backup og meta

Hydroquinone có an toàn để trị nám da?

Hydroquinone có an toàn để trị nám da?

Hydroquinone (HQ) – tác nhân làm mất sắc tố gây đậm màu trên da và là lựa chọn hàng đầu trong điều trị nám da, tàn nhang. Vậy HQ có thực sự an toàn cho da bạn?

Các nhà nghiên cứu tin rằng chất hydroxyphenolic (HQ) có thể ngăn chặn sự chuyển đổi của dopamine thành melanin hình thành sắc tố da bằng cách ức chế enzyme tyrosinase.

Hydroquinone (HQ) là gì?

Hydroquinone (HQ) thường được biết đến với tên dihydroxybenzen, là một hợp chất hydroxyphenolic có cấu trúc tương tự với tiền chất của melanin. Hydroquinone ức chế quá trình chuyển đổi DOPA thành melanin bằng cách ức chế enzyme tyrosinase. HQ không chỉ tác động đến sự hình thành, quá trình melanin hóa và làm mất các hạt melanin mà còn tác động lên cấu trúc màng tế bào melanin, thậm chí là tiêu diệt các tế bào này.

HQ là chất oxy hóa nên khi chứa trong lọ hoặc tuýp có thể chuyển màu từ trắng sang nâu. Sản phẩm bị biến đổi màu sắc sẽ không còn tác dụng điều trị nám da và bạn nên loại bỏ chúng.

Các bác sĩ thường kê đơn thuốc có chứa chất HQ vì nó được biết đến rộng rãi như một tác nhân làm mất sắc tố gây đậm màu trên da và là lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh nám, tàn nhang, đặc biệt đối với trường hợp bị nám ở lớp biểu bì.

HQ được bào chế dưới dạng thuốc bôi với nồng độ 2 – 5% để sử dụng hàng ngày trong điều trị nám. Công dụng của hydroquinone rất đa dạng nhưng kết quả sử dụng sẽ khác nhau ở những người điều trị bằng HQ. Hiệu quả của HQ thể hiện rõ rệt sau 5 – 7 tuần sử dụng. Liệu trình điều trị nên kéo dài tối thiểu 3 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, HQ còn được bào chế dưới dạng kết hợp với một số chất chống nắng, steroid, retinoid, axit glycolic khác để tăng tác dụng.

Tác dụng không mong muốn của HQ

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng HQ vẫn tồn tại một số khuyết điểm và chúng thường phụ thuộc vào liều lượng sử dụng và thời gian điều trị nám da. Tác dụng phụ thường gặp nhất là kích ứng da.

Ngoài ra, bạn có thể gặp các trường hợp như: ban đỏ, ngứa, kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng, bạc móng, hồng cầu nhược sắc tạm thời. Những tác dụng phụ này chỉ xảy ra khi sử dụng HQ có nồng độ lớn hơn 2%.

Theo các báo cáo cho thấy, vùng da điều trị sẽ xuất hiện tình trạng đổi màu da vĩnh viễn có màu xanh đen khi dùng quá lượng HQ trong thời gian dài nhưng ngược lại, khi dùng thuốc điều chế HQ với lượng cho phép là 2% trong thời gian ngắn thì da sẽ trắng hơn. Chúng ta cũng không nên sử dụng monobenzyl ether của HQ trong điều trị nám da do hóa chất này làm mất vĩnh viễn các tế bào sinh melanin gây ra bệnh bạch tạng.

Các cơ quan quản lý ở Nhật, châu Âu và gần đây là Mỹ luôn quan ngại về độ an toàn của HQ, thậm chí HQ còn bị cấm đưa vào sản xuất mỹ phẩm ở nhiều nước. Điều này phần nào đó đã khiến các nhà nghiên cứu phải tìm ra loại thuốc bôi trị nám thay thế khác.

Có phương pháp điều trị nám da nào thay thế được hydroquinone không?

  • Axit azelaic là một loại kem không hydroquinone có thể được sử dụng để điều trị nám. Theo kết quả của các nghiên cứu, với lượng 15-20% axit azelaic rất hiệu quả và an toàn trong trị nám, mặc dù kết quả tổng thể ít ấn tượng hơn so với khi chúng ta dùng 4% hydroquinone. Hiện vẫn chưa có báo cáo cho thấy axit azelaic có biến chứng nào nghiêm trọng. Tác dụng phụ nhỏ có thể bao gồm ngứa, ban đỏ, da tróc vảy và cảm giác bỏng tạm thời có xu hướng phát triển sau 14-30 ngày sử dụng.
  • Kem tretinoin (Retin A, Renova, Retin A Micro) là một loại kem không có hydroquinone dùng để điều trị nám. Thông thường, tretinoin được sử dụng kết hợp với các loại kem khác như axit azelaic hoặc hydroquinone. Tác dụng phụ nhẹ khá phổ biến bao gồm lột da, da khô và kích ứng. Nhìn chung, khi điều trị bằng tretinoin thì tình trạng nám sẽ có những chuyển biến chậm hơn so với khi dùng hydroquinone.

Các loại kem retinoid khác có thể bao gồm tazaratone và adapelene. Đây là những loại kem theo toa được sử dụng nhiều như tretinoin (Retin A).

  • Axit kojic hoặc axit kojic dipalmitate: Các loại axit này giúp cải thiện làn da sáng nhưng axit kojic có thể gây viêm da tiếp xúc do kích ứng.
  • Vitamin C: Vitamin C hoạt động thông qua đồng để ức chế quá trình sản xuất sắc tố. Nó thường được dùng kết hợp với các thuốc khác vì tính không ổn định của vitamin C.
  • Methimazole (thuốc kháng giáp): Khi bạn bị loại nám kháng hydroquinone, kem methimazole sẽ là giải pháp. Nó sẽ giúp bạn trị nám bằng cách làm giảm sự tổng hợp melanin.

Các hợp chất hoạt tính khác dùng trong điều trị nám da bao gồm:

  • Thuốc corticosteroid dạng bôi như hydrocortisone sẽ giúp làm mờ dần các vết nám và hạn chế nguy cơ viêm da tiếp xúc gây ra bởi các tác nhân khác.
  • Chiết xuất đậu tương: Chất này sẽ làm giảm sự chuyển giao của các sắc tố từ melanocytes đến các tế bào da và ức chế thụ thể.
  • Axit tranexamic: Chất này thông thường dùng để cầm máu và làm giảm sản xuất prostaglandin, tiền chất của tyrosine. Axit tranexamic thường có trong kem nhưng có thể gây dị ứng hoặc kích ứng.

Các phương pháp điều trị nám da phổ biến

  • Ngưng dùng thuốc tránh thai nội tiết
  • Sử dụng kem chống nắng với SPF 30+ khi ra đường. Nếu bạn phải ở bên ngoài cả ngày, thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ. Bạn cũng nên đội mũ rộng vành và mặc áo dài tay để chống nắng
  • Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ. Nếu da bạn khô, hãy thoa thêm một lớp mỏng kem dưỡng ẩm
  • Bạn hãy luôn nhớ rằng trang điểm không có lợi trong việc che đi các vết nám
  • Hãy sử dụng mặt nạ từ các loại thực phẩm để điều trị nám da.

Điều trị nám bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên

quả chanh

Nước chanh

Nước chanh chứa rất nhiều vitamin C giúp loại bỏ lớp da bên ngoài đồng thời loại bỏ các sắc tố gây nám. Bạn hãy dùng một quả chanh tươi, vắt lấy nước cốt sau đó thoa lên vùng bị nám và massage từ 1-2 phút. Để nước chanh ngấm vào da trong 20 phút rồi rửa mặt sạch với nước ấm.

Giấm táo

Giấm táo sẽ giúp bạn loại bỏ các vùng da tối màu và các độc tố trong da, đồng thời giúp cân bằng độ pH và làm tươi trẻ làn da. Bạn có thể sử dụng giấm táo bằng cách thoa trực tiếp lên vết nám rồi để khô, sau đó rửa lại với nước ấm hoặc cũng có thể uống trực tiếp.

Vì đây là những sản phẩm của thiên nhiên nên thành phần của nó khá thân thiện đối với da. Hơn nữa, giá thành của chúng rất rẻ. Tuy nhiên, bạn cần phải kiên nhẫn vì chúng thường chỉ cho kết quả sau một quá trình áp dụng lâu dài.

Ngoài ra, các nguyên liệu như cải ngựa, đu đủ hay nha đam cũng có tác dụng rất tốt trong việc điều trị nám da.

Tìm hiểu thêm: Trị nám da hiệu quả bằng nguyên liệu có ngay trong bếp

Tẩy tế bào chết cho da nám

tẩy tế bào chết

Các vết nám ngoài da thông thường có thể được tẩy đi. Hơn nữa, tẩy tế bào chết cũng giúp các chất ức chế tyrosine thâm nhập hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn phải thực hiện phương pháp này một cách cẩn thận vì có thể gây viêm da sau điều trị sắc tố.

  • Hydroxyacids alpha dạng bôi bao gồm axit glycolic và axit lactic. Bạn sẽ thấy chất này trong các loại kem hoặc trong các loại mặt nạ hóa học. Nó sẽ loại bỏ lớp da ngoài cùng của bạn và nhờ có độ pH thấp, nó giúp ức chế hoạt động của tyrosine.
  • Retinol như tretinoin cũng rất có hiệu quả trong điều trị nám da. Tuy nhiên, tretinoin là một chất dẽ gây kích ứng và có thể sẽ khiến bạn bị viêm da tiếp xúc. Bạn cũng hãy nhớ rằng không sử dụng thuốc này khi đang mang thai.
  • Axit salicylic là một thành phần phổ biến trong kem dưỡng da, đôi khi cũng là thành phần của mặt nạ hóa học. Tuy nhiên, trong điều trị nám da, nó không mang lại hiệu quả cao.

Công thức hiệu quả nhất đó là một sự kết hợp của Hydroquinone, Tretinoin và Steroid ở dạng bôi ngoài da. Khoảng 60-80% bệnh nhân có kết quả cải thiện trong tiến trình điều trị nám da. Nhiều kết hợp khác của các chất tại chỗ được sử dụng phổ biến, và chúng đạt hiệu quả cao hơn so với dùng đơn độc. Tuy nhiên, các sản phẩm này thường đắt tiền.

Axit và các hóa chất dùng trong điều trị nám sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn so với các thành phần của phương pháp tự nhiên. Nếu nồng độ sử dụng axit nồng độ thấp, nó sẽ không gây hại nhiều cho da tuy vẫn gây phản ứng phụ ở những người có da nhạy cảm.

Bên cạnh những ưu điểm trên, axit và hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến các lớp da của bạn, đặc biệt là các lớp da non. Trong một số trường hợp, mặt nạ hóa học được dùng nhằm mục đích loại bỏ các lớp da bên ngoài và kích thích lớp da mới phát triển. Hơn nữa, chi phí điều trị của các phương pháp này thường cao.

Ngoài ra, nếu da của bạn nhạy cảm với các thành phần như hydroquinone thì bạn sẽ rất dễ gặp các tác dụng phụ như lột da, da trở nên tối màu hơn và giải phóng histamin.

Trị nám bằng liệu pháp laser

điều trị nám bằng laser

Laser là một liệu pháp điều trị với một ưu điểm rất lớn là mang lại kết quả nhanh chóng.

Tái tạo bề mặt da bằng laser là một cách hiệu quả giúp điều  trị da bị hư tổn. Liệu pháp này có thể được thực hiện bằng một thủ thuật xâm lấn hoặc không xâm lấn. Laser xâm lấn sẽ sử dụng xung ánh sáng cường độ cao để loại bỏ các lớp da ngoài cùng bị hư hại. Nhờ đó, da bạn sẽ mịn màng và săn chắc hơn.

Ngoài ra, liệu pháp laser xâm lấn còn giúp loại bỏ nếp nhăn và điều trị các vấn đề về sắc tố. Laser không xâm lấn hoạt động bằng cách kích thích sự tăng trưởng collagen và làm săn chắc da từ sâu bên trong. Thủ thuật này sẽ không khiến bạn bị đau đớn hay bị thương.

Nám da là một tình trạng da rất khó chữa trị vì nó rất dễ tái phát khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là nắng hay khi cơ thể bạn có sự thay đổi hormone. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang rất cố gắng trong nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp trị nám hiệu quả.

Hy vọng rằng với những phân tích trên, bạn đã có thể tìm cho mình lựa chọn thích hợp cho da nám nhé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Topical treatment of melasma. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2807702/. Ngày truy cập 20/01/2017.

Melasma. http://www.medicinenet.com/melasma/page6.htm Ngày truy cập 20/01/2017.

Phiên bản hiện tại

29/07/2020

Tác giả: Thu Trang

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Ung thư tế bào hắc tố hay nám da, phân biệt thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thu Trang · Ngày cập nhật: 29/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo