backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cây sâm bố chính: Một loài hoa đẹp cũng là một vị thuốc

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 20/06/2022

Cây sâm bố chính: Một loài hoa đẹp cũng là một vị thuốc

Tên thường gọi: Cây sâm bố chính (sâm báo) 

Tên gọi khác: Thổ hào sâm, nhân sâm Phú Yên

Tên nước ngoài: Hibiscus sagittifolius Kurz 

Tên khoa học: Abelmoschus sagittifolius (L.) 

Họ: Bông (Malvaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây sâm bố chính

Cây sâm bố chính là một loài thân thảo sống lâu năm, thường có chiều cao từ 0.5-1m trở lên. Rễ của sâm bố chính có hình trụ, phình mập, mang màu trắng nhạt hoặc hơi ngả vàng. 

Cành cây hình trụ, màu đỏ nhạt và mọc lan tỏa, có phủ một lớp lông dày cứng.

Hoa có màu đỏ hay màu hồng mọc riêng lẻ ở kẽ lá trên cuống dài 5-8cm, phủ lông dày với đường kính cành khoảng 8cm; tiểu đài có 7-10 tràng hẹp dài, có lông tua tủa; đài hoa có 5 răng nhỏ bị khía rách và rụng sớm; tràng 5 cánh hình nêm; nhị nhiều và tạo thành một cột nhẵn, bao phấn phủ lên cột đến tận gốc. 

Quả của cây sâm bố chính hình trứng nhọn, có khía dọc và cũng được phủ bởi lớp lông dày cứng. Khi chín nứt thành 5 mảnh, hạt của cây có hình thận và màu nâu.  

cây sâm bố chính 1

Bộ phận dùng của cây sâm bố chính 

Rễ của sâm bố chính là bộ phận thường được dùng làm thuốc. Để thu hái rễ cây, người ta thường thu hái vào mùa thu đông và cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô hoặc có thể đồ chín rồi mới phơi hay sấy. 

Thành phần hóa học trong sâm bố chính 

Theo tác giả Đỗ Tất Lợi (1999), thành phần rễ của sâm bố chính chứa đến 30-40% là chất nhầy. Dựa theo chỉ số này mà Dược điển Việt Nam II cũng đã quy định rễ của sâm bố chính phải chứa 30-40% chất nhầy tính theo khối lượng dược liệu khô kiệt. 

Theo phân tích thành phần của tác giả Trần Công Luận và cộng sự (2001) trên đối tượng rễ cây sâm bố chính ở Bạc Liêu đã cho thấy thành phần dược liệu này gồm có: phytosterol, coumarin, acid béo, acid hữu cơ, đường khử và hợp chất uronic. Trong đó chất nhầy chiếm 18.92% bao gồm D-glucose và L-rhamnose. Ngoài ra, thành phần rễ cây sâm bố chính còn chứa các nguyên tố vi lượng khác như sắt, kẽm,… 

Tác dụng, công dụng

Dược liệu cây sâm bố chính có những công dụng gì?

Rễ cây sâm bố chính có vị ngọt, hơi nhớt và tính bình, quy vào 2 kinh là tỳ và phế. Vì thế, dược liệu này có tác dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát, sinh tân dịch. Nếu rễ sâm bố chính được sao với gạo thì sẽ mang tính ấm, tỳ vị và tăng cường sức khỏe, tốt cho tiêu hóa.

Nhờ các tác dụng này mà theo y học cổ truyền, rễ cây sâm bố chính thường được dùng để:

  • Chữa suy nhược cơ thể, kém ăn, kém ngủ.
  • Chữa đau lưng, nhức mình. 
  • Giảm các chứng ho sốt nóng và khô trong người, táo bón, khát nước, gầy còm. 
  • Đôi khi được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, điều kinh, chữa bệnh phổi và bạch đới. 

Sâm bố chính có những tác dụng dược lý gì?

Nghiên cứu trên chuột nhắt trắng cho thấy cao cồn sâm bố chính khi dùng đường uống hay tiêm phúc mạc thể hiện khả năng đối kháng với tác dụng của amphetamin, kéo dài thời gian gây ngủ của barbituric và chống co giật bởi pentetrazol. Điều này chứng minh rằng sâm bố chính có tác dụng an thần và ức chế thần kinh trung ương. 

Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu 8 tác dụng tuyệt vời của sâm đại hành với sức khỏe

Liều dùng

Liều dùng thông thường của sâm bố chính là bao nhiêu?

Liều dùng thông thường được khuyến cáo là 16-20g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng bột tán. 

Một số bài thuốc có rễ cây sâm bố chính

rễ cây sâm bố chính dùng làm thuốc

Cây sâm bố chính được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  1. Chữa nóng sốt lâu, khát nước, ra mồ hôi 

Sâm bố chính 20g, thục địa 30g, nhục quế 3g. Sắc uống ngày 1 thang. 

  1. Chữa kém ăn, mệt mỏi khí đoản khiến cơ thể gầy yếu hay béo bệu

Sâm bố chính 40g, hoàng kỳ 8g (sao mật), bạch truật 20g (sao mát), liên nhục 6g, ngũ vị 4g (sao mật), mạch môn và chích thảo mỗi vị 4g, phụ tử chế 1-2g, táo ta vài quả, gừng nướng vài lát. Sắc uống trong ngày.

  1. Bài thuốc bổ khí huyết 

Sâm bố chính 30g, hồi đầu 12g, hoài sơn, đương quy, ý dĩ sao, mỗi vị 15g,. Làm thành viên với mật ong hoặc keo mạch nha, mỗi ngày uống từ 15-20g.

  1. Chữa thân khí suy kém, nặng đầu mỏi lưng, nóng nhiều, mệt mỏi và yếu sức 

Sâm bố chính 6g; hà thủ ô 12g; cốt toái bổ, củ mài, gạc nai nướng và tầm gửi cây dâu mỗi vị 6g; mẫu đơn, nhụy sen mỗi vị 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang. 

  1. Chữa suy nhược cơ thể ở người có bệnh về hô hấp 

Sâm bố chính 12g; liên nhục 20g; sa sâm, tua sen, táo nhân mỗi vị 12g; lá vông, hương phụ mỗi vị 10g; kỷ tử 8g. Sắc uống ngày một thang. 

  1. Chữa suy nhược cơ thể ở người có bệnh về tiêu hóa, ốm nặng mới khỏi hoặc người làm việc vất vả

Sâm bố chính 180g; hạt sen và hoài sơn mỗi vị 80g; bạch truật 40g; binh lang 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.  

  1. Chữa thiếu máu 

Sâm bố chính, hạt sen, hà thủ ô mỗi vị 100g; cam thảo 40g; thảo quả 12g; đại hồi 8g. Tán nhỏ tất cả nguyên liệu làm thành viên ngày uống 20g, chia làm 2 lần. 

  1. Bài thuốc bồi bổ tăng lực chữa kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi, thiếu máu xanh xao

Sâm bố chính 120g; hoàng tinh chế 80g; tầm gửi cây dâu, quả dâu, hà thủ ô đỏ (chế), đỗ trọng, thỏ ty tử sao mỗi vị 40g; huyệt giác, ba kích, cao hổ cốt mỗi vị 20g. 

Đem các vị thuốc đã chuẩn bị như trên sơ chế, ngâm với 2 lít rượu trong hai ngày đêm rồi đem chưng cách thủy, hạ thổ 1 tuần. Mỗi lần uống 15-40ml, ngày 2 lần theo bữa ăn. Kiêng ăn đồ tanh sống và kích thích.

  1. Bài thuốc cải thiện chứng trì trệ tiêu hóa và bài tiết

Sâm bố chính 40g, bạch truật 40g (tẩm sữa sao), trầm hương 4g. Sắc riêng vị sâm bố chính với bạch truật rồi mài trầm hương vào, để uống trong ngày. 

  • Chữa rối loạn kinh nguyệt 
  • Sâm bố chính 16g; cỏ nhọ nồi sao vàng và thục địa mỗi vị 20g; ngải cứu sao, ích mẫu mỗi vị 16g; củ gai (cây gai làm bánh) 12g; củ ấu 10g. Sắc uống trong ngày. 

    1. Bài thuốc bổ thận tráng dương, chữa thận yếu và sinh lý kém

    Chuẩn bị các vị thuốc gồm: Sâm bố chính 1000g; đậu đen 1500g; liên nhục, cẩu tích, hoài sơn, sừng nai, tục đoạn, ba kích, liên tu mỗi vị 1000g; hoàng tinh 500g; hạt tơ hồng 200g. 

    Cách thực hiện: Ba kích tẩm muối sao vàng; đậu đen sao tồn tính; sừng nai đắp đất sét nung tồn tính; các vị khác tán nhỏ sau đó trộn tất cả lại thành viên. Mỗi lần uống 8-12g, ngày 2 lần. 

    Lưu ý, thận trọng khi dùng

    cây sâm bố chính 3

    Khi dùng cây sâm bố chính, bạn nên lưu ý những gì?

    Để sử dụng sâm bố chính một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    Mức độ an toàn của rễ cây sâm bố chính

    Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng rễ cây sâm bố chính trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

    Đối với người có thể hư hàn, khi sử dụng rễ cây sâm bố chính phải được sao kỹ với gừng và sao qua trước khi dùng vì sâm báo cũng có tính hàn. 

    Tương tác có thể xảy ra với dược liệu cây sâm bố chính 

    Không dùng lê lô chung với rễ cây sâm bố chính. Không nên dùng chất kích thích khi đang sử dụng sâm bố chính.

    Ngoài ra, cây sâm bố chính có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 20/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo