backup og meta

1

Chia sẻ

Zalo

Sao chép đường dẫn

Chuyên gia giải đáp: Bị buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ mắc bệnh gì?

Chuyên gia giải đáp: Bị buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ mắc bệnh gì?

Buồng trứng đa nang có thể xảy ra ở bất cứ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh đẻ. Việc bị đa nang buồng trứng không chỉ tác động xấu đến khả năng sinh sản mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. 

Hội chứng đa nang buồng trứng xảy ra khi buồng trứng có nhiều nang nhỏ. Đây được coi là tình trạng rối loạn nội tiết liên quan đến việc mất cân bằng hormone và kháng insulin ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ. Để có thể giải đáp những thắc mắc như dấu hiệu buồng trứng đa nang là gì, cách chữa đa nang buồng trứng hay bị buồng trứng đa nang có tự khỏi không, bị PCOS  làm tăng nguy cơ mắc bệnh gì… hãy tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau.

Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Nhiều người thường thắc mắc buồng trứng đa nang có tự khỏi không hay cách chữa đa nang buồng trứng dân gian là gì? Trước khi đi tìm lời đáp cho các thắc mắc này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Đa nang buồng trứng (hay còn gọi là PCOS – Polycystic Ovary Syndrome) là một vấn đề xảy ra khi cơ thể người nữ có quá nhiều hormone sinh dục nam trong khi lượng hormone sinh dục nữ không đủ. Điều này khiến sự rụng trứng trở nên bất thường hơn. Nếu không được chữa trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng hormone, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tăng nguy cơ mắc một số bệnh như: tiểu đường, tim mạch và rối loạn chức năng sinh sản.

Khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang, lượng hormone sinh dục nam trong cơ thể người nữ sẽ quá nhiều làm ngăn cản sự rụng trứng khiến trứng chứa đầy trong nang trứng. Nhiều người mắc bệnh này có buồng trứng giãn rộng chứa các cụm nang nhỏ. Nếu nang trứng không phát triển bình thường và việc rụng trứng xảy ra không đúng theo chu kỳ sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hormone nam và nữ trong cơ thể.

Đa phần phụ nữ bị đa nang buồng trứng, cơ thể sẽ phản ứng với đề kháng insulin ngăn không cho đường (glucose) chuyển hóa. Việc điều trị được tiến hành bằng cách bổ sung insulin nhằm đưa đường (glucose) vào tế bào, lưu giữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu cơ thể có chứa quá nhiều insulin, bạn sẽ dễ thèm ăn, dẫn đến tăng cân và sản sinh thêm kích thích tố nam.

Theo các chuyên gia ước tính, hội chứng này làm ảnh hưởng đến khoảng 2,2 – 26,7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trở thành một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến ở phụ nữ. Trong một nghiên cứu có đến 70% phụ nữ mắc PCOS không được chẩn đoán.

Điểm mặt 8 dấu hiệu nhận biết đa nang buồng trứng 

nguyên nhân buồng trứng đa nang

Do sự thay đổi hormone khác nhau dẫn đến những dấu hiệu mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng khác nhau ở từng người. Có tới 80% phụ nữ mắc hội chứng này bị béo phì, thường là béo bụng và hơn 70% phụ nữ có tình trạng lông phát triển nhiều ở mặt, ngực, bụng dưới, lưng hoặc bắp đùi. Sau đây là 8 dấu hiệu phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang:

  1. Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, không đều hoặc kéo dài là dấu hiệu phổ biến nhất của buồng trứng đa nang. Ví dụ, trong một năm, bạn sẽ có ít hơn 9 kỳ xuất hiện “đèn đỏ”. Mỗi chu kỳ kéo dài hơn 35 ngày và xuất huyết bất thường. Kinh nguyệt có rất ít hoặc rất nhiều hoặc có kinh một cách bất ngờ.
  2. Gặp khó khăn trong việc thụ thai.
  3. Có các vấn đề về da như: bị mụn trứng cá, mảng da sẫm màu hoặc vùng da dư thừa ở nách hoặc quanh cổ.
  4. Chứng ngưng thở lúc ngủ.
  5. Mọc lông trên mặt, trên ngực, bụng, lưng hoặc bắp đùi.
  6. Trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng thất thường.
  7. Tăng cân, béo phì.
  8. Tóc mỏng hoặc tóc rụng nhiều.

Điểm mặt 3 nguyên nhân chính gây ra buồng trứng đa nang

Theo các nhà khoa học những yếu tố sau có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng đa nang buồng trứng:

1. Di truyền

Đây là yếu tố có nguy cơ cao nhất khiến bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang. Nếu mẹ, chị gái hoặc em gái của bạn bị buồng trứng đa nang, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này hoặc bị tiểu đường hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ khả năng một số gene nhất định có liên quan với hội chứng này.

2. Kháng insulin hay do rối loạn hội chứng trao đổi chất

Bạn có biết insulin là nội tiết tố quan trọng giúp kiểm soát glucose (đường) trong cơ thể, chuyển hóa đường trong máu vào tế bào. Nếu cơ thể bạn có khả năng kháng insulin nghĩa là các mô trong cơ thể có sự đề kháng với những tác động của insulin, vô tình khiến khả năng sử dụng insulin có thể bị gián đoạn. Do đó, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin nhiều hơn để cung cấp đường cho tế bào. Lượng insulin dư thừa này có thể tác động xấu đến buồng trứng bằng cách tăng sản xuất androgen. Sự gia tăng sản xuất androgen có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng, gây ra tình trạng mụn trứng cá và rụng tóc.

Ngoài ra, khi không được chuyển hóa vào tế bào, đường sẽ được chuyển đổi thành chất béo khiến người bị PCOS tăng cân, béo phì hoặc rất khó giảm cân.

3. Chế độ ăn uống – Kẻ đáng ngờ gây ra đa nang buồng trứng

nguyên nhân đa nang buồng trứng: Chế độ ăn uống

Nhiều giả thuyết nghi ngờ rằng chế độ ăn uống có quá nhiều tinh bột đường cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng đa nang buồng trứng. Trong thực tế, hầu hết người bị PCOS là người thừa cân song những người gầy cũng có nguy cơ. Cơ thể không cân đối, vòng 2 phát phì (béo bụng) là đặc trưng của hội chứng chuyển hóa gây ra bởi sự đề kháng insulin.

Bị buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ mắc bệnh gì?

hội chứng đa nang buồng trứng

Nhiều người thắc mắc bị bệnh đa nang buồng trứng có nguy hiểm không, buồng trứng đa nang có thai được không? Thực tế là khi mắc phải hội chứng này, ngoài nguy cơ vô sinh, bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm như:

  • Tiểu đường: Có khoảng hơn phân nửa phụ nữ bị PCOS mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường trước 40 tuổi. Nguyên nhân do sự rối loạn điều hòa hormone estrogen và lượng insulin trong cơ thể.
  • Cao huyết ápPhụ nữ mắc hội chứng hội chứng này có nguy cơ cao bị cao huyết áp.
  • Cholesterol trong máu cao: Cơ thể người bệnh bị đa nang buồng trứng thường có lượng cholesterol xấu (LDL) nhiều hơn cholesterol tốt (HDL). Điều này dẫn đến nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ cũng tăng cao.
  • Rối loạn ngưng thở khi ngủ: Đây là một rối loạn tạm thời xảy ra khi một người ngừng thở nhiều lần trong khi ngủ. Thông thường những phụ nữ bị đa nang buồng trứng thường bị béo phì hoặc thừa cân nên làm tăng nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Khi mắc đa nang buồng trứng, bạn thường gặp vấn đề rụng trứng, béo phì, kháng insulin và đái tháo đường. Tất cả những điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung (màng tử cung).
  • Trầm cảm và dễ lo âu: Tình trạng này thường thấy ở phụ nữ mắc buồng trứng đa nang.

Phương pháp chẩn đoán

chẩn đoán đa nang buồng trứng

Hội chứng đa nang buồng trứng có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng ở mỗi người sẽ khác nhau. Nếu bạn bị PCOS, các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất trong thời gian ngắn. Đầu tiên, bác sĩ cần phải loại trừ các nguyên nhân khả thi của triệu chứng này, chẳng hạn như vấn đề về tuyến giáp. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn có bị PCOS dựa trên các yếu tố sau:

  • Tiền sử về sức khỏe và chu kỳ kinh nguyệt
  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone
  • Siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo để kiểm tra xem buồng trứng có đa nang và mở rộng hay không.

4 cách điều trị buồng trứng đa nang giúp hỗ trợ sinh sản

Bị buồng trứng đa nang có tự khỏi không hay cách trị đa nang buồng trứng tại nhà hay cách chữa buồng trứng đa nang dân gian… là những thắc mắc rất thường gặp. Theo các chuyên gia sức khỏe, PCOS không thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể đối phó với các triệu chứng. Tùy vào nhu cầu của người bệnh mà bác sĩ sẽ cho phác đồ điều trị thích hợp, như: Điều trị nhằm mục đích điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hay điều trị để mang thai.

1. Cách chữa buồng trứng đa nang: Hãy giảm cân

giảm cân giúp điều trị PCOS

Theo chia sẻ của nhiều chị em phụ nữ cách chữa đa nang buồng trứng dân gian đơn giản và hiệu quả là hãy giảm cân! Bởi nếu bạn bị béo bụng, việc giảm cân giúp ích rất nhiều cho sự rụng trứng, tăng khả năng thụ thai. Khi bạn giảm được khoảng 5 –-7kg, chu kỳ kinh sẽ diễn ra đều đặn hơn, giảm lượng cholesterol, điều chỉnh được insulin trong cơ thể.

Hãy giảm cân bằng cách kết hợp thực hiện một chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít tinh bột đường và vận động hợp lý.

2. Dùng thuốc hỗ trợ sinh sản là cách điều trị buồng trứng đa nang

Cách chữa buồng trứng đa nang bằng thuốc bao gồm những loại thuốc nào hay thuốc chữa đa nang buồng trứng tốt nhất hiện nay là gì? Nếu bạn đang mong muốn có con, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định loại thuốc nào là phù hợp với bạn. Chẳng hạn như:

  • Clomiphene: Nếu bạn đã giảm cân mà chu kỳ kinh vẫn không đều, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc clomiphene – thuốc giúp tăng khả năng sinh sản. Khoảng 80% phụ nữ điều trị với thuốc clomiphene bắt đầu rụng trứng trong vòng 3 tháng đầu tiên. Trong số đó, có đến 30 – 40% phụ nữ mang thai trong lần điều trị thứ 3.
  • Letrozole: Bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng letrozole nhằm kích thích rụng trứng. Loại thuốc này có hiệu quả hơn so với clomiphene trong việc điều hòa sự rụng trứng và hỗ trợ mang thai cho người bị PCOS.
  •  Metformin: Đây là một trong những loại thuốc kích thích sự rụng trứng. Loại thuốc này sẽ có hiệu quả hơn nếu kết hợp với clomiphene hoặc letrozole trong quá trình điều trị PCOS.
  • Gonadotropins: Nếu điều trị bằng các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng gonadotropin. Đây là loại thuốc dạng tiêm nhằm kích thích sự rụng trứng cũng như giúp trứng phát triển. Có đến khoảng 60% phụ nữ mắc PCOS có thai khi được điều trị bằng loại thuốc này.

3. Phương pháp phẫu thuật buồng trứng

Nếu việc điều trị bằng những loại thuốc trên không cho kết quả như ý, lúc này bác sĩ có thể tư vấn cho bạn phương pháp phẫu thuật được gọi là khoan buồng trứng nhằm tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng. Điều này giúp làm giảm mức độ kích thích tố nam và tăng cường sự rụng trứng.

Không giống như thuốc uống hay tiêm, hình thức khoan buồng trứng là phương pháp chỉ điều trị một lần. Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời, nhưng khoảng 50% phụ nữ mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.

4. Thụ tinh trong ống nghiệm

Nếu không có phương pháp điều trị nào phù hợp với bạn để có thể thụ thai thì thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được xem là phương pháp tối ưu. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành lấy trứng và tinh trùng để tiến hành quy trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm.

Sau đó, phôi thai sẽ được đưa vào tử cung của bạn để có thể phát triển thành thai nhi. Tỷ lệ mang thai thành công phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của bạn.

Cách trị đa nang buồng trứng tại nhà: Kiểm soát các dấu hiệu bằng phương pháp tránh thai

sử dụng thuốc tránh thai

Nhiều chị em thường thắc mắc cách trị đa nang buồng trứng tại nhà bằng các phương pháp ngừa thai cụ thể ra sao? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây:

Nếu chưa kết hôn hoặc chưa có ý định sinh con, bạn sẽ được chỉ định điều trị theo hướng là dùng thuốc ngừa thai phối hợp để điều hòa nội tiết tố, giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều hơn, giảm các triệu chứng nam hóa, bảo vệ lớp vỏ buồng trứng không bị xơ chai. Ngoài ra, thuốc ngừa thai còn có tác dụng giảm tình trạng mụn trứng cá, lông rậm ở bệnh nhân bị buồng trứng đa nang.

Việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nội tiết tố thường có 3 cách điều trị. Cụ thể như sau:

1. Sử dụng thuốc tránh thai

Thuốc ngừa thai là lựa chọn phổ biến và hiệu quả nhất được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng buồng trứng đa nang. Có 2 loại thuốc ngừa thai dạng uống là thuốc tổng hợp và thuốc viên chỉ có progestin. Cả 2 loại đều vô cùng hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng của PCOS đồng thời có thể hỗ trợ bạn:

  • Có khả năng rụng trứng
  • Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều, nhẹ nhàng, ít đau
  • Giảm tình trạng chuột rút
  • Có làn da khỏe đẹp
  • Giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và u nang buồng trứng
  • Giảm sự tăng trưởng bất thường của tóc.

2. Miếng dán ngừa thai

miếng dán tránh thai

Giống như việc dùng thuốc tránh thai, miếng dán ngừa thai cũng có thể giúp bạn:

  • Rụng trứng
  • Điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt
  • Làm giảm chứng đầy bụng và chuột rút
  • Giảm mụn trứng cá
  • Hạn chế mọc quá nhiều lông
  • Hạn chế nguy cơ ung thư.

3. Vòng tránh thai

Dụng cụ tránh thai này cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị hội chứng đa nang buồng trứng:

  • Dễ dàng rụng trứng
  • Điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn
  • Làm giảm chứng đầy bụng và chuột rút
  • Giảm mụn trứng cá
  • Hạn chế mọc quá nhiều lông, tóc
  • Giảm nguy cơ ung thư.

Đôi khi bác sĩ sản phụ khoa sẽ dựa vào các triệu chứng bệnh của bạn để chỉ định phương pháp điều trị. Thậm chí có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên về nội tiết.

Bị buồng trứng đa nang khi đang có thai cần chú ý  gì?

Bị đa nang buồng trứng không đồng nghĩa với việc bạn khó thụ thai một cách tự nhiên. Song nếu đang mang thai và bị đa nang buồng trứng, bạn nên chú ý hơn đến sức khỏe thai kỳ. Hãy khám thai theo đúng lịch hẹn và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ sản khoa, vì thai phụ bị buồng trứng đa nang có nguy cơ cao gặp các biến chứng sau:

  • Sẩy thai
  • Bệnh tiểu đường thai kỳ
  • Tiền sản giật
  • Mổ lấy thai do thai nhi của thai phụ bị PCOS thường bị thừa cân.

Bạn có thể giảm các tác động xấu đến sức khỏe của hội chứng PCOS trong khi bầu bí bằng cách:

  • Giữ cân nặng trong giới hạn bình thường trước khi mang thai
  • Duy trì lượng đường trong máu trong giới hạn bình thường trước khi mang thai
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Uống axit folic trước khi mang thai hoặc bổ sung dưỡng chất này từ thực phẩm hoặc chất bổ sung.

Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp bạn phần nào có thêm kiến thức bổ ích về hội chứng buồng trứng đa nang, hiểu rõ phương pháp mà mình đang điều trị.

Bài viết được tham vấn y khoa bởi BS Trần Túy Phượng. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, từng công tác tại BV Phụ Sản Tiền Giang, bác sĩ Phượng chuyên về thăm khám, quản lý thai kỳ, hiếm muộn và các bệnh lý phụ khoa tại phòng khám Sản Phụ khoa – KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng (tỉnh Tiền Giang).

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Polycystic ovary syndrome (PCOS)

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/symptoms-causes/syc-20353439#:~:text=Polycystic%20ovary%20syndrome%20is%20a,fail%20to%20regularly%20release%20eggs. Ngày truy cập 23/9/2022

Polycystic ovary syndrome

https://www.nhs.uk/conditions/polycystic-ovary-syndrome-pcos/ Ngày truy cập 23/9/2022

Polycystic Ovary Syndrome (PCOS)

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/polycystic-ovary-syndrome-pcos Ngày truy cập 23/9/2022

Polycystic ovarian syndrome (PCOS) https://www.babycenter.com/0_polycystic-ovarian-syndrome-pcos_7432.bc Ngày 22/07/2017

Polycystic Ovary Syndrome (PCOS) – Topic Overview http://www.webmd.com/women/tc/polycystic-ovary-syndrome-pcos-topic-overview#1 Ngày 22/07/2017

Polycystic Ovary Syndrome (PCOS): Symptoms, Causes, and Treatment https://www.healthline.com/health/polycystic-ovary-disease Ngày truy cập 24/8/2020

Phiên bản hiện tại

21/03/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Túy Phượng

Cập nhật bởi: Lan Quan

avatar

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Túy Phượng

Sản - Phụ khoa · Phòng khám Sản Phụ Khoa - KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 21/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo