backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh cơ tim chu sinh: Hiểu rõ để bảo vệ sức khỏe của mẹ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 23/02/2021

Bệnh cơ tim chu sinh: Hiểu rõ để bảo vệ sức khỏe của mẹ

Bệnh cơ tim chu sinh (PPCM) hay còn gọi cơ tim chu sản là một loại bệnh cơ tim giãn, xuất hiện trong thời gian mang thai hoặc ngay sau khi sinh. 

Điều quan trọng nhất trong bệnh lý này là nhận biết được các triệu chứng càng sớm càng tốt. Chẩn đoán và điều trị thích hợp có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, giảm nhẹ các biến chứng đối với sức khỏe của người mẹ. 

Tìm hiểu chung

Bệnh cơ tim chu sinh là gì?

Bệnh cơ tim chu sinh hay còn gọi là cơ tim chu sản là một dạng suy tim hiếm gặp. Người bệnh sẽ có tình trạng tim mở rộng (tim to ra) và yếu cơ tim dẫn đến chức năng bơm máu đến các cơ quan của tim bị suy giảm. Bất kỳ thai phụ nào cũng có khả năng mắc bệnh cơ tim chu sản, kể cả những người không có yếu tố nguy cơ và người chưa từng mắc bệnh tim.

Bệnh thường xảy ra vào tháng cuối cùng của thai kỳ hoặc trong vòng khoảng 5 tháng đầu sau khi sinh.

Triệu chứng

Triệu chứng cơ tim chu sinh là gì?

cơ tim chu sản

Nhìn chung, bệnh cơ tim chu sinh có một số triệu chứng tương tự như hội chứng suy tim, cụ thể là:

  • Nhịp tim nhanh bất thường 
  • Tức ngực hoặc đánh trống ngực
  • Khó thở, đặc biệt là khi nghỉ ngơi hoặc nằm xuống
  • Mệt mỏi quá mức, nhất là khi hoạt động thể chất (do thiếu máu đến các cơ quan)
  • Cảm thấy hụt hơi
  • Sưng bàn chân và mắt cá chân (do giữ nước)
  • Tăng số lần đi tiểu vào ban đêm
  • Bị ho khi nằm thấp đầu

Ngoài ra, một số người cũng có thể bị sưng tĩnh mạch ở cổ do máu không được lưu thông hiệu quả. Cũng cần lưu ý rằng khó thở, tim đập nhanh, phù mắt cá chân là những biểu hiện thường gặp ở những tháng cuối thai kỳ. Do đó có thể gây nhầm lẫn, khó khăn trong việc phát hiện và chẩn đoán bệnh. Trường hợp bệnh nhân suy tim sau sinh sẽ dễ chẩn đoán hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây cơ tim chu sản là gì?

Cho đến nay, nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh cơ tim chu sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy rằng không rõ tại sao bệnh cơ tim chu sản lại phát triển, nhưng các bác sĩ tin việc tăng áp lực lên tim khi mang thai kết hợp với một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển tình trạng này. Các yếu tố nguy cơ có thể kể đến như:

  • Thừa cân, béo phì
  • Tăng huyết áp 
  • Mắc bệnh đái tháo đường
  • Thai phụ bị suy dinh dưỡng
  • Người có hút thuốc
  • Uống quá nhiều rượu hoặc nghiện rượu
  • Đã từng mang thai nhiều lần hoặc mang thai đôi (đa thai)
  • Tiền sử có các bệnh liên quan đến tim như viêm cơ tim, bệnh mạch vành, nhiễm virus ở tim
  • Phụ nữ sau sinh con non tháng (đẻ non)
  • Thai phụ lớn tuổi (trên 30 tuổi)

Bên cạnh đó, một số bệnh lý di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sinh ở phụ nữ mang thai và sau sinh.

Chẩn đoán và điều trị

Phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim chu sinh

điều trị cơ tim chu sản

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, hỏi về tiền sử bệnh của bạn và thực hiện khám sức khỏe bằng ống nghe để kiểm tra những âm thanh trong phổi và tim. Sau đó, bạn có thể được chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra hoạt động của thận, gan và tuyến giáp cũng như giúp phát hiện các hormone cho thấy tim đang bị căng thẳng hoặc các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng thiếu máu, nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: nhằm kiểm tra chứng tiền sản giật (huyết áp cao liên quan đến thai kỳ) hoặc phát hiện nhiễm trùng.
  • Điện tâm đồ (ECG): bác sĩ có thể nhìn thấy dấu hiệu loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) thông qua kỹ thuật ghi lại các tín hiệu điện được dẫn truyền qua tim.
  • Chụp X-quang ngực: đây là kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh cơ bản để giúp kiểm tra cấu trúc và kích thước của tim, phổi. Đồng thời có thể quan sát được lượng dịch ở bên trong hoặc xung quanh phổi.
  • Siêu âm tim: các sóng âm thanh sẽ tạo thành hình ảnh của tim, qua đó bác sĩ có thể xem xét cấu trúc, chức năng của cơ tim và van. Kỹ thuật này cũng giúp kiểm tra xem có cục máu đông trong buồng tim không. 
  • Chụp MRI tim: một số trường hợp có thể được chỉ định thực hiện bổ sung phương pháp hình ảnh này để cung cấp thêm thông tin về cấu trúc và chức năng của tim. 
  • Chụp mạch vành: xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra liệu các động mạch có bị thu hẹp hoặc bị tắc do bệnh mạch vành không.

Ngoài các kỹ thuật xét nghiệm trên, bác sĩ cũng sẽ thực hiện việc chẩn đoán loại trừ các bệnh lý tim mạch khác cũng có thể gây suy tim như nhồi máu cơ tim, tim bẩm sinh, van tim, viêm cơ tim, tăng áp động mạch phổi,…

Điều trị cơ tim chu sản

Mục tiêu điều trị bệnh cơ tim chu sinh là giữ cho lượng dịch dư thừa không bị tích tụ trong phổi, kiểm soát được triệu chứng và giúp tim hồi phục tốt nhất có thể. Bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa bằng một số loại thuốc sau để cải thiện các triệu chứng: 

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc lợi tiểu
  • Digoxin
  • Thuốc chống đông máu

Một số thuốc có khả năng tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi hoặc bài tiết vào sữa mẹ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì lý do đó mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị riêng cho từng trường hợp, tùy thuộc vào thời điểm phát triển bệnh là trong thai kỳ hay sau khi sinh. 

Nếu phương pháp điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc bệnh phát triển nặng hơn, bệnh nhân có thể cần phải cấy ghép tim. 

Tuân theo chế độ ăn ít muối để kiểm soát huyết áp, tránh hoàn toàn rượu và thuốc lá cũng là một biện pháp kết hợp trong điều trị cơ tim chu sản.

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh cơ tim chu sinh

phòng ngừa cơ tim chu sinh

Phần lớn phụ nữ mắc bệnh cơ tim chu sản nếu được điều trị thích hợp sẽ có chức năng tim bình thường trở lại sau 6 tháng, trường hợp nặng hơn có thể mất vài năm cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên ở một số trường hợp, ngay cả khi đã điều trị thành công bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn trong suốt quãng đời còn lại. 

Đối với phụ nữ đã bị cơ tim chu sản trong khi mang thai, nhiều khả năng sẽ bị mắc lại trong những lần mang thai tiếp theo, ngay cả khi đã bình phục hoàn toàn. Ở những lần mang thai sau, các triệu chứng của suy tim có thể tồi tệ hơn trước. 

Chính vì vậy mà việc phòng ngừa bệnh cơ tim chu sinh có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe của phụ nữ. Đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Một số thói quen trong lối sống hằng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo và ít muối
  • Không hút thuốc lá
  • Không sử dụng rượu
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Mặc dù bệnh cơ tim chu sinh là một tình trạng nghiêm trọng, nhưng điều may mắn là nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp thì khả năng hồi phục rất lớn. Các biến chứng nặng thường xuất hiện khi bệnh được phát hiện muộn, vì thế việc thường xuyên theo dõi các biểu hiện của cơ thể và thăm khám định kỳ là việc làm rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 23/02/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo