Rụng lông mày không chỉ khiến khuôn mặt bạn mất đi tính thẩm mỹ, mà còn cảnh báo một số tình trạng sức khỏe và bệnh lý mà bạn không nên bỏ qua.
Lông mày góp phần tạo nên đường nét cho khuôn mặt, khi lượng lông mày thưa đi sẽ khiến khuôn mặt mất đi tính hài hòa và sức sống. Vậy nguyên nhân gây rụng lông mày do đâu? Bạn hãy cùng tìm hiểu để biết cách khắc phục lông mày rụng phù hợp nhé!
Nguyên nhân rụng lông mày
Nguyên nhân gây rụng lông mày có thể là do nhiễm trùng, tình trạng da, thay đổi nội tiết tố hoặc hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Sự thiếu hụt dinh dưỡng, chấn thương thể chất hoặc căng thẳng cảm xúc cũng có thể làm thưa bớt lông mày.
Nếu xác định được nguyên nhân chính xác, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp để giúp ngăn ngừa, đẩy lùi hoặc giảm thiểu rụng lông mày. Các nguyên nhân có thể bao gồm:
1. Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Cơ thể con người cần các chất dinh dưỡng đến từ các nguồn năng lượng (carbohydrate, protein, chất béo), axit amin, axit béo, vitamin và khoáng chất. Một số những chất này giúp duy trì và ảnh hưởng đến sự phát triển của nang lông, do đó sự thiếu hụt có thể gây ra chứng rụng lông mày.
Tình trạng thiếu vitamin A hoặc kẽm có thể làm chậm sự phát triển của tế bào và cản trở quá trình sản xuất bã nhờn dưỡng ẩm (dầu). Các chất dinh dưỡng khác khi bị thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến rụng lông mày bao gồm:
- Sắt
- Cysteine
- Axit béo omega-3
- Biotin (vitamin B7)
- Vitamin E, B12 và D
- Vitamin C (phát triển collagen)
2. Căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng và lo lắng quá mức có thể gây ra những thay đổi về sinh lý, bao gồm giảm oxy đến nang lông và mức độ hormone dao động. Đây là một trong nguyên nhân chính gây nên tình trạng rụng lông mày.
3. Mang thai, sinh con
Quá trình mang thai và sinh con có thể làm thay đổi lượng hormone trong cơ thể rõ rệt. Những biến động mạnh này có thể làm ảnh hưởng đến chu kỳ tăng trưởng lông của bạn và gây ra rụng lông mày.
4. Sự lão hóa
Ở độ tuổi 40, lông tóc sẽ bắt đầu mỏng dần khi mức độ estrogen ở phụ nữ và testosterone ở nam giới giảm xuống.
5. Rụng lông từng vùng
Rụng lông từng vùng (Alopecia areata) là một bệnh tự miễn – hệ thống miễn dịch nhận nhầm một phần cơ thể là kẻ thù và tấn công nó. Rụng lông từng vùng tấn công vào các nang tóc, khiến từng sợi lông mọc lên bị làm chậm hoặc tạm dừng quá trình phát triển lông.
Theo Tổ chức Alopecia Areata National, bệnh rụng lông từng vùng có thể xuất hiện theo từng đợt khác nhau. Rụng lông mày cũng có thể ảnh hưởng đến móng tay và móng chân.
6. Bệnh chàm
Bệnh chàm hay còn gọi là viêm da dị ứng, là tình trạng viêm da gây ngứa, đỏ, chảy nước và kích ứng. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống miễn dịch quá mẫn cảm và có thể xuất hiện dưới dạng bùng phát một lần hoặc kéo dài mãn tính. Do các nang lông nằm ở dưới da nên bệnh chàm có thể cản trở sự phát triển của lông mày.
7. Bệnh vẩy nến
Bệnh vảy nến là tình trạng rối loạn tự miễn dịch làm cho các tế bào da nhân lên rất nhanh, hình thành các mảng đỏ, dày, có vảy và gây đau đớn. Điều này làm ngăn chặn nang lông mọc và ngừng phát triển.
>>> Bạn có thể quan tâm: 4 nguyên nhân khiến bạn nổi mụn ở chân mày – Làm thế nào để trị mụn?
8. Tổn thương nang lông
Việc nhổ lông mày quá mức sẽ tạo ra chấn thương nhỏ có thể khiến lông ngừng phát triển ở vị trí đó. Ngoài ra, khi bạn trang điểm quá nhiều có thể gây ra tổn thương tương tự khi thực hiện trong thời gian dài.
9. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc xảy ra do bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích độc hại. Bạn có thể cảm thấy ngứa hoặc cảm giác nóng rát. Nếu viêm da xảy ra tại vùng lông mày có thể gây ức chế sự phát triển của lông.
10. Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã thường là một tình trạng da liễu kéo dài dai dẳng. Các nhà khoa học tin rằng điều này xảy ra do một loại nấm hoặc do sản xuất quá nhiều dầu trong da. Viêm da tiết bã có thể dẫn đến gàu, ngay cả ở vị trí lông mày.
11. Nấm da đầu
Nấm da đầu thường tạo ra các mảng màu đỏ, ngứa, nổi sần lên với mụn nước. Khi những mảng này xuất hiện có thể gây rụng lông mày và để lại một mảng hói.
12. Vấn đề về tuyến giáp
Bệnh tuyến giáp là một nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng rụng lông mày. Tuyến giáp đóng vai trò sản xuất hormone điều chỉnh sự trao đổi chất. Khi tuyến này sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, cơ thể bạn sẽ mất cân bằng gây ra sự phá vỡ một số quá trình. Điều này bao gồm cả sự phát triển của lông mày.
Suy giáp cũng có thể gây ra mệt mỏi, tăng cân và sương mù não. Người mắc bệnh cường giáp thường bị tim đập nhanh, mắt lồi và sụt cân nhanh chóng.
13. Bệnh Hansen
Bệnh Hansen (bệnh phong) là bệnh do vi khuẩn gây ra và xuất hiện dưới dạng vết loét trên da. Chứng bệnh này gây ra các tổn thương và tình trạng rụng lông trên khắp cơ thể, làm tê và yếu chân tay.
14. Telogen effluvium
Lông mày rụng nhiều là bệnh gì? Telogen effluvium là tình trạng rụng lông tóc bất thường xảy ra khi chu kỳ phát triển lông bị gián đoạn do nội tiết tố hoặc những thay đổi khác trong cơ thể, có thể đến từ rụng lông mày tuổi dậy thì.
15. Hóa trị
Để điều trị chống lại ung thư, hóa trị là phương pháp giúp kích thích tất cả các tế bào phân chia nhanh chóng, tiêu diệt tế bào ung thư, kể cả tế bào nang lông. Đó là lý do tại sao lông tóc rụng thành từng đám khi người bệnh trải qua đợt điều trị này.
>>> Bạn có thể quan tâm: Mụn ẩn trên trán, mụn giữa 2 lông mày và những chỗ khác cảnh báo điều gì?
Cách điều trị rụng lông mày
Khi xác định được nguyên nhân gây rụng lông mày, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất bao gồm:
• Minoxidil: là thuốc không kê đơn (OTC), thuốc điều trị nội tiết, thuốc bôi có sẵn dành cho nam và nữ. Thuốc này có thể khôi phục sự tăng trưởng của nội tiết tố trong vài tháng.
• Corticosteroid: được sử dụng ở dạng thuốc bôi, thuốc tiêm hoặc thuốc viên để điều trị rụng tóc, chàm, viêm da hoặc bệnh vẩy nến bằng cách giảm viêm và đáp ứng miễn dịch.
• Châm cứu: giúp làm giảm rụng lông mày bằng cách giảm tác động vào nang lông tóc, đồng thời kích thích lưu thông máu.
• Dầu thầu dầu: là một biện pháp khắc phục tại nhà lâu dài cho sự phát triển của lông. Loại dầu này có thể kích thích các nang lông bằng cách tác động lên một số hormone.
• Anthralin: là một chất chống viêm và là dẫn xuất tự nhiên của anthraquinone thường được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến. Thuốc này thường được chỉ định cho những người bị rụng lông mày do viêm.
• Bổ sung dinh dưỡng: tiêu thụ thực phẩm chứa chất chống oxy hóa, axit béo omega-3 và axit béo omega-6 giúp mang lại hiệu quả chống rụng lông tóc.
• Phục hồi cấy ghép lông mày: được thực hiện bằng cách lấy phần da từ một vị trí có nhiều lông và sau đó cấy các nang lông vào vùng lông mày thưa thớt.
• Bimatoprost: là phương pháp điều trị telogen effluvium và các dạng rụng lông mày khác bằng cách kéo dài chu kỳ mọc lông để lông có thời gian mọc dài hơn.
• Thủ thuật nhỏ: Một số người chỉ đơn giản chọn cách che giấu rụng lông mày bằng cách trang điểm hoặc phun xăm lông mày.
>>> Bạn có thể quan tâm: Phun thêu và điêu khắc chân mày có thật sự an toàn như bạn nghĩ?
Đối với các trường hợp rụng lông mày gây ra bởi sự dao động hormone, bác sĩ nội tiết có thể kê toa các loại thuốc theo toa như hormone kích thích tuyến giáp, estrogen hoặc testosterone.
Một trong những cách ngăn ngừa rụng lông mày hiệu quả là bạn cần ăn nhiều protein nạc, trái cây và rau củ quả. Đồng thời tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập yoga hoặc thiền định.
Có thể phải mất một khoảng thời gian dài để bạn cảm nhận lông mày mọc dài ra vì lông mày thường có xu hướng mọc chậm hơn so với tóc.
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn nhận biết được các nguyên nhân rụng lông mày để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả. Lông mày là một yếu tố giúp khuôn mặt hài hòa hơn, không chỉ ảnh hưởng về mặt mỹ quan mà còn mang lại ý nghĩa phong thủy đối với nhiều người. Do đó, bạn nhớ lưu ý khi bị rụng lông mày cần phải làm gì để kích thích lông mày phát triển nhé!