Nốt vôi hóa ở phổi được quan sát trên hình ảnh chụp X quang hay CT như những đốm mờ hoặc bóng mờ. Vì không biết nguyên nhân xuất hiện những nốt này nên nhiều người lo lắng về mức độ nguy hiểm hay nó có thể tiến triển thành ung thư hay không?
Mặc dù hơn 95% các nốt (u) ở phổi là lành tính nhưng cũng cần thận trọng về tình trạng phổ biến này ở phổi, đặc biệt là người hút thuốc lá. Tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tình trạng này qua bài viết sau.
Tìm hiểu chung
Vôi hóa phổi là gì?
Nốt vôi hóa ở phổi là tình trạng xuất hiện một khối các tế bào nhỏ (nốt) bất thường trong phổi. Chúng hình thành do nhiễm trùng hoặc bệnh lý nào đó khiến mô phổi bị viêm.
Khi mới hình thành, các nốt phổi thường mềm và theo thời gian chúng có thể bị vôi hóa và cứng lại. Vôi hóa là sự lắng đọng canxi ở trong mô bị viêm, làm chúng đặc và cứng hơn (giống như xương, răng). Trên hình ảnh X-quang hay CT sẽ thấy chúng xuất hiện như những đốm sáng. Ngoài phổi, tình trạng này cũng xuất hiện ở các cơ quan khác, điển hình như gan.
Nguyên nhân gây ra các nốt vôi hóa phổi
Nguyên nhân phổ biến nhất thường là di chứng lành tính của viêm màng phổi hoặc phơi nhiễm amiăng. Bên cạnh đó, các nốt vôi hóa có nhiều hình thái khác nhau và có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Cụ thể là:
Vi nốt (nốt vôi hóa siêu nhỏ):
- Viêm phổi đã chữa lành. Bị nhiễm virus, vi khuẩn, nấm ở phổi gây ra sẹo phổi và tạo điều kiện thuận lợi để tích tụ canxi.
- Các bệnh bụi phổi như bệnh bụi phổi amiăng, bụi phổi silic, bệnh bụi phổi của công nhân than, bệnh bụi phổi do thiếc, bệnh bụi phổi do barit.
- Hẹp van tim hai lá.
- Bệnh vi sỏi phế nang.
Nốt vôi hóa lớn hoặc tập trung thành khối ở phổi:
- U xơ màng phổi (đôi khi có thể do canxi lắng đọng gây nên)
- U hạt hyalin hóa ở phổi
- Khối u di căn phổi bị vôi hóa
- Vôi hóa vô định hình
- Vôi hóa động mạch phổi
- Ung thư phổi nguyên phát
- U mô thừa dạng bướu của phổi (đơn hay đa).
- U xơ phổi
- U hạt vôi hóa, ví dụ như mắc bệnh mô bào ở phổi trước đó, bệnh lao kê đã hồi phục (hiếm gặp)
Bệnh vôi hóa phổi có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp nốt vôi hóa ở phổi quan sát được trên X-quang đều là khối u lành tính (chiếm tỷ lệ 95%) nhưng khi quan sát thấy các “đốm trắng” hay “bóng mờ” này ở phổi bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân tiến hành thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân và loại trừ ung thư.
Mặt khác, nốt vôi hóa phổi cũng xuất hiện và tiến triển âm thầm, người bệnh thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi vô tình chụp X-quang ngực. Hoặc trong một số ít trường hợp, nốt vôi hóa quá lớn sẽ chèn ép lên đường thở, làm người bệnh bị ho, thở khò khè hay khó thở.
Một số trường hợp, triệu chứng của nốt phổi sẽ giống với ung thư phổi giai đoạn đầu nên bác sĩ thường tiến hành giám sát tích cực.Trong 6-12 tháng, bệnh nhân sẽ được chụp CT-scan lồng ngực một lần nữa. Nếu các nốt vẫn giữ nguyên kích thước trong thời gian theo dõi hai năm thì loại trừ khả năng là ung thư. Ngược lại, nếu khối u này lớn hơn thì bác sĩ có thể yêu cần thực hiện thêm các xét nghiệm như sinh thiết để xác định ung thư.
Bệnh vôi hóa phổi có nguy hiểm không?
Cách điều trị vôi hóa phổi
Với các nốt vôi hóa lành tính, có kích thước nhỏ có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đây lại là biểu hiện tiềm ẩn cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, cách điều trị chủ yếu là xác định và giải quyết nguyên nhân gây bệnh.
- Nếu nguyên nhân là nhiễm trùng do vi khuẩn hay do nấm, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh hay kháng nấm phù hợp.
- Đối với các nguyên nhân gây ra bởi viêm không do nhiễm trùng như bệnh u hạt có thể được điều trị bằng corticosteroid hay các thuốc ức chế miễn dịch.
- Hiếm khi các nốt vôi hóa phát triển gây chèn ép lên đường thở, khi đó, bệnh nhân cần phẫu thuật.
- Nếu các nốt này là ung thư phổi, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân phương pháp điều trị phù hợp từng giai đoạn bệnh (hóa, xạ trị, phẫu thuật,..).
Phòng ngừa
Những biện pháp làm giảm và ngăn ngừa tình trạng lắng đọng canxi ở phổi
Ngoài nhiễm trùng gây nên các nốt vôi hóa thì một số yếu tố khác cũng gây nên tình trạng vôi hóa ở phổi như bệnh bụi phổi (bệnh nghề nghiệp của các công nhân than), tiếp xúc với bụi talc, bụi kim loại, hút thuốc lá,… Để phòng ngừa tốt nhất bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân này chẳng hạn như bỏ hút thuốc lá, dùng khẩu trang và đồ bảo hộ phù hợp khi làm việc, thay đổi môi trường sống,…
Bạn không thể xác định nốt vôi hóa ở phổi của mình là lành tính hay ác tính, liệu có để lại những vấn đề lâu dài về sức khỏe hay không. Vì vậy, nên đến bệnh viện ngay nếu gặp triệu chứng khó thở, ho kéo dài, ho ra máu hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân; đồng thời tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ.
[embed-health-tool-bmi]