Bạn đọc hỏi:
Chào bác sĩ, tôi tên Hà, 44 tuổi, tôi có một cô con gái 16 tuổi. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, con tôi thường hay mắc cảm cúm. Một người bạn của tôi mách tôi dùng quế chi để tự chữa cảm cúm tại nhà cho con. Vậy xin bác sĩ cho tôi biết quế chi có tác dụng gì? Có dùng để chữa cảm cúm được không và cách dùng quế chi ra sao? Tôi xin cảm ơn.
Thu Hà (44 tuổi)
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn,
Với câu hỏi: “Quế chi có tác dụng gì? Có dùng để chữa cảm cúm được không”, BS CKI. Lai Ngọc Hiền (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP. HCM) giải đáp như sau:
Cây quế chi có tên khoa học là Cinnamomum cassia Presl, thuộc họ Long não – Lauraceae. Thành phần hóa học của quế chi gồm có: Tinh dầu, diterpenoid, flavonoid, tannin, phenylglycosid, coumarin, aldehyd cinnamic, bazylacetat, banzaldehyd, cinnamylacetat, aldehyd cinnamic,…
Quế chi có tác dụng gì?
Các tác dụng dược lý của quế chi gồm có:
- Quế chi kích thích tiêu hóa, vị giác, tăng tuần hoàn, hỗ trợ hô hấp và thúc đẩy bài tiết, kích thích tuyến mồ hôi, gây giãn mạch.
- Tác dụng co mạch, co bóp tử cung và tăng nhu động ruột, cường tim.
- Chống xơ vữa động mạch và gốc tự do, hạn chế hình thành khối u.
- Kháng viêm và giảm đau, cải thiện lưu thông máu, chống kết tập tiểu cầu và chống đông máu trong thử nghiệm sơ bộ.
- Ngừa tiểu đường và béo phì, bảo vệ tim mạch, bảo vệ tế bào thần kinh.
- Kháng khuẩn và kháng vi rút gây bệnh cảm cúm, điều hòa miễn dịch.
- Ức chế vi nấm.
Quế chi có tác dụng gì theo y học cổ truyền? Quế chi là một vị thuốc và cũng được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm. Nó có vị cay, ngọt, thơm và tính ấm.
Qui kinh Bàng quang, Tâm và Phế.
Chức năng chủ trị
Cảm mạo phong hàn, đau khớp, đau lạnh bụng, phù thũng, huyết hàn bế kinh, đánh trống ngực, ho, cổ họng có đờm.
Chữa trị phù nề, ôn kinh thông mạch, điều trị các bệnh khớp do phong, hàn, thấp, hành huyết, hoạt huyết, giảm đau, hen suyễn, tiểu tiện bí tức.
Liều dùng: 4 – 10g.
Kiêng kỵ: Người có thấp nhiệt, âm hư, huyết khô nóng, phụ nữ có thai, xuất huyết, tổn thương ở yết hầu thì ko dùng.
Tùy vào từng thể bệnh, quế chi sẽ được kết hợp với các thảo dược khác nhau để cho hiệu quả điều trị tốt nhất.
Một số bài thuốc tham khảo với quế chi
Giải biểu tán hàn
Dùng trị cảm phong hàn, sợ lạnh, phát sốt, không ra mồ hôi, ho, khí suyễn, tay chân mình đau nhức. Khi dùng, quế chi 4 – 12g phối hợp với ma hoàng 4 – 12g, hạnh nhân 12 g, cam thảo 4g. Ngày sắc 1 thang chia 2 lần uống.
Bài thuốc cho bệnh nhân cảm phong hàn, biểu hư với các triệu chứng sốt, ra mồ hôi, sợ gió, lạnh… Dùng quế chi 12g, bạch thược 12g, sinh khương 12g, đại táo 4 quả, chích cam thảo 6g đem sắc và uống khi thuốc còn nóng.
Điều trị ho hen có đờm
Quế chi, cam thảo, bạch truật mỗi vị 8g, phục linh 12g.
Bài thuốc trị phong thấp, sưng đau khớp
Quế chi, sinh khương mỗi vị 12g, phụ tử 4g, cam thảo 8g và 3 quả đại táo.
Bài thuốc chữa đau mỏi khắp người khi thời tiết thay đổi
10g quế chi, 10g thiên niên kiện, 20g thổ phục linh, 16g ngải diệp, 16g trinh nữ, 16g kinh giới, 12g cẩu tích, 12g ngũ gia bì.
Chữa đau nhức xương khớp do yếu tố thấp
Quế chi, bạch chỉ mỗi vị 8g; ý dĩ, tỳ giải, cam thảo, uy linh tiên mỗi vị 12g; thổ phục linh, hy thiêm, ké đầu ngựa mỗi vị 16g.
Một số món ăn với quế chi
Cháo quế chi phòng phong ý dĩ: 10g quế chi, 12g phòng phong, 10g sinh khương cùng 100g gạo tẻ và 30g ý dĩ. Lấy nước sau khi sắc của các vị thuốc trên mang đi nấu cháo. Món ăn này phù hợp với những người bị viêm đau khớp.
Gà hầm quế chi, tiểu hồi. Lấy 6g mỗi vị sắc lấy nước nấu canh gà giúp ôn ấm cơ thể, trợ tiêu hóa.
Những đối tượng nào không dùng dược liệu quế chi:
- Bệnh nhân suy gan, thận.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Xuất huyết hoặc tổn thương vùng hầu họng.
Tác dụng phụ của quế chi
- Viêm miệng, lưỡi và nướu.
- Dị ứng.
- Nóng trong người.
- Tăng nhịp tim.
Do đó, không nên lạm dụng thuốc, sử dụng quá nhiều quế chi có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin về cây quế chi, giải đáp thắc mắc “Quế chi có tác dụng gì” và một số bài thuốc với quế chi. Tuy nhiên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc không nên tự ý áp dụng các bài thuốc từ dược liệu này nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]