùng hoàn thiện trong quá trình mang thai. Nếu bé chào đời trước khi phổi phát triển đầy đủ, bé sẽ gặp phải các vấn đề về hô hấp. Những bé chào đời trước 35 tuần thường dễ mắc phải tình trạng này. Nếu không kịp thời cung cấp oxy cho bé, các cơ quan của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng.

2. Các vấn đề về tim

Sót ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp là hai bệnh phổ biến nhất ở trẻ sinh non. Nếu hai bệnh này không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim.

3. Các vấn đề về não

Nếu sinh ra trước 28 tuần, bé có nhiều nguy cơ bị xuất huyết não. Tuy nhiên, đừng quá lo vì tình trạng này có thể điều trị. Thế nhưng, nếu bị xuất huyết quá nhiều, bé sẽ bị tổn thương não vĩnh viễn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não trong tương lai.

4. Không tự điều hòa thân nhiệt

Hầu hết các bé sinh non điều thiếu chất béo. Điều này khiến cơ thể bé không thể tự điều chỉnh thân nhiệt được, dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt. Bên cạnh đó, trẻ sinh non dành hết năng lượng của mình để giữ ấm nên bé sẽ khó tăng cân và phát triển. Đó là lý do tại sao các bé sinh non thường được nuôi trong lồng ấp.

5. Các vấn đề về dạ dày – ruột

Những bé sinh non còn có khả năng bị viêm ruột ngoại tử (NEC). Đây là một tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và thường xảy ra khi bé bắt đầu được cho bú. Trẻ sinh non bú sữa mẹ thường ít bị bệnh này hơn.

6. Vấn đề về máu

Những trẻ sinh non thường có khả năng mắc các chứng bệnh liên quan đến máu như thiếu máu và vàng da. Cả hai vấn đề này đều phổ biến và không cần đến sự can thiệp y khoa quá nhiều.

7. Hệ miễn dịch suy yếu

Trẻ sơ sinh thường có hệ miễn dịch yếu, nhưng bé sinh non lại yếu hơn nữa nên rất dễ đối mặt với các tình huống nguy hiểm. Dù bé chỉ bị một nhiễm trùng đơn giản bạn cũng phải đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức. Đây là lý do tại sao bạn nên để bé ở nhà cho đến khi hệ miễn dịch của bé phát triển tốt hơn.

de-phong-sinh-non-va-nguyen-nhan-hinh-anh-1

8. Bại não

Bại não là một căn bệnh thường gặp ở các bé sinh non. Những bé bị bại não thường có các triệu chứng như mất chức năng ở tứ chi, không có khả năng di chuyển, có các tư thế bất thường do quá trình máu lưu thông lên não kém và chậm cung cấp oxy.

9. Chậm phát triển

Đừng so sánh sự phát triển của bé sinh non với bé sinh đủ tháng. Bé sinh non thường phát triển khá chậm và đôi lúc phải đối mặt với các vấn đề trong học tập và hành vi.

10. Thị giác

Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) là một vấn đề khác mà các bé chào đời trước 30 tuần có thể gặp phải. Bệnh này là do phát triển mạch máu bất thường ở võng mạc mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa.

11. Thính giác

Trẻ sinh non rất dễ gặp phải các vấn đề về thính giác. Do đó, bạn phải kiểm tra thính giác của bé cẩn thận.

12. Các bệnh mãn tính

Trẻ sinh non rất dễ bị các bệnh mãn tính như hen suyễn, các vấn đề về tiêu hóa, hội chứng đột tử, các vấn đề về dạ dày và bệnh nhiễm trùng mãn tính.

13. Tỷ lệ sống sót thấp

Hầu hết các bé chào đời quá sớm so với dự định sẽ được cung cấp chất dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch do bé còn quá non nớt để có thể bú, nuốt và thở cùng lúc. Có khoảng 80% bé sinh non sống sót trong khi số còn lại sẽ dễ tử vong do mắc các bệnh nhiễm trùng.

Các triệu chứng của sinh non là gì?

Bạn hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu có kỳ triệu chứng nào sau đây xảy ra trước tuần thứ 37:

  • Rỉ dịch âm đạo nhiều hơn bình thường. Điều này có nghĩa dịch âm đạo của bạn sẽ trở nên lỏng, nhầy hơn hoặc có lẫn máu;
  • Xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo. Bạn cảm thấy đau bụng, đau quặn giống với đau bụng kinh hoặc đau kèm với những cơn co thắt nhiều hơn bốn lần trong một giờ;
  • Gia tăng áp lực trong vùng xương chậuBạn sẽ cảm thấy đau lưng ở vùng thấp, đặc biệt là có cảm giác đau theo chu kỳ, hoặc trước đây bạn không hề bị đau lưng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị cho trẻ sinh non?

Bác sĩ có thể dùng một số loại thuốc điều trị cho em bé để thúc đẩy sự phát triển và kích thích chức năng bình thường của phổi, tim và tuần hoàn. Tùy thuộc vào tình trạng của bé, thuốc có thể bao gồm:

  • Chất surfactant
  • Thuốc phun hoặc truyền tĩnh mạch để tăng cường hơi thở và nhịp tim
  • Thuốc kháng sinh nếu có nhiễm trùng hoặc nếu có nguy cơ bị nhiễm trùng
  • Các thuốc làm tăng lượng nước tiểu (thuốc lợi tiểu) hỗ trợ cho phổi và hệ tuần hoàn

Khi các biến chứng cụ thể phát sinh, đôi khi bác sĩ cần thực hiện phẫu thuật cho con bạn để điều trị:

  • Vấn đề ăn uống: bằng cách đặt đường tĩnh mạch trung tâm để cung cấp dinh dưỡng tĩnh mạch
  • Viêm ruột hoại tử: cắt bỏ phần ruột bị hư hỏng
  • Bệnh võng mạc sinh non: sử dụng laser để hạn chế sự phát triển bất thường của mạch máu và rủi ro về thị lực
  • Não úng thủy: đặt ống shunt để thoát lưu dịch dư thừa trong não

Đối với vấn đề sinh non có nuôi được không? Bạn không cần quá lo lắng vì bệnh viện vẫn hỗ trợ chăm sóc trẻ sinh non trong thời gian đầu. Các bé sinh non thường được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (NICU) để các bác sĩ và y tá chăm sóc trẻ đúng cách. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, sản phụ và người thân nên nhờ bác sĩ tư vấn, hỗ trợ để giúp trẻ sinh non phát triển khỏe mạnh.

Làm thế nào để giảm nguy cơ sinh non?

  • Trước hết, bạn phải chăm sóc bản thân cẩn thận trong suốt thai kỳ. Khi mang thai, bạn cần có một chế độ ăn uống cân bằng, môi trường sống lành mạnh và tránh bị căng thẳng.
  • Bạn cần khám thai định kỳ hàng tháng để bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe về thể chất, tinh thần và có thể hướng dẫn bạn tốt hơn. Thông thường, những phụ nữ không có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt sẽ dễ rơi vào trường hợp này. Khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng, huyết áp và các bệnh tật khác.
  • Thực tế, nhiều bà bầu thường không quan tâm đến sức khỏe răng miệng khi mang thai. Tuy nhiên, nếu bà bầu mắc các bệnh về răng miệng sẽ rất dễ bị sinh non. Vì vậy, bạn nhớ vệ sinh răng miệng và đi khám răng định kỳ.
  • Hãy đảm bảo rằng chế độ ăn mỗi ngày của bạn có nhiều trái cây và rau xanh. Uống nhiều nước và kiểm soát cân nặng của bản thân.
  • Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục thường xuyên mỗi ngày. Tập yoga cũng làm giảm nguy cơ sinh non. Đi bộ, thiền và một số bài tập khác cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho bạn.

Nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ sinh non cao, hãy nói chuyện với bác sĩ ngay lập tức. Cơ thể bạn luôn có những dấu hiệu rõ ràng. Nếu nghi ngờ bất cứ điều gì, hãy chia sẻ với bác sĩ để có được lời khuyên hữu ích.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Risks Of Preterm Labor And How To Prevent It Naturally http://www.momjunction.com/articles/risks-of-preterm-labor-and-how-to-prevent-it-naturally_00432524/?/ Ngày 16/10/2017

Preterm Labor and Birth — The Basics Explained https://www.webmd.com/baby/understanding-preterm-labor-birth-basics Ngày 16/10/2017

Premature birth

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/symptoms-causes/syc-20376730 Truy cập ngày 23/02/2022

Preterm birth

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/preterm-birth#:~:text=Preterm%20is%20defined%20as%20babies,(32%20to%2037%20weeks). Truy cập ngày 23/02/2022

Preterm Labor and Birth

https://www.acog.org/womens-health/faqs/preterm-labor-and-birth Truy cập ngày 23/02/2022

Phiên bản hiện tại

23/02/2022

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Cận cảnh dấu hiệu chuyển phôi thành công theo từng ngày

Thai bao nhiêu tuần thì sinh an toàn, không được coi là sinh non?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 23/02/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo