backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cây chay (chay ruột đỏ) - Từ món ăn đến vị thuốc quý

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 31/05/2024

Cây chay (chay ruột đỏ) - Từ món ăn đến vị thuốc quý

Chay là loại cây quen thuộc ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Dân gian thường sử dụng vỏ thân rễ chay để ăn trầu, quả cây chay trong nấu ăn bởi vị chua rất đặc trưng, lá chay sắc uống để điều trị các bệnh lý đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, ngày nay dưới sự phát triển của khoa học công nghệ, các công trình nghiên cứu đã chứng minh các bộ phận của cây chay còn có công dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, tác dụng ức chế miễn dịch ứng dụng trong các trường hợp ghép tạng…

Nếu bạn chưa biết cây chay trị bệnh gì, hãy cùng tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây nhé!

Tên thường gọi: Chay bắc bộ

Tên gọi khác: Chay ăn trầu, chay vỏ tía, chay ruột đỏ

Tên khoa học: Artocarpus tonkinensis A. Chev. ex Gagnep

Họ: Moraceae (Dâu tằm).

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây chay

Cây chay có mấy loại?

Ở miền Bắc nước ta, có 2 loại là cây chay đỏ (chính là chay bắc bộ, hay chay vỏ tía) và chay xanh. Bạn chỉ cần nắm rõ đặc điểm nhận dạng và hình ảnh cây chay vỏ tía dùng làm thuốc là được.

Mô tả về cây chay đỏ

  • Cây thân gỗ, cao tới 15m. Thân cây màu xám, nhẵn, mọc thẳng và phân cành nhiều. Phần cành non lúc đầu có lông hung, già hơn sẽ nhẵn và có vỏ màu xám.
  • Lá mọc so le thành hai hàng, phiến lá hình bầu dục, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ ngắn màu hung. Lá dài 7-15cm, rộng 3-7cm, gốc tròn, đầu nhọn, gân nổi rõ.
  • Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá. Mùa hoa vào tháng 3-4.
  • Quả phức, hình gần tròn, có cuống ngắn màu vàng, thịt quả màu hồng, mềm, vị chua. Vì vậy, cây này còn được gọi là cây chay ruột đỏ. Mùa quả vào tháng 7-9.
  • Hạt to, có nhiều nhựa dính.

Chay bắc bộ hầu như chỉ có ở Việt Nam mà không tìm thấy ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Cây mọc tự nhiên ở các tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Cạn,… Do nhu cầu lấy vỏ thân rễ ăn trầu và quả làm dược liệu nên cây cũng được trồng nhiều ở các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Thống kê cho thấy, qua quá trình chọn lọc giống và nuôi trồng thì cây chay sẽ cho quả to ngọt hơn và lá to hơn so với ngoài tự nhiên.

Bộ phận dùng của cây chay

Bộ phận dùng của chay bắc bộ là quả, lá và rễ.

Thành phần hóa học trong chay bắc bộ

Do cây chay chỉ được phát hiện ở Việt Nam nên các nghiên cứu về loại cây này cũng được ghi chép khá nhiều. Theo nhiều tài liệu, cây chay có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

  • Vỏ rễ mang tannin, polyphenol…
  • Vỏ thân có flavonoid, stilben như catechin, afzlectin 3-O-α-L-rhamnopyranosid.
  • Quả xanh chứa hợp chất saponin steroid alkaloid gồm solasonin và solasodin. Chiết xuất dịch quả có dimethyl nitrosamin.
  • Lá dồi dào canxi và protein.
  • Hạt chứa lectin.

Cây chay ruột đỏ chứa các flavonoid với hàm lượng rất cao, 4 trong số đó đã được phân lập là:

  • Kaempferol
  • Maesopsin
  • Alphitonin
  • Artonkin.

4 hợp chất này rất hiếm có trong tự nhiên. Cả bốn chất này đều có hoạt tính chống viêm nhưng mức độ kháng viêm là khác nhau, trong đó chất mới artonkin (đặt theo tên latin của cây chay bắc bộ) được chứng minh là có hoạt tính ức chế sản sinh các cytokine mạnh, do đó đây là chất ức chế miễn dịch mạnh và chống viêm mạnh nhất. Chúng cũng được coi là những chất chính mang lại hiệu quả trị bệnh, tác dụng ức chế miễn dịch của chay bắc bộ.

Tác dụng, công dụng

tác dụng của cây chay

Dược liệu chay bắc bộ có những công dụng gì trong dân gian?

  • Dân gian lấy vỏ rễ cây để ăn trầu.
  • Quả chay khi chín có thể ăn trực tiếp, nấu canh chua hoặc phơi khô để nấu canh.
  • Dân gian dùng quả tươi ăn trực tiếp hoặc ép nước uống để trị các trường hợp ho ra máu, thổ huyết, phổi nóng, chảy máu cam, đau họng, dạ dày thiếu axit, ăn uống kém. Trong trường hợp không có chay tươi, có thể lấy quả khô hoặc rễ đem sắc nước uống. Sở dĩ quả chay chữa phổi nóng, ho ra máu, chảy máu cam hiệu quả là do quả này chứa rất nhiều Vitamin C thiên nhiên và các acid amin…có tác dụng tăng cường miễn dịch, tăng sức bền thành mạch, giảm thiểu tình trạng chảy máu.
  • Người dân tộc H’Mông dùng làm thuốc thảo dược điều trị viêm khớp và đau lưng.

Tác dụng của cây chay theo Y học cổ truyền

Theo Đông y, quả cây chay có tính bình, vị chua với các tác dụng:

  • Thu liễm
  • Cầm máu
  • Thanh nhiệt
  • Khai vị giúp kích thích tiêu hóa, cải thiện vị giác.

Rễ và lá cây chay có vị chát, tính bình, quy kinh Can, Thận. 

Lá và rễ chay sắc uống có tác dụng làm săn se niêm mạc, giảm đau, giảm tê thấp, điều hòa kinh nguyệt, giảm khí hư, huyết trắng,…có công dụng chữa:

  • Đau lưng
  • Mỏi gối
  • Tê thấp
  • Rong kinh
  • Bạch đới
  • Làm chắc chân răng.

Cây chay có tác dụng gì theo nghiên cứu hiện đại?

Điều trị nhược cơ

Năm 1980, tại bệnh viện Quân y 103, GS.BS Phan Chúc Lâm có một nghiên cứu được Bộ Quốc Phòng tặng bằng khen số 16 vào ngày 1/7/1981. Bác sĩ đã tiến hành thử nghiệm trên 31 bệnh nhân nhược cơ nặng và khẳng định:

  • Dịch chiết nước của lá cây chay ruột đỏ giúp 90% bệnh nhân giảm và hết triệu chứng bệnh.
  • Dịch chiết thuốc đặc biệt làm giảm nhanh triệu chứng điển hình và thường gặp nhất là sụp mí mắt.

Trong khi đó, chỉ có 88% bệnh nhân được điều trị với các thuốc Tây y như cyclophosphamide hay prednisolone; 70% bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức giảm và hết triệu chứng.

Nghiên cứu còn ghi nhận, dịch chiết lá cây chay ruột đỏ không gây ra tác dụng phụ làm tăng tỉ lệ tử vong do nhiễm khuẩn thứ phát giống như khi điều trị bằng prednisolon. 

Những kết quả này chứng tỏ dịch chiết từ lá cây chay có tác dụng đặc hiệu, chọn lọc trên hệ thống miễn dịch của cơ thể nên không gây ra tác dụng phụ giống như thuốc Tây y.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

cây chay trong điều trị viêm khớp

Về tác dụng này của cây chay, nghiên cứu của một nhóm tác giả tại Trường Đại học Y Hà Nội kết hợp với viện Karolinska của Thụy Điển cho kết quả:

  • Lá cây chay ruột đỏ làm giảm mức độ viêm tại các khớp, giảm số lượng khớp bị viêm trên chuột bị viêm khớp dạng thấp
  • Lá cây chay làm tăng số lượng tế bào tự hủy, ức chế số lượng tế bào ở hạch bạch huyết, điều hòa miễn dịch. Kết quả là nó giúp giảm các đợt cấp của viêm khớp dạng thấp.

Một nghiên cứu khác của TS. Trịnh Thị Thủy, thuộc viện Hóa học Việt Nam và cộng sự, kết hợp với Trường đại học Perugia, Italia cũng cho kết quả: Dịch chiết lá cây này ức chế sản xuất các cytokine-chất trung gian kích hoạt phản ứng viêm, do đó ức chế quá trình hình thành các ổ viêm, giảm đau.

Giảm phản ứng thải ghép

Ở những bệnh nhân được ghép tạng như ghép gan, ghép thận, ghép da…, tạng đưa vào được cơ thể nhận định là vật thể lạ và chỉ huy hệ miễn dịch tạo ra kháng thể nhằm loại bỏ chúng. Họ buộc phải sử dụng các thuốc để ức chế hệ miễn dịch, không cho cơ thể thải ghép.

Cũng trong nghiên cứu của GS.BS. Phan Chúc Lâm ghi nhận dịch chiết lá cây chay có tác dụng giảm quá trình thải ghép ở người ghép tạng tương tự như thuốc ức chế miễn dịch cyclosporin A.

Kìm hãm tế bào ung thư

Có nghiên cứu cho thấy dịch chiết từ lá chay bắc bộ cho hiệu quả:

  • Ức chế các gen liên quan đến ung thư tủy xương, từ đó kìm hãm sự tăng sinh của tế bào ung thư, kích thích tế bào chết đi theo đúng chu trình mà không ảnh hưởng đến các tế bào lành khác trong cơ thể
  • Làm tăng tác dụng của các thuốc điều trị ung thư tủy xương như doxorubicin, azacytidine.

Điều đặc biệt là các gen mà dịch chiết lá chay tác động đến được đều là những gen quan trọng trong bệnh ung thư tủy xương. Do đó, các nhà khoa học hi vọng tìm kiếm được các loại thuốc mới hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị căn bệnh này.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây chay là bao nhiêu?

  • Dân gian thường dùng liều 20-40g dạng thuốc sắc.
  • Liều dùng có thể thay đổi tùy thuộc vào bài thuốc.

Một số bài thuốc có chay bắc bộ

Cây chay ruột đỏ được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

bài thuốc từ cây chay đỏ

  • Chữa tê thấp đau lưng, mỏi gối: 20g lá và rễ cây chay, 16g thiên niên kiện, 15g thổ phục linh đem sắc với 600ml nước cho đến khi còn lại 200ml thì tắt bếp. Chắt lấy phần nước thu được chia thành 2 lần uống trong ngày.
  • Chữa rong kinh, bạch đới: 50-60g rễ cây chay, 50-60g rễ cỏ tranh sắc nước uống.
  • Hỗ trợ tiêu hóa, khó tiêu, đầy bụng: Quả chay khô 25g, hãm với nước uống sau ăn 30 phút mỗi ngày.
  • Giảm khí hư, huyết trắng nhiều, điều hòa kinh nguyệt: Rễ thân cây chay 20g, rễ cỏ tranh 20g, đem sắc uống hàng ngày, 2 lần mỗi ngày trước bữa ăn.
  • Giảm đau răng, đau nướu: Rễ chay khoảng 40g, đem đi đun với nước đến khi cô đặc lại thì ngậm nhiều lần trong ngày.
  • Dùng ngoài da: Lấy vỏ thân cây nghiền thành bột mịn rồi đắp lên các vết thương có mụn nhọt, lở ngứa.

Bạn có thể quan tâm:

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng chay bắc bộ, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng cây chay một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của chay bắc bộ

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng vị thuốc này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với cây chay

Chay bắc bộ có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 31/05/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo