Mang thai ra máu nhưng không đau bụng có phải dấu hiệu nguy hiểm?
Ra máu trong thai kỳ là dấu hiệu nhạy cảm, sẽ khiến bất kỳ mẹ bầu nào cũng hoang mang. Nếu mang thai ra máu nhưng không đau bụng thì có đáng lo không? Nguyên nhân của tình trạng này là gì và mẹ bầu cần lưu ý những gì?
Mang thai ra máu nhưng không đau bụng do đâu, khi nào nguy hiểm?
Thật may mắn vì hầu hết các trường hợp mang thai ra máu nhưng không đau bụng đều là sự báo hiệu bình thường khi phôi bắt đầu làm tổ trong tử cung. Việc phôi thai di chuyển từ buồng trứng tới tử cung, làm tổ trên niêm mạc tử cung khiến cho các mao mạch bị tổn thương, gây chảy máu. Tình trạng này kéo dài khoảng 2-3 ngày, máu lấm tấm màu đỏ hoặc nâu nhạt kèm theo ít dịch nhầy.
Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng mang thai ra máu nhưng không đau bụng bao gồm:
Thay đổi nội tiết tố
Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi. Trong một số trường hợp, cơ thể xuất hiện các phản ứng hoá học bất thường và gây chảy máu âm đạo. Đến khi mẹ bầu đã thích ứng được với những thay đổi đó thì tình trạng mang thai ra máu nhưng không đau bụng sẽ chấm dứt.
Quan hệ tình dục mạnh bạo
Nếu thai nhi ổn định, mẹ bầu hoàn toàn có thể quan hệ tình dục với các tư thế an toàn và tần suất thấp.
Tuy nhiên, ở 3 tháng đầu và tháng cuối của thai kỳ, hai vợ chồng phải thận trọng vì các kích thích mạnh bạo có thể gây tổn thương âm đạo và làm mẹ bầu đau, chảy máu và kích thích tử cung.
Bệnh phụ khoa
Viêm âm đạo trong thời gian mang thai có thể làm mẹ bầu bị chảy ít máu hoặc ra đốm máu, kèm theo khí hư nhiều. Tình trạng viêm âm đạo ở mẹ bầu khá phổ biến, do nội tiết thay đổi làm mất đi sự cân bằng pH ở âm đạo và khiến các loại vi khuẩn, nấm dễ dàng phát triển hơn.
Nếu mang thai ra máu nhưng không đau bụng do nguyên nhân này, mẹ bầu còn gặp phải những triệu chứng khác như ngứa, rát và có mùi khó chịu ở vùng kín.
Bên cạnh đó, các bệnh phụ khoa khác như viêm phần phụ, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung,... cũng có thể gây tổn thương niêm mạc cổ tử cung hay tử cung, làm vỡ các mao mạch dẫn tới ra máu.
Viêm phụ khoa khi mang thai cần được thăm khám và điều trị từ sớm.
Ảnh hưởng của việc khám thai
Khi mẹ bầu cần phải khám phụ khoa bằng mỏ vịt hoặc khi bác sĩ khám âm đạo bằng tay xem đã mở cổ tử cung hay chưa ở tháng cuối, có thể gây ra máu nhẹ. Đó là do mẹ bị co thắt tử cung lúc khám (vì quá căng thẳng), bác sĩ khó thao tác chính xác được và gây tổn thương nhẹ cho âm đạo.
Một số tình trạng bệnh lý
Với 4 nguyên nhân ở trên, hiện tượng mang thai ra máu nhưng không đau bụng không cần quá lo lắng. Dù vậy, đây cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:
- Chửa trứng (thai trứng)
- Thai ngoài tử cung
- Lưu thai hoặc dọa sảy thai
- Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược
- Nhau bong non.
Nếu gặp những trường hợp này, mẹ bầu cần phải được theo dõi và chăm sóc y tế đặc biệt để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai ra máu nhưng không đau bụng ở những tuần cuối thai kỳ còn có thể do bung nút nhầy. Đây là dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu sắp sinh.
2. Mang thai ra máu nhưng không đau bụng kèm dấu hiệu nào thì cần đi khám?
Khi mang thai ra máu màu nâu, không đau bụng và không có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào thì mẹ bầu có thể yên tâm. Tuy nhiên, hãy thận trọng và thăm khám ngay nếu:
- Ra máu kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần
- Ra máu nhiều, nhanh và liên tục
- Ra máu kèm theo sốt, chóng mặt; vùng kín có mùi khó chịu, hôi tanh; chuột rút.
3. Phải làm gì khi bị ra máu lúc mang thai?
Mỗi mẹ bầu đều nên giữ liên lạc với bác sĩ Sản khoa của mình. Khi bị ra máu, dù có đau bụng hay không, mẹ hãy hỏi bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, mẹ hãy làm theo những lời khuyên dưới đây:
- Theo dõi lượng máu chảy và thời điểm bị chảy máu. Nếu ra máu sau khi quan hệ tình dục thì nên giảm tần suất quan hệ, lựa chọn tư thế an toàn và thao tác nhẹ nhàng hơn.
- Tránh vận động trong khi đang chảy máu, nghỉ ngơi.
- Dùng các sản phẩm an toàn hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ vùng kín.
- Đi kiểm tra ngay, không trì hoãn hoặc tự điều trị tại nhà nếu có những dấu hiệu nguy hiểm ở trên.
4. Phòng ngừa ra máu khi mang thai như thế nào?
Với những người có kế hoạch mang thai, hãy khám phụ khoa trước khi thực hiện điều này.
Với người đã mang thai, nên duy trì khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần chăm sóc bản thân trong suốt thai kỳ như sau:
- Giữ vệ sinh vùng kín hằng ngày với sản phẩm an toàn, vệ sinh từ trước ra sau để phòng ngừa vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo; không thụt rửa âm đạo.
- Để vùng kín luôn khô thoáng bằng cách chọn quần lót thoáng khí, dùng băng vệ sinh trong những ngày ra dịch âm đạo nhiều.
- Duy trì chế độ ăn khoa học, lành mạnh; bổ sung probiotic; tránh thực phẩm có nhiều đường.
Mặc dù mang thai ra máu nhưng không đau bụng không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng vẫn cần được theo dõi, đánh giá cẩn thận để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Vì vậy, mẹ bầu nên để ý thêm xem cơ thể có dấu hiệu khác thường nào khác không và thăm khám kịp thời nhé!
❓ Hỏi bác sĩ miễn phí từ xa, click hỏi ngay!
mang thai ra máu nhưng không đau bụng không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng vẫn cần được theo dõi sát sao
tốt nhất là nên đi khám