🔥 Bài đăng hot nhất

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm đối với cả thai nhi và mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý thì có thể hạn chế nguy cơ biến chứng. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? là băn khoăn của rất nhiều mẹ, vậy nên hãy cùng tham khảo một số gợi ý thực đơn cho bà bầu tiểu đường trong bài viết dưới đây nhé.

1.Tại sao chế độ ăn uống lại quan trọng với tiểu đường thai kỳ?

Hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều có thể kiểm soát đường huyết của mình chỉ bằng cách đơn giản là thay đổi chế độ ăn uống kết hợp với việc tập luyện thể chất. Việc tuân thủ đúng kế hoạch ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát tiểu đường thai kỳ, nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển và giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh.

Đối với một số phụ nữ, chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất vẫn không đủ để kiểm soát đường huyết. Nếu đường huyết vẫn ở mức cao, bạn có thể phải dùng insulin theo chỉ định của bác sĩ.

Vì vậy, chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn thiết lập một kế hoạch ăn uống lành mạnh

2.Làm thế nào để có đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết trong thực phẩm nhưng không làm tăng đường huyết?

Bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, trong đó phải bao gồm 4 nhóm thực phẩm: chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất theo các khuyến nghị sau

NHÓM TINH BỘT

Tinh bột là nguồn năng lượng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Hầu hết tinh bột đều thủy phân thành đường (glucose). Bạn cần ăn tinh bột để có sức khỏe tốt và giúp thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, ăn nhiều tinh bột quá mức sẽ làm tăng đường huyết.

Bạn nên ăn vừa đủ các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và ít làm tăng đường huyết, như:

  • Gạo lứt còn vỏ cám
  • Bún tươi
  • Gạo tấm
  • Các loại đậu nguyên hạt
  • Ngũ cốc nguyên cám
  • Bánh mì nâu, v.v.

Bạn nên hạn chế các thực phẩm làm tăng đường huyết, như:

  • Gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây, v.v.
  • Tránh dùng các loại nước giải khát, nước trái cây, nước có đường, v.v.
  • Hạn chế các món tráng miệng như kem, bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy và v.v.
  • Đọc nhãn cẩn thận và kiểm tra tổng lượng tinh bột trong mỗi khẩu phần.

NHÓM CHẤT ĐẠM

  • Cá, thịt nạc, các loại đậu, trứng, sữa đều là các thực phẩm giàu chất đạm.

NHÓM CHẤT BÉO

  • Hãy thận trọng với chất béo, đặc biệt là khi bạn đang tăng cân quá mức.
  • Nên sử dụng thịt nạc giàu đạm như thịt gia cầm, thịt bò, thịt heo và cá. Hạn chế thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích, mỡ động vật, da, nội tạng, bơ, margarine, sốt mayonnaise, kem phô mai, v.v.
  • Nên ăn các loại hạt có dầu, sử dụng dầu thực vật để nấu ăn.

NHÓM RAU CỦ

Nên ăn ít nhất 500 – 600g rau xanh mỗi ngày. Nên ăn rau trước các bữa ăn chính để hạn chế tình trạng tăng đường huyết sau khi ăn, vì rau là nguồn cung cấp chất xơ và giúp ngăn ngừa hấp thu chất tinh bột ăn sau đó.

NHÓM TRÁI CÂY

Nên chọn loại trái cây ít ngọt và có chỉ số đường huyết thấp: khoảng 200g/ngày (như dưa gang, bơ, dâu, thanh long, bưởi, cam ta, quýt ta, lê, táo, sơ ri, kiwi xanh, nho ta, v.v). Trái cây được dùng như món tráng miệng sau bữa ăn, trung bình một suất trái cây cho mỗi bữa ăn là từ 50-100g tùy theo loại trái cây ngọt nhiều hay ngọt ít, mỗi ngày có thể ăn 2 – 3 suất. Nên ăn cả xác (chất xơ) của trái cây để tận dụng nguồn chất xơ, tránh chỉ ép lấy nước uống. Lưu ý đối với phụ nữ mang thai, đường huyết thường có xu hướng tăng vào buổi sáng do đó nên ăn trái cây vào buổi trưa và/hoặc buổi chiều, và tránh ăn vào buổi sáng.

NHÓM SỮA VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ SỮA

  • Đây là nguồn cung cấp năng lượng, chất đạm, canxi và một số vi chất khác.
  • Nên sử dụng sữa tách béo/ít béo, không đường và giàu canxi, sữa đậu nành không đường, sữa chua không đường, phô mai, v.v.
  • Nếu phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ ăn uống kém, suy dinh dưỡng hoặc ít lên cân, có thể cân nhắc việc bổ sung dinh dưỡng bằng sữa chuyên biệt có chỉ số đường huyết thấp dành cho bệnh nhân tiểu đường (theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng).
  • Nên tránh sử dụng các sản phẩm sữa dành cho phụ nữ mang thai vì chúng có thể làm tăng đường huyết.

3.Những điều cần lưu ý khác về chế độ dinh dưỡng là gì?

  • Ăn các bữa ăn nhỏ, phân chia bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ đều đặn. Ăn cách khoảng 2 đến 3 giờ. Chia đều lượng tinh bột trong suốt cả ngày để giúp duy trì đường huyết ổn định.
  • Trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ, nên bao gồm một số chất đạm lành mạnh vì các chất này cũng giúp kiểm soát đường huyết của bạn. Ngoài ra, chất đạm còn giúp bạn cảm thấy dễ chịu và đầy năng lượng trong suốt cả ngày.
  • Trong các bữa ăn nhẹ, bạn có thể chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như sữa tiệt trùng không đường, sữa chua không đường, sữa đậu nành không đường, trứng, phô mai, cuốn rau với tôm, thịt, v.v.
  • Khi bị tiểu đường thai kỳ, đường huyết của bạn có xu hướng tăng vào buổi sáng. Để tránh xảy ra điều này, bạn nên ăn ít tinh bột vào bữa sáng hơn bữa trưa hoặc bữa tối trong kế hoạch ăn uống. Ví dụ như, kế hoạch của bạn cần nêu rõ trong bữa sáng sẽ bao gồm một khẩu phần sữa, một khẩu phần chứa tinh bột và một số chất đạm. Bạn nên ăn một bữa sáng rất nhỏ và một bữa ăn nhẹ tương tự vào giữa buổi sáng khoảng 2 giờ sau đó.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như mì ăn liền, súp đóng hộp, khoai tây chiên, thức ăn đông lạnh và thực phẩm đóng gói.
  • Không xay và hầm quá nhừ tinh bột (ví dụ: ăn cháo) vì dễ làm tăng đường huyết.
  • Uống đủ nước (6-8 ly một ngày).
  • Việc ăn uống điều độ đúng giờ cũng rất quan trọng đối với phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.

4.Thực đơn ăn sáng cho người tiểu đường thai kỳ

Bữa sáng rất quan trọng không chỉ với người bị tiểu đường mà mọi người đều không nên bỏ qua bữa sáng. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên có thói quen nhịn ăn sáng hoặc ăn sai giờ sẽ gặp tình trạng kháng insulin, khó kiểm soát đường huyết hơn so với những người ăn sáng đúng giờ và đều đặn. Ngoài ra nếu biết ăn sáng đúng cách cũng góp phần hỗ trợ người mỡ máu cao giảm được đáng kể cholesterol.

Để có một ngày mới tràn đầy năng lượng tích cực, các mẹ bầu có thể ghi lại cho mình một số thực đơn cho người tiểu đường thai kỳ như sau:

  • 200g khoai lang luộc;
  • 1 chiếc bánh mì kẹp trứng, cà chua, dưa chuột;
  • 1 bát con cháo yến mạch và 1 ly sữa không đường;
  • 1 bát cháo con thịt bò (định lượng 40g thịt bò, 60g gạo tẻ và 150g rau cải);
  • Xôi thịt kho (nửa bát xôi nhỏ, thịt nạc ăn kèm khoảng 3 - 4 miếng và 1 bát salad rau hoặc rau luộc);
  • 1 bát phở gà (30g thịt gà, 150g bánh phở, 150g giá đỗ và rau sống ăn kèm) hoặc 1 tô bún riêu hay 1 bát bún mọc cỡ vừa;
  • Bánh cuốn 1 đĩa vừa ăn cùng 20g chả lụa và dưa chua.

5. Thực đơn bữa trưa cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Bữa trưa phù hợp cho một người bị tiểu đường thai kỳ đó là nên hội tụ đủ 4 phần trong bữa ăn. Cụ thể là 1 phần dành cho tinh bột (cơm), 1 phần là cho thịt cá, 2 phần dành cho chất xơ (bao gồm rau củ quả luộc hoặc salad)

Sau khi ăn xong, mẹ bầu có thể dùng hoa quả để tráng miệng nhưng tốt hơn hết là nên ưu tiên những loại trái cây ít ngọt, mọng nước để tránh sự gia tăng nhanh chóng của đường huyết sau ăn.

Sau đây là danh sách thực đơn cho người tiểu đường thai kỳ ăn trưa trong vòng 7 ngày, các mẹ bầu có thể tham khảo và áp dụng.

  • Ngày 1: 1 bát cơm nhỏ, 2 miếng thịt gà, 1 đĩa bắp cải luộc, 2 miếng đậu phụ sốt cà chua;
  • Ngày 2: 1 bát cơm, 1 bát su hào luộc, 60g thịt bò xào;
  • Ngày 3: 1 bát cơm, 1 bát salad dưa chuột, 4 miếng chả, 1 bát canh bí đỏ thịt bằm;
  • Ngày 4: 1 bát bún mọc hoặc 1 bát hủ tiếu bò;
  • Ngày 5: 1 bát cơm, 1 bát bắp cải luộc, 2 miếng đậu phụ sốt cà chua, 8 miếng thịt luộc;
  • Ngày 6: 1 bát cơm, 50g tôm, 1 bát canh mồng tơi;
  • Ngày 7: 1 bát cơm, 3 - 4 miếng thịt kho trứng, 1 bát canh măng chua cá hồi;
  • Tráng miệng: mẹ bầu có thể thay đổi trong các ngày với những loại quả sau:
  • 1 miếng thanh long;
  • 1 miếng dưa hấu;
  • 1 miếng lê;
  • 3 quả táo ta;
  • 2 - 3 quả chôm chôm;
  • 1 múi bưởi;
  • ⅓ hoặc ½ quả cam hoặc táo.

5. Thực đơn cho người tiểu đường thai kỳ vào buổi tối và bữa phụ

Thực đơn cho các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vào bữa tối cũng có thể áp dụng tương tự như bữa trưa nhưng có thể tăng rau xanh lên. Ví dụ như các loại rau như dưa chuột, rau họ đậu, họ cải, cà chua,... Bên cạnh đó, mẹ bầu nên cân nhắc thêm thắt các món cá vào bữa tối.

Ngoài 3 bữa ăn chính nêu trên, người bị đái tháo đường thai kỳ cũng đừng quên các bữa ăn phụ để bụng không bị đói mà vẫn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời điều này còn giúp giảm bớt lượng thức ăn cần tiêu thụ trong các bữa chính. Thời điểm thích hợp để ăn thêm bữa phụ đó là khoảng 9h sáng và 15h chiều với các lựa chọn như sau:

  • 1 hộp sữa chua;
  • ½ trái ngô luộc;
  • 1 cốc sữa ít béo ít đường, sữa không đường hoặc sữa dành cho người bị tiểu đường;
  • 3 chiếc bánh quy;
  • 1 chiếc bánh flan nhỏ;
  • ⅓ củ khoai lang luộc;
  • 1 miếng thanh long/đu đủ/lê;
  • 3 múi bưởi;
  • ½ trái táo.

Nhìn chung thực đơn cho người tiểu đường có thể điều chỉnh dựa trên thể trạng và mức độ vận động của mỗi người. Để tính toán lượng thức ăn hàng ngày một cách chính xác, mẹ bầu nên tự chuẩn bị cho mình một chiếc máy đo cầm tay để kiểm tra lượng đường trong máu trước khi ăn, sau khi ăn 1 - 2h. Nếu chỉ số đường huyết sau ăn 1 - 2h mà vẫn dưới mức 10 mmol/l thì mẹ bầu có thể yên tâm.

HI vọng những chia sẻ trên đây đã giúp mẹ giải đáp được thắc mắc Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Chúc mẹ thai kì khỏe mạnh.

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
4
545
6 Bình luận

6 bình luận

Mẹ chia sẻ hay lắm

1 năm trước
Thích
Trả lời

Những thông tin rất hữu ích

1 năm trước
Thích
Trả lời

Cảm ơn bạn chia sẻ nhiều thực đơn sáng trưa tối rất hữu ích để mẹ bầu tdtk dễ tham khảo

1 năm trước
Thích
Trả lời

Mẹ chia sẻ thật chi tiết, cảm ơn nha

1 năm trước
Thích
Trả lời

Cảm ơn bạn chia sẻ, mẹ bầu hãy đọc nhé

1 năm trước
Thích
Trả lời

Rất hữu ích cho các mẹ bầu, đặc biệt các mẹ bầu đang bị tiểu đường thai kỳ nên đọc nha

1 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!