Đau bụng khi hành kinh là triệu chứng phổ biến mà hầu như mọi phụ nữ đều gặp. Uống thuốc đau bụng kinh là “lối thoát” được nhiều chị em lựa chọn. Thế nhưng, uống thuốc đau bụng kinh có bị vô sinh không?
Đau bụng kinh là hiện tượng đau bụng dưới khi đến ngày “đèn đỏ” và có thể lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian đau phụ thuộc vào cơ địa của từng người, có người đau mấy tiếng nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến vài ngày.
Thế nhưng, những cơn đau bụng này có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không? Nếu uống thuốc đau bụng kinh có bị vô sinh không? Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây để có lời giải đáp cho những băn khoăn này nhé.
Đau bụng khi hành kinh: Nguyên nhân do đâu?
Tình trạng đau bụng khi hành kinh xảy ra là do khi đến kỳ kinh nguyệt, tử cung căng phồng lên, niêm mạc tử cung dày lên, chèn ép, gây đau.
Bên cạnh đó, để đẩy máu và mô ra ngoài thì cơ tử cung phải co lại. Các cơn co thắt này được kích hoạt bởi hormone prostaglandin, có chức năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, giãn cơ và co thắt. Đây là thủ phạm chính gây đau vùng chậu trong những ngày “đèn đỏ”. Lượng prostaglandin càng cao thì cơn đau bụng càng nghiêm trọng.
Đau bụng kinh thường được chia làm hai loại:
- Đau bụng kinh tiên phát: gây đau nhẹ đến trung bình và thường xuất hiện ở lứa tuổi vị thành niên.
- Đau bụng kinh thứ phát: gây đau dữ dội. Đây có thể là hệ quả của một rối loạn bệnh lý trong hệ sinh sản.
Uống thuốc đau bụng kinh có bị vô sinh không?
Các loại thuốc dùng để điều trị đau bụng kinh phổ biến là các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc naproxen sodium (Aleve). Bạn sẽ được khuyên nên uống 1 ngày trước khi hành kinh hoặc ngay khi cảm thấy đau, sau đó tiếp tục dùng theo chỉ dẫn trong 2 – 3 ngày.
Thuốc ngừa thai cũng có tác dụng giảm đau bụng kinh đến 90%. Cơ chế hoạt động của thuốc ngừa thai là giữ cho hormone ở trạng thái ổn định để không kích sản xuất prostaglandin, từ đó không gây ra cơn đau bụng kinh.
Thế nhưng, uống thuốc giảm đau bụng kinh nhiều có gây vô sinh? Dù hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống thuốc đau bụng kinh có hại không? nhưng tốt nhất bạn chỉ nên dùng khi thật sự cần và khi các biện pháp giảm đau bụng kinh cơ học không mang lại hiệu quả.
Bởi uống thuốc giảm đau bụng kinh thường xuyên sẽ:
- Gây rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết tố cơ thể, dẫn đến các bệnh phụ khoa, làm tăng nguy cơ vô sinh
- Dễ bị phụ thuộc vào thuốc
- Gây ảnh hưởng tiêu cực đến gan, có thể gây tổn thương gan, suy gan
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những tác động tiêu cực của thuốc ibuprofen đối với hệ sinh sản, do đó tốt hơn hết bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Đau bụng kinh cũng có nguyên nhân từ các bệnh lý như viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung… Nếu không đi khám mà tự ý dùng thuốc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản.
Có thể bạn quan tâm: Dấu hiệu không rụng trứng, cảnh báo nguy cơ vô sinh cần sớm nhận biết
Bị đau bụng kinh thường xuyên liệu có bị vô sinh?
Đau bụng kinh có ảnh hưởng đến sinh sản không? là một trong những vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Nếu cơn đau bụng chỉ xuất hiện âm ỉ, thoáng qua trong 1 – 2 ngày kèm theo các triệu chứng như căng tức ngực, mệt mỏi… thì đây chỉ là đau bụng kinh sinh lý và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Còn nếu cơn đau dữ dội, dai dẳng thì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến khả năng mang thai của như:
Viêm vùng chậu (PID)
Cơ quan sinh sản như tử cung, cổ tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng bị nhiễm trùng. Nguyên nhân thường là do mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục (STDs). Tình trạng này có thể gây sẹo cho ống dẫn trứng và buồng trứng, làm cho việc mang thai trở nên khó khăn hoặc dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung (thai nhi phát triển trong ống dẫn trứng).
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà các mô ở trong lòng tử cung phát triển ra bên ngoài tử cung và lấn ra ống dẫn trứng. Những mô phát triển không đúng này vẫn hoạt động như các mô tử cung bình thường, vẫn bị bong ra và chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt.
Uống thuốc đau bụng kinh có bị vô sinh không? Nếu nguyên nhân là do lạc nội mạc tử cung mà bạn không biết và dùng thuốc không đúng, dẫn đến bệnh kéo dài, không điều trị kịp thì có thể dẫn đến vô sinh do niêm mạc có thể nằm ở vòi trứng dẫn đến tắc vòi trứng.
Lạc nội mạc tử cung là một trong những lý do phổ biến nhất gây đau bụng kinh dữ dội. Theo ước tính, có khoảng 100 triệu phụ nữ trên toàn thế giới mắc phải căn bệnh này.
Lạc nội mạc tử cung có thể được chẩn đoán dễ dàng thông qua nội soi. Nếu bạn cảm thấy đau trước hoặc trong kỳ kinh, đau sau khi quan hệ tình dục hoặc gặp một số rối loạn đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nhiều khả năng bạn đang mắc phải căn bệnh này.
Lạc nội mạc trong cơ tử cung (Adenomyosis)
Tình trạng này có phần giống như lạc nội mạc tử cung, nhưng trong trường hợp này, các tế bào của niêm mạc tử cung sẽ phát triển bên trong thành tử cung thay vì trên các cơ quan sinh sản khác. Các triệu chứng phổ biến của bệnh này là đau bụng dữ dội và chảy máu nhiều hơn bình thường trong thời gian hành kinh.
U xơ tử cung và u nang buồng trứng
Khoảng 30% phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 45 tuổi bị u xơ tử cung. Đây là những khối u lành tính, được tìm thấy bên trong hoặc bên ngoài thành tử cung.
U xơ có thể làm biến dạng khung hình của tử cung khiến vòi trứng bị tắc hoặc bán tắc, gây hiện tượng chậm có thai hoặc vô sinh. Bị u xơ tử cung khi mang thai có thể gây sảy thai hoặc sinh non, đặc biệt là khi khối u nằm ở vị trí dưới niêm mạc.
U nang buồng trứng là một khối chứa dịch lỏng nằm trong buồng trứng. Giống như u xơ, u nang buồng trứng đều vô hại và sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu những u nang này có kích thước lớn và xuất hiện ở những nơi như ống dẫn trứng hoặc buồng trứng thì chúng có thể cản trở quá trình thụ thai.
Nếu bị đau bụng dữ dội khi hành kinh, bạn cần phải làm gì?
Với những chia sẻ trên, hẳn bạn đã phần nào có câu trả lời cho câu hỏi uống thuốc đau bụng kinh có bị vô sinh không. Trong trường hợp bị đau bụng kinh dữ dội, tốt nhất bạn nên đi khám.
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên uống thuốc tránh thai nội tiết tố để giảm đau. Tuy nhiên, điều này không được khuyến khích trong trường hợp bạn đang cố gắng thụ thai.
Một số trường hợp sẽ cần phải phẫu thuật để giảm đau. Tuy nhiên, trước khi quyết định, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để biết ảnh hưởng của việc phẫu thuật đến khả năng thụ thai.
Có thể bạn quan tâm: Giải đáp thắc mắc: Uống thuốc tránh thai có bị vô sinh không?
[embed-health-tool-ovulation]