backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ung thư gan ở trẻ em diễn tiến như thế nào?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Trung Cường · Ngày cập nhật: 29/07/2020

    Ung thư gan ở trẻ em diễn tiến như thế nào?

    Ung thư gan là một tình trạng mà tế bào gan tăng sinh nhanh chóng và gây hại cho gan hay lan tràn khắp cơ thể, tác động lên những tế bào khỏe mạnh khác. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, có 2 dạng ung thư gan:

  • U nguyên bào gan. Đây là loại thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Nó thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi và thường không di căn ra ngoài gan. Trẻ sinh thiếu tháng có nguy cơ cao hơn những trẻ khác đối với dạng ung thư này.
  • Ung thư tế bào gan. Loại ung thư này thường ở những trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên. Loại ung thư này thường di căn đến những vùng khác của cơ thể. Nó thường gặp ở các khu vực thuộc châu Á, vùng có tỷ lệ viêm gan cao hơn Hoa Kỳ.
  • Các nhà khoa học chưa hiểu nguyên nhân thực sự gây ra ung thư gan ở trẻ em, mặc dù họ quan sát được nhiều trẻ sinh non hay cân nặng lúc sinh thấp có nguy cơ cao hơn. Một vài bệnh hay rối loạn có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan trẻ nhỏ như bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B từ mẹ trong lúc sinh. Cũng có vài bệnh di truyền hiếm gặp có mối liên hệ với ung thư nguyên bào gan.

    Triệu chứng của ung thư gan ở trẻ em là gì?

    Triệu chứng thường gặp nhất là khối u hoặc bụng to, có thể gây đau. Những triệu chứng khác có thể là sụt cân, chán ăn, nôn và buồn nôn. Những triệu chứng của ung thư gan là do tăng kích thước dẫn tới tăng áp lực của khối u lên các cơ quan khác. Một vài triệu chứng cảnh báo ung thư gan bạn cần thận trọng là:

    • Khối u bụng hay bụng to (có thể gây đau hoặc không)
    • Sụt cân
    • Ăn kém
    • Buồn nôn và nôn
    • Dậy thì sớm ở trẻ nam (do khối u tăng sản xuất hormone).

    Ung thư gan ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?

    Nếu bác sĩ nghĩ con bạn mắc ung thư gan, họ có thể đề nghị một vài xét nghiệm để xác định bệnh và loại trừ những chẩn đoán khác.

    • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho thấy lượng một số chất trong máu trẻ. Một vài xét nghiệm là: xét nghiệm marker ung thư trong huyết thanh, tổng phân tích tế bào máu và xét nghiệm chức năng gan.
    • Chẩn đoán hình ảnh. Siêu âm, CT scan, X-quang và MRI có thể cho phép bác sĩ nhìn thấy mô cơ thể trong bụng trẻ.
    • Sinh thiết. Một mẫu mô của trẻ được lấy ra và kiểm tra xem có dấu hiệu của ung thư hay không dưới kính hiển vi. Mẫu này cũng có thể được lấy trong phẫu thuật loại bỏ hay thám sát khối u.

    Ung thư gan có thể hiếm gặp ở trẻ em nhưng đang ngày càng gia tăng. Có khoảng 100–150 trường hợp mới mắc mỗi năm. Cứ mỗi 100.000 trẻ dưới 14 tuổi thì có 2–3 trường hợp mắc bệnh ung thư gan. Nếu con bạn có triệu chứng hoặc được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư gan, con bạn sẽ được điều trị như thế nào?

    Điều trị ung thư gan ở trẻ em

    Cơ hội điều trị và chữa u nguyên bào gan nhiều hơn so với ung thư biểu mô tế bào gan. Cơ hội tốt nhất để chữa ung thư gan ở trẻ em là phẫu thuật cắt bỏ. Trong trường hợp khối u quá lớn, bác sĩ thường thu nhỏ bằng hóa trị, sau đó loại bỏ khối u. Tỷ lệ chữa khỏi là khoảng 90%.

    Phẫu thuật

    Ung thư biểu mô tế bào gan ít đáp ứng với hóa trị liệu, vì vậy tỷ lệ chữa khỏi bệnh không cao như u nguyên bào gan. Trong trường hợp ung thư gan không thể được loại bỏ bằng phẫu thuật, đặc biệt là u nguyên bào gan, ghép gan mang lại cơ hội tốt để điều trị thành công.

    Trong trường hợp khối u quá lớn để loại bỏ và hóa trị không làm giảm kích thước trong 3-4 tháng, tốt nhất nên xem xét việc ghép gan. Các ca cấy ghép trên thế giới đã chứng minh rằng phương pháp điều trị này có tác dụng tốt đối với u nguyên bào gan. Phẫu thuật này sẽ cắt bỏ toàn bộ lá gan và thay thế nó bằng một lá gan khỏe mạnh từ người hiến. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống sót sau 10 năm sau khi ghép gan ở trẻ em bị ung thư không thể chữa khỏi trước đây lên tới 60-80%. Tuy nhiên, việc tìm một lá gan khỏe mạnh phù hợp có thể khó khăn và có nguy cơ cao bị cơ thể trẻ đào thải.

    Hóa trị liệu

    Hóa trị liệu là một phương pháp điều trị ung thư dùng thuốc để chặn đứng quá trình sinh sản của tế bào ung thư, gồm cả giết tế bào và ngăn cản quá trình phân chia. Hóa trị liệu có thể dùng thuốc uống hoặc tiêm. Thuốc hóa trị uống có thể được vận chuyển khắp cơ thể trong dòng máu. Đây gọi là hóa trị hệ thống. Khi thuốc được đưa trực tiếp vào một phần của cơ thể thông qua đường tiêm, nó được gọi là liệu pháp khu trú.

    Một dạng hóa trị khác liên qua tới việc dùng hóa chất và thuyên tắc, đó là kỹ thuật gây tắc mạch máu. Kỹ thuật này gọi là thuyên tắc mạch bằng hóa chất. Trong kỹ thuật này, hóa chất được tiêm vào động mạch gan, là động mạch cấp máu cho gân. Hóa chất sẽ theo dòng máu đến tế bào ung thư.

    Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một chất để tiêm vào tĩnh mạch nhằm giữ chất đó trong một thời gian dài. Mạch máu xung quanh vùng đó sẽ nuôi phần gan khỏe mạnh còn lại, trong khi phần gan ung thư sẽ không được nhận oxy và chất dinh dưỡng để phát triển. Sự thuyên tắc này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.

    Xạ trị

    Trong phương pháp xạ trị, tia X cường độ cao hay loại phóng xạ khác được sử dụng để giết tế bào ung thư hay làm chúng không thể phát triển.

    Có hai loại xạ trị:

    Xạ trị ngoài: là phương pháp sử dụng một máy ở ngoài cơ thể và bắn xạ vào vùng ung thư.

    Xạ trị trong: là liệu pháp sử dụng thiết bị để tiêm chất phóng xạ trực tiếp vào hay gần khối u. Giống như thuyên tắc bằng hóa chất, đây là thuyên tắc bằng chất phóng xạ. Trong liệu pháp này, chất phóng xạ được gắn vào những hạt nhỏ, và được tiêm vào động mạnh để thuyên tắc khối ung thư nhằm loại bỏ nó.

    Điều trị kháng virus

    Khi virus viêm gan siêu vi B là nguyên nhân của ung thư tế bào gan, con bạn có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus. Có những phương pháp điều trị mới đang được kiểm chứng ở các thử nghiệm lâm sàng. Bạn nên tham vấn bác sĩ để có thêm thông tin.

    Con bạn có thể gặp vấn đề gì sau điều trị ung thư gan?

    Sau khi điều trị, con bạn có thể có một vài tác dụng phụ như: đau, nôn và buồn nôn, mệt mỏi hay thiếu máu. Sau điều trị có thể có một số ảnh hưởng muộn xảy ra sau đó nhiều tháng hoặc nhiều năm. Những ảnh hưởng muộn này có thể là những vấn đề thể chất như gan của trẻ hoạt động không tốt hay hình thành sỏi mật và tổn thương.

    Bên cạnh đó, con bạn có thể có một vài thay đổi về cảm xúc, cảm giác và trí nhớ. Ung thư gan có thể quay lại, được gọi là ung thư gan tái phát. Một vài ảnh hưởng muộn có thể được điều trị hoặc kiểm soát. Trước khi điều trị, bạn nên nói chuyện với bác sĩ về các ảnh hưởng có thể có trong quá trình điều trị và theo dõi sát chúng trong suốt quá trình.

    Ung thư gan ở trẻ em nghiêm trọng nhưng có thể kiểm soát. Bạn nên tìm kiếm đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực ung thư gan nhi khoa để được hỗ trợ tốt nhất nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Trung Cường · Ngày cập nhật: 29/07/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo