backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Có bao nhiêu xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu tán huyết?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 13/12/2019

    Có bao nhiêu xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu tán huyết?

    Nhiều xét nghiệm khác nhau được sử dụng để chẩn đoán thiếu máu tán huyết. Các xét nghiệm này có vai trò trong việc giúp xác định chẩn đoán, tìm nguyên nhân và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Công thức máu

    Thông thường, xét nghiệm đầu tiên chẩn đoán thiếu máu là công thức máu, nhằm đo nhiều thành phần khác nhau trong máu.

    Xét nghiệm này sẽ xác định nồng độ hemoglobin và hematocrit của bạn. Hemoglobin là một protein giàu chất sắt trong hồng cầu có vai trò mang oxy cho cơ thể. Hematocrit là con số cho biết hồng cầu chiếm thể tích bao nhiêu phần trăm trong tổng lương máu. Con số hemoglobin hoặc hematocrit thấp là dấu hiệu của thiếu máu. Giới hạn bình thường của các con số này sẽ khác nhau đối với các chủng tộc và dân tộc khác nhau. Vì vậy bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm trong trường hợp của bạn.

    Bên cạnh đó, công thức máu cũng kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầutiểu cầu trong máu. Kết quả hồng cầu bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu tán huyết, các rối loạn máu khác, nhiễm trùng hoặc bệnh khác.

    Cuối cùng, công thức máu có thể tính được thể tích trung bình hồng cầu (MCV). MCV là thước đo kích thước trung bình của các hồng cầu. Kết quả MCV có thể gợi ý nguyên nhân thiếu máu. Nếu kết quả công thức máu xác nhận rằng bạn thiếu máu, bạn cần phải thực hiện các xét nghiệm máu khác để tìm ra loại thiếu máu và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Đếm hồng cầu lưới

    Đếm hồng cầu lưới là xét nghiệm đo số lượng hồng cầu non trong máu. Xét nghiệm xác định tủy xương có tạo ra tế bào máu đỏ ở tốc độ phù hợp không.

    Những người bị thiếu máu tán huyết thường có số lượng hồng cầu lưới cao vì tủy xương phải làm việc cật lực để thay thế các hồng cầu bị phá hủy.

    Phết máu ngoại biên

    Đối với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ xem xét hồng cầu qua một kính hiển vi. Một số loại thiếu máu tán huyết có thể làm thay đổi hình dạng bình thường của hồng cầu.

    Thử nghiệm Coombs

    Xét nghiệm này cho biết cơ thể bạn có đang tạo ra kháng thể (protein) tiêu diệt hồng cầu không.

    Xét nghiệm Haptoglobin, bilirubin và chức năng gan

    Khi hồng cầu bị phá vỡ sẽ giải phóng hemoglobin vào máu. Các hemoglobin kết hợp với một chất hóa học gọi là haptoglobin. Nồng độ thấp của haptoglobin trong máu là dấu hiệu của bệnh thiếu máu huyết tán.

    Hemoglobin được chia nhỏ thành một hợp chất gọi là bilirubin. Nồng độ bilirubin cao trong máu có thể là dấu hiệu của thiếu máu tán huyết. Nồng độ hợp chất này cao cũng có thể do các bệnh về gan và bệnh đường mật. Như vậy, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện thêm các xét nghiệm về gan mật để tìm xem nguyên nhân gây tăng bilirubin.

    Điện di hemoglobin

    Xét nghiệm này xác định các loại hemoglobin khác nhau trong máu, giúp chẩn đoán loại thiếu máu bạn đang mắc phải.

    Xét nghiệm thử hemoglobin niệu kịch phát về đêm

    Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện những hồng cầu bị thiếu mất một số protein bên trong chúng.

    Kiểm tra sức bền hồng cầu

    Xét nghiệm này tìm các hồng cầu có thành mỏng và yếu hơn bình thường. Những tế bào này có thể là dấu hiệu của bệnh hồng cầu hình cầu di truyền (một kiểu di truyền của bệnh thiếu máu huyết tán).

    Xét nghiệm định lượng  (G6PD)

    Hồng cầu được xem là thiếu hụt G6PD là hồng cầu thiếu glucose-6-phosphate dehydrogenase, một enzyme quan trọng trong máu. Các xét nghiệm định lượng G6PD sẽ giúp xác định nồng độ enzyme này trong một mẫu máu.

    Tổng phân tích nước tiểu

    Xét nghiệm nước tiểu sẽ có thể phát hiện được những hemoglobin tự do và sắt được thải ra nước tiểu.

    Xét nghiệm tủy xương

    Các xét nghiệm tủy xương cho thấy liệu tủy xương của bạn có đang khỏe mạnh và tạo ra đủ máu không. Hai xét nghiệm tủy xương là chọc hút tế bào tủy xương và sinh thiết.

    Đối với xét nghiệm chọc hút tế bào tủy xương, bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ chất lỏng trong tủy xương bằng một cây kim. Các mẫu được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tế bào bị lỗi.

    Sinh thiết tủy xương có thể được thực hiện cùng một lúc với xét nghiệm lấy tủy hoặc sau đó. Đối với xét nghiệm này, bác sĩ lấy một lượng nhỏ mô tủy xương bằng một cây kim. Các mô được kiểm tra số lượng và loại của các tế bào trong tủy xương.

    Bạn có thể không cần xét nghiệm tủy xương nếu các xét nghiệm máu đã xác định được nguyên nhân gây ra thiếu máu tán huyết.

    Xét nghiệm nguyên nhân khác gây thiếu máu

    Bởi vì thiếu máu có nhiều nguyên nhân, bạn có thể cần phải kiểm tra các loại bệnh như:

    • Suy thận
    • Nhiễm độc chì
    • Thiếu vitamin hoặc sắt.

    Xét nghiệm tìm thiếu máu hồng cầu hình liềm và thiếu G6PD cho trẻ sơ sinh

    Tất cả các bang của Mỹ đưa xét nghiệm thiếu máu hồng cầu hình liềm là một xét nghiệm thường quy cho trẻ sơ sinh. Một số bang cũng đưa xét nghiệm tầm soát thiếu G6PD vào chương trình chăm sóc sơ sinh. Việc chẩn đoán bệnh càng sớm càng tốt là rất quan trọng để trẻ được điều trị thích hợp.

    Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có được kiến thức tổng quát về các loại xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh thiếu máu. Nếu bạn còn có những băn khoăn nào khi được bác sĩ chỉ định thực hiện một trong những xét nghiệm trên, đừng ngại ngần trình bày để được giải thích cụ thể hơn nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 13/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo