Theo tiến sĩ Jo Mountfield, Phó Chủ tịch RCOG, không có bằng chứng nào cho thấy những thay đổi tạm thời trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra tác động đến khả năng sinh sản hoặc khả năng có con trong tương lai.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Sarah Hardman khẳng định: “Không có bằng chứng cho thấy khả năng sinh sản bị ảnh hưởng bởi việc nhiễm virus SARS-CoV-2 hay tiêm chủng phòng COVID-19.” Tiến sĩ cũng cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy hiệu quả của biện pháp tránh thai nội tiết tố bị ảnh hưởng bởi vắc xin phòng COVID-19.
Về mặt sinh học, vắc xin có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt thông qua hệ thống miễn dịch, biểu hiện ở sự gián đoạn chu kỳ ngắn hạn. Tiến sĩ Gemma Sharp, giảng viên cao cấp về Dịch tễ học của Đại học Bristol cho rằng điều này là hợp lý. Tuy nhiên, theo vị tiến sĩ này, không có lý do gì để nghi ngờ rằng những thay đổi này sẽ kéo dài dai dẳng hoặc có bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào đến khả năng sinh sản.
Những nghiên cứu đầu tiên về tác động của vắc xin phòng COVID-19 đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản
Minh họa cho những lý luận trên, Tiến sĩ Viki Male, một giảng viên về Miễn dịch Sinh sản tại Khoa Chuyển hóa, Tiêu hóa và Sinh sản của Đại học Hoàng gia Luân Đôn đã xác nhận rằng, trong các thử nghiệm lâm sàng, các trường hợp mang thai ngoài ý muốn xảy ra với tỷ lệ tương tự ở nhóm tiêm chủng và không tiêm chủng.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của tiến sĩ Edelman, độ dài chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm phòng chỉ thay đổi trong vòng chưa đầy một ngày. Trung bình, phụ nữ đã chủng ngừa có thể trải qua chu kỳ kinh nguyệt dài hơn một chút khi tiêm liều đầu tiên và liều thứ hai. Tuy nhiên, việc chu kỳ kinh nguyệt tăng thêm 1 ngày không có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Theo Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế, bất cứ thay đổi nào trong vòng dưới 8 ngày đều được xếp vào loại bình thường.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhưng không có bằng chứng cụ thể chứng minh vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.
Khi nào kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường?
Mặc dù phụ nữ có thể sẽ bị rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng cần hiểu rằng mọi thay đổi thường trở lại bình thường sau một hoặc hai chu kỳ. Đây là khẳng định của tiến sĩ Mountfield.
Bổ sung cho ý kiến trên, tiến sĩ Maybin cho rằng, những thay đổi tạm thời trong các triệu chứng kinh nguyệt sẽ tự khỏi. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bất kỳ tác dụng phụ nào của vắc xin đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những hậu quả mà bệnh COVID-19 gây ra. Vì vậy, phụ nữ không nên tin vào những tin đồn vô căn cứ mà ngần ngại từ chối tiêm vắc xin.
Ngoài ra, cả 2 tiến sĩ đều cho rằng, những phụ nữ có kinh nguyệt thay đổi dai dẳng, ra máu rất bất thường hoặc chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh nên đến bệnh viện để các bác sĩ tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề rối loạn kinh nguyệt sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!