Cách sử dụng và đọc kết quả trên máy test tiểu đường tại nhà

Bệnh tiểu đường là bệnh mãn tính, có thể kiểm soát tốt bằng cách thay đổi lối sống phối hợp với điều trị bằng thuốc. Việc kiểm tra đường huyết thường xuyên có thể tạo sự khác biệt rất lớn trong việc kiểm soát đường huyết hàng ngày của bạn. Kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp người bệnh tiểu đường điều chỉnh chế độ ăn và chế độ luyện tập phù hợp. Bên cạnh đó, việc làm này còn giúp người bình thường phát hiện sớm có bị tiểu đường hay không.

Để biết chính xác mình có mắc bệnh tiểu đường hay không thì cách tốt nhất là bạn phải đến bệnh viện kiểm tra. Nhưng nếu tình huống chưa cho phép bạn làm điều này ngay thì bạn vẫn có thể thử tiểu đường ngay tại nhà bằng máy test tiểu đường. Dưới đây cách sử dụng và đọc kết quả máy đo đường huyết hiệu quả.

1. Cách thử tiểu đường tại nhà phù hợp với đối tượng nào?
Bạn nên áp dụng cách thử đường huyết tại nhà nếu thấy bản thân đang có những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường như:
- Mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, xét nghiệm thấy nồng độ chất béo trung tính (triglycerid) cao
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường
- Nữ giới mang thai hoặc đang gặp phải hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Thừa cân, béo phì
- Có thói quen ăn nhiều chất đường bột
- Hút thuốc lá
- Căng thẳng thần kinh kéo dài

Đặc biệt những đối tượng có triệu chứng sau đây nhưng chưa thể đi khám ngay nên thử tiến hành thử tiểu đường tại nhà càng sớm càng tốt:
- Cảm thấy khát nước
- Mệt mỏi thường xuyên
- Luôn thấy đói, thậm chí cả sau khi ăn
- Tầm nhìn mờ
- Tiểu tiện thường xuyên hơn bình thường

Những biểu hiện vừa liệt kê thường là dấu hiệu sớm cảnh báo tiểu đường type 1 hoặc đái tháo đường thai kỳ. Riêng đái tháo đường type 2 sẽ diễn tiến âm thầm, bạn có thể nhận biết bệnh thông qua tình trạng nhiễm trùng nấm men hoặc để ý thấy vết thương lâu lành.

2. Quy trình thực hiện đo đường huyết tại nhà như thế nào?
Hướng dẫn đo sẽ khác nhau với từng loại thiết bị khác nhau. Nhưng để đo được kết quả chính xác, bạn cần nghe theo hướng dẫn sử dụng máy cẩn thận. Sau đây là quy trình chung sử dụng cho các loại máy đo đường huyết:
- Rửa sạch tay với xà phòng và lau khô tay bằng khăn sạch.
- Đặt kim chích máu sạch vào bút chích. Thiết bị chích máu là dụng cụ có kích thước như một cây bút giúp cho cây kim chích đúng vào vị trí cần lấy máu và đưa kim đâm sâu vừa phải.
- Lấy que thử khỏi hộp. Đóng nắp hộp ngay sau khi tháo que ra để ngăn hơi nước ảnh hưởng. Đôi khi que thử ở sẵn trong máy.
- Chuẩn bị máy đo đường huyết trong máu và nghe theo hướng dẫn trên máy.
- Dùng thiết bị chích máu và chích vào phía bên cạnh đầu ngón tay. Không nên chích vào đầu ngón tay vì gây ra cảm giác đau đớn và không lấy đủ máu cho xét nghiệm. Một vài máy đo đường huyết dùng kim chích máu để lấy mẫu máu thử những vị trí khác thay vì lấy từ ngón tay, như lòng bàn tay hay cánh tay trước.
- Nhỏ một giọt máu vào đúng chỗ trên que thử.
- Ép bông gòn lên chỗ ngón tay bị chích để ngừng chảy máu.
- Nghe theo hướng dẫn máy đo để lấy kết quả. Một vài máy chỉ mất vài giây để đưa ra kết quả.

3. Cách đọc kết quả trên máy test tiểu đường tại nhà
Mục tiêu đường huyết trong mức bình thường của mỗi người sẽ khác nhau và thay đổi trong ngày.

- Với người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Nếu chỉ số đường huyết hiển thị là từ 200mg/dL trở lên tức nghĩa bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (theo khuyến cáo của CDC Hoa kỳ), đặc biệt là nếu việc kiểm tra được lặp lại mà vẫn cho kết quả tương tự.

- Với người không mang thai mắc bệnh tiểu đường:
70 mg/dl (3.9 mmol/l) – 130 mg/dl (7.2 mmol/l) trước khi ăn
Thấp hơn 180 mg/dl (10 mmol/l) 1–2 giờ sau khi ăn.

- Với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ:
95 mg/dl (5.3 mmol/l) hoặc thấp hơn sau khi ăn sáng.
140 mg/dl (7.8 mmol/l) hoặc thấp hơn 1 giờ sau khi ăn, hay 120 mg/dl (6.7 mmol/l) hoặc thấp hơn 2 giờ sau khi ăn.

Nếu trị số đường trong máu cao hơn những con số trên thì báo động tình trạng bất thường. Bạn hãy hỏi bác sĩ về phạm vi đường trong máu chuẩn và lên kế hoạch kiểm soát số đo đường huyết trong máu để nó không quá cao hay quá thấp.

4. Bạn nên làm gì sau khi đo đường huyết?
Bạn có thể ghi lại kết quả và thời gian xét nghiệm máu. Hầu hết máy đo đều tự động ghi lại kết quả này trong vài ngày hoặc vài tuần, nên bạn có thể xem lại khi cần. Bác sĩ và bạn nên dùng số liệu này để kiểm tra xem nồng độ đường trong máu có nằm trong phạm vi cho phép không. Bác sĩ sẽ sử dụng kết quả để quyết định có nên thay đổi liều thuốc (insulin hay thuốc viên) cho bạn hay không.

Hủy bỏ kim chích sau khi sử dụng. Không nên ném vào sọt rác vì kim chích có thể vô tình đâm vào tay người bỏ rác. Bạn nên bỏ kim chích đã sử dụng vào chai nhựa, như chai tẩy rửa rỗng. Dán chai lại khi đã đầy quá 3/4. Báo với nhà máy xử lý rác thải để họ hướng dẫn bạn cách tiêu hủy đúng. Một vài nơi sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc tiêu hủy rác thải y tế, đôi khi bác sĩ sẽ tiêu hủy giúp bạn.

Nguồn tổng hợp: CDC, Mayoclinic
Cách sử dụng và đọc kết quả trên máy test tiểu đường tại nhàCách sử dụng và đọc kết quả trên máy test tiểu đường tại nhà
19
12k
3 Bình luận

3 bình luận

Cảm ơn bạn nhé. Mình cũng đang dùng máy đo đường huyết thai kỳ tại nhà
2 năm trước
Thích
Trả lời
đúng rồi ạ. Những ai có nguy cơ đường huyết cao nên mua 1 máy về theo dõi thêm. Giờ dịch bệnh nguy hiểm càng nên phòng ngừa trước vẫn hơn.
2 năm trước
Thích
Trả lời
giờ dịch em chỉ theo dùng máy đo ở nhà rồi ghi lại kết quả gửi bác sĩ xem cũng tiện
2 năm trước
Thích
Trả lời
Trò chuyện ngay
Dành riêng cho thành viên cộng đồng
Gia nhập cộng đồng để được hỏi BÁC SĨ TRỰC TUYẾN và cơ hội nhận QUÀ TẶNG + ƯU ĐÃI hấp dẫn!