backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cây rẻ quạt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 11/10/2023

Cây rẻ quạt

Cây rẻ quạt là một dược liệu quý và quen thuộc trong các bài thuốc điều trị các bệnh về đường hô hấp như viêm amidan, ho do viêm họng… Vậy cây rẻ quạt có tác dụng gì?. Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Tên thường gọi: Hoàng viễn, ô phiến, quỷ phiến, xạ can, lưỡi đồng

Tên khoa học: Belamcanda chinensis (L) DC

Họ: La dơn (Iridaceae)

Tên nước ngoài:  Dwarf tiger-lily, Leopard flower, Blackberry lily (Anh)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây rẻ quạt

Cây rẻ quạt xuất hiện ở rất nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là loại thảo dược được phân bố chủ yếu ở một số quốc gia châu Á, chẳng hạn như: Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Nhật Bản, Philipin,…. 

Rẻ quạt thuộc nhóm cây thân cỏ lâu năm, kích thước nhỏ. Chiều cao trung bình trên dưới khoảng 1m. Thân rễ màu vàng nâu, vẫn còn những vết tích của lá là những gân ngang, sẹo của rễ con và rễ ngắn còn sót lại. Lá rẻ quạt mọc thẳng đứng, có bẹ mọc xen kẽ thành hai hàng úp vào nhau, tạo thành thân. Lá hình mác dài, màu xanh lục, nhiều gân song song và có mép nguyên. Chiều dài lá khoảng từ 20 – 40cm, rộng 15 – 20mm.

Hoa có cuống, mọc tập trung thành chùm, phần lớn ở ngọn. Hoa có màu vàng đốm tím. Mỗi hoa thường có 6 cánh, 3 nhị, trông rất đẹp nên nhiều nơi dùng trang trí trong nhà, gọi là lan rẻ quạt. Quả nang dài khoảng 20 – 25mm, hình trứng. Hạt hình cầu, màu xanh đen.

Bộ phận được dùng làm thuốc

Thân rễ, mùi thơm nhẹ, vị đắng hơi cay. Thu hái vào cuối mùa thu khi lá khô héo hoặc đầu xuân khi cây mới nảy mầm. Có thể dùng tươi hoặc rửa sạch, ngâm mềm rồi thái và phơi khô để dùng dần.

Thành phần hóa học trong cây rẻ quạt

Dược liệu rẻ quạt chứa nhiều hợp chất khác nhau như belamcanidin, tectorigenin, tectoridin, irigenin, methyl Irisolidone, iridin, irisflorentin, noririsflorentin, muningin…

Tác dụng

Theo y học cổ truyền, cây rẻ quạt có tác dụng gì?

tác dụng của cây rẻ quạt

Rẻ quạt có vị đắng, hơi cay, tình hàn, quy vào kinh can, tỳ và phế. Dược liệu này có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, giải độc, tiêu đờm, chữa ho, ho gà, viêm họng, viêm amidan, khàn tiếng,…Ngoài ra, tác dụng của cây rẻ quạt còn có thể chữa sốt, thống kinh, bí đại tiểu tiện, sưng vú tắc tia sữa, mụn nhọt, sung đau, đau nhức tai, rắn cắn…

Cây rẻ quạt có tác dụng gì theo y học hiện đại

Cây rẻ quạt được đánh giá là một loại cây thuốc quý và được sử dụng rộng rãi trong y học hiện đại. Trong những năm gần đây, loại thảo dược này bắt đầu được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi với các tác dụng như sau:

  • Tác dụng chống nấm và virus: Cụ thể là ức chế virus gây viêm nhiễm hô hấp và các loại nấm da thường gặp.
  • Tác dụng đối với hệ nội tiết: Dịch chiết cồn và nước của xạ can có tác dụng tăng tiết nước bọt. Người ta có thể dùng dung dịch của cây rẻ quạt ở cả đường uống và đường tiêm, nhưng đường tiêm có thể mang đến tác dụng nhanh chóng và kéo dài.
  • Tác dụng khử đờm: Nước sắc của cây rẻ quạt có tác dụng tống đờm mạnh, nâng cao chức năng hô hấp cho chuột nhắt trắng.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Ức chế các chủng vi khuẩn liên cầu tan máu, trực khuẩn ho gà, Bacillus subtilis và tác dụng yếu với tụ cầu vàng, Shigella dysenteriae.
  • Tác dụng giải nhiệt: Hạ sốt cao rõ rệt trên chuột nhắt trắng. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có đặc tính kháng viêm.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây rẻ quạt là bao nhiêu?

Rẻ quạt được sử dụng ở dạng thuốc sắc hoặc dùng đắp, ngậm. Liều dùng trung bình là khoảng 6 – 10g dược liệu khô/ngày sắc nước uống hoặc giã nhỏ 10 – 20g thân rễ tươi. Liều dùng có thể thay đổi đối với những bệnh nhân khác nhau, căn cứ vào tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Dạng bào chế của cây rẻ quạt

Dược liệu này có thể dùng tươi giã nát để đắp, ngậm hoặc sắc nước uống.

Một số bài thuốc có cây rẻ quạt

Cây rẻ quạt được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

bài thuốc với cây rẻ quạt

Bài thuốc trị hen hoặc viêm phế quản thể hen

Chuẩn bị: Ma hoàng 8g, xạ can 8g, tử uyển 12g, tế tân 4g, khoản đông hoa 12g, 3 lát gừng tươi, đại táo 3 quả, khương bán hạ 8g. Sắc nước uống

Cách dùng cây rẻ quạt chữa ho do nhiễm lạnh

  • Chuẩn bị: Khoản đông hoa, tử uyển, bán hạ, xạ can, đại táo và sinh khương (gừng tươi) mỗi vị 10g, ngũ vị tử và tế tân mỗi vị 3g, ma hoàng 7g.
  • Thực hiện: Sắc với 3 bát nước đến khi còn lại 1 bát. Dùng uống hết trong ngày. Uống thuốc trong vòng 2 ngày là sẽ khỏi bệnh.

Bài thuốc cây rẻ quạt chữa viêm họng hạt 

  • Chuẩn bị: Củ tươi khoảng 50g.
  • Thực hiện: Đem rửa sạch, sau đó, nướng chín và gĩa nhỏ, cho thêm 1 ít muối và cho vào bình kín. Mỗi lần dùng 2 – 3g để ngậm, ngày dùng từ 2 – 3 lần và sử dụng liên tục 5 – 7 ngày. Khi ngậm chỉ nuốt nước, cần nhổ bỏ bã.

Bài thuốc chữa họng sưng đau

  • Chuẩn bị: Hoàng cầm, cát cánh và cam thảo sống mỗi vị 2g, rẻ quạt 4g.
  • Thực hiện: Đem tất cả dược liệu tán thành bọt mịn, sau đó, hòa với nước mát để uống.

Hoặc chữa sưng đau họng do nóng trong:

  • Chuẩn bị: Rẻ quạt tươi.
  • Thực hiện: Thái mỏng, mỗi lần dùng 20g sắc với 1,5 chén nước đến khi còn 8 phân thì vớt bỏ bã. Sau đó, cho thêm mật ong vào khuấy đều và uống.

Bài thuốc chữa chứng viêm yết hầu thể nhẹ

  • Chuẩn bị: Xạ can 9g, kim ngân hoa 9g, cam thảo, bạc hà và ngưu bàng tử mỗi thứ 6g.
  • Thực hiện: Sắc với nửa lít nước đến khi còn 150ml thì tắt bếp. Sau đó, chia nước sắc thành 2 lần dùng và uống hết trong ngày. Nên dùng thuốc khi còn ấm để đảm bảo hiệu quả. Uống thuốc sau khi ăn sáng và ăn tối, duy trì việc dùng thuốc liên tục từ 5 – 7 ngày.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Trước khi dùng cây rẻ quạt bạn nên lưu ý những gì?

lưu ý khi sử dụng cây rẻ quạt

  • Tránh dùng lâu ngày có thể khiến cơ thể hư yếu, dễ tiêu chảy.
  • Không dùng trong những trường hợp phổi không có độc, cơ thể không bị nhiệt, đang bị tiêu lỏng, tỳ hư, phụ nữ mang thai và người tạng hàn.
  • Tránh nhầm lẫn giữa cây rẻ quạt với cây hương bài bởi có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Hương bài là loại thảo dược có độc, không có tác dụng chữa bệnh.
  • Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm và nhiệt độ cao.
  • Chú ý tình trạng của dược liệu trước khi dùng. Tuyệt đối không sử dụng nếu có dấu hiệu hư hại, ẩm mốc và có mùi lạ.
  • Hầu hết các bài thuốc từ loại thảo dược này đều được lưu truyền chủ yếu trong dân gian. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.

Để sử dụng rẻ quạt một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn như thế nào?

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng dược liệu này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với rẻ quạt

Dược liệu này có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi sử dụng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 11/10/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo