Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, những người bị tiểu đường có nguy cơ cao bị viêm nướu, bệnh nướu răng và viêm nha chu (viêm nướu nghiêm trọng vì sẽ phá hủy xương). Bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến khả năng chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu. Bệnh nướu răng cũng ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể.
1. Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng khi bị tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe răng miệng cao hơn những người khác.
Nguyên nhân là do:
- Khi lượng đường trong máu quá cao dẫn tới đường trong nước bọt cũng cao, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Đường máu cao gây tổn thương mạch máu vùng lợi dẫn đến tằng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nếu bạn bị tiểu đường mà lại hút thuốc, thì bạn có nguy cơ gặp các vấn đề răng miệng cao hơn so với những người bị bệnh tiểu đường nhưng không hút thuốc.
2. Các biểu hiện bệnh lý răng miệng ở người tiểu đường:
- Chảy máu nướu, đặc biệt là khi bạn đánh răng hay xỉa răng
- Hàm răng không ăn khớp với nhau (hoặc “răng khấp khểnh”)
- Hôi miệng kéo dài, thậm chí sau khi đánh răng
- Lợi bị tách ra khỏi răng, có thể làm cho răng của bạn trông dài hơn hoặc lớn hơn
- Răng vĩnh viễn lung lay
- Đỏ hay sưng nướu
3. Người tiểu đường nên làm gì để giữ răng miệng chắc khỏe?
- Đo đường huyết thường xuyên và cố gắng kiểm soát đường huyết
- Đánh răng 2-3 lần/ ngày, làm sạch các kẽ răng
- Khám răng miệng định kỳ 1-2 lần/năm
- Không hút thuốc lá
- Kiểm tra miệng thường xuyên để phát hiện các bất thường như khu vực bị khô, mảng bám hoặc xuất huyết
- Hãy làm sạch răng giả thường xuyên nếu bạn đang dùng răng giả