backup og meta

6 cách điều trị thiếu máu tán huyết được áp dụng hiện nay

6 cách điều trị thiếu máu tán huyết được áp dụng hiện nay

Thiếu máu tán huyết là một rối loạn trong đó các tế bào hồng bị phá hủy nhanh hơn tốc độ hình thành của chúng. Tình trạng này gây suy nhược và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim. Nhiều phương pháp khác nhau có thể được dùng để điều trị thiếu máu tán huyết.

Những người bị thiếu máu tán huyết nhẹ và trong quá trình theo dõi bệnh không trầm trọng thêm thì có thể không cần điều trị. Bệnh nhân thiếu máu nặng thường cần điều trị liên tục vì nếu không điều trị đúng cách có thể gây tử vong. Việc điều trị thiếu máu tán huyết sẽ gồm các mục đích:

  • Giảm hoặc ngừng sự phá hủy hồng cầu
  • Tăng số lượng hồng cầu đến một mức độ chấp nhận được
  • Điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh

Nhiều phương pháp khác nhau có thể được dùng để điều trị thiếu máu tán huyết. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào loại bệnh, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh thiếu máu tán huyết. Bác sĩ cũng sẽ xem xét độ tuổi, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh của bạn.

Nếu bạn bị thiếu máu huyết tán di truyền, đây là bệnh suốt đời cần điều trị liên tục. Nếu bạn bị thiếu máu không phải di truyền, bệnh sẽ được chữa khỏi nếu tìm ra được nguyên và điều trị dứt điểm.

Dưới đây là những phương pháp điều trị thiếu máu tán huyết thường được sử dụng:

Phương pháp truyền máu

Truyền máu được sử dụng để điều trị tình trạng thiếu máu tán huyết nặng hoặc đe dọa tính mạng. Truyền máu, máu được truyền vào cơ thể người qua đường tĩnh mạch, là một phương pháp phổ biến. Truyền máu yêu cầu máu của người hiến phải phù hợp với máu của người nhận.

Thuốc cũng có thể giúp bạn điều trị bệnh thiếu máu tán huyết

Thuốc có thể được sử dụng để cải thiện một số tình trạng thiếu máu tán huyết, đặc biệt là thiếu máu tán huyết tự miễn (AIHA). Thuốc nhóm corticosteroid, như prednisone, có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế hệ miễn dịch tạo ra kháng thể (protein) tiêu diệt hồng cầu. Nếu bệnh không thuyên giảm khi bạn dùng corticosteroid, bác sĩ sẽ kê toa thuốc khác để kiềm hãm hệ miễn dịch của bạn, chẳng hạn như các loại thuốc rituximab và cyclosporine.

Nếu bạn bị thiếu máu hồng cầu hình liềm nặng, bác sĩ sẽ kê thuốc hydroxyurea. Thuốc này kích thích cơ thể tạo ra hemoglobin bào thai (huyết sắc tố bào thai), là loại hemoglobin có ở trẻ sơ sinh. Ở những người bị thiếu máu hồng cầu hình liềm, hemoglobin bào thai sẽ ngăn hồng cầu biến dạng và cải thiện tình trạng thiếu máu.

Lọc huyết tương

Lọc huyết tương là một phương pháp loại bỏ các kháng thể trong máu. Đối với phương pháp này, máu sẽ được lấy ra khỏi cơ thể bạn thông qua một kim tiêm ở tĩnh mạch. Huyết tương có chứa các kháng thể gây vỡ hồng cầu sẽ được tách ra khỏi máu. Sau đó, huyết tương từ người hiến tặng và các phần còn lại của máu sẽ được đưa trở lại cơ thể của bạn.

Phương pháp lọc huyết tương có thể giúp bạn điều trị bệnh AIHA nếu các phương pháp khác không hiệu quả.

Điều trị bệnh thiếu máu tán huyết bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật thiếu máu tan huyết bằng phẫu thuật

Một số bệnh nhân thiếu máu tán huyết có thể cần được phẫu thuật để loại bỏ lá lách. Lách là một cơ quan trong ổ bụng, lá lách khỏe mạnh sẽ giúp chống nhiễm trùng và lọc các tế bào máu cũ, hư hỏng. Lá lách phì đại hoặc bị bệnh có thể loại bỏ hồng cầu quá mức so với bình thường, gây ra thiếu máu. Do đó, phẫu thuật cắt lách có thể ngăn chặn hoặc làm giảm quá trình phá hủy hồng cầu.

Cấy ghép máu và tế bào tủy gốc

Ở một số dạng thiếu máu tán huyết, như thalassemia, tủy xương không sản xuất đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Các hồng cầu sản xuất ra bị phá hủy trước khi kết thúc chu trình bình thường. Phương pháp ghép máu và tế bào tủy gốc có thể điều trị các loại bệnh thiếu máu huyết tán, bằng cách thay thế tế bào gốc hư hỏng bằng tế bào gốc khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Trong quá trình cấy ghép, tế bào gốc khỏe mạnh từ người hiến tặng sẽ được truyền vào máu bạn qua đường tĩnh mạch. Một khi các tế bào gốc vào cơ thể, nó sẽ đi đến tủy xương và bắt đầu sản xuất ra các tế bào máu mới.

Thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh thiếu máu tán huyết

Nếu bạn bị bệnh AIHA kháng thể lạnh, hãy tránh những nơi có nhiệt độ thấp. Điều này giúp ngăn ngừa sự phá hủy hồng cầu. Bạn cũng nên bảo vệ ngón tay, ngón chân và đôi tai để khỏi bị lạnh.

Bạn có thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiệt độ lạnh bằng cách mang găng tay, đội mũ, đeo khăn quàng cổ và áo khoác dày trong thời tiết lạnh. Nếu nhà bạn dùng điều hòa, bạn có thể giảm nhiệt độ hoặc mặc quần áo ấm.

Bệnh nhân thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase bẩm sinh nên tránh các chất có thể khiến bạn bị thiếu máu, ví dụ như đậu fava, naphthalene (một chất được tìm thấy trong long não) và một số loại thuốc bác sĩ khuyên bạn không nên dùng.

Nếu có các dấu hiệu thiếu máu, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thiếu máu phù hợp với bạn dựa trên tình trạng và tiền sử bệnh của bạn. Đừng chủ quan vì thiếu máu tán huyết có thể gây tử vong.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Is Hemolytic Anemia Treated? http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/ha/treatment. Ngày truy cập: 29/8/2016.

Hemolytic anemia. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000571.htm. Ngày truy cập: 29/8/2016.

Overview of Hemolytic Anemia https://www.merckmanuals.com/professional/hematology-and-oncology/anemias-caused-by-hemolysis/overview-of-hemolytic-anemia Ngày truy cập: 07/05/2021

Hemolytic anemia https://www.ucsfbenioffchildrens.org/conditions/hemolytic-anemia Ngày truy cập: 07/05/2021

Hemolytic Anemia https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hemolytic-anemia Ngày truy cập: 07/05/2021

Phiên bản hiện tại

07/05/2021

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Nhận diện bệnh Giảm tiểu cầu miễn dịch

Thiếu máu bất sản


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 07/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo