backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mách mẹ bí quyết để trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 28/09/2023

    Mách mẹ bí quyết để trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

    Khoa học đã chứng minh, 2/3 hệ miễn dịch của trẻ nằm trong đường tiêu hóa. Do đó, để có hệ miễn dịch tốt, bé cần một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bởi nếu đường ruột có vấn đề, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn liên miên và rối loạn tiêu hóa kéo dài. Không những vậy, trẻ còn dễ bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể do khả năng hấp thu dinh dưỡng kém đi.

    Hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp trẻ khỏe khoắn và thông minh. Bởi cơ quan này đóng vai trò cung cấp 100% năng lượng cho cơ thể, quyết định 80% tình trạng miễn dịch và tham gia vào quá trình phát triển não bộ. Là cha mẹ, bạn cần đảm bảo con yêu có hệ tiêu hóa mạnh khỏe để giúp bé có một hệ miễn dịch vững chắc trong những năm đầu đời. Trước khi làm được điều này, việc đầu tiên và quan trọng mà bạn cần làm là xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để hiểu hơn về vai trò của hệ tiêu hóa đối với hệ miễn dịch của trẻ nói riêng và các cơ quan khác nói chung.

    Hệ tiêu hóa khỏe mạnh nắm  giữ 80% khả năng miễn dịch 

    Đối với trẻ nhỏ, 3 năm đầu đời là giai đoạn cực kỳ quan trọng, có vai trò đặt nền tảng để trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh trong tương lai. Trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh sẽ trải qua quá trình tăng trưởng và phát triển nhanh chóng, bao gồm cả việc thiết lập hệ vi sinh đường ruột.

    Thành phần của hệ vi sinh đường ruột sẽ thay đổi theo thời gian nhằm thích ứng với môi trường và nhu cầu dinh dưỡng. Các vi khuẩn đầu tiên “đặt chân” đến đường ruột của trẻ thường là E. coli, Streptococcus sp, Staphylococcus, Enterococcus và Lactobacillus. Khi bước vào giai đoạn ăn dặm sẽ có nhiều vi khuẩn hơn “xâm nhập” vào đường ruột của con. Số lượng này sẽ ngày càng tăng và đa dạng hơn cho đến khi trẻ được 3 tuổi. Sau giai đoạn này, đường ruột của trẻ sẽ bắt đầu ổn định và có thành phần giống với người trưởng thành.

    Hệ vi khuẩn đường ruột sẽ bao gồm cả vi khuẩn có ích và vi khuẩn gây hại. Tổng lượng vi khuẩn trong hệ vi sinh vật đường ruột ước tính khoảng 100 nghìn tỷ tương đương gần 1,5kg vi sinh bao gồm cả các vi sinh vật có lợi (lợi khuẩn 85%) và các vi khuẩn gây bệnh (15%). Các vi khuẩn có ích sẽ cạnh tranh với vi khuẩn gây hại để niêm mạc đường tiêu hóa phát triển tốt hơn, đồng thời tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn gây hại để giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

    Trong quá trình hệ tiêu hóa phát triển, hệ miễn dịch của trẻ cũng sẽ phát triển song song. Hệ miễn dịch là một mạng lưới phức tạp gồm các cơ quan, mô, tế bào, protein và các chất có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, tế bào lạ và nhiều loại khác. Hệ miễn dịch có vai trò rất quan trọng đối với trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn 3 năm đầu đời.

    Thế nhưng, ít ai biết rằng hệ tiêu hóa chính là cơ quan mang trách nhiệm “đào tạo” các tế bào miễn dịch giúp cơ thể non yếu của bé chống lại tác nhân gây bệnh. Trên thành ruột có vô số các hạch bạch huyết (còn gọi là mảng Payer) và đây chính là “trung tâm huấn luyện” của hệ miễn dịch, giúp ngăn chặn và tiêu diệt các tác nhân lạ gây bệnh. Ước tính, hệ tiêu hóa chịu trách nhiệm huấn luyện, đào tạo 80% tế bào miễn dịch của toàn cơ thể.

    Như vậy, để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh, ít bị bệnh thì hệ miễn dịch của trẻ phải khỏe. Để làm được điều này, trẻ sẽ cần có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh với một hệ vi sinh vật đường ruột cân bằng.

    Mách mẹ bí quyết để trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

    cho con bú giúp bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh

    Một hệ vi sinh đường ruột cân bằng, khỏe mạnh là tiền đề cho một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và xa hơn là một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Theo các chuyên gia, mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe đường ruột của trẻ để cung cấp cho con một khởi đầu tốt nhất. Mẹ đừng quên rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

    Để tăng cường, nâng cao sức “chiến đấu” cho hệ hệ tiêu hóa cũng như hệ miễn dịch, việc đầu tiên, bạn nên chú ý đến việc cải thiện sự cân bằng vi sinh trong hệ tiêu hóa của trẻ. Bởi nếu hệ vi sinh bị xáo trộn, các vi khuẩn có hại sẽ phát triển lấn át các vi khuẩn có lợi. Điều này sẽ cực kỳ không tốt cho hệ tiêu hóa nói riêng và cả cơ thể của trẻ nói chung.

    • Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn tự nhiên tốt nhất cho trẻ mà không có bất kỳ loại sữa công thức nào có thể thay thế được. Chính vì vậy, mẹ nên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến khi 2 tuổi để hệ tiêu hóa lẫn hệ miễn dịch của bé có cơ hội phát triển khỏe mạnh.
    • Trong giai đoạn chuyển tiếp từ sữa mẹ sang thức ăn bổ sung hoặc sữa công thức, mẹ cần lưu ý lựa chọn những thực phẩm phù hợp để bé có đủ enzyme đường tiêu hóa giúp tiêu hóa thực phẩm.
    • Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ, chẳng hạn như khoáng chất kẽm để vừa thúc đẩy hệ miễn dịch phát triển vừa giúp tăng cường sự phát triển của các tế bào mô ruột để bé ăn ngon miệng và hấp thu dưỡng chất tốt hơn.

    Ngoài ra, bạn cũng có thể cho con sử dụng một số loại chế phẩm bổ sung men vi sinh cho trẻ để khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột có lợi cho bé. 

    Hệ tiêu hóa là “bộ não thứ 2″ của cơ thể

    hệ tiêu hóa là bộ não thứ 2

    Theo các chuyên gia, trong thời kỳ phát triển phôi thai, một phần biểu mô đường tiêu hóa đã phát triển thành hệ thần kinh trung ương, trong khi phần còn lại phát triển thành hệ thần kinh ruột. Vì vậy, ruột còn được gọi là “bộ não thứ hai”.

    Do đường tiêu hóa có liên quan chặt chẽ đến não bộ nên các nhà nghiên cứu đã dùng cụm từ “trục não – ruột” để đề cập đến mối quan hệ của 2 cơ quan này. Cụ thể, não bộ sẽ có tác động lên các hoạt động, chức năng của ruột. Ngược lại, hệ vi sinh đường ruột cũng có ảnh hưởng đến vùng cảm xúc và hành vi ở não bộ.

    Ngoài não bộ, ruột còn là cơ quan duy nhất có hệ thống thần kinh riêng. Chỉ riêng ở ruột non đã có số lượng tế bào thần kinh nhiều như ở tủy sống. Các tế bào thần kinh ruột còn giúp định hình và điều hòa cảm xúc. Các nhà khoa học đã ghi nhận, nồng độ hormone hạnh phúc serotonin ở não được điều hòa bởi số lượng vi khuẩn tại ruột trong giai đoạn đầu đời. Chức năng của não cũng phụ thuộc vào số lượng và thành phần vi khuẩn trong giai đoạn phát triển. Thực tế, ruột còn chứa nhiều chất dẫn truyền thần kinh hơn so với não.

    Chính vì vậy, khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề, chức năng não và sức khỏe tâm thần cũng có thể chịu các tác động tiêu cực. Tình trạng sa sút tinh thần, bệnh Parkinson ở người lớn tuổi, trầm cảm, tự kỷ ở trẻ em… đều có liên quan đến sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

    Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã hiểu hơn về vai trò của hệ tiêu hóa khỏe mạnh đối với sức khỏe đường ruột và sức khỏe não bộ. Do đó, mẹ đừng quên chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thêm men vi sinh cho trẻ để cải thiện và cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 28/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo