backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh ghép chống chủ: Con dao hai lưỡi đến từ ghép tủy

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 20/08/2020

    Bệnh ghép chống chủ: Con dao hai lưỡi đến từ ghép tủy

    Bệnh ghép chống chủ là một trong những biến chứng phổ biến của ghép tủy. Chúng có thể giúp bạn ngăn ngừa ung thư tái phát, nhưng cũng có khả năng đe dọa tính mạng bạn.

    Nếu đã trải qua phẫu thuật ghép tủy xương, hay còn gọi là ghép tế bào gốc tạo máu, bạn chắc chắn sẽ muốn tìm hiểu cũng như theo dõi các dấu hiệu của bệnh ghép chống chủ (GvHD). Đây là một biến chứng phổ biến của thủ thuật cấy ghép tế bào gốc tạo máu, có đến bốn trong năm người cấy ghép phải đối mặt với tình trạng sức khỏe này.

    Bệnh ghép chống chủ là gì?

    Bệnh ghép chống chủ xảy ra khi các tế bào từ người hiến tặng tấn công tế bào của chính bạn do nhầm lẫn chúng với vật thể lạ xâm nhập (mầm bệnh). Căn bệnh này có thể nhẹ, nhưng nếu không có sự can thiệp y tế kịp thời, nó có khả năng đe dọa tính mạng bạn.

    Thực tế, bệnh ghép chống chủ cũng có thể mang lại lợi ích cho bạn. Nếu các tế bào miễn dịch của người hiến tặng tấn công tế bào khỏe mạnh của bạn, chúng cũng sẽ tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể sau khi ghép tế bào gốc. Trong trường hợp đặc biệt như vậy, bác sĩ sẽ quyết định biện pháp tốt nhất là không điều trị biến chứng này.

    Triệu chứng của bệnh ghép chống chủ

    Bệnh ghép chống chủ có thể xuất hiện ở một số bộ phận khác nhau trên cơ thể bạn. Thông thường, nó sẽ ảnh hưởng đến da, hệ tiêu hóa hoặc gan của bạn. Nó thường bắt đầu bằng triệu chứng phát ban, ngứa ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Bạn cũng có thể bị buồn nôn, nôn mửa hay tiêu chảy.

    Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng một số triệu chứng trên có thể là tác dụng phụ của việc ghép tủy xương hoặc thuốc uống sau phẫu thuật. Đôi lúc, chúng cũng có nghĩa là bạn đang bị nhiễm trùng. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật sinh thiết bằng cách lấy một phần mô tại khu vực trong cơ thể bị ảnh hưởng làm mẫu xét nghiệm. Các chuyên gia sẽ sử dụng kính hiển vi để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh ghép chống chủ.

    Dựa trên các triệu chứng, bệnh ghép chống chủ được chia làm hai loại chính:

    Bệnh ghép chống chủ cấp tính

    Loại này thường xảy ra trong vòng 100 ngày kể từ lúc phẫu thuật ghép tế bào gốc tạo máu. Triệu chứng thông thường của nhóm này là:

    • Phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, tai, mặt hoặc vai. Nó có thể lan rộng với tốc độ chóng mặt. Da bạn có thể bị phồng rộp và bong tróc.
    • Tiêu chảy, co thắt bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc chán ăn.
    • Chất thải tích tụ trong gan khiến da và mắt bạn có màu vàng.
    • Số lượng hồng cầu hoặc tiểu cầu giảm đáng kể.
    • Sốt cao.

    Triệu chứng bệnh ghép chống chủ cấp tính

    Bệnh ghép chống chủ mãn tính

    Nhóm này thường xuất hiện sau khi loại cấp tính xảy ra. Nếu bạn đã mắc bệnh ghép chống chủ cấp tính, nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với loại này trong thời gian tiếp theo. Đôi khi, cả hai nhóm xảy ra cùng lúc.

    Phát ban và các vấn đề tiêu hóa cũng là triệu chứng của bệnh ghép chống chủ mãn tính. Ngoài ra, tình trạng này còn biểu hiện nhiều triệu chứng khác như:

    • Mắt khô, khó chịu và nhạy cảm với ánh sáng
    • Khô miệng và thực quản, có thể dẫn đến lở loét
    • Đau khớp
    • Da dày, sẫm màu, móng giòn và rụng tóc
    • Khô âm đạo và cảm thấy kích thích (với phụ nữ)
    • Thở khò khè và ho dai dẳng

    Bệnh ghép chống chủ được chia thành các giai đoạn và cấp độ khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những giai đoạn và cấp độ này giúp các bác sĩ dễ dàng quyết định phương pháp điều trị và cũng có thể là dấu hiệu cho thấy khả năng bạn sẽ phục hồi.

    Nguyên nhân gây bệnh ghép chống chủ

    Trong quá trình hóa trị, các tế bào gốc bên trong tủy xương có nhiệm vụ sản sinh tế bào máu bị tiêu diệt cùng với các tế bào ung thư. Việc cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc từ người hiến tặng cho phép cơ thể bạn tạo ra các tế bào máu mới. Tuy nhiên, khi bệnh ghép chống chủ xảy ra, các tế bào của người hiến tặng có thể tấn công các tế bào khỏe mạnh của bạn như thể chúng là vi khuẩn hoặc virus gây hại xâm nhập vào cơ thể.

    Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do cơ thể bạn không tương thích tốt với người hiến tặng. Ngoài ra, một số yếu tố nhỏ khác cũng có khả năng gây tăng nguy cơ phát bệnh ghép chống chủ, bao gồm:

    • Tuổi tác: bạn càng lớn tuổi, tỷ lệ tương thích càng thấp, dẫn đến nguy cơ phát bệnh càng cao.
    • Phần tủy xương hiến tặng chứa nhiều tế bào T – một loại tế bào bạch cầu.
    • Khác giới tính: người nhận có thể là đàn ông và người hiến tặng lại là phụ nữ có con.
    • Cytomegalovirus phát triển (một loại virus phổ biến thường không gây ra vấn đề nếu bạn khỏe mạnh).

    Nguyên nhân gây bệnh ghép chống chủ là do tuổi tác

    Khi thực hiện thủ thuật cấy ghép tủy xương, tỷ lệ tương thích giữa bạn và người hiến tặng càng lớn càng tốt. Nếu bạn không có anh chị em sinh đôi, thông thường cơ thể bạn sẽ tương thích nhất với anh chị em ruột và cha mẹ. Tất nhiên, cũng có trường hợp cơ thể bạn tương thích tốt với người lạ. Nguy cơ xuất hiện bệnh ghép chống chủ cũng sẽ giảm nếu bác sĩ lấy tế bào gốc tạo máu từ cuống rốn thay vì máu ngoại vi hoặc tủy xương.

    Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trước và sau khi cấy ghép tế bào gốc tạo máu có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh ghép chống chủ. Bạn cũng sẽ nhận được toa thuốc ức chế miễn dịch để tránh trường hợp thải ghép.

    Điều trị bệnh ghép chống chủ

    Nếu bác sĩ nhận định bệnh ghép chống chủ đã phát triển đến mức độ cần điều trị, họ có thể sẽ kê cho bạn một loại thuốc corticosteroid, chẳng hạn như prednisone và thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine. Những thứ này có nhược điểm là khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng hơn, do đó bạn cũng sẽ phải dùng thuốc kháng sinh dự phòng.

    Các phương pháp điều trị khác có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng ở bộ phận cụ thể của cơ thể, ví dụ như:

    Da

    Bạn có thể nhận được một loại kem steroid để điều trị phát ban ngứa. Hãy giữ ẩm cho làn da bạn và bảo vệ nó trước ánh nắng mặt trời.

    Hệ tiêu hóa

    Cơ thể bạn sẽ nhanh mất nước khi bị tiêu chảy nặng. Tránh thức ăn cay hoặc có tính axit là lựa chọn tốt vào thời điểm này. Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể cần được truyền dịch hoặc được cho ăn qua ống để giữ cân nặng. Bạn cũng sẽ phải hạn chế chất béo cho đến khi ruột phục hồi.

    Miệng

    Bạn có thể sử dụng nước súc miệng chuyên dụng để làm sạch và giữ ẩm khoang miệng.

    Mắt

    Nước mắt nhân tạo hoặc giọt steroid có tác dụng chống khô và giữ cho mắt bạn không bị trầy xước.

    Hệ miễn dịch

    Lúc này bạn nên tránh xa đám đông cũng như hạn chế tiếp cận người bệnh vì cơ thể bạn rất dễ bị nhiễm trùng. Bạn cũng cần tránh làm vườn và đi ngang khu vực không sạch sẽ. Đặc biệt, bạn không được tiếp xúc với người vừa tiêm chủng.

    Bệnh ghép chống chủng thường sẽ tự động biến mất sau một năm kể từ lúc phẫu thuật. Khi đó cơ thể bạn đã có thể bắt đầu tự sinh sản các tế bào máu từ tế bào gốc được ghép vào. Tuy nhiên, trường hợp cá biệt sẽ có một số người phải sống chung với nó trong nhiều năm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 20/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo