backup og meta

Dấu hiệu tiền tiểu đường: Những biểu hiện dễ nhận biết

Dấu hiệu tiền tiểu đường: Những biểu hiện dễ nhận biết

Tiền tiểu đường không phải là bệnh mà là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn có thể có bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai gần. Trong giai đoạn tiền tiểu đường, đường máu của bạn cao hơn bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán là mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Vậy dấu hiệu tiền tiểu đường là gì để nhận biết sớm? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay để có cách phòng ngừa đái tháo đường tốt nhất nhé! 

Tiền tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong vòng 10 năm.

Nếu bạn được chẩn đoán tiền tiểu đường, bạn nên cảm thấy may mắn vì bạn có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách giảm cân và thay đổi lối sống của bạn.

Dấu hiệu tiền tiểu đường là gì? 

dấu hiệu tiền tiểu đường

Thông thường, bạn sẽ không cảm thấy triệu chứng hoặc dấu hiệu cụ thể nào cho đến khi bạn mắc phải các biến chứng nặng của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, có một dấu hiệu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là xuất hiện một vùng da tối hoặc màu nâu ở một số bộ phận của cơ thể, được gọi là bệnh gai đen. Nó thường xuất hiện trên cổ, nách, khuỷu tay, đầu gối và khớp ngón tay.

Bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu bạn có những triệu chứng và dấu hiệu tiền tiểu đường sau:

  • Khát nước nhiều.
  • Thường xuyên đi tiểu.
  • Mệt mỏi.
  • Nhìn mờ.

Bạn cần gặp bác sĩ nếu bạn quan tâm về bệnh tiểu đường hoặc nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh tiểu đường tuýp 2 (khát nước nhiều, đi tiểu thường xuyên, cảm thấy mệt mỏi và mờ mắt).

Các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện dấu hiệu tiền tiểu đường

dấu hiệu tiền tiểu đường là gì

Yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tiền tiểu đường tương tự như của bệnh tiểu đường tuýp 2, bao gồm:

Cân nặng. Thừa cân là nguy cơ chính đối với bệnh tiền tiểu đường. Bạn càng có nhiều mô mỡ (đặc biệt bên trong và giữa các cơ bắp và da xung quanh vùng bụng) thì các tế bào càng trở nên kháng insulin hơn.

Kích thước vòng eo. Vòng eo lớn có thể biểu lộ sự đề kháng insulin. Nguy cơ bị bệnh sẽ tăng lên đối với nam giới có vòng eo lớn hơn 40 inch (102 cm) và phụ nữ có vòng eo lớn hơn 35 inch (89 cm).

Lối sống ít vận động. Bạn càng ít hoạt động, nguy cơ bị tiền tiểu đường sẽ càng cao. Hoạt động thể chất giúp bạn kiểm soát cân nặng, sử dụng bớt lượng đường trong máu để tạo thành năng lượng và làm cho các tế bào nhạy cảm hơn với insulin.

Tuổi tác. Mặc dù bệnh tiểu đường có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng thường thì nguy cơ tiền tiểu đường tăng lên khi bạn già đi, đặc biệt là sau tuổi 45. Điều này có thể là do mọi người có xu hướng tập thể dục ít, giảm lượng cơ bắp và tăng cân khi lớn tuổi.

Tiền sử gia đình. Nguy cơ tiền tiểu đường sẽ tăng lên nếu cha mẹ hoặc anh chị em có bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tiểu đường thai kỳ. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau này của bạn sẽ tăng lên. Nếu bạn sinh con nặng hơn 9 pounds (4,1 kg), bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.

Hội chứng buồng trứng đa nang. Đối với phụ nữ, nếu mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang (một tình trạng thường gặp đặc trưng bởi chu kỳ kinh nguyệt không đều, rậm lông và béo phì) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên kết giữa các vấn đề về giấc ngủ (chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ) làm tăng nguy cơ kháng insulin. Ngừng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ làm cho hơi thở bị gián đoạn nhiều lần trong khi ngủ, dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ. Những người làm việc thay đổi ca hoặc ca đêm có nguy cơ cao có các vấn đề về giấc ngủ, từ đó dẫn đến nguy cơ cao bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2.

Các xét nghiệm để chẩn đoán tiền tiểu đường là gì?

dấu hiệu tiền tiểu đường là gì

Theo CDC, các xét nghiệm chẩn đoán tiền tiểu đường có thể bao gồm:

Xét nghiệm Glycated hemoglobin (HbA1C). Xét nghiệm máu này cho thấy mức độ đường huyết trung bình của bạn trong 2–3 tháng qua. Nó sẽ đo tỷ lệ đường trong máu gắn với hemoglobin (một protein vận chuyển oxy trong tế bào hồng cầu). Nồng độ đường trong máu càng cao, bạn càng có nhiều hemoglobin gắn theo đường.

Một số trường hợp có thể khiến xét nghiệm HbA1C không chính xác, chẳng hạn như nếu bạn đang mang thai hoặc có dạng hemoglobin bất thường.

Sau đây là những xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể chỉ định khi bạn có dấu hiệu tiền tiểu đường:

Xét nghiệm đường huyết khi đói. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu sau khi bạn nhịn đói ít nhất tám giờ hoặc qua đêm.

Dung nạp glucose đường uống. Xét nghiệm này ít được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường trừ khi mang thai. Một mẫu máu sẽ được lấy sau khi bạn nhịn đói ít nhất tám giờ hoặc qua đêm. Sau đó, bạn sẽ uống một dung dịch có đường, và nồng độ đường trong máu của bạn sẽ được đo lại sau hai giờ.

Nếu lượng đường trong máu của bạn bình thường, bác sĩ có thể khuyên bạn nên xét nghiệm sàng lọc mỗi ba năm. Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm các xét nghiệm khác nếu họ cảm thấy cần thiết. Ví dụ, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường huyết lúc đói, HbA1c, tổng cholesterol, HDL cholesterol, LDL cholesterol và tryglycerid của bạn ít nhất một lần một năm, có thể thường xuyên hơn nếu bạn có thêm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Bạn phải làm gì để kiểm soát dấu hiệu tiền tiểu đường?

tập thể dục để kiểm soát dấu hiệu tiền tiểu đường

Bạn có thể làm cho nồng độ đường trong máu trở lại mức bình thường bằng cách chọn lối sống lành mạnh. Mặc dù có một số người mắc phải tiểu đường tuýp 2 ngay cả khi họ đã giảm cân, nhưng nói chung đa số trường hợp thì nếu bạn giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Sau đây là một số khuyến nghị giúp bạn ngăn ngừa dấu hiệu tiền tiểu đường tiến triển đến bệnh tiểu đường:

  • Có một chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Giảm cân. Giảm 5–10% trọng lượng của bạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.
  • Tập thể dục hàng ngày. Chọn một bài thể dục mà bạn thích, như đi bộ. Hãy thử hoạt động ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Bạn có thể bắt đầu tập với thời gian ngắn hơn rồi từ từ tập luyện kéo dài lên đến nửa giờ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi luyện tập.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Điều trị huyết áp cao và cholesterol cao.
  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ khác, bác sĩ có thể kê toa thuốc để hạ cholesterol hoặc huyết áp hoặc giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu tiền tiểu đường để có cách bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

American Diabetes Association. Standards of medical care in diabetes – 2014. Diabetes Care. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24357209. Ngày truy cập 10/11/2015

Prediabetes. Centers for Disease Control and Prevention. http://www.cdc.gov/diabetes/basics/prediabetes.html. Ngày truy cập 10/11/2015

Prediabetes. U.S. National Library of Medicine. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000778.htm. Ngày truy cập 10/11/2015

Prediabetes. https://medlineplus.gov/prediabetes.html Ngày truy cập 30/5/2022

Prediabetes https://www.diabetes.org.uk/preventing-type-2-diabetes/prediabetes Ngày truy cập 30/5/2022

Phiên bản hiện tại

30/05/2022

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

15 loại thực phẩm cho người bị tiểu đường vừa ngon vừa bổ

Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn thế nào?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 30/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo