backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu bị sốt xuất huyết: Điều trị như thế nào để ngăn ngừa biến chứng?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 06/06/2022

    Bà bầu bị sốt xuất huyết: Điều trị như thế nào để ngăn ngừa biến chứng?

    Tình trạng sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bà bầu bị sốt xuất huyết khi mang thai cần được theo dõi tình trạng bệnh kỹ hơn và có sự chăm sóc về mặt y tế hợp lý để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con.

    Bất kỳ biểu hiện bất ổn nào trong khi mang thai đều là điều đáng lo ngại. Thêm vào đó, nếu mẹ bầu bị sốt xuất huyết khi mang thai thì càng không thể xem thường. Do khả năng miễn dịch suy yếu, phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm virus gây sốt xuất huyết hơn. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề bà bầu bị sốt xuất huyết cũng như ảnh hưởng của bệnh đối với thai kỳ và phương pháp điều trị hay phòng ngừa.

    1. Dấu hiệu bà bầu bị sốt xuất huyết

    Biểu hiện sốt xuất huyết ở bà bầu khi nhiễm bệnh thường khá giống cảm cúm, mẹ nên theo dõi cẩn thận và lưu ý đến một số triệu chứng như:

    • Sốt cao kèm theo run rẩy
  • Chảy máu chân răng
  • Mất nước cũng như ăn uống kém ngon miệng
  • Đau đầu dữ dội và cơ thể có cảm giác tê nhức
  • Buồn nôn kèm theo nôn mửa thường xuyên
  • Trong trường hợp nặng, số lượng tiểu cầu của bạn sẽ giảm xuống mức báo động
  • Phần thân trên xuất hiện các mẩn đỏ
  • Khó thở.
  • Nếu số lượng tiểu cầu giảm xuống, huyết áp cũng đồng thời hạ xuống theo và bạn có thể bị chảy máu. Tình trạng này được gọi là sốt xuất huyết và có thể đe dọa tính mạng.

    2. Bà bầu bị sốt xuất huyết khi mang thai phải đối mặt với những nguy cơ nào?

    dấu hiệu bà bầu bị sốt xuất huyết

    Việc mắc căn bệnh này trong khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng về sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Điều này là bởi vì khi hệ miễn dịch bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus gây bệnh có điều kiện phát triển gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

    Ngoài ra, virus gây bệnh sốt xuất huyết có thể truyền sang thai nhi trong thai kỳ hoặc khi sinh. Mặt khác, bạn có thể cần phải mổ lấy thai nếu mắc phải sốt xuất huyết bất cứ lúc nào. Một số biến chứng xuất hiện trong thai kỳ do sốt xuất huyết gây ra bao gồm:

    • Giảm tiểu cầu: Sự sụt giảm mức độ tiểu cầu là một trong những dấu hiệu đáng kể của bệnh sốt xuất huyết. Số lượng tiểu cầu thấp có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ lẫn con. Giảm tiểu cầu nặng có thể phát triển các biến chứng khi áp dụng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê toàn thân trong quá trình sinh.
    • Sinh non và sinh nhẹ cân: Sốt xuất huyết trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và ba làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu mẹ bầu bị bệnh nặng.
    • Sẩy thai: Bị sốt xuất huyết khi mang thai 3 tháng đầu có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.
    • Nguy cơ xuất huyết: Nếu người mẹ bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết rất cao.
    • Tiền sản giật: Nguy cơ phát triển tình trạng tiền sản giật sẽ tăng nếu phụ nữ mang thai chẳng may mắc phải căn bệnh này trong thai kỳ
    • Sốt xuất huyết Dengue: Đây là dạng sốt xuất huyết nặng có nguy cơ gây tử vong cho thai nhi cao.

    Tin vui là nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết cho thiên thần nhỏ sẽ chỉ xảy ra nếu bạn bị mắc căn bệnh này vào cuối thai kỳ. Ngoài ra, nguy cơ thai nhi mắc phải virus này là rất thấp. Nhìn chung, việc mẹ bầu mắc căn bệnh này chưa được khẳng định chắc chắn rằng có gây ra bất kỳ dị tật cho trẻ hay không.

    Tuy nhiên, bạn vẫn phải cẩn thận để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan sang trẻ sơ sinh. Em bé sẽ được kiểm tra các triệu chứng như sốt, số lượng tiểu cầu thấp và phát ban trong trường hợp bạn bị sốt xuất huyết tại thời điểm sinh nở.

    Có thể bạn quan tâm: Bà bầu bị sốt rét: Dấu hiệu, biến chứng và cách chữa trị

    3. Phương pháp chữa trị sốt xuất huyết khi mang thai

    Chẩn đoán sớm là chìa khóa trong việc điều trị căn bệnh này một cách hiệu quả. Do đó, nếu các triệu chứng giống cúm vẫn tồn tại hoặc nếu bạn bị đau bụng dữ dội và nôn sau khi cơn sốt giảm đi, hãy đi xét nghiệm máu để xác định tình trạng bệnh của mình.

    bà bầu bị sốt xuất huyết uống thuốc

    Việc điều trị sốt cho bà bầu bị sốt xuất huyết cũng giống như trong trường hợp sốt Dengue. Thực hiện các biện pháp y tế kịp thời sẽ đảm bảo rằng bạn và em bé được khỏe mạnh bởi ngay cả khi bệnh không gây tổn thương trực tiếp cho cơ thể, sốt cao cũng có thể gây ra một số biến chứng.

    • Nghỉ ngơi thật nhiều
    • Không được tự ý mua và sử dụng thuốc trong thời gian mang thai
    • Huyết áp và mức tiểu cầu trong máu cần được theo dõi liên tục
    • Các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ đến trung bình có thể được quản lý hiệu quả bằng cách uống acetaminophen và paracetamol để giảm sốt và làm dịu cơn đau trên cơ thể
    • Nên uống nhiều nước để giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước do nôn bởi có thể ảnh hưởng đến lượng chất dịch phôi thai
    • Trong trường hợp sốt xuất huyết nặng, thai phụ có thể cần phải nhập viện và điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt
    • Truyền máu và truyền tiểu cầu có thể được áp dụng để chỉ số tiểu cầu trở lại mức bình thường và thay thế lượng máu bị mất khi bị xuất huyết.

    4. Bí quyết phòng bệnh sốt xuất huyết khi mang thai

    Sốt xuất huyết lây truyền qua vết muỗi đốt. Do đó, việc ngăn ngừa sự sinh sôi của muỗi và tránh bị muỗi đốt sẽ giúp mẹ bầu phòng tránh căn bệnh này hiệu quả. Bạn có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh bằng những cách như:

  • Sử dụng thuốc hoặc tinh dầu đuổi muỗi ở khu vực quanh nhà
  • Ở trong nhà vào sáng sớm và chiều muộn vì thời gian này muỗi Aedes bắt đầu hoạt động tích cực hơn
  • Ngủ mùng kể cả ban ngày
  • Mặc quần áo sáng màu, dài tay
  • Muỗi không thích không khí lạnh. Do đó, hãy bật điều hòa trong phòng
  • Thay nước bình cắm hoa, chậu cây thủy sinh thường xuyên để muỗi không có chỗ đẻ trứng
  • Sử dụng lưới chống muỗi ở khu vực cửa sổ và cửa ra vào.
  • Phương Uyên / HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 06/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo