Vào giai đoạn cuối thai kỳ, không ít bà bầu bắt đầu nghĩ đến một số điều cần chuẩn bị trước khi sinh. Để tránh vô tình quên đi những việc quan trọng, hãy ghi lại 13 lưu ý sau từ Hello Bacsi nhé.
Sau nhiều tháng mang thai và cẩn thận đủ điều, giai đoạn sắp sinh có thể khiến bạn càng thêm lo lắng rằng liệu bản thân đã chuẩn bị tốt để chào đón bé yêu chưa? Đây là nỗi lo thường gặp của nhiều bà bầu khi bước vào những tuần cuối thai kỳ, đặc biệt là khi đây là lần đầu tiên mang thai.
Vậy mẹ bầu cần chuẩn bị gì trước khi sinh? Để an tâm hơn, bạn có thể xem qua những việc cần làm trước khi sinh dưới đây:
1. Giữ cân nặng phù hợp là điều cần chuẩn bị trước khi sinh
Cần chuẩn bị gì trước khi sinh? Điều đầu tiên bạn cần chuẩn bị trước khi sinh là duy trì cân nặng ổn định, bởi những phụ nữ giữ được mức cân nặng theo khuyến cáo thường sinh nhanh hơn.
Cân nặng của mẹ khi mang thai được giữ ở mức phù hợp sẽ giúp cải thiện sự dẻo dai và đảm bảo mẹ có đủ sức để sinh nở mà không cần sự can thiệp y tế.
Bạn có thể giữ thể trọng cân đối bằng việc áp dụng chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu hoặc chăm chỉ tập luyện thường xuyên theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
2. Tập thể dục
Trong danh sách những việc cần làm trước khi sinh thì tập thể dục đóng vai trò rất quan trọng. Thói quen này không chỉ giúp bạn có được cân nặng phù hợp trước sinh mà còn giúp bạn cải thiện sức khỏe, giảm các triệu chứng khó chịu trong thai kỳ và sinh con dễ dàng hơn. Bạn có thể chọn tham gia các lớp thể dục dành riêng cho mẹ bầu hoặc tự luyện tập các bài tập thể dục cho bà bầu phù hợp nhất với mình.
3. Lập ra danh sách những người có thể giúp đỡ
Tất nhiên chồng bạn sẽ luôn bên cạnh khi bạn sắp sinh, nhưng lúc đó nhất định bạn cũng sẽ cần sự giúp đỡ của người có kinh nghiệm trong những việc chồng bạn không thể làm được. Do đó, khi chuẩn bị kế hoạch sinh con, bạn nên ghi chú lại từng người thân, bạn bè có thể hỗ trợ và công việc cụ thể mà họ có thể giúp bạn là gì. Đừng quên sớm liên lạc với họ để đảm bảo mọi thứ có thể diễn ra theo đúng kế hoạch của bạn.
4. Quyết định cho con bú mẹ hay bú bình
Một trong những điều cần chuẩn bị trước khi sinh là đưa ra quyết định liệu bạn nên cho bé bú bình hay bú mẹ tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của mình. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng trong năm đầu đời, sữa mẹ có thể mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe của bé. Những bé bú mẹ thường ít mắc phải tình trạng nhiễm trùng (đặc biệt là tiêu chảy) và dị ứng ít hơn so với những bé uống sữa bột.
Nuôi con bằng sữa mẹ vừa không tốn kém lại luôn có thể cho bé uống sữa ở nhiệt độ thích hợp mà không cần hâm hay đun bằng các thiết bị đặc biệt. Việc cho bé bú sữa mẹ cũng rất tiện lợi trong trường hợp hai mẹ con đi du lịch.
Dù cho bạn phải quay lại làm việc sớm thì việc cho bé bú sữa mẹ, dù chỉ trong một tháng cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho bé. Sau khi quay trở lại làm việc thì bạn có thể chọn cách cho bé tiếp tục bú sữa mẹ hoặc không, tùy theo nhu cầu của chính bạn.
Bạn có thể cho bé uống sữa bột nếu:
- Bạn quyết định sẽ không cho bé bú sữa mẹ
- Bạn cần chấm dứt việc cho bú nhưng bé vẫn còn nhỏ hơn 1 tuổi
- Bạn cần phải tiếp thêm nguồn dinh dưỡng cho bé bởi nguồn sữa mẹ vẫn chưa được ổn định
5. Chuẩn bị tinh thần trước khi sinh
Với các bà mẹ sinh con đầu lòng, giai đoạn từ khi những dấu hiệu sắp sinh xuất hiện cho đến khi bạn thật sự chuyển dạ có thể kéo dài trung bình từ 12 – 24 giờ. Đối với những lần sinh sau, thời gian này có thể rút ngắn còn khoảng 8 – 10 giờ.
Khi những cơn co thắt tử cung bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy cơn co thắt xuất hiện ở bụng dưới hoặc thấy tê tại vị trí này, lúc đó chính bản thân bạn phải thật bình tĩnh. Việc lo lắng sẽ vô tình khiến bạn chú ý hơn đến những cơn đau, từ đó khiến hơi thở của bạn trở nên vô cùng nặng nhọc.
Vì vậy, một trong những cách giúp sinh con nhanh là bạn cần chuẩn bị tâm lý trước khi sinh. Đừng quá lo lắng, bạn nên cho cơ thể thư giãn bằng cách đi bộ hay đi tắm.
6. Học cách massage
Nếu bạn cảm thấy khó chịu và đau nhức trước khi chuyển dạ, massage có thể giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng này. Massage sẽ giúp giảm đau và giảm lo âu trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ.
Ngoài ra, trong thai kỳ, lợi ích của massage đối với bà bầu cũng khá đa dạng, có thể kể đến như giảm căng cơ, giảm đau đầu, cải thiện giấc ngủ,…
7. Tìm hiểu cách thở khi chuyển dạ
Một lưu ý khác bạn cần chuẩn bị trước khi sinh là tập cách thở khi chuyển dạ. Mẹ bầu hầu như luôn cảm thấy căng thẳng khi sinh con. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lí mà còn có thể khiến bạn mệt mỏi, khó thở và tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng trong quá trình sinh nở.
Do đó, bạn nên cố gắng hạn chế tình trạng này bằng việc tìm hiểu rõ cách thở khi chuyển dạ cũng như cách rặn đẻ dễ dàng. Thở đúng cách sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn và có thể duy trì năng lượng để tập trung vào việc sinh nở.
8. Thức ăn nhẹ cần chuẩn bị trước khi sinh
Đi sinh cần chuẩn bị những gì? Bạn đừng quên những món ăn nhẹ giàu dinh dưỡng trước khi sinh như bánh yến mạch, thanh ngũ cốc, bánh quy, trái cây sấy khô….
Ăn nhẹ trước khi chuyển dạ sẽ giúp mẹ duy trì năng lượng cho cơ thể ở những giai đoạn đầu sắp sinh. Tuy nhiên, bạn cần chú ý tránh thực phẩm béo hoặc quá cứng, khó tiêu hóa vì dạ dày đầy sẽ tạo ra cảm giác buồn nôn và gây nôn khi sắp sinh.
Co thắt cơ và thở nhanh khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, do vậy mẹ bầu cần uống đủ nước khi mang thai và nếu có vào viện đợi sinh, mỗi khi cảm thấy mất nước, mẹ bầu nên nhờ người thân mang nước uống vào.
9. Duy trì tư thế ngồi và đứng
Trong thời gian sắp sinh, bạn nên cố gắng duy trì tư thế ngồi hoặc đứng, vì khi đó trọng lực sẽ kéo thai nhi hướng xuống, đầu của bé sẽ đẩy cổ tử cung giúp cổ tử cung giãn ra. Ngoài ra, bạn có thể ngồi xổm hoặc quỳ gối để cơn đau ở bụng dịu lại, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và quá trình sinh nở cũng dễ dàng hơn.
10. Chuẩn bị tên cho con trước khi sinh
Đầu tiên, bạn và chồng nên trao đổi những cái tên mà hai bạn yêu thích, sau đó tra cứu ý nghĩa của cái tên đó trong từ điển để hiểu rõ về nó. Bạn cũng có thể nhờ ông bà hai bên nội ngoại, bạn bè tư vấn thêm nhưng không nên quá băn khoăn về những gợi ý này, vì suy cho cùng đứa bé là con của bạn và ông xã nên ý thích của vợ chồng bạn vẫn quan trọng nhất.
11. Tìm hiểu cách phục hồi sức khỏe sau sinh
Chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe sau sinh con có thể khiến bạn gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc tình trạng trầm cảm sau sinh. Bạn chắc chắn sẽ rất bận rộn chăm sóc bé yêu mới ra đời, nên hãy dành thời gian trong những tháng cuối thai kỳ để tìm hiểu về cuộc sống, những điều kiêng cữ cũng như cách phục hồi sức khỏe sau sinh. Điều này sẽ giúp bạn sớm thích ứng với cuộc sống mới của gia đình khi có thêm một thiên thần nhỏ.
12. Chuẩn bị tìm người chăm sóc bé lớn trước khi sinh
Một điều bạn cần chuẩn bị trước khi sinh là tìm người giúp bạn chăm lo cho những đứa con khác nếu đây không phải là lần đầu tiên bạn sinh con.
Đừng ngại nhờ sự giúp đỡ từ người thân, gia đình hay bạn bè mà bạn tin tưởng. Nếu bạn quyết định tìm người trông trẻ hay thuê bảo mẫu, hãy xem xét kỹ nhân thân và liệu bạn có đủ an tâm khi giao con cho người mà bạn định thuê hay không.
13. Chuẩn bị đồ trước khi sinh cho mẹ và bé
Quá trình chuẩn bị trước khi sinh chắc hẳn không thể thiếu việc mua sắm vật dụng cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, bạn có thể bối rối khi có nhiều thứ phải mua, hoặc băn khoăn không biết chuẩn bị đồ đi sinh cần những vật dụng gì. Để tránh thiếu sót những đồ dùng thiết yếu khi đi sinh, bạn nên sớm lên danh sách những đồ cần chuẩn bị trước khi sinh, sắp xếp túi đồ đi sinh và hoàn tất việc chuẩn bị này khoảng 1 tháng trước ngày dự sinh. Điều này sẽ giúp bạn không bị lúng túng khi chuyển dạ bất ngờ ở những tuần cuối thai kỳ.
Hiện nay, một số cửa hàng mẹ và bé còn gợi ý sẵn combo dự sinh đầy đủ và tiện lợi, giúp bạn đỡ phải “đau đầu’ lên danh sách các vật dụng cần mua sắm. Bạn có thể tham khảo các combo này để đảm bảo trang bị đủ đồ dùng cần thiết cho quá trình sinh nở và nuôi con.
[embed-health-tool-due-date]