backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mẹ sinh mổ nên ăn gì? Bí quyết vàng giúp tăng đề kháng cho mẹ và bé

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 19/04/2022

    Mẹ sinh mổ nên ăn gì? Bí quyết vàng giúp tăng đề kháng cho mẹ và bé

    Mẹ sinh mổ nên ăn gì là băn khoăn rất thường gặp. Bởi chế độ dinh dưỡng sau sinh mổ sẽ là tiền đề cho sự hồi phục của mẹ và sự phát triển toàn diện của bé trong tương lai.

    Sinh mổ không chỉ có thể khiến mẹ bị ảnh hưởng xấu cả về thể chất lẫn tinh thần mà còn có thể khiến hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của bé phát triển chậm trong những năm đầu đời. Chính vì vậy, chế độ ăn sau sinh của mẹ đóng vai trò rất quan trọng bởi không chỉ giúp mẹ phục hồi nhanh mà còn giúp tạo nguồn sữa mẹ ổn định, chất lượng nhằm hỗ trợ tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ.

    Dinh dưỡng cho mẹ sinh mổ: Mẹ nên ăn gì để nhanh lành sẹo, sữa nhanh về?

    Sau sinh mổ, chế độ dinh dưỡng của mẹ cần lưu ý những điều sau:

    1. Mẹ sinh mổ nên ăn gì?

    Sau sinh mổ, trong 6 giờ đầu, mẹ không nên ăn gì cho đến khi hệ tiêu hóa khôi phục chức năng, không còn cảm giác buồn nôn. Trong 1-2 ngày đầu, mẹ nên ăn những món dễ tiêu hóa, tránh các món nhiều dầu mỡ. Sau 1 tuần, bạn có thể ăn uống bình thường và trong thực đơn cho mẹ sau sinh mổ cần có đa dạng các nhóm thực phẩm sau:

    • Thực phẩm giàu protein và canxi như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, sữa, các thực phẩm từ sữa, các loại đậu. Protein giúp vết mổ nhanh lành, trong khi canxi giúp xương, răng chắc khỏe, đồng thời hỗ trợ quá trình đông máu…
    • Ngũ cốc nguyên hạt như khoai tây, đậu hạt, ngô, các sản phẩm từ ngũ cốc như bánh mì, gạo lứt: Giàu carbohydrate giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể và duy trì nguồn sữa mẹ ổn định.
    • Thực phẩm giàu vitamin như các loại rau có màu xanh đậm, trái cây giàu vitamin C, các loại hạt, quả hạch giàu vitamin B: Thúc đẩy sản xuất collagen, giúp vết mổ nhanh lành, chống nhiễm trùng và tốt cho sự phát triển của trẻ bú mẹ.
    • Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ: Nhóm thực phẩm quan trọng giúp mẹ giảm nguy cơ bị táo bón.
    • Thực phẩm giàu axit béo omega-3 (DHA và EPA) như hải sản, cá béo, trứng, các loại hạt: Cung cấp axit béo trong sữa mẹ để trẻ phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ.
    • Chất lỏng: Uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước và tránh táo bón. Ngoài nước ấm, mẹ cũng có thể uống nước ép trái cây tươi, sữa…

    2. Kiêng khem như thế nào là đúng?

    Sau siinh mổ nên ăn gì

    Ngoài những lời khuyên về việc mẹ sinh mổ nên ăn gì, chắc hẳn các mẹ sau sinh mổ còn nhận được nhiều chia sẻ về việc kiêng cữ. Tuy nhiên, trừ khi bác sĩ chỉ định thì mẹ không cần kiêng bất cứ thứ gì. Mẹ chỉ cần duy trì chế độ ăn cân bằng, ngon miệng và tránh các thực phẩm không tốt cho sức khỏe như:

    • Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo, dầu mỡ có thể gây tăng cân sau sinh
    • Các món ăn cay vì có thể ảnh hưởng không tốt đến dạ dày
    • Tránh tiêu thụ động vật có vỏ để hạn chế nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, kim loại nặng
    • Đồ uống có ga vì có thể gây đầy hơi hoặc chướng bụng
    • Đồ uống có chứa caffeine như cà phê và trà do có đặc tính lợi tiểu và gây khó ngủ
    • Tránh uống rượu, bia và các thức uống có cồn vì có thể làm giảm khả năng tiết sữa
    • Tránh thức ăn và đồ uống lạnh vì sau sinh mổ, sức đề kháng của mẹ còn yếu nên dễ bị cảm lạnh.

    3. Đừng quên bổ sung sắt và canxi sau sinh

    Theo Hướng dẫn Quốc gia về Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú năm 2017 khuyến nghị mỗi ngày mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cần bổ sung:

    • 1300mg canxi
    • 28 – 45mg sắt

    Để đảm bảo có đủ lượng sắt và canxi cho cơ thể, song song với việc bổ sung thông qua chế độ ăn, mẹ cần sử dụng thêm các viên uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ trong 6 tháng sau sinh. Đối với sắt, mẹ nên uống từ 1-2 viên bổ sung sắt mỗi ngày và có thể hỏi thêm bác sĩ về việc dùng viên bổ sung sắt có thành phần axit folic, còn với canxi, mẹ có thể chọn viên uống có chứa canxi kèm kẽm và magie để cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

    Dinh dưỡng cho bé sinh mổ: Nền tảng phát triển sức khỏe cho bé trong tương lai

    Dinh dưỡng cho trẻ sinh mổ

    Sức đề kháng của trẻ sinh mổ

    Nếu so với trẻ sinh thường, thời gian hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ sẽ chậm hơn. Nguyên nhân là do trẻ sinh mổ không có cơ hội tiếp xúc với các vi sinh vật có lợi tại đường sinh tự nhiên của mẹ. Điều này khiến trẻ có nguy cơ cao bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, trong khi, đường ruột lại chứa hơn 70 – 80% tế bào miễn dịch.

    Hệ miễn dịch phát triển chậm khiến trẻ sinh mổ dễ bị bệnh hơn trẻ sinh thường. Đặc biệt là các bệnh lý về hô hấp như thở khò khè, bệnh hen suyễn, các bệnh nhiễm trùng, tiêu hóa, các bệnh lý dị ứng như chàm sữa, đồng thời có nguy cơ bị đái tháo đường và béo phì.

    Dinh dưỡng vàng giúp tăng đề kháng cho trẻ sinh mổ

    Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với trẻ sinh mổ, sữa mẹ càng đóng vai trò quan trọng bởi trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể và lợi khuẩn tác động tích cực đến hệ vi sinh đường ruột của trẻ, từ đó giúp tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch. Chính vì vậy, mẹ sinh mổ nên cho con bú càng sớm càng tốt, cho bé bú hoàn toàn toàn trong 6 tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi con tròn 2 tuổi.

    Nếu sữa chưa kịp về hoặc về chậm thì mẹ cũng đừng quá lo lắng mà hãy cho con bú thường xuyên hơn để kích thích sữa về nhiều hơn. Bên cạnh đó, nếu nguồn sữa mẹ vẫn chưa đủ đáp ứng cho bé, mẹ có thể sử dụng sữa tại ngân hàng sữa mẹ.

    Dinh dưỡng cân bằng, khoa học sau sinh mổ cho mẹ và bé là chìa khóa vàng giúp mẹ phục hồi nhanh và bé phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Sữa mẹ là thức ăn tuyệt vời nhất cho trẻ sinh mổ, thế nhưng nếu vì một lý do nào đó mẹ không thể cho con bú thì cũng đừng quá áp lực mẹ nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 19/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo