Té ngã ở người cao tuổi là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Mỗi năm, có khoảng 3 triệu người lớn tuổi được điều trị tại các khoa cấp cứu vì chấn thương liên quan đến té ngã, trong đó có hơn 800.000 ca nhập viện do chấn thương té ngã như gãy xương hông hoặc chấn thương đầu.
Mặc dù té ngã là tình trạng xảy ra khá phổ biến, nhưng bạn và gia đình có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.
Nguyên nhân té ngã ở người cao tuổi
Té ngã là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thương tích ở người lớn tuổi. Hằng năm, có đến hơn 35% người già bị té ngã. Trong đó nguy cơ té ngã do chấn thương tăng gần 45% ở người trên 70 tuổi.
Nguyên nhân phổ biến
Nếu các bậc sinh thành có một hoặc nhiều hơn các nguy cơ sau, họ thường sẽ có khuynh hướng bị té ngã nhiều lần. Các yếu tố rủi ro này bao gồm:
- Có tiền sử bị ngã trước đây
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như khung tập đi hoặc gậy chống
- Môi trường thiếu ánh sáng
- Đồ đạc xung quanh để lộn xộn
- Các vấn đề sức khỏe liên quan đến yếu cơ, cứng khớp, co cứng cơ, thoái hóa khớp
- Hay bị chóng mặt
- Rối loạn thăng bằng khi đi đứng
- Gặp các vấn đề về thị giác và thính giác
- Dần mất khả năng nhận thức
- Bệnh tiểu đường
- Loãng xương ở người cao tuổi
- Sử dụng một số loại thuốc
Té ngã ở người cao tuổi do sử dụng một số loại thuốc
Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến môi trường hay sức khỏe, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa việc sử dụng một số loại thuốc với nguy cơ cao bị ngã ở người cao tuổi, cụ thể:
- Các loại thuốc hướng thần như thuốc thôi miên hoặc thuốc an thần có thể làm ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng ở những người lớn tuổi. Ngoài ra, triệu chứng buồn ngủ do dùng thuốc an thần cũng có thể khiến người cao tuổi dễ bị té ngã hơn thông thường.
- Thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm cũng có thể được xem là nguyên nhân gây ra tác động tương tự.
- Dùng thuốc kháng histamin cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.
- Thuốc tim mạch có thể khiến nhiều người cao tuổi bị mờ mắt hoặc suy giảm nhận thức, từ đó khiến họ dễ bị vấp ngã.
- Các loại thuốc chẹn beta hoặc thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, chóng mặt và choáng váng ở người cao tuổi.
Hậu quả té ngã ở người cao tuổi
Té ngã ở người cao tuổi gây ra hàng loạt thương tích và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tâm lý của các cụ. Mặc dù không phải tất cả các trường hợp đều nghiêm trọng, nhưng cứ 5 người lớn tuổi bị ngã thì có 1 người gặp phải chấn thương. Các chấn thương phổ biến do té ngã bao gồm:
- Gãy xương ở cổ tay, cánh tay hoặc mắt cá chân
- Gãy xương hông nghiêm trọng
- Chấn thương đầu.
Cách xử lý khi người già bị té ngã
Nếu không may có người cao tuổi trong gia đình bị té ngã, đặc biệt bị va đập mạnh vào đầu, bạn nên lập tức đưa họ đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra và sơ cứu. Té ngã là nguyên nhân phổ biến gây ra chấn thương sọ não và cần được điều trị càng sớm càng tốt. Chấn thương do té ngã có thể gây ra những tác động nghiêm trọng, khiến người cao tuổi khó có thể tự mình đi lại hoặc sống tự chủ một mình.
>>> Bạn có thể quan tâm: 8 bí quyết giúp bạn chăm sóc người cao tuổi ngay cả khi bận rộn
Cách ngăn ngừa té ngã ở người cao tuổi
Sau đây là một số phương pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ té ngã ở người cao tuổi bao gồm:
1. Môi trường sống an toàn, gọn gàng
Vì hầu hết các trường hợp té ngã đều xảy ra trong nhà nên việc tạo ra một môi trường an toàn, ngăn nắp là điều cần thiết để ngăn ngừa té ngã:
- Loại bỏ các nguy cơ dễ gây té ngã khi đi lại trong nhà
- Sửa chữa cầu thang hoặc khu vực hành lang đang bị hư hỏng
- Trải thảm sàn chống trơn trượt
- Đảm bảo thảm đặt trên gạch hoặc bề mặt cứng
- Dùng cây lau nhà lau sơ qua phòng tắm để hạn chế tình trạng trơn trượt
- Sử dụng thêm tay vịn ở hành lang, trong phòng tắm, dọc theo cầu thang…
2. Tập thể dục
Tập thể dục cũng là cách giúp giảm nguy cơ té ngã ở người cao tuổi. Các bài tập điều chỉnh dáng đi, thể lực hay bài tập giữ thăng bằng đã được chứng minh là có khả năng giảm nguy cơ té ngã hiệu quả. Cụ thể, bài tập dưỡng sinh Thái Cực Quyền hay thường xuyên đi bộ sẽ giúp cho người già hạn chế tình trạng này.
Nếu người già đã từng té ngã một lần, họ sẽ trở nên sợ hãi viễn cảnh bị té ngã một lần nữa, từ đó dẫn đến việc hạn chế hoạt động. Thay vào đó, người cao tuổi cần tập trung vào việc duy trì khả năng di chuyển, vì điều này sẽ giúp họ trở nên tự tin hơn khi đi lại khu vực xung quanh nhà một cách an toàn.
3. Mang giày dép phù hợp
Tình trạng đau chân do mang giày dép không phù hợp có thể gây ra té ngã thường xuyên ở người già. Ngoài ra, việc đi chân trần, đi tất hoặc đi dép lê cũng có thể ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng khác. Thay vào đó, người cao tuổi nên đi giày có gót thấp và đế chống trơn trượt sẽ giúp hạn chế té ngã.
4. Điều chỉnh thị lực
Suy giảm thị lực gây khó khăn trong việc ước tính khoảng cách đi lại, vì thế khiến người già khó phân biệt các bề mặt trơn trượt khi di chuyển. Nếu bạn đã xác định được nguyên nhân là do vấn đề về thị lực, bạn có thể đưa người già đi khám mắt, hoặc cần phải mổ đục thủy tinh thể nếu bác sĩ yêu cầu. Bên cạnh việc điều trị các vấn đề thị lực có thể giúp hạn chế nguy cơ té ngã, đeo kính thường xuyên và sử dụng thuốc mắt cũng là cách phòng ngừa té ngã cho các cụ.
>>> Bạn có thể quan tâm: Các kiểm tra sức khỏe cần thiết ở người cao tuổi
Vì té ngã ở người cao tuổi là điều khó có thể tránh khỏi, nên người nhà cũng cần chuẩn bị tâm lý và quan sát cẩn thận để kịp phản ứng khi gặp tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung cho các cụ các loại thực phẩm giàu canxi, hoặc thuốc bổ sung canxi để duy trì cho xương chắc khỏe, giảm thiểu tác hại té ngã gây ra cho người già.
[embed-health-tool-bmi]