backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

6 phương pháp điều trị ung thư vú

Tác giả: Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi · Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Ngày cập nhật: 31/08/2021

    6 phương pháp điều trị ung thư vú

    Bạn có biết ung thư vú ở phụ nữ có thể điều trị mà không cần hóa trị? Cách điều trị ung thư vú ở mỗi phụ nữ rất khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và các yếu tố khác như tuổi, tiền sử gia đình, tình trạng đột biến gen, các bệnh lý đi kèm. Hầu hết mỗi bệnh nhân đều cần phối hợp từ 2 phương pháp điều trị trở lên.

    Sau đây, Hello Bacsi sẽ giải thích ngắn gọn các phương pháp điều trị ung thư vú cùng với lợi ích và nhược điểm của các phương pháp trị liệu đó.

    1. Chữa ung thư vú bằng phẫu thuật

    phẫu thuật chữa ung thư vú

    Phẫu thuật là phương pháp chính của cách điều trị ung thư vú ở giai đoạn sớm. Phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ khối u tuyến vú và xử lý hạch vùng nách.

    Có 2 loại phẫu thuật chính giúp loại bỏ khối u vú bao gồm phẫu thuật bảo tồn và đoạn nhũ có hoặc không kèm theo tái tạo tuyến vú.

    Việc lựa chọn loại phẫu thuật nào tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước khối u và mong muốn của bệnh nhân.

    Phẫu thuật bảo tồn có nghĩa là cắt bỏ toàn bộ khối u vú kèm mô vú xung quanh với bờ cắt an toàn, chừa lại phần mô vú khỏe mạnh sao cho đảm bảo yếu tố thẩm mỹ của vú.

    Phẫu thuật đoạn nhũ có nghĩa là cắt bỏ toàn bộ mô tuyến vú, có thể chừa lại da và núm vú nếu bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật tái tạo sau đó.

    Như bất kỳ loại phẫu thuật nào, phẫu thuật bảo tồn vú hay đoạn nhũ đều có thể có những biến chứng không mong muốn như mất máu quá nhiều hay nhiễm trùng.

    Có 2 loại phẫu thuật hạch nách là sinh thiết hạch lính gác hoặc nạo hạch nách hoàn toàn.

    Sinh thiết hạch bạch huyết vùng nách là sinh thiết một thành phần trong hệ thống miễn dịch, có thể giúp nhận biết tế bào ung thư đã lan ra ngoài tuyến vú chưa. Khi các tế bào ung thư lan rộng, chúng thường đi qua hạch bạch huyết đầu tiên để đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết trong nách. Những hạch bạch huyết này được gọi là “hạch lính gác”.

    Kỹ thuật sinh thiết hạch lính gác giúp giảm được một số biến chứng như phù tay, đau mỏi và hạn chế vận động tay vai gây ra do kỹ thuật nạo hạch nách hoàn toàn.

    Có 2 cách sinh thiết hạch bạch huyết lính gác:

    • Chất màu xanh: Bác sĩ sẽ tiêm chất nhuộm màu xanh vào mô vú quanh khối u hoặc vùng mô sau núm vú sau khi bệnh nhân đã được gây mê trong phòng mổ. Thuốc sẽ thấm qua các bạch huyết và chuyển nó thành màu xanh.
    • Chất phóng xạ: Bác sĩ sẽ tiêm một chất phóng xạ vào mô vú quanh khối u hoặc vùng mô sau núm vú xung quanh vú trước khi đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Sau đó, sau khi gây mê, bác sĩ sử dụng một dụng cụ đặc biệt để tìm các chất phóng xạ tại hạch bạch huyết lính gác.

    Kỹ thuật nạo hạch nách hoàn toàn đơn giản hơn nhưng có thể gây các biến chứng phù tay, đau mỏi và hạn chế vận động tay vai.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm tại: Các triệu chứng ung thư vú giai đoạn 4

    2. Cách điều trị ung thư vú bằng xạ trị

    xạ trị

    Xạ trị sẽ phá hủy các ADN của tế bào ung thư, làm cho các tế bào đó không thể nhân đôi hoặc hồi phục. Phương pháp này thường được dùng sau phẫu thuật bảo tồn hoặc đoạn nhũ ở bệnh nhân bị ung thư. Cũng có số ít trường hợp, phương pháp này được áp dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ các khối u lớn.

    Xạ trị sử dụng những hạt năng lượng cao hoặc các sóng như tia X-quang, tia gamma, chùm tia điện tử hoặc proton để phá hủy tế bào ung thư.

    Xạ trị gồm 3 loại: xạ trị ngoài, xạ trị trong lúc mổ và xạ trị trong nạp nguồn sau. Trong đó xạ trị ngoài thường được sử dụng nhiều nhất trong ung thư vú.

    “Mệt mỏi” là lời than phiền thường nghe thấy sau khi xạ trị ngoài. Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể nhận thấy sự rám nắng hoặc phỏng từ bức xạ, nhưng nó sẽ giảm dần một vài tháng sau khi chữa bệnh.

    Một số tác dụng phụ của xạ trị ung thư vú là:

    • Da vú chỗ đang được điều trị trở nên đỏ và khô như bị cháy nắng
    • Da sẫm màu trong vài tháng
    • Cảm thấy mệt hơn bình thường trong suốt thời gian điều trị và trong vài tuần sau đó.

    Nếu bạn có thai, bác sĩ sẽ phải đợi cho đến khi sau sinh mới thực hiện.

    3. Chữa ung thư vú bằng hóa trị

    Chữa ung thư vú bằng hóa trị

    Hóa trị liệu sử dụng thuốc diệt các tế bào ung thư đã di căn vi thể ra khỏi vú và hạch vùng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có các tác dụng phụ tạm thời như: buồn nôn, ói, mệt mỏi và rụng tóc.

    Các thuốc hóa trị có nhiều đường sử dụng khác nhau. Hầu hết thuốc được thực hiện bằng cách tiêm truyền thuốc qua tĩnh mạch. Một số thuốc được đưa vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da hoặc trong cơ. Một số thuốc khác ở dạng viên uống. Bạn có thể được kê đơn một hoặc nhiều thuốc phối hợp cùng lúc.

    Thông thường hóa trị là một phần của kế hoạch điều trị, thường được phối hợp trước hoặc sau phẫu thuật, đôi khi phối hợp với xạ trị và nội tiết sau đó.

    Theo nghiên cứu trong Tạp chí Y khoa New England, nhiều phụ nữ ung thư vú ở giai đoạn đầu, nhất là những phụ nữ trên 50 tuổi, có thể không cần hóa trị mà điều trị chỉ bằng hormone. Việc này tùy thuộc vào tình trạng thụ thể nội tiết khi phân tích tính chất khối u sinh thiết.

    Hóa trị sau phẫu thuật để hạn chế nguy cơ ung thư tái phát hoặc di căn. Hóa trị trước phẫu thuật mục đích để thu nhỏ khối u kích thước quá lớn để thuận lợi cho phẫu thuật sau đó.

    Hóa trị không được chỉ định cho phụ nữ có thai ba tháng đầu vì những tổn hại tiềm ẩn đến thai nhi. Điều trị có thể trì hoãn cho đến 3 tháng cuối thai kỳ hoặc sau khi em bé được sinh ra.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm tại: Các loại hóa trị liệu thường gặp dành cho bệnh nhân ung thư vú

    4. Điều trị bằng hormone

    Điều trị bằng hormone

    2/3 các tế bào ung thư vú phát triển nhờ vào hormone estrogen trong máu, nên việc điều trị bằng hormone sẽ giúp các khối u chậm lại hoặc dừng tăng trưởng, do đó sẽ giảm nguy cơ tái phát và di căn.

    Liệu pháp hormone được chia làm hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất có tác dụng ngăn chặn cơ thể sản xuất hormone. Nhóm thứ hai can thiệp vào cách thức hoạt động của hormone trong cơ thể.

    Ngoài ra, để làm giảm hoặc ngăn cản lượng estrogen đi vào trong tế bào ung thư, bệnh nhân có thể tiến hành cắt bỏ buồng trứng nhưng cách này chỉ sử dụng cho phụ nữ trẻ vẫn còn kinh nguyệt.

    Liệu pháp hormone được áp dụng cho những bệnh nhân có khối u có thụ thể nội tiết dương tính.

    Đối với phụ nữ mãn kinh, thay vì dùng phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được sử dụng các thuốc kháng estrogen như: Tamoxifen (nội tiết bậc 1) trong 5- 10 năm, thuốc ức chế men aromatase Anastrozole, Letrozole (nội tiết bậc 2, chỉ dùng với phụ nữ mãn kinh). Ngoài ra còn có các thuốc nội tiết thế hệ sau có hiệu quả cao trong ung thư vú di căn thất bại với nội tiết bậc 1, 2 như Fulvestrant, Palbociclib…

    Tamoxifen có tác dụng ngăn cản hormone estrogen đi vào các tế bào ung thư vú bằng cách cạnh tranh với estrogen tại thụ thể của nó trên tế bào ung thư, do đó ngăn chặn tế bào ung thư vú tăng trưởng. Tamoxifen được dùng để điều trị ung thư cho phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào, bất kể họ đã mãn kinh hay chưa.

    Tuy nhiên, thuốc này cũng có tác dụng phụ quan trọng là làm tăng nguy cơ ung thư tử cung và huyết khối. Ngoài ra một số tác dụng phụ khác có thể gặp là cơn nóng bừng, khô âm đạo, tiết dịch âm đạo, ra máu âm đạo, đục thủy tinh thể…

    Thuốc ức chế Aromatase là thuốc ức chế hormone. Thuốc này làm giảm việc sản xuất estrogen từ androgen của mô mỡ cơ thể bằng cách khóa enzyme Aromatase và được sử dụng cho phụ nữ mãn kinh. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương và đau cơ, khớp, cơn nóng bừng và tăng cholesterol máu.

    Thuốc cắt chức năng buồng trứng làm cho buồng trứng ngưng không tạo ra estrogen. Thuốc được sử dụng ở phụ nữ trẻ chưa mãn kinh, tạo ra sự hết kinh tạm thời. Trên thị trường, các thuốc thường sử dụng như Goserelin (Zoladex) và leuprolide (Eligard, Lupron). Thuốc được tiêm mỗi 1-3 tháng và mất tác dụng cắt chức năng buồng trứng sau khi ngưng thuốc.

    5. Thuốc điều trị trúng đích

    thuốc

    Liệu pháp này là dùng các loại thuốc để khóa sự tăng trưởng và lan tràn của ung thư. Đích can thiệp của thuốc là các gen, protein đặc hiệu trong cơ chế tăng trưởng của khối u. Vì tác động của thuốc chỉ tập trung vào những tế bào ung thư, hầu như không gây tổn hại những tế bào khỏe mạnh.

    Lưu ý: không sử dụng phương pháp này cho những phụ nữ ung thư vú đang có thai vì làm tổn hại thai nhi.

    Dưới đây là các phân tử đích trong ung thư vú và phương pháp điều trị nó

    Điều trị đích HER2

    Ung thư vú HER2 dương tính là dạng ác tính cao của ung thư vú. Những phụ nữ bị ung thư vú này sẽ có nhiều protein HER2 (thụ thể kích thích tăng trưởng biểu bì) trên bề mặt tế bào gây ung thư. Ung thư vú dương tính với HER2 có khuynh hướng tiến triển nhanh.

    Thuốc trastuzumab (Herceptin) rất hiệu quả trong điều trị những bệnh nhân có biểu hiện thụ thể HER2 dương tính mạnh. Loại thuốc này có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng hóa trị gây độc tế bào.

    Chất ức chế kinase cũng là một loại thuốc dùng để điều trị HER2. Thuốc này ngăn chặn các tín hiệu của khối u về nhu cầu tăng trưởng. Phụ nữ ung thư vú giai đoạn sớm có HER2 dương tính ngoài sử dụng trastuzumab có thể kết hợp dùng hàng ngày các thuốc ức chế kinase như neratinib (Nerlynx) hoặc lapatinib (Tykerb).

    Các loại thuốc điều trị đích HER-2 phổ biến gồm: Trastuzumab, Pertuzumab (Perjeta), Neratinib (Nerlynx), Ado-trastuzumab emtansine hoặc T-DM1 (Kadcyla).

    Tiêu chảy là tác dụng phổ biến của những loại thuốc này. Ngoài ra, nó cũng gây ảnh hưởng đến tim và phổi nhưng không nhiều.

    Thuốc ức chế CDK4 và CDK6

    CDK4 và CDK6 là những protein trong cơ thể được gọi là kinase phụ thuộc cyclin (CDK) cho phép các tế bào ung thư phân chia và nhân lên. Các chất ức chế CDK4 và CDK6 làm cản trở quá trình đó.

    Có 3 loại thuốc được sử dụng cho phân tử đích này là: palbociclib (Ibrance), ribociclib (Kisqali) và abemaciclib (Verzenio).

    Các thuốc này thường sử dụng ở ung thư vú tiến triển hoặc di căn xa, có thể phối hợp với một số thuốc nội tiết.

    Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm giảm hồng cầu và bạch cầu, buồn nôn, mệt mỏi và tiêu chảy.

    Thuốc ức chế PARP

    PARP là enzyme trong tế bào có vai trò phục hồi các DNA hư hại. Thuốc ức chế PARP Olaparib, Talazoparib ngăn cản sự sửa chữa của tế bào tổn thương, do đó ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc được dùng cho bệnh nhân ung thư buồng trứng tiến triển và ung thư vú do gen BRCA gây ra, sau khi đã được điều trị hóa trị.

    Thiếu máu là tác dụng phụ thường gặp của thuốc này. Nó cũng làm tăng nguy cơ ung thư máu và xương.

    6. Cách điều trị ung thư vú bằng liệu pháp miễn dịch

    nhà vệ sinh
    Tác dụng phụ thường gặp của thuốc là tiêu chảy

    Liệu pháp miễn dịch (còn gọi là liệu pháp sinh học) kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư.

    Các thuốc miễn dịch thường được sử dụng là: Atezolizumab (Tecentriq) được FDA khuyến cáo sử dụng phối hợp với nab-paclitaxel cho ung thư vú tam âm tiến triển hoặc di căn có PD-L1 dương tính. Pembrolizumab (Keytruda) dược FDA khuyến cáo sử dụng ung thư vú tiến triển hoặc di căn có MSI-H hoặc dMMR dương tính.

    Những cách điều trị ung thư vú này cũng có tác dụng phụ tiềm tàng tùy theo thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc là phản ứng dị ứng da, triệu chứng giả cúm, tiêu chảy, thay đổi cân nặng…

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

    Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


    Ngày cập nhật: 31/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo