Cụ thể, huyết áp tâm thu cao không kiểm soát được có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ, hẹp động mạch cảnh
- Nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực
- Suy tim, phì đại tâm thất trái
- Bệnh mạch máu ngoại vi
- Bệnh suy thận mãn tính, protein niệu, tăng creatinin huyết thanh
- Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị
- Rối loạn cương dương.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Huyết áp tâm thu cao là tình trạng diễn tiến mạn tính và nguy hiểm. Vì vậy, bệnh nhân nên cần được điều trị lâu dài, đúng và đủ hằng ngày, đồng thời theo dõi đều đặn. Mục tiêu điều trị là nhằm duy trì huyết áp mục tiêu (chỉ số huyết áp dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu có thể; với người có nguy cơ tim mạch thì cần duy trì dưới 130/80mmHg) và giảm tối đa các nguy cơ biến chứng khác trên tim mạch.
Tùy thuộc vào mức độ cao huyết áp, các nguy cơ biến chứng và khả năng bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích hay chưa để bác sĩ xem xét chỉ định các thuốc kiểm soát huyết áp phù hợp.
Trong các thuốc để hạ huyết áp dùng điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc, ưu tiên sử dụng đầu tay là thuốc lợi tiểu giống thiazide và thuốc chặn canxi. Thuốc hàng thứ hai gồm thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II. Đa số bệnh nhân cần phối hợp hai hoặc nhiều thuốc để giảm được áp huyết hiệu quả.
Tuy nhiên, điều quan trọng trong việc điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc là không ảnh hưởng hay làm cho huyết áp tâm trương giảm xuống quá thấp. Nếu tình trạng đó xảy ra, bệnh nhân có thể mắc phải các biến chứng nguy hiểm khác.
Cuối cùng, bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra tình trạng huyết áp và đảm bảo việc điều trị đang phát huy hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, thói quen tự theo dõi huyết áp tại nhà cũng cần được khuyến khích nhằm giúp bệnh nhân tự theo dõi tình trạng sức khỏe của mình tốt hơn.
Phòng ngừa
Những biện pháp phòng ngừa bệnh tiến triển

Ngoài việc dùng thuốc để điều trị, thay đổi lối sống cũng có thể giúp cải thiện chỉ số huyết áp tâm thu và nhất là phòng ngừa từ sớm. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ kali và các khoáng chất. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo; hạn chế món ăn nhiều cholesterol và axit béo bão hòa như mỡ, da, nội tạng động vật, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp…
- Giảm ăn mặn, hạn chế dưới 1 thìa cà phê muối mỗi ngày.
- Cố gắng giảm cân lành mạnh nếu đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
- Tăng hoạt động thể chất lên ít nhất 150 phút/tuần với các hình thức và mức độ vừa phải phù hợp. Hãy giảm cân để có chỉ số khối BMI ở mức từ 18.5 – 22.9 kg/m2, vòng bụng nam dưới 90cm, vòng bụng nữ dưới 80cm.
- Hạn chế uống rượu không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới.
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào hoàn toàn.
- Tránh lo âu căng thẳng về mặt tinh thần, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý.
- Không để cơ thể bị lạnh đột ngột, bỏ thói quen tắm ban đêm nếu có.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã biết rõ hơn về căn bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc, cũng như biết cách phòng ngừa và điều trị tình trạng này một cách hiệu quả nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!