backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đẳng sâm: Vì sao được gọi là nhân sâm cho mọi nhà?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2022

Đẳng sâm: Vì sao được gọi là nhân sâm cho mọi nhà?

Tên thường gọi: Đẳng sâm (đảng sâm)

Tên gọi khác: Phòng đảng sâm, lộ đảng sâm, xuyên đảng sâm, đông đảng sâm, rầy cáy (Lạng Sơn), mần cáy.

Tên nước ngoài:  Tangshen (Anh)

Tên khoa học: Codonopsis pilosula

Họ: Hoa chuông (Campanulaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về đẳng sâm 

Cây đẳng sâm là một cây thân leo, nhỏ, sống lâu năm. Rễ có hình trụ, dài và đường kính khoảng 1-2cm. Ở Việt Nam đa phần là loài đẳng sâm có lá mọc đối xứng, so le hoặc có khi mọc thành hình vòng. Hoa mọc độc ở kẽ lá, hoa hình chuông, có màu vàng nhạt và thường nở vào tháng 7, tháng 8. Quả nang hình cầu dẹt, trong quả có rất nhiều hạt. Mùa quả đẳng sâm chính là khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm. 

cây đảng sâm

Bộ phận dùng của đẳng sâm

Rễ của cây đẳng sâm (hay củ đẳng sâm) là bộ phận thường được dùng làm thuốc. Ở Việt Nam, củ đẳng sâm được thu hoạch vào khoảng tháng 11 đến tháng 5. Khi thu hoạch, chỉ chọn những cây đã mọc từ 3-5 năm trở lên, đào lấy củ, rửa sạch rồi cắt bỏ phần trên cổ rễ và các râu rễ con, đem phơi hoặc sấy (40-50ºC) đến khô. 

Đẳng sâm có mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị hơi ngọt. Loại đẳng sâm khô da màu vàng thịt màu vàng ngà, cắt ngang mặt thấy ốc vân tròn ở giữa, không sâu, không mốc mọt, không lẫn tạp chất mới là đẳng sâm tốt. Loại đẳng sâm nhiều xơ, không ngọt, hậu không nhuận là hàng kém chất lượng. 

Có hai loại đẳng sâm: 

  • Loại 1: rễ củ to, đường kính lớn hơn 1cm và chiều dài trên 10cm. 
  • Loại 2: rễ củ nhỏ, đường kính 0,5-1cm và dài trên 6cm.

Thành phần hóa học trong đảng sâm

Trong thành phần của đẳng sâm có nhiều hoạt chất khác nhau bao gồm: đường, chất béo, sapin, một số alkaloid, vitamin B1, vitamin B2 và chất đạm,…

Tác dụng, công dụng

Tác dụng của đẳng sâm theo y học hiện đại?

Trong nghiên cứu trên động vật, đẳng sâm cho thấy tác dụng tăng cường phát triển nội mạc tử cung và tăng trương lực cổ tử cung, tăng tiết sữa và đồng thời có tác dụng chống viêm. 

Đẳng sâm có tác dụng kích thích miễn dịch, bồi bổ cơ thể chống lại mệt mỏi. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu còn thấy rằng đẳng sâm có tác dụng làm tăng đường huyết, tăng hồng cầu, giảm bạch cầu, giảm huyết áp do giãn mạch ngoại vi. Ngoài ra, còn tăng cường chức năng vỏ thượng thận. 

Tác dụng của đẳng sâm theo y học cổ truyền?

Theo y học cổ truyền, đẳng sâm vị ngọt, có tính bình, vào 2 kinh phế và tỳ. Vị thuốc này có tác dụng điều hòa tỳ vị, giúp tiêu hóa, tăng sức lực, tăng bài tiết tân dịch, bồi dưỡng cơ thể, giải khát. 

Đẳng sâm sở hữu các tác dụng tương tự như nhân sâm lại có giá thành phải chăng. Vì vậy, đẳng sâm còn được gọi là nhân sâm của người nghèo, được dùng thay thế cho nhân sâm trong các trường hợp như suy nhược do khí kém, ăn uống kém, tiêu chảy do tỳ hư, vàng da do huyết hư, tiêu ra máu, rong kinh, trị thiếu máu mạn, gầy yếu, sốt, đổ mồ hôi không kiểm soát, băng huyết, các chứng thai sản.  

Liều dùng

Liều dùng thông thường của đẳng sâm là bao nhiêu?

Liều dùng khuyến cáo là 9-12g sắc uống. Khi dùng đẳng sâm, bạn cần rửa sạch, đồ cho mềm, thái mỏng 1-3mm, tẩm nước gừng (để giảm tính lạnh của đẳng sâm tránh gây phù nề) rồi sao qua.

Đôi lúc, đảng sâm được dùng dưới dạng mễ đảng sâm: cho gạo vào nồi, đun cho nóng, thêm ít nước vào cho đến khi gạo dính vào thành nồi, đợi cho hơi cháy (có khói lên) thì cho đẳng sâm vào sao tới vàng. Lấy ra để nguội rồi dùng. 

Một số bài thuốc có đẳng sâm

tác dụng của đẳng sâm

Đẳng sâm được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  1. Bồi bổ cơ thể, chữa thận suy, đái rắt, đau lưng và mỏi gối 

Đảng sâm 20g, tắc kè 6g, huyết giác 1g, trần bì 1g, tiểu hồi 0,5g, rượu 40 độ 250ml, đường cho vừa đủ ngọt. Đem tất cả các nguyên liệu trên cắt nhỏ và ngâm rượu trong khoảng một tháng là có thể sử dụng. 

  1. Chữa suy nhược cơ thể mệt mỏi và ăn không ngon 

Đẳng sâm 20g, đương quy, bạch truật sao và ba kích mỗi vị 20g. Sắc uống hoặc tán bột làm thành viên hoàn mật, uống mỗi ngày 12-20g. 

  1. Chữa bệnh suy yếu và ốm lâu không khỏi ở người lớn tuổi 

Đẳng sâm 40g, đương quy, ngưu tất, long nhãn, mạch môn mỗi vị 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Nếu bệnh nặng nguy cấp có thể thêm từ 4-8g nhân sâm để uống kèm thêm. 

  1. Bài thuốc cốm bổ tỳ 

Nguyên liệu: đẳng sâm, hoài sơn, ý dĩ, liên nhục, bạch biển đậu mỗi thứ 100g và cốc nha 30g tán thành bột mịn. Sa nhân, nhục khấu, trần bì mỗi vị 20g sắc lấy nước đặc. 

Cách thực hiện: Trộn nước đặc và bột mịn trên với mật ong vừa đủ để làm thành dạng cốm, thành phẩm mỗi gói 100g. 

  1. Chữa khí hư 

Đẳng sâm, hoài sơn mỗi vị 16g; bạch truật 20g; bạch thược, sài hồ, xa tiền tử mỗi vị 12g; trần bì, bạch giới tử sao, thương truật mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang trước bữa ăn. 

  1. Trị bệnh lao mới nhiễm, ho 

Đảng sâm 16g, hoài sơn 15g; ý dĩ nhân, mạch môn, xa tiền tử, hạnh nhân và khoản đông hoa mỗi vị 10g; cam thảo 3g. Sắc với 600ml nước đến khi còn 200ml nước, chia làm 3 lần uống trong ngày. 

  1. Trị lao phổi (bố phế thang gia giảm) 

Đảng sâm 16g; hoài sơn, bạch truật, mạch môn, ngọc trúc, bách bộ chế mỗi vị 12g và ngũ vị tử 6g. Sắc uống 1 thang chia làm 3 lần. 

  1. Chữa tim hồi hộp, khó thở, suyễn, mệt mỏi và choáng váng (sinh mạch thang gia vị)

Đẳng sâm 16g, mạch môn 20g, ngũ vị tử 12g và cam thảo 6g. Sắc uống. Nếu cảm thấy khó thở, tức ngực có thêm vào thang thuốc các vị thuốc gồm đan sâm 16g, đào nhân 8g và hồng hoa 8g. 

  1. Chữa tỳ vị hư yếu, miệng sinh nhọt 

Đẳng sâm và chích kỳ mỗi thứ 8g, cam thảo 2g, phục linh 4g và bạch thược 2,8g. Sắc uống.   

  • Chữa tiêu chảy và khí hư 
  • Bạch truật, phục linh, chích kỳ và nhục khấu tương,mỗi vị 6g, thăng ma nướng mật 2,4g; gừng 3 lát, đẳng sâm sao với gạo 8g, sơn dược sao 8g và chích thảo 2,8g. Đem tất cả các nguyên liệu đi sắc uống. 

    1. Chữa khí huyết đều suy 

    Chích hoàng kỳ, đẳng sâm, bạch truật, long nhãn và đường cát. Tất cả đem nấu thành cao và uống mỗi ngày.  

    Lưu ý, thận trọng khi dùng

    Khi dùng đẳng sâm, bạn nên lưu ý những gì?

    Để sử dụng đẳng sâm một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này. Khi dùng đảng sâm, không nên dùng quá 63g vì có thể làm loạn nhịp tim và gây cảm giác khó chịu ở trước tim. 

    Ngoài ra, những đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai,… phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    Mức độ an toàn của đẳng sâm

    Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng đẳng sâm trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Người không phải hư hàn mà có thực tà không được dùng đẳng sâm. 

    Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

    Tương tác có thể xảy ra với đẳng sâm

    Đẳng sâm kỵ lê lô vì thế hạn chế dùng chung. Ngoài ra, đẳng sâm có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào. Không dùng đẳng sâm với các vị thuốc thuộc họ hắc.

    Mặc dù đẳng sâm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng loại dược liệu này mà không tham khảo bác sĩ, nhất là các trường hợp thay thế nhân sâm trong các bài thuốc thành đẳng sâm. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo