backup og meta

Nguyên nhân bệnh sán chó: Có phải ai nuôi chó, mèo cũng nhiễm bệnh?

Nguyên nhân bệnh sán chó: Có phải ai nuôi chó, mèo cũng nhiễm bệnh?

Sán chó là bệnh do ký sinh trùng gây ra do người ăn phải thức ăn có ấu trùng giun, sán nhưng không được nấu chín hoặc rửa kỹ để loại bỏ. Bệnh thường phổ biến ở trẻ em hoặc người nuôi thú cưng nhưng không phải ai nuôi chó, mèo cũng bị sán chó. Vậy nguyên nhân bệnh sán chó là gì? Dấu hiệu nhận biết và những lưu ý để phòng ngừa ra sao?

Nếu bạn đang có cùng mối quan tâm kể trên, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau nhé!

Nguyên nhân bệnh sán chó

Nguyên nhân bị sán chó hay lý do bị sán chó là gì? Nguyên nhân bệnh sán chó chủ yếu là do bạn tiếp xúc với nguồn đất hoặc nước có ấu trùng giun, sán. Điều này thường xảy ra khi chó, mèo hoặc các vật nuôi khác bị nhiễm giun đi đại tiện bừa bãi, phân của chúng sẽ làm vùng đất hoặc nguồn nước đó bị ô nhiễm.

Khi bạn tiếp xúc với nguồn đất hoặc nước bị ô nhiễm, ký sinh trùng sẽ cư trú ở móng tay hoặc da tay của bạn. Sau đó, bạn dùng tay cầm, nắm thức ăn đưa vào miệng, ký sinh trùng sẽ theo thức ăn đi vào ruột và sinh sôi ở đó. Tiếp theo, chúng sẽ đi theo hệ tuần hoàn hoặc các hạch bạch huyết di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể như mắt, não bộ, tay, chân, phổi…

Bệnh sán chó thường xảy ra nhiều ở trẻ em vì đây là đối tượng chưa có thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách, hay ngậm tay hoặc dùng tay để bốc thức ăn, đồ vật đưa vào miệng.

Yếu tố nguy cơ phổ biến khác khiến bạn mắc bệnh sán chó là không tẩy giun định kỳ cho thú cưng (chó, mèo…). Vật nuôi bị nhiễm sán cho sẽ làm tăng nguy cơ khiến bạn và người thân nhiễm bệnh.

Ngoài ra, nguyên nhân bệnh sán chó ít ai ngờ đến là trong chế độ ăn uống hằng ngày, nguyên liệu như rau xanh không được rửa kỹ hoặc thịt động vật không nấu chín thì cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây truyền giun, sán bao gồm cả sán chó, sán mèo.

Các triệu chứng thường gặp khi bạn mắc bệnh sán chó

nguyên nhân bệnh sán chó

Trong thời gian đầu, tình trạng nhiễm sán chó mèo không gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng và cũng không có dấu hiệu đặc trưng. Hơn nữa, khi ấu trùng giun ký sinh ở các bộ phận cơ thể khác nhau sẽ gây ra những biểu hiện khác nhau. Vì thế, bệnh nhân thường rất khó nhận biết mình đã bị nhiễm ấu trùng giun, sán ký sinh và chỉ nghĩ mình đang gặp những vấn đề sức khỏe khác.

Tùy thuộc vào nơi ký sinh trùng lưu trú và mức độ nhiễm trùng do ấu trùng gây ra mà các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau bụng
  • Ho
  • Nhức đầu
  • Khó thở
  • Sốt theo cấp độ từ nhẹ đến nặng.

Nếu bị bệnh sán chó ở mắt, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như viêm màng bồ đào, tầm nhìn bị hạn chế, sai lệch, thậm chí là bị mù gián đoạn ở một bên mắt. Trường hợp nặng và không được can thiệp kịp thời sẽ khiến bệnh nhân bị mất thị lực vĩnh viễn.

Giải đáp thắc mắc: Bệnh sán chó có lây từ người sang người không?

1. Bệnh sán chó có lây từ người sang người không?

Bệnh sán chó có lây không?

Con người chỉ là một đối tượng vô tình nhiễm phải sán chó. Bệnh sán chó không lây lan qua đường tiếp xúc, đụng chạm trực tiếp giữa người với người. Tuy nhiên, nếu không có thói quen vệ sinh tốt, bệnh vẫn có thể lây nhiễm qua các đường trung gian.

Trong gia đình có người mắc bệnh sán chó, khi người đó đi đại tiện xong không rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn thì rất có thể ấu trùng sán chó sẽ “lang thang” đâu đó dưới nền nhà, trên các bề mặt (mặt bàn ghế, thanh vịn cầu thang…) hoặc các vật dụng trong nhà vệ sinh. Khi người khác sử dụng nhà vệ sinh hoặc cầm nắm vào những vật dụng đó thì ấu trùng sẽ có thêm cơ hội ký sinh trên cơ thể người.

2. Bị lây bệnh sán chó: Có phải hoàn toàn do nuôi chó, mèo?

nguyên nhân bệnh sán chó

Người nuôi chó có bị sán chó không hay nguyên nhân bị sán chó có phải do nuôi chó mèo? Theo các chuyên gia sức khỏe, dù nguyên nhân bệnh sán chó xuất phát từ các loài vật nuôi thông thường như chó, mèo nhưng không phải tất cả ca mắc bệnh sán chó đều do việc nuôi chó mèo gây ra.

Đặc biệt khi nhìn nhận rõ nguyên nhân và con đường bị lây nhiễm sán chó thì bạn cũng có thể hiểu bệnh không giống như cảm cúm mà có thể lây truyền thông qua việc hắt hơi hay hít phải lông chó mèo từ không khí. Vậy nên nếu chó mèo nhà bạn được nuôi theo tập quán sinh hoạt và thói quen tiến bộ hiện nay thì cũng đảm bảo vệ sinh, hạn chế cho việc trứng sán có nguy cơ lây lan trong môi trường sống.

Ngoài ra, nếu đang nuôi thú cưng thì bạn cũng đừng quên cho những người bạn bốn chân được tẩy giun, sán định kỳ nhé!

Bệnh sán chó có có nguy hiểm không?

Khi trứng sán chó theo đường miệng đi vào trong ruột sẽ nở thành ấu trùng. Sau đó, ấu trùng sẽ đi theo máu hoặc hệ thống hạch bạch huyết di trú đến những cơ quan nội tạng hoặc bộ phận cơ thể khác.

Bệnh sán chó hoàn toàn có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng vì khi đó, ấu trùng sẽ gây ảnh hưởng hoặc phá hủy tế bào ở những cơ quan đó.

Ban đầu, những biến chứng đó có thể chỉ là ngứa, nổi mề đay hoặc sưng da khiến bạn dễ nhầm tưởng mình đang gặp các vấn đề về da như chàm, dị ứng hay các bệnh da liễu. Biến chứng nặng hơn có thể khiến bạn bị đau bụng, đau đầu, sốt hoặc nôn ói dai dẳng.

Biến chứng bệnh sán chó nguy hiểm nhất là mù lòa khi ấu trùng ký sinh ở võng mạc hoặc gây bệnh động kinh, viêm não, viêm màng não khi ấu trùng sinh sống ở hệ thần kinh.

Làm thế nào để phòng ngừa sán chó?

nguyên nhân bệnh sán chó

Để giúp bảo vệ bạn và cả gia đình khỏi những nguyên nhân gây bệnh sán chó, cần lưu ý những điều sau đây:

  • Đưa thú cưng đến thú y tẩy giun, sán định kỳ mỗi 6 tháng một lần, đặc biệt là với chó con.
  • Làm sạch và khử trùng khu vực sinh sống của thú cưng thường xuyên và lưu ý rửa tay ngay sau đó.
  • Cả gia đình cần rửa tay thật sạch sau khi chơi với thú cưng hoặc động vật ở bên ngoài, nhất là trước khi đụng vào thức ăn, đồ chơi…
  • Dạy trẻ nhỏ không được cho tay lên miệng mút hoặc cho đồ chơi vào miệng, nhất là khi chơi ở khu vực đất cát.
  • Nấu chín kỹ thịt trước khi ăn.
  • Rửa sạch, gọt vỏ và nấu chín các loại rau củ quả trước khi ăn.
  • Nếu trẻ dùng hộp cát để chơi thì nên để vật nuôi tránh xa hộp và đập kín nắp. Tương tự nếu nhà có nuôi mèo, bạn cũng cần đậy kín nắp hộp cát dùng đi vệ sinh cho mèo.

Hello Bacsi hy vọng thông qua những thông tin tổng hợp được trong bài viết trên đây, bạn có thể hiểu rõ về nguyên nhân bệnh sán chó, gỡ bỏ nhiều hiểu lầm và biết cách để phòng ngừa bệnh hiệu quả!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Causes of Toxocariasis

https://kidshealth.org/en/parents/toxocariasis.html Ngày truy cập: 24/8/2019

Toxocariasis 

https://www.cdc.gov/parasites/toxocariasis/gen_info/faqs.html#:~:text=Toxocariasis%20is%20an%20infection%20transmitted,cati). Ngày truy cập 26/6/2023

Toxocariasis 

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23401-toxocariasis Ngày truy cập 26/6/2023

Toxocariasis 

https://patient.info/doctor/toxocariasis Ngày truy cập 26/6/2023

Highlights of human toxocariasis

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2721060/ Ngày truy cập 26/6/2023

Phiên bản hiện tại

29/12/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Các cách tẩy giun sán hiệu quả bằng Tây y và Đông y

Bệnh giun sán nhiễm từ chó mèo


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 29/12/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo