backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng và dược liệu tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2023

    Cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng và dược liệu tại nhà

    Ho và ngứa cổ họng là các triệu chứng rất phổ biến mà ai cũng có thể mắc vài lần trong đời. Mặc dù đây là các triệu chứng thường không quá nguy hiểm nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chế độ sinh hoạt, giấc ngủ và cuộc sống của bạn. Để giảm ho và các triệu chứng đường hô hấp khác, gừng và một số loại dược liệu thể hiện hiệu quả đáng kể. Vậy, cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng như thế nào?

    Nguyên nhân bị ho, ngứa cổ họng là gì? 

    Ho là một phản xạ có lợi, là cách cơ thể chúng ta tự bảo vệ mình bằng việc đẩy dị vật trong đường hô hấp ra ngoài. Có nhiều triệu chứng ho khác nhau như ho khan, ho có đờm,… và thường đi kèm cảm giác ngứa cổ họng. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:

  • Chất kích thích hoặc chất gây dị ứng như khói, bụi, mùi mạnh, phấn hoa, lông động vật,… hay một số thuốc (chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển trong điều trị tăng huyết áp)
  • Các nguyên nhân gây ho cấp tính và bán cấp tính gồm cảm lạnh, cúm, viêm xoang, viêm phế quản hoặc viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi, ho gà, cơn hen cấp, dị ứng, khói thuốc lá.
  • Các nguyên nhân gây ho mạn tính là viêm phế quản mạn tính, bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, các rối loạn trong cổ họng, chảy dịch mũi sau, suy tim,…
  • cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng có hiệu quả không

    Gừng có tác dụng điều trị ho, ngứa cổ họng như thế nào? 

    Như bạn đã biết, nguyên nhân dẫn đến ho ngứa cổ họng có rất nhiều. Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn nên kết hợp một số biện pháp tại nhà để sớm giảm triệu chứng khó chịu này, trong đó có cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng.

    Theo Đông y, gừng mang tính ấm, vị cay nồng, có tác dụng tán hàn, tiêu viêm, giảm ho, nhuận phế. Nhờ đó mà gừng giúp cải thiện các triệu chứng ở đường hô hấp như ho, đau họng, ngứa cổ họng,…, đặc biệt là do cảm lạnh.

    Thêm vào đó, trong các nghiên cứu dược lý hiện đại, kết quả cũng đã chứng minh thành phần hoạt chất gingerols trong gừng làm giảm nguy cơ nhiễm cả vi khuẩn và virus, nổi bật là virus hợp bào hô hấp. Ngoài ra nhiều nghiên cứu còn cho thấy, lượng lớn Ginger oil và Zingiberol trong gừng có tác dụng ức chế prostaglandin – một trong các hoá chất trung gian của quá trình viêm. Nhờ đó, gừng tươi thể hiện hiệu quả trong việc giảm viêm họng, viêm phế quản, ho, cảm lạnh, cảm cúm,…

    Tìm hiểu cụ thể về cách dùng gừng chữa đau họng

    Cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng 

    cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng như thế nào

    Bạn có thể dùng gừng mật ong trị ho ngứa cổ họng theo công thức như sau:

    • Lấy 1 củ gừng tươi đem rửa sạch, để ráo nước rồi thái lát
    • Cho gừng đã thái lát vào ấm, thêm 200ml nước sôi vào hãm trong 15 phút
    • Sau đó thêm 2 thìa cà phê mật ong nguyên chất vào, khuấy đều.
    • Uống khi trà gừng còn ấm và kết hợp nhấm nháp ba lát gừng trong ít nhất 10 phút để tăng hiệu quả điều trị

    Bên cạnh cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng mật ong kể trên thì bạn cũng có thể kết hợp gừng với hồi, quế và húng quế để sắc nước uống. Bài thuốc này cũng giúp làm dịu cổ họng, giảm ho và cải thiện các triệu chứng ngứa rát cổ họng khác.

    Sử dụng bột gừng khô trộn với mật ong để làm kẹo cũng là một cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng hiệu quả, an toàn tại nhà. 

    Các dược liệu hỗ trợ giảm ho, ngứa cổ họng khác 

    Bên cạnh cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng, bạn cũng có thể tận dụng một số nguyên liệu thiên nhiên khác để cải thiện các triệu chứng khó chịu ở đường hô hấp, điển hình như:

    Dùng nghệ chữa ho ngứa cổ họng

    Nghệ có chứa thành phần chống viêm và kháng khuẩn, nhờ đó thúc đẩy tiến trình điều trị các bệnh lý gây ngứa cổ họng và ho. Bạn có thể sử dụng nghệ để làm giảm ho theo hướng dẫn như sau:

    • Lấy 1 thìa cà phê bột nghệ, hòa tan trong 200ml nước ấm.
    • Cho 3 thìa cà phê mật ong nguyên chất vào, khuấy đều.
    • Uống trực tiếp khi nước nghệ mật ong còn ấm.

    Nếu không có sẵn bột nghệ, bạn có thể lấy nghệ tươi đem giã nát, vắt lấy nước cốt và pha với mật ong để uống.

    Dùng lá hẹ chữa ho ngứa cổ họng

    Theo y học cổ truyền, hẹ có vị cay ngọt, tính ấm. Trong cây hẹ có hợp chất sulfur, saponin, chất đắng và hoạt chất adorin có tác dụng kháng khuẩn và vitamin C. Nhờ đó, hẹ có tác dụng làm ấm vùng phổi, bổ phổi, điều hòa các cơ quan nội tạng. Trong dân gian, lá hẹ được dùng để chữa ho, cảm lạnh và viêm họng,… đã từ rất lâu đời.

    Cách dùng lá hẹ chữa ho ngứa cổ họng như sau:

    • Chuẩn bị 200g lá hẹ tươi và 50g đường phèn.
    • Ngâm hẹ với nước muối 5 phút rồi rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.
    • Đường phèn giã nhỏ.
    • Cắt lá hẹ thành từng khúc ngắn, cho vào chén cùng đường phèn, chưng cách thuỷ trong khoảng 15-20 phút.
    • Chắt lấy nước cốt uống khoảng 3 – 4 thìa cà phê/lần.

    Người lớn có thể dùng 3 lần/ngày nhưng trẻ nhỏ thì chỉ nên dùng 2 lần/ngày.

    Xông hơi tinh dầu khuynh diệp 

    cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng kết hợp tinh dầu

    Bên cạnh cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng thì bạn cũng có thể thử kết hợp xông hơi bằng tinh dầu khuynh diệp để giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở đường hô hấp. Cách thực hiện đơn giản như sau:

    • Lấy khoảng 1.5 lít nước lọc cùng 1 ít tinh dầu khuynh diệp
    • Đun sôi nước rồi cho tinh dầu vào và khuấy đều
    • Sau đó bạn cho ra tô lớn và dùng xông hơi mũi, họng trong khoảng 15 phút.

    Thêm vào đó, bạn có thể thoa một ít dầu khuynh diệp ở cổ để nâng cao hiệu quả điều trị.

    Biện pháp phòng ngừa ho, ngứa cổ họng tái phát

    Ngoài áp dụng cách trị ho ngứa cổ họng bằng gừng hoặc các nguyên liệu thiên nhiên khác thì bạn cũng nên chú ý phòng ngừa những triệu chứng này tái phát. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn:

    • Uống nhiều nước ấm để hỗ trợ làm loãng chất nhầy đường hô hấp.
    • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch.
    • Tránh uống đồ lạnh, uống cà phê, rượu bia, nước có gas.
    • Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc.
    • Vệ sinh răng miệng đúng cách; dùng nước muối súc miệng họng để ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn, virus.
    • Giữ ấm cho cơ thể, nhất là vùng cổ.
    • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như lông động vật, phấn hoa, nấm mốc, hoá chất,…
    • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa.
    • Sử dụng máy lọc không khí và máy tạo độ ẩm để liên tục làm mới và làm ẩm không khí.
    • Tập thể dục để nâng cao sức khỏe nói chung.

    Gừng là vị thuốc dễ kiếm cũng như khá an toàn và dễ dàng khi sử dụng, tuy nhiên bạn cần nhớ kỹ các lưu ý khi sử dụng gừng thường xuyên để hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn: 

    • Không dùng gừng trong trường hợp âm hư nội nhiệt, nóng trong người, bốc hỏa. .
    • Ăn gừng lâu, tích nhiệt mắc bệnh. Phàm người bệnh trĩ ăn nhiều kiêm rượu, lập tức phát bệnh nhanh. Người ung nhọt ăn nhiều thì sinh ác nhục.
    • Bệnh nhân huyết áp cao không nên dùng gừng (vì gừng có tác dụng làm tăng huyết áp)

    Như đã nói ở trên, ho có thể chỉ là một triệu chứng của cảm lạnh nhưng cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý khác phức tạp hơn. Trong trường hợp ho kéo dài, ho khan chuyển thành ho có đờm, kèm tức ngực, khó thở…người bệnh cần được đến cơ sở y tế chuyên khoa để có thể được thăm khám và điều trị hiệu quả nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo