Các phản ứng dị ứng với cá có thể khác nhau ở từng người và từng thời điểm. Trong một số trường hợp hiếm gặp, dị ứng cá cũng có thể dẫn đến sốc phản vệ rất nguy hiểm. Khi bị sốc phản vệ, người bệnh sẽ sưng cổ họng, khó thở, suy hô hấp… Nếu không được điều trị kịp thời, sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Phương pháp xét nghiệm nào được dùng để chẩn đoán dị ứng cá?
Thông thường, nếu bạn dị ứng cá nhưng không biết cụ thể là loại cá nào thì cách tốt nhất là tránh ăn tất cả các loại cá. Tuy nhiên, nếu bạn tìm đến khám tại chuyên khoa dị ứng, bác sĩ vẫn có thể chẩn đoán được cụ thể loại cá mà bạn dị ứng thông qua một số xét nghiệm sau đây:
Xét nghiệm máu để chẩn đoán dị ứng
Đối với loại xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự có mặt của kháng thể IgE đối với protein từ loại cá được chọn làm thử nghiệm.
Chẩn đoán dị ứng cá bằng test lẩy da (Prick test)

Test lẩy da còn được gọi là test nội sinh hoặc test chích da. Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ nhỏ lên bề mặt da tay của bạn một giọt dung dịch có chứa protein từ một loại cá cụ thể. Sau đó, dùng kim châm vào giọt dung dịch rồi lẩy nhẹ để chất lỏng thấm vào da. Nếu có đốm đỏ nổi lên trong vòng 15 đến 20 phút, điều này nghĩa là bạn bị dị ứng với protein của loại cá đó.
Kiểm tra bằng thử thách ăn thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng
Nếu kết quả từ hai phương pháp trên vẫn chưa chắc chắn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thử thách ăn thực phẩm được nghi ngờ là gây dị ứng. Trong trường hợp này, bạn sẽ ăn một lượng nhỏ cá hoặc một thực phẩm nào đó được làm từ cá dưới sự giám sát y tế từ bác sĩ hay nhân viên y tế. Thêm vào đó, các phản ứng dị ứng có thể xảy ra nên phương pháp này cần được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa dị ứng để người bệnh luôn được cung cấp thuốc điều trị kịp thời.
Cách xử lý và phòng ngừa dị ứng cá bạn cần biết
Nếu bạn bị dị ứng với cá, các bác sĩ thường khuyên rằng bạn nên tránh tuyệt đối việc ăn cá. Đồng thời, bạn phải luôn mang theo bút tiêm tự động epinephrine hoặc thuốc kháng histamine không kê đơn (OTC) để sử dụng khi cần thiết. Trong đó, bút tiêm epinephrine sẽ được dùng khi người bệnh có phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng và thuốc kháng histamine được dùng để điều trị các triệu chứng dị ứng nhẹ thường xảy ra. Bên cạnh đó, để phòng ngừa dị ứng cá hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Luôn đọc nhãn thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn để xem bảng thành phần chứa cá hay không.
- Đối với các món là ẩm thực châu Á, bạn cần biết rằng nước mắm, một số loại mắm, nước kho cá… là những loại nước chấm có thành phần là cá nên cần thận trọng nếu bạn dị ứng với cá.
- Nhiều người thường cho rằng một số món ăn vặt như cá viên chiên, xiên chả cá… sẽ không chứa cá. Tuy nhiên, điều này thường không đảm bảo và những món ăn vặt này vẫn có thể được làm từ cá nên bạn cần chú ý, đặc biệt là không nên ăn những gì mà chính bạn cũng không rõ về thành phần.
- Bạn cần thận trọng khi đi ăn tại các nhà hàng quán ăn. Bởi vì đây là nơi thường xảy ra tiếp xúc chéo. Nếu dùng bữa ngoài hàng quán, nhà hàng… thì lời khuyên là bạn nên tránh ngồi gần khu vực nhà bếp vì protein của cá có thể có trong hơi nước; tránh ăn món chiên rán vì đầu bếp có thể chiên đi chiên lại nhiều thực phẩm khác nhau trong cùng một chảo dầu.
- Cuối cùng, bạn nên để người quen, bạn bè, đồng nghiệp… biết về tình trạng dị ứng của mình để được giúp đỡ khi cần. Trong những lúc đi ăn bên ngoài, bạn cũng cần thông báo cho nhân viên phục vụ, đầu bếp hoặc bất kỳ người bán đồ ăn nào về việc mình bị dị ứng để họ giúp bạn có được bữa ăn an toàn.
Nhìn chung, nếu bị dị ứng cá hoặc bất kỳ thực phẩm nào thì cách tốt nhất là bạn nên hạn chế ăn ở ngoài mà nên mang theo đồ ăn khi đi học, đi làm. Đồng thời, bạn cần luôn mang theo thuốc bên người để có thể dùng trong trường hợp cần thiết nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!