backup og meta

Mang thai trứng là gì? Chửa trứng có nguy hiểm không?

Mang thai trứng là gì? Chửa trứng có nguy hiểm không?

”Mang thai trứng là gì?”, “Chửa trứng có nguy hiểm không?”, “Phụ nữ từng chửa trứng có bị vô sinh không?”… Đây là những thắc mắc rất thường gặp của những chị em từng nhận chẩn đoán gặp phải biến chứng thai kỳ này. 

Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng là một thai kỳ không bình thường, xảy ra khi quá trình thụ tinh của trứng và tinh trùng gặp trục trặc, kết quả là phôi thai phát triển thành những túi dịch như chùm nho. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu mang thai trứng là gì cùng những vấn đề xoay quanh tình trạng thai kỳ bất thường này.

Mang thai trứng là gì? 

Mang thai trứng là một biến chứng hiếm gặp của thai kỳ. Nguyên nhân là quá trình thụ tinh của trứng và tinh trùng xảy ra một cách bất thường. Sau đó, phôi thai phát triển thành những túi dịch dính chùm lại với nhau thay vì phát triển thành bào thai như bình thường. Theo các chuyên gia sản phụ khoa, có hai loại thai trứng: 

  • Thai trứng toàn phần: Đây là loại thai trứng do sự kết hợp của một trứng không chứa bất kỳ thông tin di truyền nào (trứng trống) với một tinh trùng bình thường. Do thiếu 23 nhiễm sắc thể từ mẹ nên phôi không thể phát triển thành thai nhi và sẽ phát triển thành thai trứng. 
  • Thai trứng bán phần: Một trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng, lúc này phôi sẽ có 69 nhiễm sắc thể thay vì 46 như thông thường. Tuy đủ thông tin di truyền từ bố và mẹ nhưng hợp tử này không bình thường – dư một bản sao gen của người cha nên bào thai không thể sống sót hoặc chỉ có một phần thai, màng ối.

Mang thai trứng: Nguyên nhân do đâu? 

nguyên nhân mang thai trứng là gì

Mang thai trứng là do lỗi di truyền xảy ra trong quá trình tinh trùng thụ tinh với trứng. Trong một thai kỳ điển hình, phôi thai nhận được 23 nhiễm sắc thể từ bố và 23 nhiễm sắc thể từ mẹ để tạo thành bộ 46 nhiễm sắc thể. Tình trạng mang thai trứng xảy ra do có sự mất cân bằng nhiễm sắc thể của phôi thai dẫn đến việc phôi thai không thể phát triển như bình thường.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các yếu tố sau được cho là góp phần làm tăng nguy cơ mang thai trứng:  

  • Độ tuổi khi mang thai: Theo các chuyên gia sản phụ khoa, nguy cơ chửa trứng tăng cao khi phụ nữ mang thai ở độ tuổi lớn hơn 43 hoặc trẻ hơn 15. 
  • Từng mang thai trứng: Nếu từng mang thai trứng, bạn có nhiều nguy cơ bị tái phát ở những lầm mang thai sau. Trung bình thì có khoảng 1-2% phụ nữ có nguy cơ bị mang thai trứng sau lần đầu. 
  • Đã từng bị sảy thai từ 2 lần trở lên 
  • Thiếu vitamin A: những phụ nữ không nhận được đủ vitamin A sẽ có nguy cơ bị thai trứng cao hơn bình thường.
  • Là phụ nữ gốc Á. 

Mang thai trứng sẽ có những triệu chứng nào? 

mang thai trứng có triệu chứng gì

Ngoài việc tìm hiểu “mang thai trứng là gì?”, nhiều chị em phụ nữ cũng quan tâm mang thai trứng có những triệu chứng nào?”, “dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng chửa trứng là gì?”…

Ở giai đoạn đầu, tình trạng chửa trứng có vẻ giống như một thai kỳ bình thường. Nhưng hầu hết các trường hợp mang thai trứng đều có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Chảy máu âm đạo trong ba tháng đầu
  • Buồn nôn và nôn nặng
  • Đôi khi có những khối u giống quả nho xuất hiện ở âm đạoCảm thấy áp lực hoặc đau vùng chậu
  • Nồng độ hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) cao bất thường (thông qua kết quả xét nghiệm máu) 

Thực tế hiện nay, nhờ các phương pháp phát hiện thai trứng đã được cải thiện nên hầu hết các trường hợp mang thai trứng đều được phát hiện khá sớm thường là trong 3 tháng đầu. Nếu tình trạng này không được phát hiện trong sớm, các triệu chứng của thai trứng có thể bao gồm:

  • Bụng bầu to bất thường dù mới mang thai
  • Dấu hiệu tiền sản giật – tình trạng gây ra huyết áp cao và protein trong nước tiểu – trước tuần thứ 20 của thai kỳ
  • U nang buồng trứng
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức hay còn gọi là cường giáp

Những triệu chứng này tương tự như nhiều tình trạng sức khỏe khác. Do đó, tốt nhất là nên đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Mang thai trứng có thể gặp những biến chứng nào? 

biến chứng khi mang thai trứng

”Chửa trứng có nguy hiểm không?” là thắc mắc của không ít chị em nhận chẩn đoán đang gặp phải biến chứng thai kỳ này.  

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, trong một số trường hợp, sau khi điều trị, các phần của thai trứng vẫn còn sót lại trong tử cung và tiếp tục phát triển. Điều này được gọi là tân sinh nguyên bào nuôi thai kỳ kéo dài (GTN) và thường xảy ra ở thai trứng hoàn toàn. Một dấu hiệu của tăng sinh nguyên bào nuôi thai kỳ kéo dài (GTN) là nồng độ hormone hCG – một loại hormone thai kỳ – ở mức cao dù thai trứng đã được loại bỏ. Trong một số trường hợp, các mô thai trứng đi sâu vào lớp giữa của thành tử cung, gây chảy máu âm đạo. Tình trạng tăng sinh nguyên bào nuôi thai kỳ kéo dài thường được điều trị bằng hóa trị hoặc cắt bỏ tử cung.

Trong một số trường hợp rất hiếm, việc mang thai trứng toàn phần có thể gây ra một dạng ung thư gọi là ung thư biểu mô màng đệm. Ung thư biểu mô màng đệm hình thành trong tử cung và có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể và cần được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. 

Các biến chứng tiềm ẩn khác của thai trứng bao gồm:

  • Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết) 
  • Nhiễm trùng tử cung
  • Sốc (huyết áp rất thấp).
Mang thai trứng có thể có những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả một dạng ung thư hiếm gặp. Thai trứng cần được điều trị sớm.

Chẩn đoán và điều trị 

siêu âm chẩn đoán mang thai trứng

1. Chửa trứng được chẩn đoán như thế nào? 

Các bác sĩ sản có thể đưa ra chẩn đoán bạn mang thai trứng thông qua các xét nghiệm được thực hiện trong 3 tháng đầu mang thai như xét nghiệm máu kiểm tra đo nồng độ hCG, siêu âm thai.  

2. Điều trị 

Nếu bạn mang thai trứng, bác sĩ sẽ chỉ định nong cổ tử cung và hút thai để loại bỏ các mô thai. Nếu mô thai trứng xâm lấn quá sâu vào thành tử cung và bạn không có ý định sinh thêm con, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ tử cung. 

Sau khi phẫu thuật loại bỏ mô thai, việc xét nghiệm nồng độ hormone hCG trong máu có thể kéo dài tới 6 tháng – 1 năm nhằm kiểm tra xem các mô của thai trứng đã được loại bỏ hoàn toàn hay chưa. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi muốn có thai trở lại.

Giải đáp các thắc mắc thường gặp xoay quanh tình trạng mang thai trứng 

mang thai trứng là gì, thử que có lên 2 vạch không

1. Chửa trứng thử que có lên 2 vạch không? 

“Chửa trứng thử que có lên 2 vạch không?” là băn khoăn rất thường gặp. Trường hợp chửa trứng hay thai trứng, thử que vẫn lên 2 vạch. Vì que thử thai hoạt động trên nguyên lý phát hiện nồng độ hCG (hormone thai kỳ) có trong nước tiểu.

2. Mang thai trứng có gây vô sinh không, có tăng nguy cơ sảy thai không? 

Nhiều chị em thường thắc mắc mang thai trứng có gây vô sinh không, có tăng nguy cơ sảy thai ở lần mang thai sau không?

Theo các chuyên gia, chửa trứng không gây vô sinh và không làm tăng nguy cơ sảy thai ở những lần mang thai sau. Tuy nhiên, việc từng mang thai trứng làm tăng nguy cơ mang thai trứng lần 2 cao hơn các phụ nữ khác. 

3. Mang thai trứng bao lâu có thể mang thai lại? 

Theo các chuyên gia, bạn nên tránh thai trong vòng ít nhất là 1 năm. Điều này là nhằm mục đích chờ đợi nồng độ hCG trong máu trở lại mức bình thường như trước khi mang thai. Việc mang thai quá sớm sau thai trứng có thể khiến nồng độ hCG trong máu tăng cao, gây khó khăn cho việc chẩn đoán rằng bạn đang có một thai kỳ bình thường hay chửa trứng. 

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, bạn không nên mang thai trong vòng ít nhất 1 năm sau khi điều trị thai trứng. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị về thời điểm mà bạn có thể thụ thai và mang thai trở lại.

4. Có thể phòng ngừa nguy cơ chửa thai trứng không?

Thực tế là không có cách nào có thể ngăn ngừa tình trạng mang thai trứng. Do đó, nếu từng mang thai trứng, bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách tránh mang thai lần nữa trong tối thiểu 1 năm sau lần mang thai trứng vừa điều trị. Đừng quên trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung các vitamin trước sinh nhằm giảm thiểu các biến chứng thai kỳ. 

Hello Bacsi hy vọng rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu rõ về thai trứng. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!

Bài viết được tham vấn y khoa bởi đội ngũ y bác sĩ tại PKĐK Quốc tế Mỹ – thành viên Hệ thống BV Quốc tế Mỹ (AIH). Phòng khám cung cấp dịch vụ thăm khám & điều trị đầy đủ chuyên khoa chuẩn quốc tế: Nội tổng quát, Sản-Phụ khoa, Nhi khoa, Tai-Mũi-Họng… Cơ sở còn được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nổi bật là phần mềm ORION HEALTH – Phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân tại các bệnh viện quốc tế.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Molar pregnancy http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/molar-pregnancy/basics/definition/con-20034413. Ngày truy cập 21/3/2024 

Molar pregnancy https://www.nhs.uk/conditions/molar-pregnancy/  Ngày truy cập 21/3/2024

Molar Pregnancy https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/gestational-trophoblastic-disease-gtd/molar-pregnancy/about  Ngày truy cập 21/3/2024

Molar Pregnancy – Topic Overview http://www.webmd.com/baby/tc/molar-pregnancy-topic-overview Ngày truy cập 21/3/2024 

Hydatidiform Mole. http://emedicine.medscape.com/article/254657-overview#a6. Ngày truy cập 21/3/2024 

 

Phiên bản hiện tại

12/04/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thảo

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Giải đáp thắc mắc: Mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung?

Chuyên gia giải đáp: Thai ngoài tử cung thử que có lên vạch không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thảo

Sản - Phụ khoa · Phòng khám Quốc tế Mỹ AIC


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 12/04/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo