backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Xạ hương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/03/2019

Xạ hương

Tên thường gọi: Xạ hương, nguyên thốn hương, lạp tử, hươu xạ, sóc đất

Tên khoa học: Moschus moschiferus L. Cervidae

Tác dụng của xạ hương

Thành phần hóa học nào có trong xạ hương?

Xạ hương nguyên chất có dạng bột, lợn cợn, màu nâu tro, vị hắc và mùi rất hăng nếu ngửi nhiều. Tuy nhiên, khi pha loãng xạ hương lại có mùi rất thơm. Trong xạ hương có chứa cholesterin, chất béo, chất nhựa đắng và tinh dầu với thành phần chủ yếu là một ceton với tên gọi muskon. Đó cũng chính là hoạt chất tạo nên hương thơm độc đáo ở xạ hương. Mùi muskon rất thơm và bền, do đó xạ hương thuộc vào loại chất thơm định hương cao cấp.

Xạ hương dùng để làm gì?

Xạ hương là hạch thơm phơi khô của con hươu xạ. Xạ hương có mùi thơm rất bền, nó thường được sử dụng làm thành phần trong nước hoa.

Từ xưa đến nay, xạ hương còn là một vị thuốc thường được sử dụng trong đông y, dùng điều trị nhiều bệnh nguy hiểm. Xạ hương được dùng làm thuốc trấn kinh, trúng phong, mê man, choáng váng, đau mắt…

Theo các tài liệu cổ, tính chất của xạ hương là vị cay, tính ôn, không độc, vào 12 đường kinh, có tác dụng thông khiếu, thông kinh lạc, làm sạch uế, đuổi tà. Ngoài ra, xạ hương còn được coi là thuốc hồi sinh, trừ trúng độc trong các trường hợp đau bụng, bụng đau dữ dội, phụ nữ khó đẻ, trúng phong hôn mê, ngực đau thắt. Dùng ngoài, xạ hương giúp tiêu ung sang thũng.

Liều dùng và cách dùng xạ hương

Liều dùng thông thường của xạ hương là bao nhiêu?

Liều dùng hàng ngày thường từ 0,04–0,1g, được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Thông thường, xạ hương được dùng kết hợp với các vị thuốc.

Cách dùng xạ hương điều trị bệnh

  • Trị say nắng (trúng thử), trúng gió, thần chí bị hôn mê, đờm bít tắc cổ họng, tạo ra tiếng thở “sòng sọc” ở khí quản: dùng hỗn hợp gồm bột xạ hương, bột xương bồ (thạch xương bồ hoặc thủy xương bồ), bột tạo giác (quả bồ kết bỏ hạt, sao vàng), bột băng phiến. Lấy một lượng nhỏ (bằng hạt đậu xanh) thổi mạnh vào lỗ mũi, người bệnh sẽ mau chóng tỉnh.
  • Chấn thương sưng tấy: dùng 0,4g xạ hương uống với nước sắc của kê huyết đằng, tô mộc, mỗi vị 10g, hồng hoa 8g.
  • Trị tiểu tiện buốt, tiểu ra sỏi: xạ hương 0,4g uống với nước sắc ngưu tất 12–16g.
  • Trường hợp thai bị lưucó thể thúc thai ra bằng cách uống một hỗn hợp bột gồm 0,02g xạ hương với 2g bột nhục quế hoặc quế chi.

Thận trọng khi dùng xạ hương

Trước khi dùng xạ hương bạn nên lưu ý những gì?

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng xạ hương với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của xạ hương như thế nào?

Bạn không dùng xạ hương cho phụ nữ đang mang thai, khó mang thai, hiếm muộn hay bị lưu thai. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thảo dược này.

Các bài thuốc có chứa xạ hương

Một số bài thuốc Đông y có chứa xạ hương

Phương “Lục thần hoàn’

  • Bao gồm: xạ hương 1g, trân châu 1,5g, ngưu hoàng 1,5g, hùng hoàng 1g, băng phiến 1g, thiềm tô 1g. Trong đó, thiềm tô tẩm rượu để riêng, các vị khác tán bột trộn với thiềm tô tẩm rượu thành viên bằng hạt cải. Có thể lấy muội bếp (bách thảo sương) làm áo cho viên nên viên thuốc có màu đen.
  • Liều dùng: ngày uống 2 lần, mỗi lần 5–10 viên tùy tình trạng bệnh và sức khỏe.
  • Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, giảm đau. Chữa chứng hầu họng sưng đau, trẻ em sốt cao, co giật, đinh độc, tuyến vú sưng đau.

Bài thuốc “An cung ngưu hoàng hoàn’

  • Bao gồm: xạ hương 25g, băng phiến (d.borneol) 25g, ngưu hoàng 10g, bột sừng trâu 200g, trân châu 50g, chu sa 100g, hùng hoàng 100g, hoàng liên 100g, hoàng cầm 100g, chi tử 100g, mật ong vừa đủ. Tất cả làm thành viên hoàn, mỗi hoàn 3g.
  • Liều dùng: ngày uống 1 hoàn, uống liền 5–7 ngày.
  • Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, chỉ kinh, khai khiếu. Dùng cho những người tà nhiệt nhập vào phần tâm bào, nhập phần dinh, phần khí, phần huyết, gây sốt cao, phát cuồng, co giật, mê sảng hoặc sau các tai biến mạch máu não (nhồi máu não) dẫn đến hôn mê, bất tỉnh.

Bài thuốc “Thái ất tử kim đĩnh’

  • Bao gồm: sơn từ cô 80g, thiên kim tử 40g, hùng hoàng 12g, hồng nha đại kích 60g, ngũ bội tử 40g, chu sa 12g, xạ hương 12g. Các vị tán nhỏ viên thành thỏi hình trụ, mỗi thỏi nặng 4g.
  • Liều dùng trung bình cho người lớn là nửa thỏi cho đến 1–2 thỏi.
  • Tác dụng: dùng trong trường hợp trúng độc do thức ăn, hôn mê, chết đuối, tự tử thắt cổ mà ngực còn nóng ấm.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/03/2019

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo