Thuốc trị viêm mũi dị ứng: Thuốc thông mũi

Thuốc thông mũi – thuốc viêm mũi dị ứng, giúp giảm nghẹt mũi và giảm áp lực gây ra tình trạng sưng nề mô trong mũi. Các thuốc viêm mũi này không chứa các hoạt chất kháng histamin nên không gây ra các tác dụng phụ như nhóm thuốc kháng histamin. Thế nhưng, thuốc thông mũi có thể làm tăng huyết áp và không thích hợp cho những người bị tăng huyết áp hay bệnh tim mạch.
Thuốc thông mũi có cả ở dạng đường uống và dạng xịt mũi, có thể đơn lẻ hoặc được phối hợp với hoạt chất khác:
- Đường uống: pseudoephedrine, phenylephrine
- Xịt mũi: oxymetazoline, phenylepherine
- Phối hợp: loratadine + pseudoephedrine, cetirizine + pseudoephedrine, fexofenadine + pseudoephedrine…
Lưu ý, bạn không nên dùng thuốc thông mũi dạng xịt quá 2–3 ngày vì có thể gây ra tình trạng viêm mũi do dùng thuốc (rhinitis medicamentosa). Khi đó, bạn sẽ thường xuyên bị nghẹt mũi nếu không sử dụng thuốc liên tục và khó có thể điều trị.
Một số thuốc trị viêm mũi dị ứng khác

Nước muối xịt mũi
Nước muối xịt mũi là thuốc điều trị viêm mũi dị ứng tốt nhất, an toàn nhất, giúp bạn giảm bớt cảm giác khô mũi hoặc làm loãng chất nhầy đặc ở mũi. Bạn có thể dùng nước muối để rửa mũi thường xuyên nếu cần. Việc này cũng giúp rửa sạch đường mũi, loại bỏ các chất lạ, chất gây kích ứng ra ngoài.
Cromolyn
Thuốc xịt mũi cromolyn ngăn ngừa được các triệu chứng viêm mũi dị ứng bằng cách can thiệp vào quá trình phóng thích các hóa chất trung gian từ hệ miễn dịch khi phản ứng dị ứng xảy ra. Thuốc được sử dụng nhiều lần mỗi ngày để mang lại hiệu quả. Để phát huy tác dụng, bạn nên dùng thuốc trước khi các triệu chứng bắt đầu, tức là dùng với mục đích phòng ngừa dị ứng xuất hiện.
Cromolyn thường không có hiệu quả tốt bằng các thuốc trị viêm mũi dị ứng trên nhưng có thể dùng để đề phòng bệnh bùng phát. Ví dụ, bạn có thể dùng trước khi đi đến một vùng đang bị ô nhiễm không khí hay đến thăm bạn bè có nuôi vật nuôi/gia súc…
Ipratropium
Thuốc xịt mũi chứa ipratropium bromide có thể giúp giảm tiết dịch mũi do viêm mũi dị ứng hoặc một số dạng viêm mũi không dị ứng khác.
Thuốc kháng leukotriene
Một hóa chất trung gian góp phần gây ra những triệu chứng viêm mũi dị ứng ở một số người có tên leukotriene. Khi đó, sử dụng thuốc kháng leukotriene sẽ ngăn tác động của chất này và giảm nhẹ triệu chứng. Thuốc này phù hợp cho những người vừa bị hen suyễn vừa bị viêm mũi dị ứng.
Các thuốc thường được sử dụng gồm: montelukast, zafirlukast.
Nói chung, tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bạn có thể ra nhà thuốc gặp dược sĩ hoăc đi khám bệnh để có được các loại thuốc trị viêm mũi dị ứng hiệu quả. Mỗi người sẽ bị dị ứng với những tác nhân khác nhau nên bạn sẽ mất một khoảng thời gian để xác định nguyên nhân và tìm ra cách điều trị phù hợp nhất.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được viêm mũi dị ứng uống thuốc gì.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!