backup og meta

Emollient là gì? Có nên dùng emollient để dưỡng ẩm cho da?

Emollient là gì? Có nên dùng emollient để dưỡng ẩm cho da?

Emollient mang lại hiệu quả chữa lành và phục hồi độ ẩm cho làn da khô, bong tróc da mặt và ngứa. Khi sử dụng emollient bạn có thể ngạc nhiên về công dụng dưỡng ẩm cho da, đem lại làn da ẩm mịn và mềm mại.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu sâu hơn về công dụng thành phần này, cách sử dụng và những lưu ý khi dùng emollient là gì bạn nhé!

Emollient là gì?

Emollient là chất làm mềm da hoặc làm dịu da, giúp cải thiện làn da khô, thô ráp và bong tróc. Khi lớp trên cùng của da không  đủ độ ẩm thì tình trạng làn da sẽ khô đi, khiến da bị nứt nẻ và để lại khoảng trống giữa các tế bào trên da của bạn. Khi đó emollient sẽ có nhiệm vụ lấp đầy những khoảng trống đó, tức là vừa xen kẽ và bao phủ các tế bào sừng bằng chất béo, hay còn được gọi là lipid. Từ đó giúp làn da mịn màng và mềm mại hơn.

Emollient có tác dụng gì?

Hầu hết da của mỗi người thường bị khô hay kích ứng gây ra bởi một số tác nhân, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh và hanh khô. Đôi khi việc rửa tay thường xuyên hoặc tiếp xúc với các hóa chất mạnh cũng có thể khiến làn da bị khô ráp, sần sùi. Dù là nguyên nhân gì thì tình trạng da khô ngứa, rát cũng không hề dễ chịu. Thậm chí trong một số trường hợp còn gây ra các vết thương hở trên da do gãi, khiến các vết thương bị chảy máu và nhiễm trùng nặng hơn.

Thoa trực tiếp emollient lên da sẽ giúp làm dịu và cấp nước cho da. Nhờ khả năng bao phủ da bằng một lớp màng bảo vệ để giữ ẩm, emollient thường được sử dụng để giúp kiểm soát các tình trạng da khô, ngứa hoặc có vảy như bệnh chàm, bệnh vẩy nến và bệnh da vảy cá… Ngoài ra emollient còn được sử dụng để điều trị các tình trạng da kích ứng do xạ trị và phát ban tã.

tác dụng emollient

Emollient thường được kết hợp với humectants và occlusives

Mặc dù nhiều người nghĩ rằng emollient và kem dưỡng ẩm cùng là một thứ như nhau, nhưng thực tế không phải vậy. Emollient chính là một trong những thành phần trong kem dưỡng ẩm giúp duy trì độ ẩm cần thiết cho da. Sự kết hợp của các thành phần trong bất kỳ sản phẩm emollient sẽ xác định công dụng và mức độ hiệu quả của sản phẩm. 

Cụ thể, các chất làm mềm emollient thường được kết hợp với chất hút ẩm humectants và chất khóa ẩm occlusives. Đây đều là các thành phần giữ chức năng quan trọng trong việc dưỡng ẩm cho da. Humectants giúp tăng cường khả năng bề mặt da giữ nước, bao gồm các thành phần như: glycerin, ure và axit pyrrolidine cacboxylic. Những chất này sẽ hút nước từ không khí và lượng nước đến từ lớp da bên dưới để giữ ẩm bề mặt da.

Trong khi đó, occlusive là một tác nhân làm chậm quá trình mất nước bằng cách bổ sung thêm một lớp dầu lên bề mặt da, bao gồm: petrolatum, lanolin, dầu khoáng và dimethicone có tác dụng dưỡng ẩm cho làn da khô ráp, sần sùi. 

Thông thường, 1 trong 2 thành phần này (humectants và occlusives) có thể gây cảm giác nhờn rít trên da, vì vậy các nhà sản xuất thường kết hợp chúng với các thành phần khác. Điều này sẽ giúp cho sản phẩm dễ tán hơn và tạo điều kiện cho các thành phần thẩm thấu vào da tốt hơn.

Các loại emollient

Tùy theo nguyên nhân khô da và mức độ nghiêm trọng của tình trạng da, bạn có thể thử 1 vài chất emollient khác nhau trước khi quyết định chọn loại phù hợp. Ngoài ra bạn thậm chí có thể dùng nhiều loại khác nhau tại các thời điểm khác nhau trong ngày hoặc trong năm vì mức độ khô da cũng dao động dựa theo sự biến chuyển của thời tiết. 

Tỷ lệ dầu – hoặc lipid với nước sẽ quyết định đến kết cấu của sản phẩm. Vì thế dựa vào bảng thành phần bạn có thể tìm mua sản phẩm chứa emollient phù hợp cho nhu cầu bản thân.

Nếu bạn sở hữu làn da khô, hãy chọn cho mình sản phẩm có chứa tỷ lệ dầu nhiều hơn, đậm đặc và phát huy cơ chế dưỡng ẩm tốt hơn. Đối với làn da nhờn, da hỗn hợp thì các sản phẩm chứa phần nước mỏng nhẹ, thẩm thấu nhanh sẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn.

1. Thuốc mỡ

Thành phần của thuốc mỡ chủ yếu là dầu và có kết cấu khá nhờn. Với kết cấu dày, thuốc mỡ chứa emollient sẽ ngăn không cho làn da bạn mất nước. Ngoài ra, do khả năng hấp thụ trên da khá chậm và dễ dính nên bạn cũng không cần phải thoa lại thường xuyên. 

thuốc mỡ chứa emollient

Do đó đối với những bạn có làn da quá khô hoặc dày, đợt cấp của viêm da cơ địa, thuốc mỡ mang lại hiệu quả dưỡng ẩm cao để giúp khắc phục các vấn đề này. Hầu hết các loại thuốc mỡ không chứa chất bảo quản nên sẽ ít xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng. Lưu ý là bạn không nên bôi thuốc mỡ trên những vùng da bị chảy dịch hoặc có vết thương hở.

2. Kem dưỡng (Cream)

Kem dưỡng đem lại sự cân bằng giữa dầu và nước. Điều này giúp cho kem dưỡng dễ dàng thẩm thấu và lan đều sang các vùng da khác. Tuy nhiên, kem dưỡng có tác dụng dưỡng ẩm kém hơn thuốc mỡ. Chúng thường có đủ lượng dầu để giữ nước trong da của bạn, có kết cấu ít nhờn và hạn chế tình trạng bết dính trên da. 

emollient cream

Với kết cấu nhẹ hơn thuốc mỡ, kem dưỡng có thể được sử dụng cho ban ngày. Bên cạnh đó nếu so với lotion thì kem dưỡng có kết cấu nặng hơn và khả năng dưỡng ẩm cũng tốt hơn, nên chúng cũng rất hiệu quả khi sử dụng vào cả ban đêm. Do làn da bạn cũng hấp thụ emollient ở dạng kem dưỡng tương đối nhanh nên tần suất bạn thoa kem dưỡng sẽ nhiều hơn khi thoa thuốc mỡ.

3. Lotion

Lotion chủ yếu ở dạng nước chỉ với 1 lượng nhỏ dầu. Chúng có khả năng dưỡng ẩm kém nhất  trong cả 3 loại này. Vì ở dạng lỏng nên lotion rất dễ lây lan trên da đầu hay các vùng nhiều lông khác trên cơ thể bạn. 

emollient lotion

>>> Bạn có thể quan tâm: Astringent là gì? Nên chọn Astringent hay Toner dưỡng da tốt hơn?

Khi nào nên dùng?

Nếu muốn duy trì làn da ẩm mịn, bạn có thể thoa thường xuyên nếu muốn, tốt nhất là từ 3-4 lần/ngày. Tình trạng khô da càng nghiêm trọng thì bạn càng nên bôi thường xuyên hơn. Đặc biệt khi thoa cần phải tập trung chủ yếu ở vùng da tay và mặt vì đây là những vùng thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây hại từ môi trường. Bạn nên thoa emollient sau khi rửa tay hoặc đi tắm vì đây là lúc mà làn da cần được bổ sung độ ẩm nhất. 

Cách sử dụng emollient

Đối với tình trạng da quá khô, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn nên làm ướt sơ qua vùng da đó trước khi sử dụng sản phẩm. Sau đó, nhẹ nhàng lau khô da, đợi khoảng 3 phút và thoa emollient lên da trước khi nước hoàn toàn bị bay hơi. Khi thoa các sản phẩm này, bạn nên di chuyển nhẹ nhàng, thoa đều tay theo hướng lông mọc. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các nang lông bị tắc nghẽn và tránh làm bí bách cho da. Hãy đảm bảo rằng sau khi thoa, bạn nên vỗ nhẹ lên da để sản phẩm được hấp thụ hiệu quả hơn. 

cách sử dụng emollient

Và nếu bạn chuẩn bị đi bơi thì nên thoa 1 lượng emollient dày hơn bình thường để giúp ngăn ngừa khô da vào bảo vệ da khỏi bị kích ứng từ nước trong hồ bơi. 

Liều lượng

Nếu emollient ở dạng kem dưỡng, lotion và thuốc mỡ thì bạn nên thoa trực tiếp một lượng vừa đủ lên da. Người lớn được khuyến cáo sử dụng ít nhất 500g mỗi tuần, và 250g là lượng cần dùng dành cho trẻ em. Nếu da của bạn bị châm chích sau khi sử dụng sản phẩm có chứa emollient và tình trạng da không thuyên giảm sau khi rửa sạch, hãy hỏi ý kiến chuyên gia da liễu để tìm sản phẩm khác thay thế phù hợp hơn.

Cách bảo quản

Emollient có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng và bạn tuyệt đối không nên đặt các sản phẩm chứa emollient ở các khu vực có nhiệt độ cao vì sẽ kích thích sự phát triển của vi khuẩn. Thay vào đó bạn nên cất kem dưỡng (cream) chứa emollient trong tủ lạnh, nhưng lại không nên bảo quản thuốc mỡ trong tủ lạnh mà chỉ cần ở nhiệt độ phòng là đủ.

>>> Bạn có thể quan tâm: Azelaic Acid là gì? “Thần dược” trị mụn, mờ thâm ít ai biết

Lưu ý

Nếu bạn đang sử dụng kem steroid hoặc một phương pháp điều trị khác cho vấn đề da, hãy đợi ít nhất 30 phút sau khi thoa emollient trước khi chuyển sang các bước chăm sóc da tiếp theo. Mục đích của việc này là nhằm tránh làm loãng hiệu quả của phương pháp điều trị hay lan qua các vùng da không cần thiết.

Tác dụng phụ

Emollients đôi khi có thể gây ra một số phản ứng trên da, chẳng hạn như khiến da nóng, bị bỏng rát và châm chích. Thông thường nguyên nhân là do làn da phản ứng với một thành phần nhất định trong emollient.

Trong một số trường hợp, sử dụng chất làm mềm emollient còn có thể khiến cho các nang lông bị tắc hoặc viêm nang lông, khiến mồ hôi tích tụ và dẫn đến sự xuất hiện của các nốt mụn nhọt. Tình trạng phát ban trên mặt có thể làm trầm trọng thêm mụn trứng cá. Vì thế để đảm bảo an toàn, bạn nên test thử các sản phẩm này lên một vùng da nhỏ trong vòng 48 giờ và quan sát xem thử da có những phản ứng gì bất thường hay không trước khi sử dụng cho toàn bộ vùng da bị ảnh hưởng. 

Tuy phản ứng dị ứng với thành phần này là rất hiếm, nhưng nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trên đây, hãy lập tức đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám và chữa trị kịp thời. 

Đối tượng nên cân nhắc trước khi dùng

Nếu bạn có bất kỳ tổn thương da như nhiễm trùng da, vết loét, vết cắt trên da,… thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Ngoài ra, nếu trong quy trình skincare mà bạn đang áp dụng có chứa thành phần retinol hoặc AHA, BHA thì bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu để tránh tác dụng phụ gây kích ứng da.

>>> Bạn có thể quan tâm: Allantoin là gì? 8 Công dụng của Allantoin trong chăm sóc da

Vào những thời điểm trong năm khi tình trạng da khô thuyên giảm thì bạn vẫn nên tiếp tục dùng emollient một cách đều đặn và thường xuyên. Việc này sẽ giúp giữ ẩm cho da và ngăn ngừa khô da tái phát. Ngoài ra, bạn có thể tìm mua chất làm mềm da emollient từ các cửa hàng mà không cần đơn thuốc chỉ định từ bác sĩ. Tuy nhiên nếu tình trạng da ngày càng nghiêm trọng hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ vì có thể làn da bạn cần có phương pháp khắc phục thích hợp hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Controlling eczema by moisturizing. (n.d.). https://nationaleczema.org/eczema/treatment/moisturizing/ Ngày truy cập: 14/2/2022

Dyble T, et al. (2013). Use of emollients in the treatment of dry skin conditions. DOI: https://www.magonlinelibrary.com/doi/abs/10.12968/bjcn.2011.16.5.214 Ngày truy cập: 14/2/2022

Moncrieff G, et al. (2013). Use of emollients in dry-skin conditions: Consensus statement. DOI: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/ced.12104 Ngày truy cập: 14/2/2022

Roure R. (2012). Methods to assess the protective efficacy of emollients against climatic and chemical aggressors. DOI: https://www.hindawi.com/journals/drp/2012/864734/ Ngày truy cập: 14/2/2022

Emollients | Eczema Treatment https://eczema.org/information-and-advice/treatments-for-eczema/emollients/ Ngày truy cập: 14/2/2022

Emollients and moisturisers https://dermnetnz.org/topics/emollients-and-moisturisers Ngày truy cập: 14/2/2022

Topical Therapies in Psoriasis https://www.ncbi.nlm.nih.gov/labs/pmc/articles/PMC5518573/ Ngày truy cập: 14/2/2022

Best practice in emollient therapy https://bdng.org.uk/wp-content/uploads/2017/02/EmollientBPG.pdf Ngày truy cập: 14/2/2022

Phiên bản hiện tại

21/02/2022

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Niacinamide trong mỹ phẩm có công dụng gì đối với làn da?

Hyaluronic Acid là gì? Công dụng của Hyaluronic Acid cho da


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 21/02/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo