Bạn đọc hỏi:
Chào bác sĩ
Vợ tôi mang thai ở tuần 36, bác sĩ khám thai chỉ định mổ chủ động lấy thai trước ngày dự sinh khoảng 2 tuần vì bị huyết áp cao. Xin bác sĩ cho tôi hỏi việc chỉ định mổ lấy thai chủ động sẽ được tiến hành trong những trường hợp nào? Với trường hợp của vợ tôi chờ chuyển dạ mới mổ bắt con có được không ạ? Vì mổ sớm 2 tuần tôi sợ con sinh non chưa đủ cứng cáp, sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng. Cảm ơn bác sĩ!
Ngọc Tuấn Phan, Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Bác sĩ trả lời:
Chào anh Ngọc Tuấn Phan,
Với câu hỏi chỉ định mổ lấy thai chủ động sẽ được tiến hành trong những trường hợp nào, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa và là chuyên gia tham vấn y khoa cho các chuyên mục Sức khỏe phụ nữ, Mang thai của website Hello Bacsi, xin giải đáp như sau:
Trước khi trả lời câu hỏi chỉ định mổ lấy thai chủ động sẽ được tiến hành trong những trường hợp nào, bác sĩ xin đề cập đôi nét về mổ lấy thai, cụ thể hơn là mổ lấy thai chủ động.
Mổ lấy thai chủ động là gì?
Mổ lấy thai là trường hợp lấy thai và nhau thai ra khỏi tử cung qua đường rạch thành bụng và rạch tử cung. Bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của thai phụ và thai nhi khi tiên lượng không thể sinh thường qua ngả âm đạo.
Trường hợp bác sĩ chỉ định mổ lấy thai khi thai phụ chưa chuyển dạ được gọi là chỉ định mổ lấy thai chủ động.
Mổ lấy thai có nguy cơ, tai biến gì hay không?
Không phải cứ mổ lấy thai là an toàn, mổ lấy thai cũng tiềm tàng các nguy cơ, tai biến nguy hiểm. Vì thế bác sĩ sẽ chỉ chỉ định mổ lấy thai khi thật sự cần thiết.
Cuộc mổ lấy thai có thể gặp các tai biến như:
- Tai biến gần: Nhiễm trùng, chảy máu không cầm, tai biến do phẫu thuật (chạm phải các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột, khâu phải niệu quản…) , liệt ruột, các tai biến do gây mê hồi sức, bung vết mổ…
- Các tai biến về sau như:
- Về phía mẹ: Tăng khả năng mổ lấy thai ở lần sinh sau, gia tăng nguy cơ sản khoa ở lần mang thai sau như: nứt vỡ sẹo mổ cũ, chửa vết mổ, nhau cài răng lược tại vết mổ…, dính ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn trứng…
- Về phía con: Ảnh hưởng bởi thuốc mê, bị chạm thương khi phẫu thuật, hít phải nước ối, suy hô hấp do hội chứng chậm hấp thu dịch phổi…
Vậy mổ lấy thai chủ động sẽ được tiến hành trong những trường hợp nào?
Ngày nay, tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng lên, mổ lấy thai cũng có thể gây ra những nguy cơ, tai biến như đã kể ở trên. Vì thế không phải trường hợp nào bác sĩ cũng chỉ định mổ lấy thai. Trong trường hợp thực sự cần thiết, khi không thể theo dõi sinh thường, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn bé thì bác sĩ mới chỉ định mổ lấy thai. Vậy các trường hợp nào thì cần mổ lấy thai? Các trường hợp mổ lấy thai chủ động bao gồm:
- Khi khung chậu của người mẹ bất thường: Nếu thai không phải ngôi chỏm, mà khung chậu bất thường thì đều có chỉ định mổ lấy thai. Còn nếu thai ngôi chỏm, con không to thì phụ thuộc vào bất thường khung chậu mẹ, nếu khung chậu giới hạn, có thể thử thách bằng phương pháp lọt ngôi chỏm, nếu thuận lợi thì có thể sinh thường. Thai ngôi chỏm, nhưng khung chậu hẹp tuyệt đối, hay khung chậu méo thì cần phải mổ lấy thai.
- Đường ra của thai bị cản trở khi sinh thường bởi:
- Khối u tiền đạo: thường hay gặp là u xơ ở eo tử cung hay cổ tử cung, u nang buồng trứng, các khối u khác nằm trên đường thai đi ra, gây cản trở thai nhi.
- Nhau tiền đạo trung tâm hay nhau tiền đạo gây chảy máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ cần mổ cấp cứu lấy thai và cầm máu cho mẹ.
- Có tiền sử mổ cũ ở tử cung: Các sẹo mổ ở thân tử cung như sẹo bóc u xơ, sẹo của phẫu thuật tạo hình tử cung, sẹo khâu chỗ vỡ, chỗ thủng tử cung, sẹo của phẫu thuật cắt xén góc tử cung, sừng tử cung. Ngoài ra là sẹo của phẫu thuật mổ ngang đoạn dưới tử cung (như mổ lấy thai) từ 2 lần trở lên hoặc lần mổ lấy thai trước cách chưa được 24 tháng. Các trường hợp này cần mổ lấy thai chủ động vì sẹo mổ có nguy cơ nứt vỡ trong quá trình chuyển dạ.
- Nguyên nhân từ phía người mẹ:
- Mẹ mắc các bệnh lý mạn tính hoặc cấp tính nếu sinh thường có thể gây nguy hiểm đến tính mạng ví dụ như: bệnh lý về tim nặng, tăng huyết áp, tiền sản giật nặng và sản giật…
- Các bất thường về đường sinh dục người mẹ, bao gồm: bất thường đường sinh dục dưới như: chít hẹp âm đạo, tiền sử mổ rò, mổ sa sinh dục… và các dị dạng của tử cung như: tử cung đôi, tử cung hai sừng… đặc biệt là khi kèm theo ngôi thai bất thường.
- Thai bất thường có nguy cơ tử vong nếu không được đưa ra sớm: Thai bị suy dinh dưỡng hoặc chậm tăng trưởng trong tử cung nặng, hay thai bị bất đồng nhóm máu với mẹ nếu không lấy thai ra thì có nguy cơ thai bị chết lưu.
Ngoài các trường hợp mổ lấy thai chủ động, còn có một số trường hợp mổ lấy thai khi thai phụ đang chuyển dạ, những trường hợp này thường chỉ là các chỉ định tương đối, được bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, quyết định dựa trên tình huống cụ thể.
- Về phía người mẹ: Mẹ mang thai lần đầu từ 35 tuổi trở lên, mẹ mắc các bệnh lý có thể theo dõi sinh thường được nhưng trong quá trình chuyển dạ không thuận lợi, cần sinh mổ.
- Do thai: Thai to hơn 4.000g, ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi mông, ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi mặt cằm sau), đa thai ( thai thứ nhất không phải ngôi đầu), có dấu hiệu suy thai khi đang chuyển dạ.
- Các bất thường, tai biến trong chuyển dạ: Cơn co tử cung bất thường (đã dùng thuốc nhưng không hiệu quả, cổ tử cung xóa mở không phù hợp với cơn co, ra máu vì nhau tiền đạo, nhau bong non, dọa vỡ và vỡ tử cung, sa dây rốn khi thai còn sống…
Ở trường hợp của vợ anh Ngọc Tuấn Phan, thai 36 tuần, mẹ huyết áp cao, thuộc trường hợp chỉ định mổ lấy thai chủ động. Bác sĩ khám thai đã chỉ định mổ lấy thai trước dự sinh 2 tuần, tức khi thai 38 tuần.
Vậy có nên để chuyển dạ mới mổ hay không?
Trở lại với thắc mắc của bạn Ngọc Tuấn Phan là với trường hợp của vợ anh thì có nên chờ chuyển dạ mới mổ bắt con có được không? Bác sĩ xin trả lời anh như sau:
Quá trình chuyển dạ sinh thường, mẹ cần gắng sức nên có thể làm tăng huyết áp, cuộc sinh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Do đó, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai chủ động, tức là sẽ lấy bé khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Đồng thời, việc lấy thai khi thai 38 tuần, lúc này thai đã đủ tuần, đã đủ cứng cáp, khỏe mạnh để sẵn sàng thích ứng với môi trường bên ngoài cơ thể mẹ nên anh cũng đừng lo lắng quá.
Bên cạnh đó, anh nên đưa vợ đi khám thai định kỳ theo dõi phát triển của thai, loại trừ bệnh lý tiền sản giật và điều trị tăng huyết áp và phát hiện sớm các vấn đề khác nếu có. Ngoài ra, anh nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc làm sao để đảm bảo vợ anh có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, hợp lý, cùng một tinh thần thoải mái để sẵn sàng đón bé!
– Anh Ngọc Tuấn Phan và bạn đọc có thể xem thêm các bài viết để hiểu hơn về việc sinh mổ:
Mẹ bầu cần biết gì về việc sinh mổ khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ?
Mẹ sắp gia nhập “team” sinh mổ? Xem ngay cẩm nang những điều cần chuẩn bị cho mẹ và bé!
Sinh mổ bao lâu thì lành? Chăm sóc sau sinh mổ
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-due-date]