Nhận biết các triệu chứng viêm mũi dị ứng chưa bao giờ là điều dễ dàng vì chúng rất dễ nhầm với các biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe khác, cụ thể hơn là cảm lạnh. Vậy, đâu mới là triệu chứng viêm mũi dị ứng thật sự?
Viêm mũi dị ứng hay sốt cỏ khô là một trong những bệnh lý phổ biến khi ảnh hưởng đến 10 – 30% dân số toàn cầu. Nếu không sớm được điều trị hoặc kiểm soát tốt, tình trạng này dễ tiến triển thành bệnh mạn tính và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn. Do đó, phát hiện và nhận biết đúng dấu hiệu viêm mũi dị ứng ngay từ đầu là điều cần thiết.
Vậy, người bị sốt cỏ khô thường có những biểu hiện gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài bài viết sau nhé.
Các dấu hiệu thường gặp của viêm mũi dị ứng
Hầu hết trường hợp, người mắc bệnh viêm mũi dị ứng sẽ có những dấu hiệu dưới đây:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Hắt xì hơi
- Chảy nước mắt
- Đỏ và ngứa mắt
- Ho khan
- Ngứa cổ họng hoặc vòm miệng
- Chảy dịch sau mũi
- Ngứa mũi
- Đau vùng xoang
- Ngứa da
Bạn có nhận thấy rằng đa số những biểu hiện trên khá giống với triệu chứng cảm lạnh thông thường không? Vậy, làm thế nào để nhận biết đúng triệu chứng của mỗi bệnh?
Phân biệt dấu hiệu viêm mũi dị ứng và cảm lạnh thông thường
Điểm khác biệt lớn nhất giữa sốt cỏ khô với cảm lạnh thông thường là cảm lạnh có thể gây sốt và đau nhức toàn thân, trong khi người bị viêm mũi dị ứng sẽ không có những biểu hiện này. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phân biệt triệu chứng của cả hai bằng các yếu tố như:
- Thời điểm bắt đầu: các triệu chứng dị ứng sẽ bộc lộ ngay khi bạn tiếp xúc với dị nguyên, trong khi dấu hiệu nhiễm trùng thường xuất hiện sau 1 – 3 ngày kể từ lúc virus tấn công cơ thể.
- Thời gian kéo dài: triệu chứng cảm lạnh thường diễn ra trong vòng 3 – 7 ngày, còn dấu hiệu viêm mũi dị ứng sẽ biến mất sau khi cơ thể ngừng tiếp xúc với dị nguyên (có thể là vài tuần hoặc hơn).
- Đặc điểm của triệu chứng sổ mũi: dịch mũi của người bị sốt cỏ khô thường lỏng, trong suốt, còn dịch mũi ở người bị nhiễm trùng thường đặc và có màu xanh hoặc vàng.
Người mắc bệnh viêm mũi dị ứng lâu ngày có biểu hiện gì?
Nếu bạn không sớm có biện pháp can thiệp, trong những ngày tiếp theo, viêm mũi dị ứng sẽ dẫn đến một loạt triệu chứng khó chịu hơn, chẳng hạn như:
- Tắc nghẽn tai
- Đau họng
- Suy giảm khứu giác
- Đau đầu
- Mắt có quầng thâm do dị ứng
- Mệt mỏi
- Dễ cáu gắt
Sau đó, nếu tiếp tục kéo dài, các triệu chứng trên có thể trở nên tệ hơn, đồng thời kéo theo một số tác động lên sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, bao gồm:
- Hen suyễn
- Chất lượng giấc ngủ suy giảm
- Nhiễm trùng tai (phổ biến ở trẻ nhỏ)
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) dị ứng
- Viêm xoang mũi
- Hiệu quả công việc, học tập giảm đi đáng kể
Vì sao các dấu hiệu viêm mũi dị ứng trở nên tệ hơn?
Có nhiều yếu tố khác nhau khiến dấu hiệu viêm mũi dị ứng trở nặng, đặc biệt khi chúng đã xuất hiện nhiều ngày. Những yếu tố này thường gồm:
- Không khí ô nhiễm
- Khói, bao gồm cả khói thuốc lá hay khói sinh ra từ quá trình đốt than, củi…
- Sol khí (hạt rắn hoặc lỏng lơ lửng trong không khí)
- Mùi hương quá nồng
- Nhiệt độ hoặc độ ẩm không khí thay đổi
Vì vậy, khi có triệu chứng viêm mũi dị ứng, bạn nên mau chóng tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị ngay từ đầu, qua đó giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Sốt cỏ khô có chữa được không?
Hiện nay, tình trạng dị ứng ở mũi này có thể được kiểm soát và điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, sử dụng thuốc chống dị ứng là giải pháp thường gặp nhất.
Thực tế, biện pháp này không thể chữa khỏi tình trạng sốt cỏ khô, nhưng thuốc có tác dụng kiểm soát triệu chứng viêm mũi dị ứng, đồng thời hạn chế bệnh tiến triển thêm. Một số loại thuốc chống dị ứng phổ biến có thể kể đến như:
- Thuốc kháng histamine: có tác dụng ức chế hoạt chất cùng tên được hệ miễn dịch giải phóng nhằm chống lại dị nguyên.
- Corticosteroid: dùng trong trường hợp nghẹt mũi nặng hoặc các triệu chứng viêm mũi dị ứng kéo dài dai dẳng. So với thuốc kháng histamine, loại thuốc kháng viêm này cần nhiều thời gian để phát huy tác dụng nhưng hiệu quả lâu hơn.
Ngoài ra, áp dụng thêm một số cách chữa viêm mũi dị ứng đơn giản tại nhà như rửa mũi với nước muối sinh lý, bổ sung vitamin C…
Nhìn chung, tuy triệu chứng ban đầu của viêm mũi dị ứng có phần tương đồng với dấu hiệu cảm lạnh nhưng vẫn có cách để bạn phân biệt hai vấn đề sức khỏe này. Bệnh được phát hiện càng sớm, việc điều trị sẽ càng thuận lợi và hiệu quả.
[embed-health-tool-bmr]