Bệnh tim mạch là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến và phức tạp, gây ra bởi những rối loạn ở tim và mạch máu. Ở Việt Nam, ước tính có hơn 170.000 ca tử vong liên quan đến những bệnh lý này vào năm 2016. Do đó, hãy cùng tìm hiểu để gìn giữ, cải thiện sức khỏe tim mạch trước khi quá muộn.
Tim là cơ quan quan trọng thứ hai trong cơ thể, sau não bộ. Nó chịu trách nhiệm bơm máu đi khắp cơ thể thông qua hệ thống tuần hoàn.
Nhờ vào hoạt động của tim, oxy và các chất dinh dưỡng theo các mạch máu đi đến từng tế bào, đổi lại carbonic và các chất thải sau đó được đưa ra ngoài qua phổi, thận. Cơ quan này đảm bảo cho dòng máu luôn di chuyển liên tục trong toàn bộ cơ thể.
Bạn có thể quan tâm: 10 dấu hiệu cho thấy bạn cần đi khám tim mạch.
Để tìm hiểu rõ hơn về cách bảo vệ sức khỏe tim mạch, mời bạn đọc tiếp những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây.
Hệ tim mạch hoạt động như thế nào?
Trung bình, tim đập khoảng 2,5 tỷ lần trong suốt cuộc đời một người. Nó hoạt động liên tục, ngay cả khi chúng ta đang ngủ hay nghỉ ngơi. Cùng với mạng lưới tĩnh mạch, động mạch và các mao mạch phức tạp, hệ tim mạch giúp duy trì sự sống một cách căn bản nhất.
Ba chức năng chính của hệ tim mạch là:
- Vận chuyển các chất dinh dưỡng, oxy và nội tiết tố đến các tế bào khắp cơ thể và loại bỏ các chất thải của quá trình trao đổi chất (carbonic, ure…)
- Bảo vệ cơ thể nhờ các tế bào bạch cầu, kháng thể và bổ thể lưu chuyển trong máu, chống lại các vi sinh vật lạ hay độc tố. Cơ chế hình thành cục máu đông cũng giúp bảo vệ cơ thể tránh bị mất máu quá nhiều sau khi bị thương tổn.
- Điều hòa nhiệt độ cơ thể, pH và lượng nước trong tế bào.
Làm sao để gìn giữ sức khỏe tim mạch lâu dài
Các yếu tố lối sống đều có khả năng gây ảnh hưởng lên sức khỏe tim mạch, bao gồm hút thuốc, quản lý chỉ số khối cơ thể (BMI), kiểm soát căng thẳng và chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc và tập luyện thể dục cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì hệ tim mạch khỏe mạnh dài lâu.
Bỏ hút thuốc
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nhiều bệnh lý có thể phòng tránh được, bao gồm bệnh tim mạch. Thói quen này gây hại cho rất nhiều bộ phận trong cơ thể.
Hút thuốc sẽ tác động nhiều đến sức khỏe tim mạch, kể cả hút thuốc thụ động. Khói thuốc có chứa hỗn hợp hơn 7.000 hóa chất độc hại có khả năng can thiệp đến nhiều chức năng quan trọng. Một trong số đó là quá trình cung cấp oxy đến tim và cơ thể.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân, béo phì có thể dẫn đến bệnh tim mạch theo nhiều cách khác nhau. Béo phì thường liên quan đến đái tháo đường, cholesterol cao và tăng huyết áp. Từ đó, bạn sẽ dễ phát sinh thành nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Chắc hẳn bạn đã nghe rất nhiều về lợi ích của tập thể dục đối với cơ thể. Nếu nói riêng về tim mạch, việc luyện tập thể dục giúp làm giảm huyết áp, giữ mức cholesterol ổn định và hạn chế tích tụ chất béo trong tim và cơ thể.
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Huyết áp tăng quá mức khiến tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn bình thường. Theo thời gian, bạn sẽ mắc phải bệnh tim liên quan đến tăng huyết áp – một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch.
Các bệnh tim liên quan đến tình trạng tăng huyết áp bao gồm bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, suy tim và cơ tim phì đại.
Chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch
Một trong nhóm chất bạn cần chú ý khi muốn cải thiện sức khỏe tim mạch là chất béo. Bạn cần lựa chọn thực phẩm có chất béo lành mạnh và tránh ăn nhóm chất béo chuyển hóa (hay còn thường thấy dưới cái tên trans fat). Loại chất béo này được biết là có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim hoặc đột quỵ.
Chất béo chuyển hóa có thể gây tắc nghẽn lòng động mạch bằng cách tăng nồng độ của cholesterol xấu (LDL) và giảm mức cholesterol tốt (HDL) trong máu. Do đó, nếu bạn cắt giảm lượng chất béo này trong chế độ ăn uống, lưu lượng máu sẽ được cải thiện hơn.
Bạn có thể quan tâm: Ăn gì tốt cho tim mạch? Những điều bạn cần nên biết.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ là một phần thiết yếu để giữ gìn sức khỏe tim mạch ổn định. Nếu không ngủ đủ giấc, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng lên, bất kỳ ở độ tuổi nào hay có những thói quen sống lành mạnh khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ngủ quá ít sẽ gây gián đoạn các quá trình sinh học và ảnh hưởng đến những bệnh nền đang có, liên quan đến cả huyết áp và tình trạng viêm. Vì vậy, bạn nên ngủ đủ 7–8 tiếng mỗi ngày.
Điều gì sẽ xảy ra khi sức khỏe tim mạch không tốt?
Tim là một trong những cơ quan hoạt động bền bỉ nhất, từ lúc sinh ra cho đến khi bạn qua đời. Nếu nó bị suy yếu và ngừng hoạt động, các chức năng khác trong cơ thể cũng không thể tiếp tục. Một số cơ quan dường như ngay lập tức “dừng lại” khi tim ngừng đập.
Chức năng của tim có thể bị suy yếu do nhiều nguyên nhân. Một số nguyên do trực tiếp gây suy tim là:
- Tăng huyết áp
- Cholesterol cao
- Bệnh tim bẩm sinh
- Hút thuốc
- Béo phì
- Đái tháo đường
Khi sức khỏe tim mạch không còn tốt, tùy theo mức độ mà bạn có thể gặp phải những vấn đề khác nhau. Trong đó, bạn có thể gặp phải những vấn đề đe dọa đến tính mạng, như đau thắt ngực hay đột quỵ.
Các bệnh lý tim mạch khác mà bạn có thể gặp phải là:
- Bệnh mạch vành
- Rối loạn nhịp tim
- Các vấn đề van tim
- Bệnh động mạch ngoại biên
- Thấp tim
- Bệnh cơ tim
- Suy tim
Hãy quan tâm đến sức khỏe tim mạch ngay từ ngày hôm nay. Việc quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe không bao giờ là quá sớm hay quá muộn.
[embed-health-tool-heart-rate]