Trà táo đỏ kỷ tử quen thuộc với rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng đúng cách loại trà thảo dược này để đạt được lợi ích tối đa. Hơn thế nữa, đây không phải là loại trà dành cho tất cả mọi người. Vậy, tác dụng của trà kỷ tử táo đỏ là gì, nên uống khi nào, ai không nên uống?
Mời bạn cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây. Cuối bài viết còn có một số cách pha trà nhanh gọn, giữ được dược tính của táo đỏ và kỷ tử mà bạn có thể áp dụng dễ dàng.
Trà táo đỏ kỷ tử có tác dụng gì?
Tác dụng của táo đỏ
Táo đỏ (hay còn gọi là đại táo, với tên khoa học Zizyphus jujuba Mill.) được thu hái trực tiếp từ trên cây táo tàu. Đây là một vị thuốc rất phổ biến trong y học cổ truyền, có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh tỳ và vị, tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân, điều hòa doanh vệ… Táo đỏ được dùng hỗ trợ điều trị táo bón, khó ngủ, suy nhược cơ thể…
Trong đại táo chứa nhiều thành phần dinh dưỡng: protid, chất béo, carbohydrate, canxi, phospho, sắt, vitamin A, C, B1, B2, nicotinic acid và các axit amin cùng một số hoạt chất khác: polyphenol, alkaloid, terpenoid, flavonoid, saponin glycoside…
Các chất dinh dưỡng và các phytochemical thu được từ quả táo tàu có chức năng sinh lý bao gồm:
- Điều hòa miễn dịch, chống dị ứng: Nhờ các hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm. Người ta ghi nhận những người thường xuyên dùng táo đỏ ít có nguy cơ bị hen suyễn hơn.
- Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tăng mỡ máu: Táo đỏ chứa kali và vitamin C có tác dụng giúp bảo vệ thành mạch máu, trong khi đó, các hợp chất polyphenol và chất xơ có thể chống lại việc tích tụ mảng xơ vữa động mạch.
- Giảm cân và hỗ trợ điều trị tiểu đường: Nhờ lượng chất xơ dồi dào, tăng cường chuyển hóa đường, cholesterol và giảm mỡ máu nên ăn táo đỏ vừa phải trước bữa ăn có thể hỗ trợ giảm cân và ổn định đường huyết khá hiệu quả.
- Đẹp da: Táo đỏ giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp bạn có làn da mịn màng, giảm nhăn và nám, giảm ngứa da do chàm, giúp tóc mượt.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tránh táo bón và ngăn ngừa loét dạ dày – tá tràng.
- An thần, bảo vệ thần kinh: Ăn táo đỏ là cách chữa mất ngủ hiệu quả và giúp bạn ngủ ngon hơn. Bởi táo đỏ có chứa saponin giúp an thần, giảm lo âu và bảo vệ não bộ.
- Tốt cho trí nhớ
- Chống virus nhờ các hợp chất flavonoid: Dược liệu này giúp bạn chống lại virus cúm.
Y học cổ truyền cũng dùng táo đỏ để trị ho, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, kiết lị, hồi hộp lo âu…
Tác dụng của kỷ tử
Kỷ tử là quả khởi tử đem phơi khô, có tên khoa học Lycium sinense Mill. Khởi tử được coi là một vị thuốc bổ toàn thân. Về mặt dinh dưỡng học, trong 100g quả chứa 3.1g protein, 1.9g lipid, 9.1g carbohydrat, 1.6g chất xơ, 22.5mg Ca, 56mg P, 1.3mg Fe, 19.6mg caroten, 0.08 thiamin, 0.14mg riboflavin, 0.67mg acid nicotinic và 42.6mg acid ascorbic…
Theo tài liệu cổ, khởi tử có vị ngọt, tính bình, quy vào 3 kinh phế, can và thận, có tác dụng bổ can thận, nhuận phế táo, mạnh gân cốt, bổ tinh huyết... Các tác dụng bao gồm:
- Tăng cường thị lực: Hợp chất chống oxy hóa tuyệt vời cho mắt là zeaxanthin giúp cải thiện thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do lão hóa, giúp mắt nhìn rõ hơn khi ánh sáng kém, trì hoãn sự tiến triển của bệnh võng mạc do tiểu đường.
- Giảm cân: Nhờ chất xơ nhiều, dinh dưỡng nhiều nhưng calo thấp sẽ giúp người dùng no lâu, hạn chế ăn vặt.
- Tăng cường chức năng sinh lý nhờ tác dụng ôn thận tráng dương, giúp nam giới điều trị các tình trạng như di tinh, hoạt tinh và mộng tinh.
- Bảo vệ tế bào thần kinh trên một số nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên.
- Giải độc gan, tốt cho thận, nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Tăng cường miễn dịch, phòng chống ung thư, làm chậm lão hóa, giúp đẹp da.
- Giảm mỡ máu, bảo vệ tim mạch.
- Hỗ trợ ổn định đường huyết.
Uống táo đỏ kỷ tử có nóng không? Cả táo đỏ và kỉ tử đều có vị ngọt, tính bình. Vì vậy, uống trà táo đỏ kỷ tử không nóng. Vào những ngày nóng bức, bạn thậm chí còn có thể tự pha cho mình một bình trà táo đỏ kỉ tử để hạ hỏa.
Trà táo đỏ kỷ tử nên uống khi nào?
Uống nước táo đỏ kỷ tử mỗi ngày có tốt không? Bạn có thể uống nước táo đỏ kỷ tử mỗi ngày nếu như không thuộc nhóm đối tượng cần kiêng kỵ. Hãy uống vào những thời điểm sau đây:
- Buổi sáng khi vừa thức dậy, giúp bạn bổ sung nước sau một đêm dài.
- Sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ, để tránh khó tiêu và góp phần giảm tình trạng tăng mỡ máu.
- Khoảng 30 phút trước giờ đi ngủ, giúp dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn.
Những ai không nên uống táo đỏ kỷ tử?
Nếu bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong trà táo đỏ kỷ tử, bạn tuyệt đối không sử dụng.
Dù loại trà này là lành tính, nhưng nếu có vấn đề về sức khỏe hoặc muốn dùng cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hay thầy thuốc đông y uy tín trước khi dùng.
Ngoài ra, bạn nên thận trọng dùng kỷ tử khi đang điều trị với một số thuốc sau đây:
- Warfarin
- Flecainide
- Thuốc chuyển hóa tại gan bởi Cytochrom P450 2C19, 2C9, 2D6, 3A4
- Thuốc điều trị tăng huyết áp
- Thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Cách pha trà táo đỏ kỷ tử
Ngoài táo đỏ và kỷ tử, bạn có thể thêm mật ong để trà thơm ngon hơn. Cách làm như sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: trà, mật ong, táo đỏ, nước sôi, kỷ tử
- Bỏ trà vào bình, thêm nước sôi để tráng trà rồi chắt bỏ ngay nước này đi
- Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên vào bình
- Đậy nắp bình để ủ trà trong 5-10 phút
- Thêm mật ong tùy lượng nếu bạn thích uống ngọt, là có thể thưởng thức.
Đơn giản hơn, bạn có thể cắt lát táo đỏ, cho vào bình cùng với kỷ tử, thêm nước sôi và ủ trong 30 phút để uống thay nước lọc trong ngày. Hãy lưu ý về liều lượng khuyến cáo của táo đỏ là 5-10 quả mỗi ngày, của kỷ tử là 6-15g mỗi ngày.
Đến đây, hẳn bạn đã có đầy đủ thông tin về tác dụng của trà táo đỏ kỷ tử và biết rõ liệu mình có phù hợp để sử dụng loại trà dược liệu này hay không. Nếu được, hãy biến việc uống nước táo đỏ kỷ tử thành thói quen mỗi ngày để thanh lọc và trẻ hóa cơ thể, tăng cường miễn dịch, giúp sống khỏe hơn, trẻ hơn bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]