Nếu bạn có làn da dầu dễ nổi mụn, astringent sẽ là “người bạn” đồng hành không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da hàng ngày. Với công dụng làm sạch da, se khít lỗ chân lông và giảm bóng dầu trên mặt, sản phẩm này được rất nhiều người lựa chọn bởi những đặc tính “thần kỳ’ mà nó mang lại cho làn da.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về công dụng và cách sử dụng sản phẩm này như thế nào nhé!
Astringent là gì?
Astringent là sản phẩm chăm sóc da dạng lỏng, thường chứa cồn isopropyl và được sử dụng sau bước làm sạch da mặt. Đối với những bạn có làn da khô thì nên tránh sử dụng astringent có chứa cồn vì sẽ làm khô da thêm và khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
Tác dụng của astringent trong việc chăm sóc da
Một số công dụng của astringent mang lại cho làn da bạn có thể kể đến như:
- Làm se khít lỗ chân lông
- Làm căng và săn chắc da
- Làm sạch các chất gây kích ứng cho da
- Giảm viêm và mụn trứng cá, diệt khuẩn hiệu quả
- Loại bỏ dầu thừa và làm thông thoáng lỗ chân lông, đặc biệt phù hợp cho những ai có làn da nhờn mụn.
Cách chọn astringent/ toner cho từng loại da
Da dầu | Da dầu mụn | Da hỗn hợp | Da khô |
Astringent chứa cồn (isopropyl) | Astringent + Axit salicylic | Astringent / Toner + Chiết xuất cây phỉ | Toner + Glycerin |
Astringent + Axit citric | Astringent + Axit glycolic | Astringent + Axit salicylic | Toner + Lô hội |
Astringent + Chiết xuất cây phỉ | Astringent + Axit citric | Toner + Axit lactic | Toner + Sodium lactate |
Cách sử dụng astringent
Astringent thường được sử dụng sau bước rửa mặt. Tuy nhiên, như đã đề cập, bạn cần hết sức lưu ý khi sử dụng sản phẩm này vì có thể khiến khô da. Để an toàn và hiệu quả nhất, bạn chỉ nên sử dụng astringent 1 lần/ ngày, vào buổi sáng hoặc buổi tối.
Sau khi làn da bạn đã làm quen với astringent và bạn sở hữu làn da tiết dầu khá nhiều, bạn có thể tăng tần suất sử dụng lên thành 2 lần/ ngày, 1 lần vào buổi sáng và 1 lần vào buổi tối.
Sau đây là các bước khi sử dụng astringent trong chu trình skincare:
- Làm sạch da mặt và lau khô da hoàn toàn.
- Đổ 1 ít astringent lên miếng bông tẩy trang.
- Thoa miếng bông tẩy trang cho dùng da mặt theo chuyển động tròn đều. Ngoài ra, bạn cần chú ý tập trung chấm lên những vùng da nhiều dầu nhờn, và tránh để sản phẩm tiếp xúc với vùng da mắt. Điều tuyệt vời hơn là bạn không cần rửa mặt lại với nước sau khi sử dụng.
- Sau khi thoa astringent lên mặt, bạn cũng đừng bỏ qua bước sử dụng kem dưỡng ẩm. Thoa kem khi da mặt bạn hơi ẩm sẽ giúp kem dưỡng khóa ẩm hiệu quả cho làn da.
- Khi đi ra ngoài trời, bạn vẫn phải thoa thêm kem chống nắng có chứa SPF cao để bảo vệ da tốt nhất, và tăng cường hiệu quả dưỡng da.
>>> Bạn có thể quan tâm: Ceramide là gì? Công dụng của ceramide trong mỹ phẩm
Cách phân biệt astringent và toner
Thoạt nhìn thì toner và astringent có những đặc tính khá giống nhau. Tương tự như astringent, toner cũng là một sản phẩm ở dạng lỏng có công dụng thu nhỏ lỗ chân lông, loại bỏ các chất gây kích ứng ra khỏi bề mặt da và làm đều màu da.
Vì thế, trong khi astringent thường được sử dụng cho làn da dầu, hay bị mụn trứng cá, thì toner có thể được sử dụng phù hợp cho nhiều loại da hơn, kể cả làn da nhạy cảm, da khô và da hỗn hợp. Bên cạnh đó, bạn có thể xem astringent đóng vai trò như một dạng toner mạnh hơn. Các sản phẩm này thường chứa nồng độ cồn (như rượu SD hoặc rượu biến tính) cao hơn các loại toner thông thường.
Một số thành phần phổ biến bạn có thể tìm thấy trong toner dưỡng ẩm bao gồm:
- Axit salicylic
- Axit lactic
- Glycerin
- Axit glycolic
- Axit hyaluronic
- Chiết xuất cây phỉ
Astringent có thể được sử dụng cho làn da nhờn mà không làm khô da quá mức sẽ thường chứa các hoạt chất sau:
- Cồn
- Chiết xuất cây phỉ
- Axit citric
- Axit salicylic
Nếu bạn vẫn còn đang phân vân không biết nên sử dụng astringent hay toner thì phù hợp với làn da của mình hơn, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu. Từ đó, bác sĩ sẽ giới thiệu cho bạn các sản phẩm có chứa thành phần an toàn, lành tính cho làn da bạn.
>>> Bạn có thể quan tâm: Giải mã mọi thứ bạn cần biết về toner – nước cân bằng da
Có thể sử dụng cả astringent và toner hay không?
Câu trả lời là có, nhưng chỉ nên áp dụng khi bạn có làn da dầu. Bạn nên sử dụng astringent vào buổi sáng và dùng toner vào buổi tối. Một cách dùng khác là bạn có thể thoa astringent trước bằng một miếng bông, để khô trong khoảng từ 30 giây đến 1 phút, sau đó phủ thêm một lớp toner lên trên.
Thực sự vẫn chưa có bằng chứng nào về tính hiệu quả cao hơn khi sử dụng cả hai sản phẩm này. Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc da, nếu bạn sở hữu làn da dầu và bạn cảm nhận được hiệu quả dưỡng da khi kết hợp cả 2 sản phẩm mà không gây hại cho da, bạn có thể yên tâm tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể luân phiên sử dụng giữa các loại toner và astringent quanh năm nếu làn da bạn thay đổi theo thời tiết. Ví dụ, nếu da của bạn thường tiết dầu nhiều trong mùa hè nóng ẩm, astringent sẽ là sản phẩm lý tưởng mà bạn nên sử dụng. Tuy nhiên, nếu làn da của bạn có xu hướng khô hơn trong những tháng mùa đông, bạn nên chuyển sang dùng loại toner chứa ít cồn để đảm bảo làn da không bị mất nước hoặc trở nên quá khô.
Tác dụng phụ
Astringent có thể làm khô da, vì thế, bạn nên tránh các loại có chứa cồn và hóa chất nếu bạn có làn da khô hoặc nhạy cảm.
Nếu bạn có làn da khô mụn, sản phẩm này còn có khả năng làm kích ứng thêm mụn, dẫn đến hiện tượng da mặt bị bong tróc và khiến da nổi mẩn đỏ.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh sử dụng astringent chứa cồn nếu bạn mắc bệnh chàm hoặc bệnh rosacea. Thay vào đó, bạn hãy thử dùng toner dưỡng ẩm không chứa dầu để cân bằng độ pH của da và giúp làm sạch da nhẹ nhàng. Hoặc nếu bạn vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng da của mình, hãy hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Nếu bạn có làn da dầu và muốn sử dụng sản phẩm astringent chứa cồn, hãy cân nhắc chỉ nên thoa cho những vùng da nhiều dầu. Bằng cách này, sản phẩm có thể giúp bạn kiềm dầu hiệu quả và đồng thời ngăn ngừa tình trạng da kích ứng.
>>> Bạn có thể quan tâm: Niacinamide trong mỹ phẩm có công dụng gì đối với làn da?
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, test da là việc làm cần thiết. Bạn áp dụng một ít astringent vào một diện tích nhỏ cánh tay của bạn. Để một lúc và cảm nhận những dấu hiệu kích ứng (nếu xảy ra). Nếu bạn cảm thấy ngứa và kích ứng da, phát ban xuất hiện sau khi áp dụng sản phẩm trên da, bạn nên ngừng sử dụng đó. Bạn có thể cảm thấy da mặt bị căng, ngứa ran và châm chích nhẹ sau khi thoa astringent. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng, vì những hiện tượng này là hoàn toàn bình thường.
Trong trường hợp da mặt của bạn cảm thấy đỏ, nóng hoặc kích ứng dữ dội, hãy ngừng sử dụng astringent ngay lập tức và đến gặp bác sĩ da liễu để có biện pháp xử lý kịp thời.