backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Táo bón sau sinh mổ: Điểm mặt 10 nguyên nhân thường gặp!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 24/01/2022

    Táo bón sau sinh mổ: Điểm mặt 10 nguyên nhân thường gặp!

    Táo bón sau sinh mổ là tình trạng mà nhiều phụ nữ thường gặp phải, tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, ít người biết được những nguyên nhân sâu xa gây ra vấn đề này. Vì vậy, mẹ nên hiểu rõ các nguyên gây ra tình trạng này để từ đó có cách điều trị táo bón sau sinh mổ hiệu quả.

    Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây để biết được nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị táo bón sau sinh mổ.

    Điểm mặt 10 nguyên nhân bị táo bón sau sinh mổ

    Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón sau sinh mổ, bao gồm:

    1. Biến chứng sẹo ở vùng bụng do sinh mổ

    táo bón sau sinh mổ

    Phẫu thuật luôn tạo ra mô sẹo tại vị trí được giải phẫu. Khi sinh mổ, bụng dưới sẽ bị rạch để đưa em bé ra khỏi tử cung, làm hình thành mô sẹo ở vùng bụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào xung quanh tử cung, bao gồm cả ruột. Bởi vì ruột không thể chuyển động một cách bình thường, chức năng của hệ tiêu hóa và bài tiết tại vị trí đó cũng không hoạt động. Vì thế, phụ nữ sau sinh mổ thường gặp phải tình trạng táo bón.

    2. Rối loạn chức năng cơ vòng hậu môn hoặc cơ sàn chậu

    Không chỉ ruột, mà một số cơ quan khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Đó là cơ vòng hậu môn và cơ sàn chậu. Quá trình mang thai và chuyển dạ thường kéo căng các cơ này ra, khiến ruột khó hoạt động một cách hiệu quả. Một khi cơ sàn chậu bị căng, đường thải phân sẽ bị thu nhỏ lại và phân sẽ không thể đi ra ngoài. Lúc này, phân di chuyển qua đường ruột đến trực tràng sẽ “được lưu trữ” lại. Cho đến khi cơ thể báo hiệu cho các cơ này thư giãn, phân mới được thải ra ngoài. 

    Ngoài ra, việc tăng cân và áp lực của thai nhi lên vùng chậu có thể gây ra bệnh trĩ khi mang thai. Điều này có thể gây ra tình trạng táo bón sau sinh mổ, thậm chí còn khiến triệu chứng bệnh có thể trầm trọng hơn.

    3. Chế độ ăn uống trước và sau khi sinh mổ

    táo bón sau sinh mổ

    Sản phụ đẻ mổ chỉ định trước thường sẽ được yêu cầu không ăn trong vòng ít nhất 8 giờ trước ca mổ. Điều này khiến hệ tiêu hóa không có thức ăn để đào thải phân ra ngoài. Phản ứng của việc không ăn trong quá trình chuyển dạ cũng làm cho nhịp điệu bình thường của cơ thể trở nên chậm chạp, dẫn đến ruột hoạt động chậm hơn thường ngày. 

    Không những thế, trong giai đoạn mang thai, nhiều phụ nữ phải thay đổi chế độ ăn uống, dẫn đến việc có thể làm thay đổi cách di chuyển của phân. 

    Sau sinh, một số mẹ vẫn chưa thể cân bằng giữa thời gian chăm sóc em bé và việc tự chăm sóc bản thân. Vì vậy, những bữa ăn vội vã, không đủ chất, ăn quá ít… đều có thể gây ra tình trạng táo bón sau sinh. 

    Một vài phụ nữ sau khi sinh mổ mong muốn nhanh lấy lại vóc dáng trước khi mang thai, nên ăn uống kiêng khem hơn bình thường. Những người mẹ khác lại chỉ chú trọng đến việc tẩm bổ sau sinh để lấy lại sức và tăng chất lượng sữa cho bé, nên quên mất việc phải bổ sung chất xơ trong thực đơn hằng ngày. Tất cả những điều này đều khiến cho tình trạng táo bón sau sinh mổ trầm trọng hơn, kéo dài hơn.

    Bạn có thể quan tâm Mẹ sinh mổ nên ăn gì? Bí quyết vàng giúp tăng đề kháng cho mẹ và bé

    4. Táo bón sau sinh mổ do thay đổi nội tiết tố

    Bất kỳ sự thay đổi nội tiết tố nào cũng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể đang hoạt động. Những thay đổi về nội tiết tố, cụ thể là mức progesterone tăng cao trong thời kỳ mang thai, cũng như những sự điều chỉnh nhanh chóng của cơ thể đối với nồng độ hormone này sau khi sinh con, có thể làm chậm chức năng của ruột và hệ tiêu hóa.

    Sự thay đổi nội tiết tố còn có thể do tình trạng căng thẳng sau sinh gây ra. Khi có thêm “thiên thần nhỏ” mới trong gia đình, nhiều phụ nữ cảm thấy căng thẳng vì cuộc sống thường nhật bị xáo trộn. Những suy nghĩ liệu rằng phải chăm sóc con như thế nào để bé khỏe mạnh, cùng áp lực về công việc, việc nhà… có thể khiến một số mẹ bị trầm cảm sau sinh. Đôi khi, nhiều người còn lo lắng về cân nặng và số đo vòng 2 sau khi sinh em bé. Một vài phụ nữ sau sinh bị mất ngủ, thiếu ngủ và mệt mỏi vì phải chăm sóc con. Tất cả những điều này đều khiến các hormone căng thẳng như cortisol tăng đột biến. Lượng hormone căng thẳng cao có thể làm thay đổi thói quen đi tiêu, gây ra tình trạng táo bón. 

    5. Bổ sung sắt trước khi sinh

    thuốc sắt gây táo bón

    Trong quá trình mang thai, phụ nữ thường bổ sung nhiều vi chất khác nhau, bao gồm các loại vitamin giúp cân bằng dinh dưỡng và cả sắt. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, mặc dù sắt rất hữu dụng cho những người bị thiếu máu, nhưng cũng làm chậm quá trình di chuyển của phân. Không những thế, sau khi sinh, một số phụ nữ bị mất máu do đẻ mổ cũng cần phải uống bổ sung sắt hằng ngày. Điều này cũng góp phần gây ra tình trạng táo bón sau sinh mổ.

    6. Thuốc gây tê và thuốc gây mê

    Khi sinh mổ, sản phụ cần được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân. Điều này khiến các cơ quan bên trong cơ thể bị tê liệt. Và đương nhiên, chức năng của đường tiêu hóa cũng bị làm chậm đi, khiến phân khó được thải ra ngoài hơn, gây ra tình trạng táo bón sau sinh mổ. Sau khi thuốc gây mê, gây tê hết tác dụng, các cơ bụng và ruột cũng chưa thể trở lại trạng thái bình thường ngay lập tức. Điều này là nguyên nhân khiến nhiều mẹ gặp phải tình trạng táo bón kéo dài sau sinh mấy ngày, thậm chí là mấy tuần tùy vào khả năng phục hồi của mỗi người.

    7. Thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh

    Sau khi sinh mổ, mẹ cần dùng thuốc giảm đau để chữa lành vết khâu và các chứng đau nhức khác. Loại thuốc giảm đau thường được các bác sĩ kê đơn là nhóm Opioid, như pethidine hoặc diamorphine. Thuốc này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ruột và gây ra tác dụng phụ phổ biến là táo bón.

    Bên cạnh đó, những phụ nữ sinh mổ cũng có thể cần dùng thêm thuốc kháng sinh. Mặc dù thuốc này thường gây tiêu chảy, nhưng đôi khi cũng có thể dẫn đến táo bón. Nguyên nhân là vì thuốc kháng sinh không chỉ diệt vi khuẩn xấu mà còn loại bỏ một số vi khuẩn tốt tại hệ tiêu hóa, gây ra sự mất cân bằng vi sinh vật.

    Ngay cả khi không còn dùng bất kỳ loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau nào nhưng bạn có thể mất từ vài ngày đến vài tuần để ruột cân bằng lại.

    8. Cơ thể bị mất nước

    Trước khi sinh mổ, sản phụ được yêu cầu không uống nước và các chất lỏng khác. Tình trạng thiếu nước, mất nước làm phân khô hơn, ảnh hưởng đến các hoạt động của hệ tiêu hóa, hệ bài tiết, từ đó gây ra táo bón. Không những thế, mất máu trong quá trình đẻ mổ cũng làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể, khiến quá trình đào thải chậm đi.

    Tình trạng mất nước càng nghiêm trọng hơn nếu mẹ đang cho con bú. Khi lượng nước trong cơ thể được dùng để sản xuất sữa nhiều hơn, sẽ có ít nước trong ruột hơn để giữ cho phân mềm. Điều này có thể làm trầm trọng hơn hiện tượng táo bón sau sinh mổ.

    Ngoài ra, những thay đổi trong chế độ ăn uống sau khi sinh và trong giai đoạn cho con bú cũng có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột, gây ra vấn đề táo bón lâu ngày.

    9. Tâm lý – Lý do mẹ bị táo bón sau sinh mổ

    táo bón sau sinh mổ

    Một nguyên nhân tiềm ẩn khác khiến mẹ bị táo bón sau sinh mổ là do tâm lý. Nhiều phụ nữ sau khi sinh con sợ đi vệ sinh sẽ gây đau và đứt chỉ vết khâu. Một số người cũng vì những ám ảnh tâm lý này mà không dám rặn nhẹ khi đi tiêu để thúc đẩy phân di chuyển. Những lo lắng này góp phần làm tình trạng táo bón kéo dài và trầm trọng hơn.

    10. Ít vận động sau sinh 

    Phụ nữ sinh mổ cần nhiều thời gian hồi phục hơn phụ nữ sinh thường. Do đó, nhiều mẹ sau khi đẻ mổ có xu hướng nằm trên giường nghỉ ngơi lâu hơn, ít vận động hơn bình thường. Điều này chính là nguyên nhân gây ra táo bón sau sinh mổ. Việc giảm mức độ hoạt động khi mang thai và sau khi sinh có thể làm chậm chức năng của đường tiêu hóa. Không những thế, khi hoạt động của ruột yếu đi do ít vận động, phân sẽ trở nên khô cứng hơn do xảy ra tình trạng tái hấp thụ nước trong ruột già. Tình trạng này khiến một số phụ nữ sau sinh có thể gặp phải vấn đề táo bón lâu ngày hơn những phụ nữ khác.

    Táo bón sau sinh mổ có nguy hiểm không?

    Táo bón sau sinh mổ rất phổ biến, nhưng đôi khi cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn. Nếu sau khi đẻ mổ, mẹ bị táo bón kèm một số dấu hiệu dưới đây, thì cần báo ngay cho bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm:

    • Có máu hoặc chất nhầy trong phân
    • Táo bón xen kẽ với tiêu chảy
    • Chảy máu trực tràng quá mức
    • Đau đớn ở âm đạo, đáy chậu
    • Đau trực tràng dữ dội
    • Đau bụng dữ dội

    Ngoài ra, táo bón sau sinh mổ kéo dài còn có thể gây ra bệnh trĩ. Vì vậy, mẹ cần tham khảo những cách phòng ngừa và điều trị táo bón dưới đây để hạn chế những biến chứng này.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 10 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng táo bón sau sinh mổ. Mong rằng những thông tin kể trên, bạn đã có thể giảm tiểu được các nguyên nhân gây táo bón sau sinh mổ hiệu quả. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 24/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo