Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin, thường được gọi là đái tháo đường tuýp 2. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên khắp thế giới. Vậy tiểu đường không phụ thuộc insulin là sao? Cách phòng bệnh như thế nào?
Đái tháo đường không phụ thuộc insulin là sao?
Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin – còn gọi là đái tháo đường type 2, hoặc tiểu đường khởi phát ở người lớn là một bệnh mãn tính, gây ra do tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose trong máu, khiến lượng đường trong máu tăng cao có thể tổn thương nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường type 2 là người ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên có tình trạng thừa cân, béo phì cũng là một nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Triệu chứng thường gặp
Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2 thường không rõ ràng và phát triển chậm dần. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến khi mắc bệnh:
- Khát nước: Người mắc bệnh sẽ cảm thấy khát nước thường xuyên và uống nước nhiều hơn bình thường.
- Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân thường phải đi tiểu nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi và kiệt sức thường xảy ra do cơ thể không thể sử dụng glucose để sản xuất năng lượng một cách hiệu quả.
- Tăng cân hoặc giảm cân không rõ ràng: Một số người bệnh có thể trọng lượng cơ thể tăng, trong khi người khác có thể giảm cân mà không có lý do rõ ràng.
- Thay đổi tình trạng thị giác: Người bệnh có thể gặp vấn đề về thị giác, bao gồm mờ mắt hoặc khó khăn trong việc nhìn vào ánh sáng.
- Làm chậm quá trình lành vết thương: Da có thể khó lành vết thương và dễ bị nhiễm trùng.
Biến chứng của đái tháo đường tuýp 2
Các biến chứng phổ biến và nguy hiểm của đái tháo đường tuýp 2 bao gồm:
- Bệnh tim mạch: Đái tháo đường không phụ thuộc insulin làm tăng nguy cơ nhiều vấn đề về tim mạch. Các bệnh thường gặp là: Bệnh động mạch vành với triệu chứng đau ngực (đau thắt ngực), thiếu máu cơ tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
- Bệnh thần kinh: Tích tụ đường trong máu có thể gây tổn thương cho các mao mạch, đặc biệt là ở chân. Người bệnh sẽ cảm thấy tê, rát hoặc đau ở ngón tay và ngón chân, sau đó lan ra các phần khác của cơ thể.
- Mất cảm giác ở các chi: Điều khiển đường huyết kém có thể dẫn đến mất hoàn toàn cảm giác ở các chi.
- Biến chứng đường tiêu hóa: Các biến chứng đường tiêu hóa bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Rối loạn chức năng cương dương (đối với nam giới): Đái tháo đường có thể gây ra vấn đề về chức năng cương dương ở nam giới.
- Bệnh thận: Khi mức đường glucose trong máu tăng cao, nó sẽ gây tổn thương cho các mạch máu tại thận. Từ đó dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể phục hồi. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ cần phải thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc phẫu thuật ghép thận.
- Tổn thương mắt: Đái tháo đường có thể gây ra tổn thương cho các mạch máu trong võng mạc, tăng nguy cơ mắc mắt mù lòa.
- Tổn thương bàn chân bàn chân đái tháo đường): Nếu không được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, người bệnh sẽ nhiễm trùng bàn chân. Trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến cắt bỏ ngón chân hoặc toàn bộ bàn chân.
- Bệnh da và miệng: Bệnh đái tháo đường có thể làm cho người bệnh dễ mắc các vấn đề về da, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.
- Biến chứng trong thai kỳ: Nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và các dị tật bẩm sinh tăng lên khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt. Đối với mẹ bầu, bệnh đái tháo đường có thể tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường, tăng huyết áp thai kỳ hoặctiền sản giật.
Những biến chứng trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc duy trì kiểm soát đường huyết và quản lý bệnh là rất quan trọng để ngăn ngừa hoặc làm giảm nguy cơ các biến chứng này.
Xét nghiệm chẩn đoán
Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin thường được xác định thông qua xét nghiệm HbA1C. Xét nghiệm này giúp đo mức đường huyết trung bình của người đó trong khoảng 2 - 3 tháng gần đây. Kết quả xét nghiệm có thể được diễn giải như sau:
- Kết quả dưới 5,7% là bình thường, không mắc bệnh;
- Kết quả từ 5,7% đến 6,4% được coi là tiền tiểu đường;
- Kết quả 6,5% trở lên được xác định là mắc bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh như:
- Kiểm tra ngẫu nhiên lượng đường trong máu: ≥ 200mg/dl là mắc bệnh.
- Kiểm tra lượng đường trong máu sau khi nhịn đói hơn 8 tiếng: ≥ 126mg/dl là mắc bệnh.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose: Chẩn đoán mắc bệnh khi nồng độ đường huyết vượt qua mức ≥ 200mg/dl 2 giờ sau khi uống 75g glucose.
Cách phòng tránh bệnh
Để hạn chế biến chứng của đái tháo đường tuýp 2, mỗi bệnh nhân cần thực hiện một kế hoạch lành mạnh cho bản thân bao gồm:
- Duy trì cân nặng ổn định;
- Tập thể dục 30 phút hàng ngày với cường độ trung bình;
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh;
- Tránh thuốc lá và rượu;
- Quản lý tình trạng căng thẳng;
- Kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần.
Đái tháo đường không phụ thuộc insulin là một bệnh đáng lo ngại nhưng có thể kiểm soát được thông qua lối sống lành mạnh và sự hướng dẫn của bác sĩ. Hy vọng bài viết đã giải đáp thắc mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin là sao cũng như cách phòng tránh căn bệnh này cho độc giả. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe nhé!
Chia sẻ hay và hữu ích quá nè 😍
Chú mình cũng bị tiểu đường type 2
Cám ơn bạn đã chia sẻ những thông tin này