1. Uống thuốc ngủ có thể gây cảm giác buồn ngủ và uể oải vào ngày hôm sau
Do tác dụng phụ và thời gian tác dụng còn kéo dài, dùng thuốc ngủ có thể khiến bạn luôn trong trạng thái buồn ngủ vào sáng hôm sau. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo, mất tập trung, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt, một trong những vấn đề lớn nhất của lạm dụng thuốc ngủ là giảm khả năng tỉnh táo khi lái xe. Bạn không thể phán đoán tốt hay phản ứng nhanh nhạy trước các tình huống bất ngờ khi điều khiển xe lúc không tỉnh táo. Chính vì vậy, nguy cơ tai nạn cũng tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, tác dụng an thần mạnh của một số loại thuốc ngủ có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, chóng mặt hoặc không thể tập trung. Do đó, bạn có thể có nguy cơ bị té ngã hoặc các tai nạn khác khi uống thuốc ngủ sai cách.
2. Uống thuốc ngủ nhiều có thể gây mất trí nhớ hoặc mộng du

Khi sử dụng lâu dài hoặc dùng liều cao, một số loại thuốc ngủ kê toa, đặc biệt là benzodiazepine như triazolam, diazepam, bromazepam có thể gây ra tác dụng phụ mất trí nhớ và mộng du. Rủi ro này cũng đã được báo cáo ở những người sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ mới hơn như Zolpidem. Chúng có thể khiến bạn hay quên, giảm tập trung, dễ nhầm lẫn và sai sót trong công việc cũng như học tập, sinh hoạt hàng ngày nếu lạm dụng chúng.
Mộng du được xem là nguy hiểm khi người bệnh không nhận thức được và có hành động gây hại đến chính mình hoặc người khác. Nếu bạn (hoặc người thân của bạn) phát hiện các hành vi kỳ lạ khi đang dùng thuốc ngủ, hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được theo dõi và xử lý kịp thời.
3. Thuốc ngủ tương tác với các loại thuốc khác
Trang Sleep Foundation (Mỹ) cho biết, cần hết sức thận trọng khi kết hợp thuốc ngủ với các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, opiates hoặc thuốc kháng histamin. Việc sử dụng cùng lúc hai hoặc nhiều loại thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương có thể dẫn đến thở chậm, thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh không được uống rượu khi dùng thuốc ngủ. Lượng cồn có trong rượu có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc ngủ, dẫn tới liều độc.
4. Nhờn thuốc, lệ thuộc vào thuốc ngủ

Khi uống thuốc ngủ trong thời gian dài, cơ thể của bạn sẽ quen dần và giảm đáp ứng dần với thuốc cùng liều lượng đó. Lúc này, bạn cần liều lượng ngày càng cao để đạt được hiệu quả tương tự trước đây. Để giảm thiểu rủi ro này, các chuyên gia khuyến cáo không dùng thuốc ngủ lâu hơn 7 – 10 ngày, chỉ trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Khi thuốc giảm hiệu quả, tuyệt đối không được tự ý tăng liều mà cần thông báo cho bác sĩ để được điều chỉnh thuốc phù hợp.
Việc tăng liều mà không tham khảo ý kiến bác sĩ có thể gây quá liều thuốc ngủ. Đây là tình trạng khẩn cấp cần được chăm sóc y tế đặc biệt, vì uống thuốc ngủ quá liều có thể làm suy các chức năng của cơ thể đến mức gây bất tỉnh, hôn mê, suy hô hấp và thậm chí là tử vong.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!