backup og meta

Xét nghiệm nào phát hiện bệnh thiếu máu?

Xét nghiệm nào phát hiện bệnh thiếu máu?

Thiếu máu là tình trạng cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đến các mô cơ thể. Có nhiều bộ phận trong cơ thể có khả năng sản xuất được tế bào hồng cầu, tuy nhiên, tủy xương là cơ quan chính trong việc tạo ra các tế bào máu (tủy xương là một mô mềm, nằm ở trung tâm của xương).

Thông thường, các tế bào hồng cầu khỏe mạnh có thể sống từ 90 đến 120 ngày. Khi các tế bào hồng cầu này đã quá già, các bộ phận khác trong cơ thể sẽ loại bỏ chúng ra khỏi dòng máu. Trong quá trình tạo máu, cơ thể cần có một hormone gọi là erythropoietin (EPO), là hormone kích thích cơ thể tạo ra nhiều tế bào máu hơn.

Hemoglobin là protein gắn với oxy trong tế bào hồng cầu. Khi hemoglobin kết hợp với hồng cầu, nó sẽ làm cho máu có màu đỏ tươi. Khi bị thiếu máu, trong cơ thể cũng sẽ thiếu hụt protein này.

Để chẩn đoán thiếu máu, các bác sĩ sẽ khám bệnh và hỏi các triệu chứng liên quan đến thiếu máu của bạn. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để phát hiện bệnh thiếu máu của bạn và đi tìm nguyên nhân gây thiếu máu. Một số bệnh thiếu máu có tính gia đình, nên bác sĩ sẽ hỏi thêm trong nhà bạn có ai bị thiếu máu giống bạn không. Ngoài ra, tiền sử tiếp xúc với các tác nhân độc hại trong nhà hoặc nơi làm việc cũng có thể gợi ý nguyên nhân gây thiếu máu.

Các xét nghiệm để chẩn đoán và phát hiện bệnh thiếu máu bao gồm:

Phết máu

Mục đích của xét nghiệm: Cho thấy kích thước, hình dạng và số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Dấu hiệu bệnh thiếu máu: Đây là xét nghiệm được sử dụng khi xét nghiệm công thức máu cho kết quả bất thường. Sự hiện diện của các tế bào máu bất thường hoặc chưa trưởng thành có thể chỉ ra các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu máu.

Đếm hồng cầu lưới

Mục đích của xét nghiệm: Đo lường số lượng hồng cầu non trong máu nhằm xem xét liệu tình trạng thiếu máu có đang bắt tủy xương phải sản xuất máu quá nhanh hay không.

Dấu hiệu bệnh thiếu máu: Số lượng hồng cầu lưới cao rõ rệt có thể gợi ý tình trạng thiếu máu tan huyết. Số lượng hồng cầu lưới thấp hơn có thể chỉ ra thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu ác tính, thiếu máu bất sản, hoặc các bệnh thiếu máu khác do giảm sản xuất hồng cầu.

Sắt huyết thanh

Mục đích của xét nghiệm: Đo tổng số lượng sắt trong máu vì sắt là một phần của hemoglobin.

Khả năng gắn sắt toàn phần (TIBC)

Mục đích của xét nghiệm: Đo tổng lượng chất sắt gắn kết bởi transferrin vì gần như tất cả lượng sắt trong máu được gắn kết với một protein là transferrin.

Khả năng gắn sắt không bão hòa (UIBC)

Mục đích của xét nghiệm: Xác định tỷ lệ transferrin chưa được bão hòa với sắt. Transferrin vận chuyển sắt đến tủy xương, nơi huyết sắc tố và hồng cầu được tạo ra, hoặc đến các mô cơ thể để lưu trữ.

Transferrin bão hòa

Mục đích của xét nghiệm: Cho thấy tỷ lệ phần trăm của transferrin được bão hòa với sắt, được tính toán bằng cách sử dụng kết quả của xét nghiệm sắt huyết thanh, TIBC và UIBC.

Dấu hiệu bệnh thiếu máu: Kết quả bất thường trên các xét nghiệm này có thể chỉ ra thiếu máu do thiếu sắt.

Ferritin huyết thanh

Mục đích của xét nghiệm: Phản ánh lượng sắt dự trữ trong khắp cơ thể bạn.

Xét nghiệm Coombs

Mục đích của xét nghiệm: Tìm kiếm kháng thể trực tiếp chống lại các tế bào hồng cầu.

Dấu hiệu bệnh thiếu máu: Kết quả dươnng tính chỉ ra sự hiện diện của kháng thể (protein được tạo ra bởi hệ miễn dịch) đang tấn công các tế bào hồng cầu. Xét nghiệm này giúp gợi ý nguyên nhân do tán huyết.

Xét nghiệm G6PD

Mục đích của xét nghiệm: Đo lượng glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) trong hồng cầu.

Dấu hiệu bệnh thiếu máu: Nếu hồng cầu thiếu enzyme G6PD, chúng trở nên yếu và dễ bị vỡ (enzyme là protein điều khiển phản ứng hóa học trong cơ thể). Kết quả bất thường gợi ý sự thiếu hụt G6PD, một bệnh di truyền có thể dẫn đến thiếu máu tan huyết.

Xét nghiệm tế bào tủy và sinh thiết tủy xương

Mục đích của xét nghiệm: Cho thấy liệu tủy có đang hoạt động bình thường hay không.

Dấu hiệu bệnh thiếu máu: Kết quả bất thường là chỉ hiện diện có một vài dòng tế bào máu trong tủy xương, giúp gợi ý dấu hiệu bệnh thiếu máu bất sản

Những xét nghiệm trên đây sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh thiếu máu của bạn, từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp. Đừng quên cho bác sĩ biết những băn khoăn hoặc những bất thường về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn để được hỗ trợ điều trị tốt nhất bạn nhé.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Your guide to anemia. https://www.nhlbi.nih.gov/files/docs/public/blood/anemia-yg.pdf Ngày truy cập 29/08/2015

Anemia. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/anemia.html Ngày truy cập 29/08/2015

Anemia. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000560.htm Ngày truy cập 29/08/2015

Phiên bản hiện tại

13/12/2019

Tác giả: Thương Trần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: product-hhg


Bài viết liên quan

Thiếu máu do ăn kiêng giảm cân: Bổ sung sắt thế nào để phòng ngừa?

Thói quen ăn uống không lành mạnh khiến nhiều người trẻ dễ thiếu máu, thiếu sắt?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 13/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo