backup og meta

Sai lầm khó thụ thai: "Điểm mặt" 14 lỗi các cặp đôi thường mắc phải!

Sai lầm khó thụ thai: "Điểm mặt" 14 lỗi các cặp đôi thường mắc phải!

Khi vợ chồng bạn đang cố gắng thụ thai, đừng để những sai lầm có thể tránh được này ảnh hưởng đến mục tiêu định sẵn. Dưới đây là những lầm tưởng phổ biến về chuyện khó thụ thai hay khó mang thai mà có thể bạn đang mắc phải.

Nguyên nhân khó thụ thai không chỉ là do vô sinh. Trên thực tế, việc bạn mong chờ đã lâu nhưng vẫn chưa có tin vui có thể là hệ quả của việc phạm phải những quan niệm sai lầm sau. Trong bài viết này, bác sĩ sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung sẽ giải đáp các câu hỏi: Quan hệ nhiều lần nhưng vẫn không có thai? Vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai? Thả nhưng không dính bầu là do đâu? …

1. Quan hệ tình dục không đủ – Nguyên nhân khó thụ thai hàng đầu

Không quan hệ đủ gây khó thụ thai

Có không ít chị em băn khoăn về việc thụ thai không thành công và thắc mắc “tại sao thả mãi không dính bầu”? Có thể bạn nghĩ rằng việc cắt giảm số lần quan hệ nhằm “tích trữ” tinh trùng hoặc chỉ quan hệ nhiều trong thời gian rụng trứng sẽ giúp việc thụ thai diễn ra dễ dàng hơn.

Thực tế, tần suất quan hệ ít có thể là nguyên nhân khó thụ thai mà vợ chồng bạn đang mắc phải. Vì khoảng thời gian dài không quan hệ tình dục có thể làm giảm khả năng thụ thai. Nguyên do là bởi việc “nhịn” xuất tinh trong thời gian dài làm gia tăng số lượng tinh trùng chết, tinh trùng bất động…. giảm khả năng thụ tinh cho trứng. 

Bạn có thể bỏ qua thời kỳ có thể thụ thai nếu chỉ quan hệ tình dục trong thời gian rụng trứng vì ngày phụ nữ rụng trứng có thể khác với ngày mà bản thân bạn dự tính. Do đó, đây có thể chính là đáp án cho các câu hỏi tại sao quan hệ mà không có thai hay vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai.

Hãy thoải mái quan hệ tình dục thường xuyên như bạn thích, đặc biệt chú ý đến việc quan hệ trong một vài ngày trước thời điểm rụng trứng.

2. Quan hệ tình dục quá nhiều: Sai lầm khiến bạn khó thụ thai

Quan hệ tình dục quá nhiều gây khó thụ thai

Chắc hẳn có không ít các cặp đôi thắc mắc: Tại sao quan hệ nhiều lần mà vẫn không có thai? Trái ngược với sai lầm thứ nhất, một số cặp vợ chồng quan niệm rằng quan hệ tình dục càng nhiều sẽ càng dễ thụ thai và nhanh có thai hơn. Tuy nhiên, nhiều hơn không phải là luôn luôn tốt hơn. Vì vậy mà “thả” nhưng không dính bầu cũng là điều có thể xảy ra. Việc quan hệ tình dục thường xuyên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tinh trùng nhưng lại có nguy cơ gây ra không ít các vấn đề sức khỏe.

Nguyên do là việc quan hệ tình dục mỗi ngày hoặc quan hệ nhiều lần trong một ngày có thể khiến cả hai mệt mỏi, kiệt sức. Điều này có thể vô tình làm cho các cặp vợ chồng rơi vào tình trạng quan hệ tình dục ít hơn trước ngày rụng trứng – vốn là thời điểm dễ thụ thai nhất nên đã bỏ qua cơ hội thụ thai. Do đó, tình trạng quan hệ nhiều lần nhưng không có thai là hoàn toàn có thể xảy ra.

3. Quan hệ nhưng không có thai do tư thế quan hệ không thoải mái

Khó thụ thai do<a href=

Vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng vẫn không có thai? Bạn có thể đã nghe rằng áp dụng tư thế giao hợp kiểu truyền thống (người nam nằm trên đối diện với người nữ) hoặc giữ hông của bạn cao sau khi quan hệ có thể giúp dễ thụ thai hơn. Trên thực tế, dù giao hợp ở tư thế nào thì kết quả của các lần quan hệ là như nhau.

Tinh trùng không chịu tác động của trọng lực nên khi tinh dịch được xuất vào âm đạo, tinh trùng sẽ đi trực tiếp vào chất nhầy cổ tử cung và vào trong ống dẫn trứng, bất kể tư thế nào trong quá trình giao hợp.

Tuy vậy, có một số tư thế quan hệ có thể giúp dương vật vào sâu hơn trong âm đạo và rút ngắn khoảng cách di chuyển của tinh trùng đến với trứng. Dù có ý định áp dụng tư thế nào khi quan hệ, điều quan trọng nhất vẫn là cả hai cảm thấy thoải mái.

4. Nguyên nhân khó thụ thai có thể đến từ tuổi tác

Vợ chồng bạn mong có con và rất băn khoăn về việc quan hệ vào ngày rụng trứng nhưng không có thai hay vì sao “thả” nhưng không dính bầu? Nguyên nhân khó thụ thai có thể là do tuổi tác.

Theo các chuyên gia, nếu trên 35 tuổi, khả năng thụ thai và mang thai của bạn đã giảm. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm dần từ tuổi 32 và giảm nhanh hơn ở tuổi 37.

Bên cạnh đó, khả năng sinh sản của nam giới cũng giảm theo tuổi tác nhưng sự sụt giảm diễn ra chậm hơn so với nữ giới. Do đó, nếu rơi vào trường hợp này, để giải đáp cho câu hỏi khó thụ thai phải làm sao, vợ chồng bạn đừng ngần ngại xin tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa nhé. 

5. Chỉ quan hệ trong ngày rụng trứng khiến khó thụ thai

Quan hệ tình dục trong ngày rụng trứng gây khó thụ thai

“Vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai hay quan hệ đúng ngày rụng trứng vẫn không có thai là vì sao?” Câu trả lời sẽ có ngay sau đây! 

Việc sử dụng que thử rụng trứng hoặc đo thân nhiệt và lập biểu đồ hoặc sử dụng các phương pháp tính toán bằng lịch để xác định ngày rụng trứng có thể khiến nhiều người nghĩ rằng quan hệ vào ngày rụng trứng là tốt nhất. Thực tế là việc quan hệ diễn ra vào lúc này để thụ thai có thể đã muộn.

Sau khi rụng, trứng chỉ tồn tại khoảng 24 giờ. Sau khi xuất tinh, tinh trùng mất ít nhất là khoảng 45 phút cho đến 12 giờ di chuyển để có thể gặp được trứng tại vòi trứng. Do đó, việc dự đoán thiếu chính xác về thời điểm rụng trứng và cửa sổ thụ thai có thể là nguyên nhân canh trứng để quan hệ mà không có thai. Lúc này, bạn sẽ phải chờ đợi đến chu kỳ kinh nguyệt sau.

Tinh trùng có thể sống 3 – 5 ngày trong cơ thể người nữ, do đó việc quan hệ trước ngày rụng trứng 1 – 2 ngày sẽ làm tăng cơ hội có thai.

Nhiều người cũng thắc mắc tại sao quan hệ đúng ngày rụng trứng lại sinh con gái? Bạn cần phải biết là việc quan hệ trong ngày rụng trứng không tác động nhiều đến giới tính của bé! Giới tính của bé hoàn toàn được xác định do nhiễm sắc thể mà tinh trùng từ người bố thụ tinh cho trứng.

[embed-health-tool-ovulation]

6. Tính sai ngày rụng trứng – Sai lầm khiến bạn khó thụ thai

Khó thụ thai do tính sai ngày rụng trứng

Bạn mong có con nên luôn canh ngày rụng trứng để quan hệ nhưng kết quả không như ý muốn. Do đó, bạn thắc mắc: “Vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai?” dù đã thực hiện đúng các quy tắc tính ngày rụng trứng trên sách vở.

Thực tế là độ dài chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người khác nhau và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên hiện tượng rụng trứng không phải lúc nào cũng xảy ra tại một thời điểm cố định trong mỗi chu kỳ. Một nghiên cứu cũng cho thấy, cửa sổ thụ thai có thể đến sớm hoặc trễ hơn vào mỗi chu kỳ và chỉ có khoảng 30% phụ nữ có cửa sổ thụ thai đúng như các tính toán lâm sàng. Do đó, tốt nhất bạn nên tìm hiểu rõ về cách tính ngày rụng trứng để áp dụng tính cho trường hợp cụ thể của mình.

Nhiều người nghĩ rằng họ có thể dễ dàng nhận biết được các dấu hiệu rụng trứng. Nếu đúng như chu kỳ của cơ thể, bạn có thể nhận thấy rõ lượng chất dịch âm đạo màu trắng tiết ra có xu hướng tăng lên một vài ngày trước khi trứng rụng, sát ngày rụng trứng chất nhầy trở nên trong dai hơn. Thế nhưng, nhiều người bỏ qua điều này nên vô tình “đánh mất” cơ hội thụ thai.

Do đó, bạn hãy sử dụng que thử rụng trứng để có thể  tham khảo thời điểm rụng trứng. Tuy nhiên phương pháp này đôi khi cũng có sự sai lệch. Có một cách khác là bạn đi siêu âm canh trứng

7. Chu kỳ kinh nguyệt không đều và từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục STDs

Theo các bác sĩ sản phụ khoa: Nếu chu kỳ của bạn ngắn hơn 25 ngày hoặc dài hơn 35 ngày hoặc không đều, đau khi có kinh, kinh nguyệt ra nhiều hoặc đã/đang nhiễm trùng vùng chậu… bạn nên đến gặp bác sĩ sản khoa càng sớm càng tốt.

Nguyên do là phụ nữ có kinh nguyệt không đều thường có nhiều nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), ảnh hưởng đến nồng độ hormone của cơ thể khiến họ khó thụ thai. Trường hợp có chu kỳ kinh nguyệt thưa (chu kỳ trên 35 ngày), bạn sẽ có ít cơ hội thụ thai hơn vì khó tính cửa sổ thụ thai, số trứng của bạn rụng trong một năm sẽ ít hơn so với người có chu kỳ bình thường và chưa kể là trứng rụng nhưng “không đủ chất lượng”.

Trường hợp, có chu kỳ kinh nguyệt đều nhưng không có thai thì không loại trừ nguy cơ là chất lượng trứng kém, tắc ống dẫn trứng, tử cung có vấn đề (bất thường tử cung), không có progesterone để mang thai hoặc chồng bạn không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu.

Do đó, câu trả lời cho thắc mắc vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai, trong trường hợp này, tốt nhất vợ chồng bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân giúp cải thiện cơ hội mang thai.

8. Khó thụ thai luôn được cho là lỗi của phụ nữ

Khó thụ thai được luôn là lỗi của người phụ nữ

Vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai hay tại sao quan hệ nhiều lần mà vẫn không có thai? Câu trả lời là có thể chồng bạn bị tinh trùng yếu hoặc vô sinh. 

Thực tế, việc mong có con đã lâu mà chưa thấy tin vui, một số cặp vợ chồng tự động nghĩ rằng nguyên nhân khó thụ thai nằm ở người phụ nữ. Đàn ông ít khi hoặc không muốn tin là lỗi có thể do tinh trùng yếu hoặc họ gặp phải tình trạng vô sinh ở nam giới.

Khi xuất tinh, cho dù có tinh trùng hay không, đàn ông vẫn nghĩ rằng họ đã làm xong nhiệm vụ của mình, phần việc còn lại là của người nữ, nếu không có thai thì cũng là do người phụ nữ. Đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi nghiên cứu cho thấy, có đến 40–50% trường hợp vô sinh mà nguyên nhân thuộc về nam giới. Điều này lý giải vì sao các cặp đôi quan hệ đều đặn, quan hệ nhiều, quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai.

9. Thói quen không lành mạnh là nguyên nhân gây khó thụ thai

Việc duy trì các thói quen không lành mạnh như hút thuốc, dùng thức uống có cồn, sử dụng chất gây nghiện, lối sống không vận động… có thể làm giảm khả năng thụ thai của cả hai giới.

Theo các chuyên gia sản khoa, để gia tăng cơ hội thụ thai, các cặp vợ chồng nên từ bỏ những lối sống không lành mạnh kể trên. Đồng thời cần giảm lượng caffeine tiêu thụ, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng trong mức hợp lý.

10. Quá nôn nóng tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Quá nôn nóng tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Tại sao quan hệ nhiều lần mà vẫn không có thai, có cần đi khám ngay? Bạn tỏ ra cực kỳ thất vọng nếu sau hai hoặc ba tháng cố gắng mà vẫn không thể thụ thai. Tuy nhiên, bạn không nên quá sốt sắng tìm đến một chuyên gia về sinh sản để khám ngay. Ngay cả trong những điều kiện phù hợp nhất, các cặp đôi không gặp vấn đề gì với sức khỏe sinh sản vẫn có thể mất đến vài tháng mới có thể thụ thai.

Nếu bạn dưới 35 tuổi, có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn và vợ chồng bạn không có vấn đề gì về sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, hãy đợi ít nhất sau 6 tháng – 1  năm rồi mới tìm đến sự giúp đỡ từ bác sĩ.

11. Không tìm đến sự trợ giúp kịp sớm

Không yêu cầu trợ giúp sớm

Vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai? Trong một số trường hợp nếu đang mong con, hãy tìm đến sự giúp đỡ cần thiết sớm hơn thay vì để quá muộn. Nếu từ 35 tuổi trở lên và sau 6 tháng cố gắng nhưng vẫn khó thụ thai, bạn nên đến gặp chuyên gia về sinh sản. Trường hợp bạn trẻ hơn và có kinh nguyệt không đều hoặc có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), từng mang thai ngoài tử cung, viêm vùng chậu (PID) hoặc các vấn đề về sức khỏe sinh sản khác, hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia sớm nhất có thể.

12. Khó thụ thai do dùng chất bôi trơn

Khó thụ thai do<a href=

Một nguyên nhân thụ thai không thành công mà các cặp đôi nên nghĩ tới là chất bôi trơn. Thực tế, chất bôi trơn có thể là “thủ phạm” lý giải tại sao cho tinh trùng vào mà không có thai hay “thả” nhưng không dính bầu. Bởi chất bôi trơn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận động của tinh trùng, làm cho tinh trùng khó đi đến gặp trứng.

Trường hợp buộc phải sử dụng chất bôi trơn, bạn hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ để có thể thử một chất bôi trơn không ảnh hưởng đến tinh trùng. Ngoài ra, nếu bạn muốn dùng chất bôi trơn từ tự nhiên thì dầu ô liu, dầu thực vật hay dầu em bé sẽ là lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn.

13. Stress – Nguyên nhân khó thụ thai rất thường gặp

Mong có con nhưng “thả” mãi không dính bầu là do đâu? Stress cũng có thể xem là một nguyên nhân khó thụ thai nhưng lại thường bị bỏ qua. Nguyên do là tình trạng căng thẳng có thể làm gián đoạn quá trình thụ tinh vì ảnh hưởng đến chức năng của vùng dưới đồi (một tuyến trong não kiểm soát sự thèm ăn và cảm xúc, đồng thời kiểm soát các hormone phụ trách việc phóng thích trứng).

Trong một vài trường hợp, việc rơi vào trạng thái căng thẳng có thể làm gián đoạn và thay đổi độ dài chu kỳ kinh nguyệt làm ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai.

14. Bỏ qua tình trạng sức khỏe tổng quát

Bỏ qua tình trạng sức khỏe tổng quát

Thông thường, khi đang cố gắng có con, các cặp vợ chồng thường quan tâm rất nhiều đến sức khỏe sinh sản mà ít chú ý đến sức khỏe tổng quát.

Lời khuyên là bạn nên chú ý đến sức khỏe tổng quát của mình. Vì những vấn đề như hút thuốc lá, căng thẳng, việc sử dụng thuốc, thừa cân hay thiếu cân đều có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản làm cho các cặp đôi khó thụ thai hơn. Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng mang thai.

Thêm vào đó, trước khi cố gắng thụ thai, bạn và chồng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm sàng lọc trước khi mang thai để thảo luận và đề phòng bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Hy vọng rằng, những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân và người bạn đời, từ đó có thể tìm được giải pháp tốt nhất để cải thiện sức khỏe sinh sản và sớm nhận được tin vui mà bạn luôn mong chờ nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Why Can’t I Get Pregnant? https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/why-cant-i-get-pregnant Ngày truy cập: 17/05/2021

How long does it usually take to get pregnant? https://www.nhs.uk/pregnancy/trying-for-a-baby/how-long-it-takes-to-get-pregnant/ Ngày truy cập: 17/05/2021

Female fertility: Why lifestyle choices count https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/female-fertility/art-20045887 Ngày truy cập: 17/05/2021

Những điều cần biết về mang thai sau tuổi 40 https://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoi-ngoai/san-phu-khoa/nhung-dieu-can-biet-ve-mang-thai-sau-tuoi-40.html Ngày truy cập: 17/05/2021

Getting pregnant can be harder than it looks https://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/features/getting-pregnant-can-be-harder-than-looks#1 Ngày truy cập: 17/05/2021

9 Common Fertility Mistakes When Trying to Conceive https://www.thebump.com/a/10-common-fertility-mistakes Ngày truy cập: 17/05/2021

Phiên bản hiện tại

18/03/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

10 tư thế yoga tăng khả năng thụ thai hiệu quả

Thời gian thụ thai thành công là bao lâu? Câu trả lời từ bác sĩ sản khoa


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 18/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo