backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Hổ phách có tác dụng gì với sức khỏe?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2023

Hổ phách có tác dụng gì với sức khỏe?

Đá hổ phách với màu sắc đẹp mắt cùng ý nghĩa phong thuỷ tốt nên ngày nay thường được dùng để làm vật phẩm trang trí hoặc vòng đeo tay, đeo cổ. Tuy nhiên ít ai biết hổ phách còn có những tác dụng có lợi cho sức khỏe. 

Vậy đá hổ phách là gì? Hổ phách có tác dụng gì và cách dùng ra sao? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay nhé! 

Tổng quan 

Hổ phách là gì? 

Hổ phách hay còn có tên gọi là hoa phách, quang phách, hắc hổ phách, minh phách hay đơn phách. Bản chất hổ phách chính là hợp chất carbon-hydrogen trong nhựa cây thông đã hoá thạch. Những hóa thạch này có thể lên đến hàng triệu năm, bị chôn vùi sâu trong lòng đất. 

Loại hổ phách chất lượng nhất được cho là từ nhựa của loài thông cổ Pityoxylon succinifer Kauss đã bị tuyệt chủng. Hiện nay để thu được đá hổ phách này, người ta cần phải đào mỏ than hoặc lặn sâu xuống đáy biển để tìm. 

Cây thông cổ đại cho dược liệu hổ phách phân bố chủ yếu ở vùng Nam Mỹ và dọc bờ biển Châu Âu. Ngoài ra, đá hổ phách cũng có thể được tìm thấy ở một số nước Đông Nam Á, nhưng được cho là chất lượng kém hơn. 

hổ phách là gì

Tính chất của hổ phách

Chúng ta thường thấy hổ phách dưới dạng đá, rất cứng chắc và kích thước không đều nhau. Tuy nhiên, hổ phách được đánh giá là một loại đá mềm, dễ vỡ nên hổ phách tự nhiên khó tác động để tạo hình như những loại đá quý khác. 

Trên bề mặt đá thường được phủ một lớp mờ mờ (nếu không vệ sinh đá đúng cách bạn có thể làm mất lớp mờ này, còn lại cặn đá). Hổ phách thường màu đỏ đến vàng. Khi được dùng làm thuốc, hổ phách được bào chế bằng những cách thức như sau: 

  • Chế với sữa rồi nghiền mịn, để dùng dần. 
  • Cho nước hoà với bột của hạt trắc bá vào trong nồi đất, cho hổ phách vào nấu trong 2 giờ. Sau đó đem dược liệu nghiền thành bột và dùng dần.

Khác với những loại dược liệu khác, hổ phách rất dễ bảo quản vì hầu như không bị ẩm mốc hay hư hại. 

Tìm hiểu thêm: Vòng cổ hổ phách cho bé có thật sự tốt như lời đồn?

Thành phần hóa học trong hổ phách 

Các thành phần tự nhiên có trong hổ phách: nhựa cây với một phần ít tinh dầu, axit diabietinolic, axit succinosilvic, succinoresinol, succinoabietol, axit succinic, borneol, axit succoxyabietic, axit succinoabietinolic, natri, stronti, silic, sắt, coban. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra công thức hoá học của hổ phách là (C10H16O)4.

Tác dụng, công dụng

Hổ phách có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền, hổ phách có vị ngọt tính bình; quy vào kinh bàng quang, can và tâm; có công dụng:

  • Lợi tiểu.
  • Giải huyết ứ.
  • Tăng cường tuần hoàn máu.
  • An thần.

Hổ phách được dùng để điều trị:

  • Động kinh ở trẻ nhỏ.
  • Vô kinh và kinh nguyệt ít do huyết ứ.
  • Rối loạn tiểu tiện (tiểu ra máu, tiểu buốt, sỏi canxi).

Lưu ý: Hiện nay, hổ phách chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của hổ phách là bao nhiêu?

Hổ phách là vị thuốc dùng được ở dạng hoàn tán, bột uống hoặc có thể dùng tại chỗ. Liều dùng thuốc trung bình từ 1,5-3 g/ngày.

Một số bài thuốc có hổ phách

bài thuốc từ hổ phách

Hổ phách được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

Bài thuốc chữa huyết ứ bên trong do té ngã từ trên cao xuống

  • Nguyên liệu: Rượu và cao hổ phách.
  • Cách thực hiện: Lấy 6g bột uống với rượu hoặc dùng 2-3 thìa bột bồ hoàng, mỗi ngày dùng như thế từ 4-5 lần.

Bài thuốc chữa tiểu tiện ra huyết

Lấy hổ phách tán bột rồi uống 6g bột cùng với nước sắc đăng tâm.

Nếu trường hợp tiểu ra máu do nhiệt kết ở hạ tiêu có thể dùng bài thuốc:

  • Nguyên liệu: Chích cam thảo 4g, đương quy (tẩm rượu) 12g, mộc thông 6 – 12g, bồ hoàng sao, sơn chi nhân, đạm trúc diệp mỗi vị 8 – 12g, hoạt thạch 16 – 20g, ngẫu tiết 12g, tiểu kế 12 – 16g và sinh đại hoàng 20 – 30g, gia thêm hổ phách và hải kim sa.
  • Cách thực hiện: Sắc toàn bộ các vị thuốc trừ hổ phách để lấy nước uống. Dùng nước này pha với bột hổ phách.

Bài thuốc chữa tiểu rắt

  • Nguyên liệu: Hổ phách (tán bột) 6g và một ít xạ hương.
  • Cách thực hiện: Pha các nguyên liệu cùng với nước sôi để uống hoặc sắc uống với nước thuyên thảo. Người cao tuổi nên uống thuốc cùng với nước sắc từ nhân sâm.

Ngoài ra, tùy theo thể bệnh có thể phối hợp hổ phách cùng mộc thông, trúc diệp, đơn sa, mạch môn đông, hoạt thạch mỗi vị đồng lượng, tán mịn rồi dùng bột thuốc uống với nước.

Bài thuốc chữa chứng tiểu ra sỏi và tiểu ra máu

  • Nguyên liệu: Trư linh 9g, biển súc và mộc thông mỗi vị 6g, hổ phách 5 phân.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu tán thành bột mịn, chia thành 2 lần dùng và uống cùng với nước nóng.

Bài thuốc có thể gia giảm tùy thuộc tình trạng sức khỏe và thể bệnh như: huỳnh kỳ, sơn chi, kim tiền thảo, râu mèo, mã đề, hải kim sa (thạch vĩ đằng).

Bài thuốc chữa chóng mặt sau sinh

  • Nguyên liệu: Hổ phách, nhũ hương, diên hồ sách, một dược, miết giáp và can tất các vị bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem toàn bộ các nguyên liệu tán thành bột. Sau đó cho thuốc bột sắc uống cùng với ích mẫu thảo, sinh địa, tô mộc, nhân sâm, trạch lan, ngưu tất và tô mộc.

Bài thuốc chữa đau bụng ứ huyết và chứng trưng hà sau sinh

  • Nguyên liệu: Miết giáp 9g, diên hồ 6g, đại hoàng 9g, hổ phách 5 phần, tam lăng 9g, một dược 3g.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 2 – 9g uống với rượu khi đói. Dùng từ 2-3 lần mỗi ngày.

Bài thuốc chữa chứng bí tiểu ở trẻ

  • Chuẩn bị: Tán bột 10 củ thông bạch và 30g hổ phách.
  • Thực hiện: Đem bột thông bạch sắc với 4 cô nước còn lại 3 thăng nước, thêm 6g bột hổ phách và uống lúc còn nóng.

Bài thuốc chữa chứng động kinh ở trẻ

  • Bài thuốc 1: Tán bột toàn yết (1 con), đơn sa và hổ phách mỗi thứ 1 ít. Mỗi lần lấy 3g thuốc bột hoà cùng với nước sắc mạch môn đông.
  • Bài thuốc 2: Đơn sa nửa chỉ, phòng phong và hổ phách mỗi vị 3g, đem tán mịn. Mỗi lần uống lấy 3g bột thuốc trộn với sữa heo.
  • Bài thuốc 3: Đơn sa, linh dương giác, viễn chí, hổ phách, tê giác, thiên trúc hoàng và phục thần các vị bằng lượng nhau. Đem các vị thuốc này sắc uống.
  • Bài thuốc 4: Đởm nam tinh 3g, hổ phách 5 phân, thần sa và hùng hoàng mỗi vị 5 phân, cương tàm 3g, phục linh và đảng sâm mỗi vị 9g, câu đằng 9g, xạ hương và ngưu tất mỗi vị 3 phân, thiên trúc hoàng 3g. Tán mịn thành bột rồi làm viên, chia thành 2 lần uống.
  • Bài thuốc 5: thiên ma 12g, bối mẫu 6g, mạch môn 12g, viễn chí 12g, cương tàm 12g, chu sa 6g, trần bì 6g, phục linh 12g, đởm nam tinh 12g, bán hạ chế 12g, phục thần 12g, đảng sâm 16g, toàn yết 12g, hổ phách 6g, thạch xương bồ 8g. Tất cả tán nhỏ rây bột mịn, lấy nước trúc lịch, gừng, cam thảo nấu thành cao trộn với bột, hoàn viên. Ngày 4g, chia 2 lần. Nên cho uống trước khi lên cơn.

Bài thuốc chữa khí trệ ứ huyết, kinh nguyệt không thông

Bài thuốc số 1:

  • Nguyên liệu: Nga truật, ô dược và đương quy mỗi vị 9g, hổ phách 5 phân.
  • Thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu tán mịn, mỗi lần dùng lấy 6g uống với nước nóng, ngày dùng 2-3 lần.

Bài thuốc số 2:

  • Nguyên liệu: Sinh địa 15g, đào nhân, ngưu tất, quy vĩ và xích thược mỗi vị 10g, ngũ linh chi và hương phụ mỗi vị 8g, tô mộc, xuyên khung và hồng hoa mỗi vị 6g, hổ phách 1.5g,
  • Cách thực hiện: Dùng các vị thuốc này chế với hồ làm thành hoàn, mỗi lần dùng 10g, dùng từ 2-3 lần mỗi ngày.

Bài thuốc chữa chứng mệt mỏi, thần khí bất định, hay quên

  • Nguyên liệu: Phục linh, phục thần và đảng sâm mỗi vị 9g ; nam tinh, xương bồ và viễn chí mỗi vị 6g; hổ phách 3g, nhân sâm 30g, châu sa 5 phân.
  • Cách thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu làm thành viên uống mỗi lần dùng 6g viên uống này với nước hổ phách. Ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.

Bài thuốc chữa chứng trúng phong có hội chứng đam mê tâm khiếu

  • Nguyên liệu: An tức hương 60g, chế nam tinh và ngưu hoàng mỗi vị 20g, hổ phách, hùng hoàng, nhân sâm, thiên trúc hoàng, đồi mồi, tê giác và chu sau mỗi vị 40g, băng phiến 4g.
  • Cách thực hiện: Nghiền nhỏ các vị thuốc, trộn đều, chế thêm mật làm thành viên hoàn khối lượng khoảng 4g. Mỗi lần dùng 1 viên tán với nước sôi để nguội và uống. Trẻ nhỏ chỉ nên dùng ½ – ¼ liều thông thường.

Bài thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường chức năng não

  • Nguyên liệu: Đương quy 100g, hồ đào nhục, nhục thung dung, kỷ tử mỗi vị 80g, ngũ vị, bá tử nhân, táo nhân, ích trí nhân mỗi vị 60g, xương bồ, chu sa, viễn chí đởm tinh, long cốt, hổ phách và thiên trúc hoàng mỗi vị 40g.
  • Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, chế thêm mật ong để làm thành hoàn, khối lượng khoảng 4g. Mỗi lần dùng 1 viên, ngày dùng 2 lần để uống liên tục trong 15 ngày.

Bài thuốc trị cơn đau thắt ngực

Gần đây, hổ phách đã được đưa vào một số công thức hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch với tác dụng tăng cường lưu lượng máu. Vị thuốc này được kết hợp với nhân sâm và tam thất trong điều trị các tình trạng tắc nghẽn động mạch do xơ vữa và thuyên tắc có thể gây cơn đau thắt ngực và đột quỵ.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng hổ phách, bạn nên lưu ý những gì?

Mặc dù hổ phách có mặt trong nhiều bài thuốc cổ truyền, nhưng hiệu quả thực tế vẫn còn ít được nghiên cứu. Để sử dụng hổ phách một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín.

Không dùng hổ phách cho trường hợp tiểu nhiều, nội tạng không có ứ trệ, thủy suy hỏa vượng và âm hư nội nhiệt.

Mức độ an toàn của hổ phách

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng hổ phách trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vì vậy không khuyến cáo sử dụng dược liệu này cho mẹ bầu khi chẳng may mắc bệnh

Tương tác có thể xảy ra với hổ phách

Hổ phách có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Hãy luôn nhớ phải hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn tự trả lời được cho câu hỏi “Hổ phách có tác dụng gì” và cách người xưa đã ứng dụng dược liệu này như thế nào trong chăm sóc sức khỏe.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo