backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 29/09/2023

    Nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

    Làn da của trẻ nhỏ còn khá mỏng manh và dễ bị tổn thương. Nếu kết hợp với thời tiết nóng bức và các yếu tố bên ngoài, tình trạng nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ rất dễ xảy ra. 

    Ngày càng nhiều trẻ có xu hướng bị nhiễm trùng da, cao điểm nhất là vào mùa hè. Nguyên nhân nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ là do thời tiết nóng bức làm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho bụi bẩn, vi khuẩn bám vào da, gây ra tổn thương da. Nếu ý thức vệ sinh thân thể kém càng khiến bệnh trở nên trầm trọng. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn cần hiểu rõ về các loại nhiễm trùng da, nguyên nhân và các triệu chứng thường gặp để có cách phòng ngừa, điều trị hợp lý. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về căn bệnh nhiễm trùng da ở trẻ em này nhé.

    Nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ và các loại thường gặp

    Nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ là tình trạng da bị viêm nhiễm do nhiều mầm bệnh gây ra với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Với trẻ nhỏ, đây là căn bệnh khá thường gặp do làn da của trẻ còn mỏng manh, non nớt. Bệnh nhiễm trùng da có thể gây tổn thương da nông, sâu hoặc chỉ khu trú ở 1 bộ phận như nang lông, tuyến mồ hôi. 

    Theo các chuyên gia, nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ có 4 loại phổ biến, đó là:

    • Nhiễm trùng da do vi khuẩn: Thường bắt đầu từ những vết sưng nhỏ với kích thước tăng dần lên. Các bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn thường gặp là viêm mô tế bào, bệnh chốc lở, nhọt, phong… 
    • Nhiễm trùng da do virus: Gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng với một số bệnh thường gặp là zona thần kinh, thủy đậu, u mềm lây, mụn cóc, sởi, bệnh tay chân miệng.  
    • Nhiễm trùng da do nấm: Một số loại nấm có thể phát triển ở những vùng ẩm ướt của cơ thể như bàn chân, háng, nách và gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng da do nấm không phải là bệnh truyền nhiễm và thường không đe dọa đến tính mạng. Một số bệnh thường gặp là nấm chân, hăm tã, nấm ngoài da…  
    • Nhiễm trùng da do ký sinh trùng: Loại nhiễm trùng da này có thể lây lan đến máu và các cơ quan khác. Mặc dù thường không nguy hiểm nhưng tình trạng này có thể khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu. Các bệnh nhiễm trùng da do ký sinh trùng thường gặp là bệnh chấy rận, rệp, ghẻ…

    Nguyên nhân gây nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ

    Nguyên nhân gây nhiễm trùng da ở trẻ em hay bệnh nhiễm trùng da ở trẻ em là do đâu? Như bạn đã biết, da của trẻ vô cùng mỏng manh, nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương dưới sự tác động của thời tiết và các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, vào mùa hè, thời tiết nóng bức – cơ thể tiết nhiều mồ hôi, kết hợp với bụi bẩn ngoài môi trường – đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật có hại sinh sôi và khiến bé dễ mắc các bệnh nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ.

    Ngoài yếu tố thời tiết, nguyên nhân bé bị nhiễm trùng da còn có thể kể đến như:

    • Trẻ té ngã khi chạy nhảy, nô đùa làm xuất hiện các vết cắt, vết xước khiến các vi sinh vật gây hại dễ xâm nhập và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. 
    • Môi trường và điều kiện sống quá chật chội, ẩm ướt, bí bách trong khi trẻ nhỏ hay nô đùa ra mồ hôi, nghịch bẩn nên dễ bị nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ.
    • Cha mẹ không chú ý đến việc vệ sinh cá nhân cho trẻ hoặc tắm rửa không sạch khiến các vi sinh vật gây hại vẫn còn tồn tại và phát triển trên da, lâu ngày dẫn đến các bệnh về da một cách nghiêm trọng.
    • Trẻ sử dụng sữa tắm nhưng không tắm kỹ khiến các hóa chất trong sữa tắm vẫn còn tồn đọng, gây ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng nặng đến làn da nhạy cảm của bé.

    Triệu chứng thường gặp khi trẻ bị nhiễm trùng da và cách điều trị tương ứng

    Nhiễm trùng da thường hay gây ngứa

    Triệu chứng bé bị nhiễm trùng da là gì hay dấu hiệu trẻ bị viêm da nhiễm khuẩn là gì? Câu trả lời là mỗi bệnh nhiễm trùng da sẽ có những triệu chứng đặc trưng riêng. Tuy nhiên, phần lớn chúng thường bắt đầu với dấu hiệu da bị đỏ, phát ban, ngứa và đau. Dưới đây là một số bệnh nhiễm trùng da phổ biến cùng dấu hiệu đặc trưng ở trẻ nhỏ:

    1. Nhiễm trùng da ở trẻ em: Mụn nhọt

    Mụn nhọt là một loại viêm da nhiễm trùng ở trẻ em. Triệu chứng nhiễm trùng da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ này là tình trạng viêm sâu quanh nang lông với triệu chứng chính là xuất hiện cục mụn sưng cứng, đau. Sau vài ngày, cục mụn này sẽ trở nên có mủ với một ngòi màu vàng và hoại tử ở trung tâm. Nhọt có thể xuất hiện trên bất cứ vùng nang lông nào nhưng thường gặp nhất vẫn là mặt, cổ, mông và những vùng da hay tiếp xúc với nước, ẩm ướt. 

    Cách điều trị mụn nhọt:

    Phần lớn các trường hợp, mụn nhọt thường tự khỏi sau vài ngày. Khi trẻ bị mụn nhọt, bạn cần chú ý vệ sinh sạch sẽ và tránh không cho dịch từ nhọt dây ra xung quanh và sang các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, để mụn nhọt mau khỏi, bạn có thể tăng tốc quá trình bằng cách đặt một cái khăn ấm sạch lên trên mụn nhọt trong vài phút và lặp lại khoảng 3 – 4 lần trong ngày.

    2. Nhiễm trùng da ở trẻ em: Chốc lở

    Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, thường gặp ở lứa tuổi mẫu giáo do ăn uống vệ sinh ở môi trường tập thể không sạch sẽ. Biểu hiện của bệnh nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ này là các mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh. Các mụn nước này nhanh chóng trở thành mụn mủ rồi bể và khô đi, đóng vảy vàng với viền mủ rất đặc trưng.

    Cách điều trị chốc:

    Nếu phát hiện và điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ, bé bị nhiễm trùng da có triệu chứng của bệnh chốc thường khỏi nhanh, ít tái phát và biến chứng. Tuy nhiên, nếu không chú ý thì bệnh có thể tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp tính, chàm hóa…

    3. Nhiễm trùng da ở trẻ em: Viêm kẽ

    Viêm kẽ là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa nóng ẩm, đặc biệt là trẻ béo phì và trẻ còn bú sữa. Biểu hiện chính là các dát màu đỏ hoặc hồng có giới hạn tương đối rõ, có thể nứt, rỉ dịch khiến bé cảm thấy ngứa, khó chịu. Vị trí thường gặp là ở sau tai, nếp gấp ở cổ, nếp khuỷu, kẽ ngón tay, nếp dưới vùng bẹn, quanh hậu môn… 

    Cách điều trị viêm kẽ:

    Nguyên nhân nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ dẫn đến viêm kẽ có thể do vi khuẩn nhưng cũng có thể là hậu quả của sự cọ xát liên tục do mặc tã quá chật, mặc tã trong thời gian dài cộng thêm sức nóng và sự ẩm ướt của thời tiết tạo ra. Nếu không được điều trị, lâu ngày, trẻ bị viêm da nhiễm khuẩn dẫn đến bệnh viêm kẽ sẽ trở nặng, khiến da bị loét và dẫn đến nhiễm trùng da. Để điều trị, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

    Phòng ngừa nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ như thế nào?

    Rửa tay giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh

    Nhiều bậc phụ huynh thường thắc mắc bệnh nhiễm trùng da ở trẻ em hay nhiễm khuẩn da ở trẻ có thể phòng ngừa được không? Lời khuyên là để bảo vệ làn da mỏng manh của trẻ khỏi căn bệnh nhiễm trùng da “đáng ghét”, bạn có thể thử áp dụng một số bí quyết phòng ngừa nguy cơ viêm da nhiễm khuẩn ở trẻ em như sau:

    • Luôn giữ da bé trong tình trạng khô thoáng vì da ẩm ướt là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ.
    • Vệ sinh thân thể bé mỗi ngày bằng các sản phẩm chăm sóc da có thành phần lành tính từ thiên nhiên với những tính năng thanh lọc, làm sạch sâu hiệu quả và an toàn.
    • Mỗi khi thấy bé ra mồ hôi, bạn nên dùng khăn mỏng lau khô để đảm bảo da bé luôn được khô ráo, thông thoáng.
    • Phòng bệnh nhiễm trùng da ở trẻ em bằng cách giữ môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh, lau dọn nhà cửa, phòng ngủ thật sạch để hạn chế tình trạng ẩm thấp và vi sinh vật gây hại xâm nhập và sinh sôi.
    • Thường xuyên thay chăn drap gối, vệ sinh nệm để các loại vi sinh vật có hại không có cơ hội sinh sôi và phát triển.
    • Khi da bé bị trầy xước, bạn cần sát trùng cẩn thận để tránh tình trạng vi khuẩn xâm nhập.
    • Thường xuyên thay quần áo cho trẻ cũng là cách giúp hạn chế các bệnh nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ.
    • Với trẻ đã lớn, cha mẹ hãy rèn cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay diệt khuẩn để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, khi thay tã hoặc chế biến thức ăn cho bé, bạn cũng nên chú ý rửa tay cẩn thận.
    • Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ ở các trung tâm y tế, ngoài ra thì khi thấy bé có các biểu hiện lạ, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về tình trạng nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ. Mặc dù căn bệnh viêm da nhiễm khuẩn ở trẻ em này không quá nguy hiểm nhưng nó có thể khiến trẻ cực kỳ khó chịu, do đó, nếu thấy con có các triệu chứng bất thường, bạn nên đưa trẻ đi khám để được can thiệp sớm nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 29/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo